• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 02/04/2004

CÔNG VĂN

CỦA BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 1000/LĐTBXH-BTXH NGÀY 2 THÁNG 4 NĂM 2004 VỀ VIỆC CHÍNH SÁCH CỨU TRỢ XÃ HỘI

 

Kính gửi: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

 

Năm 2003 mưa lũ, lụt, lốc đã xảy ra ở 44 tỉnh làm cho 332 người chết; 420 người bị thương; 5.286 nhà bị đổ, trôi, 256.493 nhà ngập, 23.267 nhà hư hỏng; 221.597 ha lúa, hoa màu bị ngập; thiệt hại ước tính 1.825 tỷ đồng. Hạn hán đầu năm 2003 đã làm cho 222.067 hộ (1.123.550 khẩu) bị thiếu đói.

Trước tình hình thiếu đói và thiên tai Chính phủ đã hỗ trợ 152,3 tỷ đồng và 4.100 tấn gạo cho các tỉnh bị thiệt hại nặng để cứu đói, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Các địa phương cũng đã chủ động huy động 41.980 triệu đồng, 598 tấn gạo, phương tiện tàu thuyền xuồng máy... Kịp thời cứu trợ cho nhân dân vùng bị ngập; một số tỉnh ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên đã lập Quỹ cứu trợ xã hội dự phòng ở xã, huyện miền núi có nhiều khó khăn nên khi thiên tai, hoả hoạn xảy ra đã tổ chức cứu trợ kịp thời cho những hộ gia đình bị nạn. Bên cạnh những địa phương làm tốt công tác phòng chống thiên tai cứu trợ kịp thời cho dân như Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Quảng Ninh ..., Vẫn còn một số tỉnh lúng túng bị động khi thiên tai xảy ra.

Để công tác phòng chống thiên tai có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản, đồng thời đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân yên tâm sản xuất, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt một số việc sau đây:

1. Đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu trợ xã hội năm 2003 và những tháng đầu năm 2004 ở từng cấp, từng ngành, đặc biệt là những vùng đã xảy ra thiên tai, xây dựng kế hoạch và các phương án cứu hộ, cứu trợ đảm bảo đời sống dân sinh một cách cụ thể, nhất là việc tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở xã, huyện thuộc vùng phân lũ và những vùng xung yếu nhằm kịp thời xử lý tình huống đột xuất, hạn chế thiệt hại thấp nhất về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

2. Khi thiên tai xảy ra trên diện rộng, Uỷ ban nhân dân các cấp thành lập Ban chỉ đạo vận động, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ do 1 đồng chí lãnh đạo Uỷ ban nhân dân làm trưởng Ban, các Ban ngành, Đoàn thể tham gia, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội làm thường trực. Ban chỉ đạo có trách nhiệm tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ; chỉ đạo thành lập các đội xung kích bằng các hình thức thích hợp để thực hiện cứu trợ khẩn cấp, kịp thời cho nhân dân, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng bị cô lập; chỉ đạo tổ chức vận động cứu trợ xã hội ở các cấp; thực hiện tốt chế độ thống kê, báo cáo từ cơ sở đến Trung ương.

3. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng xung yếu thường xảy ra lũ quét, vùng cửa sông, ven biển thường bị ngập sâu và đặc biệt vùng có nguy cơ sạt lở, vùng phân lũ, chậm lũ phải có phương án tổ chức di dời dân về nơi an toàn; có kế hoạch và vận động nhân dân củng cố nhà ở, dự phòng lương thực, thực phẩm, chất đốt, thuốc men, các vật dụng thiết yếu khác; quán triệt và thực hiện phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Những xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, đề nghị UBND tỉnh bố trí một khoản kinh phí làm Quỹ cứu trợ dự phòng và giao cho UBND xã chịu trách nhiệm quản lý, cứu trợ kịp thời cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

4. Mức hỗ trợ:

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo xã hội, quỹ dự phòng từ ngân sách của địa phương, nguồn ủng hộ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, căn cứ vào tình hình thực tế ở từng địa bàn, mức độ thiệt hại của từng gia đình để quyết định mức hỗ trợ như sau:

- Hộ có người chết:                                                    1 - 2 triệu đồng/người

- Hộ có người bị thương nặng (phải vào viện):                05, triệu đồng/người

- Hộ có nhà bị đổ, sập, trôi:                                         2 - 3 triệu đồng/hộ

- Nhà bị hỏng nặng:                                                    1 - 1,5 triệu đồng/hộ

- Hỗ trợ lương thực:       10 kg gạo/người/tháng, cứu trợ khẩn cấp 1 đến 2 tháng.

5. Thực hiện đúng quy trình cứu trợ xã hội đột xuất theo Nghị định 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính phủ, Thông tư 18/2000/TT-BLĐTBXH ngày 28/7/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích, sớm khắc phục hậu quả về đời sống dân sinh. Trường hợp do thiên tai nặng nề, xảy ra trên diện rộng, nguồn kinh phí đảm bảo xã hội, quỹ dự phòng vẫn không đủ cứu trợ khẩn cấp cho dân, Uỷ ban nhân dân cần huy động ngay các nguồn lực khác để cứu trợ kịp thời cho dân và báo cáo ngay các cơ quan chức năng để trình Chính phủ bổ sung kịp thời, kiên quyết không để dân chết vì đói, rét do cứu trợ không kịp thời, do thiếu tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng, Uỷ ban nhân dân các cấp.

A. Uỷ ban nhân dân cấp xã: Tiến hành lập danh sách đối tượng cần cứu trợ, thông qua Hội đồng xét duyệt gồm Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Chủ tịch hội đồng, thành viên Hội đồng gồm: đại diện Mặt trận Tổ quốc, một số Ban, Ngành; cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội làm uỷ viên thường trực. Hội đồng xét duyệt phải kết luật bằng biên bản và danh sách kèm theo.

Sau khi được Hội đồng xét duyệt thông quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có công văn đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét quyết định, kèm theo công văn phải có biên bản của Hội đồng xét duyệt, danh sách hộ gia đình, cá nhân đề nghị được cứu trợ; lập sổ tiếp nhận, phân phối tiền, hàng, cứu trợ; tổ chức thực hiện cứu trợ trực tiếp, kịp thời đến các đối tượng. Trong trường hợp phải cứu đói khẩn cấp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định và tổng hợp báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

B. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Tổ chức Lao động Xã hội cấp huyện: Tổng hợp các đối tượng cứu trợ do Uỷ ban nhân dân các xã đề nghị; căn cứ vào nguồn kinh phí cứu trợ của huyện và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện quyết định trợ cấp, cứu trợ; hướng dẫn các xã bị ngập lũ tổ chức thực hiện cứu trợ cho các đối tượng.

C. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổng hợp danh sách đối tượng cứu trợ do Uỷ ban nhân dân các huyện bị ngập lũ đề nghị; căn cứ vào kinh phí của tỉnh, trợ cấp của Trung ương, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, lập phương án cứu trợ gửi Sở Tài chính - Vật giá, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định. Nếu nguồn tài chính trên không đủ thì tỉnh, thành phố có báo cáo Chính phủ (đồng gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính) đề nghị Trung ương hỗ trợ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí cán bộ theo dõi nắm tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn, chủ động đề xuất các chủ trương biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả, cứu trợ kịp thời cho những người bị thiệt hại, thực hiện tốt những vấn đề nêu trên và báo cáo kết quả về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.