• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 25/06/1968

CÔNG VĂN

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 1603/QLNĐ NGÀY 25 THÁNG 6 NĂM 1968
VỀ VIỆC THÁO DỠ, DỊCH CHUYỂN NHÀ CỬA Ở THÀNH PHỐ, THỊ XÃ

 

Thời gian vừa qua, trước tình hình địch tăng cường bắn phá các thành phố, thị xã, một số địa phương đã quyết định cho tháo dỡ nhà cửa ở những khu vực trọng điểm đem đi làm nhà ở nơi sơ tán. Việc tháo dỡ này là cần thiết trong chừng mực nhất định nhằm hạn chế bớt sự thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân. Song cũng có những cơ quan đã nhận tình hình đó, tháo dỡ cả những nhà còn tốt không nằm trong khu vực trọng điểm; thậm chí còn lấy vật liệu đem bán nên đã phát sinh hiện tượng tham ô, lãng phí.

Trong khu vực nhà cửa của tư nhân, có người đi sơ tán đã nhân tình hình vật liệu khan hiếm đem bán nhà của mình ở thành phố, thị xã cho nông dân tháo dỡ đem về nông thôn.

Tình hình tháo dỡ nói trên đã có ảnh không tốt trong nhân dân và sẽ gây ra nhiều khó khăn cho Nhà nước trong việc giải quyết nhà ở cho cán bộ và nhân dân ở thành phố, thị xã sau này khi hoà bình lập lại.

Sở dĩ có tình trạng trên là do:

- Có nhận thức cho rằng nhà cửa không tháo dỡ, địch ném bom bắn phá cũng sẽ mất.

- Việc tháo dỡ không có quy định cụ thể và không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

- Nhà cửa là tài sản quan trọng của Nhà nước và của nhân dân, không phải một lúc mà xây dựng được, do đó bất kể trong tình hình nào cũng phải được bảo quản thật tốt; hết sức tránh tình trạng để nhà cửa bị hư hao không phải do địch phá hoại mà là do chúng ta thiếu kế hoạch bảo quản chu đáo.

Vì vậy, Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý nhà cửa ở các thành phố, thị xã, ở những nơi nhà cửa đã bị địch bắn phá thì phải tổ chức thu dọn nhanh chóng để giữ lấy vật liệu. Ở những nơi nhà cửa chưa bị địch bắn phá thì vẫn phải tiến hành bảo vệ và sửa chữa thường xuyên để giữ lấy vốn nhà cửa còn lại. Riêng việc tháo dỡ nhà cửa thì Bộ hướng dẫn như sau:

1. Các địa phương chỉ được tháo dỡ những trường hợp:

Nhà đã quá hư hỏng xét không thể sửa chữa được nữa, hoặc sửa chữa cũng tốn kém gần bằng xây dựng mới, nếu không dỡ đi thì có thể sập đổ, gây tai nạn bất ngờ.

Nhà ở các khu vực trọng điểm như gần cầu, sân bay, đường giao thông quan trọng, khu vực quân sự v.v... Những khu vực trọng điểm đó Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Nhà nằm trong phạm vi quy hoạch thành phố, sau này cũng phải tháo dỡ, di chuyển để xây dựng mới.

Nhà tre lá, toóc-xi, kiến trúc đơn giản cần dỡ đi, vì để lâu không có người ở sẽ hư nát.

2. Việc tháo dỡ nhà cửa của địa phương phải do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép, căn cứ theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà, đất.

3. Nhà cửa của tư nhân muốn tháo dỡ cũng phải xin phép Uỷ ban hành chính địa phương. Cơ quan quản lý nhà, đất có trách nhiệm giúp Uỷ ban hành chính thẩm tra, xem xét hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để giải quyết cho thoả đáng. Nếu gia đình nào di chuyển hẳn về ở nông thôn mà nhà cửa của họ không thuộc loại nói ở điểm 1 trên, thì giúp đỡ cho họ bán lại cho người khác sử dụng, hoặc nếu có thể trị giá vật liệu thì để cơ quan quản lý nhà, đất mua lại, không nên để họ tháo dỡ bừa bãi, cần giải thích kỹ để họ tự nguyện, nhất là cần giáo dục để ngăn ngừa động cơ xấu muốn bán chạy nhà trong lúc chiến tranh để sau này lại ở thuê nhà của Nhà nước.

4. Vật liệu tháo dỡ thu dọn cần được quản lý như sau:

Nhà cửa của cơ quan tự quản thì do các cơ quan tự sử dụng vật liệu vào việc sửa chữa hoặc xây dựng lại nhà cửa của mình. Nếu vật liệu đem bán đi thì tiền thu được phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.

- Nhà vắng chủ, nhà cải tạo, nhà công do cơ quan quản lý nhà, đất quản lý, thì việc tháo dỡ và thu hồi vật liệu do cơ quan quản lý nhà, đất phụ trách để quản lý vật liệu thu được theo chính sách đối với nhà vắng chủ, nhà cải tạo và nhà của Nhà nước. Tiền bán vật liệu thì cơ quan quản lý nhà, đất được phép giữ lại để sử dụng theo quy định trong Thông tư số 75/TTg ngày 17 tháng 7 năm 1962 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 05/LBTT ngày 12 tháng 2 năm 1966 của liên Bộ Nội vụ - Tài chính.

Trong lúc tình hình vật liệu đắt và khan hiếm, cơ quan quản lý nhà, đất cần giám sát chặt chẽ việc tháo dỡ và việc bán vật liệu để tránh mọi hiện tượng tham ô, lãng phí có thể xảy ra.

5. Nhà cửa của cơ quan Trung ương đóng ở địa phương (trừ Hà Nội) cũng phải được Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố giám sát việc tháo dỡ, theo sự uỷ quyền của Bộ Nội vụ.

Trên đây là một số điểm cần thiết để các địa phương vận dụng trong khi thực hiện. Có điểm nào chưa rõ hoặc còn thiếu, đề nghị phản ánh để Bộ Nội vụ bổ sung thêm.