• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 04/05/1992

CÔNG VĂN

CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRUNG ƯƠNG
SỐ 137-QLTT-TW NGÀY 4 THÁNG 5 NĂM 1992 VỀ VIỆC

QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG THUỐC CHỮA BỆNH

 

KÍNH GỬI: BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG CÁC TỈNH,
THÀNH PHỐ THUỘC TRUNG ƯƠNG

 

Qua báo cáo của nhiều địa phương về tình hình hàng giả thì bức bách và phức tạp nhất hiện nay là việc chống tệ sản xuất và buôn bán thuốc chữa bệnh giả. Thuốc giả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng người bệnh. Thuốc giả khó phát hiện so với các hàng giả khác; người mua dễ bị lừa. Dùng thuốc giả không chữa khỏi bệnh mà bệnh sẽ nặng thêm và có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm chết người, nhất là đối với trẻ em.

Để tăng cường hiệu lực cuộc đấu tranh chống tệ kinh doanh thuốc chữa bệnh giả, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương lưu ý các đồng chí:

1.Về tổ chức: Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố cần có thêm đồng chí Phó giám đốc Sở Y tế làm thành viên kiêm chức.

2. Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức truyền đạt các luật lệ về Dược và Thông tư Liên Bộ Y tế - Nội vụ số 27/TT-LB ngày 24-12-1990 về việc lập lại thị trường thuốc và phòng chống thuốc giả cho các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, trọng điểm là các quy định sau đây:

a) Chỉ Sở Y tế mới có quyền cấp giấy chứng nhận hành nghề về y và dược. Chỉ khi đã có giấy chứng nhận hành nghề do Sở Y tế cấp thì Uỷ ban nhân dân quận, huyện mới được cấp giấy phép cho tư nhân kinh doanh buôn bán thuốc chữa bệnh và tổ chức khám, chữa bệnh. Một khi giấy chứng nhận hành nghề đã bị Sở Y tế thu hồi thì giấy phép kinh doanh đương nhiên không còn giá trị. Mọi tổ chức và cá nhân kinh doanh buôn bán thuốc chữa bệnh một cách trái phép đều phải bị xử lý.

b) Thuốc chữa bệnh lưu hành trên thị trường phải có số đăng ký hợp pháp; mua bán phải có hoá đơn; người kinh doanh buôn bán thuốc chữa bệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ của loại thuốc mà mình kinh doanh.

3. Khi kiểm tra thuốc chữa bệnh, cần chú ý thị trường nông thôn (trong 416 mặt hàng thuốc giả đã phát hiện ở 12 tỉnh thì 163 là ở xã). Cần có cán bộ am hiểu về dược tham gia mỗi khi kiểm tra thuốc chữa bệnh trên thị trường. Việc xử lý các vi phạm thì căn cứ vào Nghị định 140/ HĐBT ngày 25-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan. Đối với các vụ vi phạm nghiêm trọng, cần xử lý nghiêm khắc trước pháp luật.

Nhận được công văn này, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch triển khai ngay. Có khó khăn, vướng mắc gì thì báo cáo cho Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương biết.