• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày ban hành: 05/05/1980
  • Ngày có hiệu lực: 01/06/1980

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 5-NH/TT NGÀY 5-5-1980 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 32-CP NGÀY 31-1-1980
CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH

VIỆC CHUYỂN NGOẠI TỆ VÀO VIỆT NAM

 

Ngày 31/1/1980, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định số 32-CP về chính sách khuyến khích việc chuyển ngoại tệ vào Việt Nam.

Căn cứ điều 4 của quyết định nói trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành thống nhất các vấn đề cụ thể sau đây.

 

I. NGOẠI TỆ, VÀNG, KIM LOẠI QUÝ
CHUYỂN VÀO VIỆT NAM

1. Ngoại tệ chuyển vào Việt Nam bán cho Nhà nước được hưởng chế độ ưu đãi bao gồm tiền mặt, giấy tờ có giá đã khai trình hợp lệ khi nhập cảnh và ngoại tệ chuyển khoản qua Ngân hàng ngoại thương Việt Nam.

A. Ngoại tệ tiền mặt là giấy bạc ngân hàng đang lưu hành của nước ngoài bao gồm các loại sau đây:

- Phờ răng Pháp,

- Phờ răng Thuỵ Sĩ,

- Mác Tây Đức,

- Bảng Anh,

- Đô la Hồng Kông,

- Đô la Mỹ.

B. Giấy tờ có giá là những giấy tờ có giá trị thanh toán bằng ngoại tệ tư bản nói trên (a) mà Ngân hàng ngoại thương Việt Nam có thể thanh toán (tiêu thụ) được với ngân hàng nước ngoài.

C. Ngoại tệ chuyển khoản là ngoại tệ ghi trên các chứng từ thông qua các hình thức thanh toán giữa ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng ngoại thương Việt Nam, bằng các loại ngoại tệ nói trên (a) và các loại ngoại tệ có thể chuyển đổi được khác do Ngân hàng ngoại thương Việt Nam thông báo từng thời kỳ.

2. Vàng, kim loại quý chuyển vào Việt Nam hợp pháp, bán cho Nhà nước được hưởng chế độ ưu đãi bao gồm các loại sau đây: vàng, bạc, bạch kim, kim cương.

 

II. CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐƯỢC ÁP DỤNG TRONG VIỆC CHUYỂN NGOẠI TỆ, VÀNG, KIM LOẠI QUÝ VÀO VIỆT NAM

3. Người được hưởng chế độ ưu đãi nói trong quyết định số 32-CP là các tổ chức và cá nhân nhận được ngoại tệ, hoặc vàng, kim loại quý (gọi chung là ngoại hối) chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam đã bán lại cho Nhà nước hoặc gửi vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam.

Người được hưởng chế độ ưu đãi bao gồm:

- Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (kể cả cán bộ, công nhân, học sinh hiện đang công tác, học tập ở nước ngoài);

- Người Việt Nam và người thân trong gia đình họ (vợ hoặc chồng, con) làm ăn sinh sống ở nước ngoài;

- Các tổ chức kinh tế khoa học- kỹ thuật, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các đoàn thể nhân dân được Nhà nước thừa nhận và không thuộc diện cấp phát kinh phí của ngân sách Nhà nước;

- Ngoại kiều cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Mức phụ cấp ưu đãi:

A. Số ngoại tệ bán để lấy đồng Việt Nam tính theo tỷ giá mua giao dịch hiện hành có từ:

- 500 đồng Việt Nam trở xuống, được cộng thêm 100% phụ cấp vào tỷ giá mua;

- Trên 500 đồng đến 1500 đồng Việt Nam, được cộng thêm 120% phụ cấp vào tỷ giá mua,

- Trên 1500 đồng Việt Nam, được cộng thêm 150% phụ cấp vào tỷ giá mua.

b. Bán vàng, bạc, bạch kim, kim cương lấy đồng Việt Nam được cộng thêm 30% phụ cấp vào giá mua kinh doanh hiện hành do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

5. Người bán ngoại hối lấy đồng Việt Nam, ngoài phụ cấp ưu đãi (điểm 4) còn được cấp giấy chứng nhận đã thu đổi ngoại hối để làm căn cứ mua hàng tại các cửa hàng đặc biệt (theo hướng dẫn trong thông tư liên Bộ Ngân hàng Nhà nước - Tài chính - Ngoại thương).

6. Người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có tiền Việt Nam do bán ngoại hối gửi vào quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa, sẽ được hưởng lãi suất bằng 150% mức lãi suất trả cho người gửi tiết kiệm ở trong nước và được dự quay sổ mở thưởng. Vốn và lãi tiết kiệm không được chuyển ra nước ngoài, không được cấp giấy chứng nhận đã thu đổi ngoại hối.

7. Người Việt Nam cư trú ở nước ngoài được mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ tại Ngân hàng ngoại thương Việt Nam, và được hưởng lãi theo lãi suất thị trường tiền tệ thế giới do Ngân hàng ngoại thương Việt Nam công bố trong từng thời gian; được miễn các lệ phí; vốn và lãi tiền gửi ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài. Nếu bán lại cho ngân hàng để lấy tiền Việt Nam được hưởng mọi quyền lợi như quy định tại điểm 4, 5 và 6 nói trên.

 

III. BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH

8. Ngân hàng ngoại thương Việt Nam có trách nhiệm:

- Hướng dẫn kiểm tra và tổ chức thực hiện việc thu mua ngoại tệ và việc mở, sử dụng tài khoản tiền gửi ngoại tệ của Việt kiều tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo;

- Thông báo các loại ngoại tệ mua bằng chuyển khoản và mức lãi suất tiền gửi ngoại tệ từng thời kỳ;

- Hướng dẫn thủ tục cấp và sử dụng giấy chứng nhận đã thu đổi ngoại hối.

9. Công ty, cửa hàng kinh doanh vàng, bạc các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm thu mua vàng và kim loại quý của Việt Nam theo chế độ ưu đãi nói trong thông tư này. Ngân hàng ngoại thương Việt Nam và Công ty vàng bạc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận đã thu đổi ngoại hối cho những Việt kiều bán vàng và kim loại quý tại các cửa hàng nói trên.

10. Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa trung ương có trách nhiệm hướng dẫn việc tổ chức thu nhận và quản lý tiền gửi tiết kiệm của Việt kiều.

11. Những Việt kiều hiện có số dư trên các tài khoản tiền gửi tiết kiệm, tài khoản tiền gửi ngoại tệ được hưởng chế độ ưu đãi (nói ở điểm 6 và 7) kể từ ngày thông tư này có hiệu lực.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/1980, các văn bản trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Việc thu nhận và trả tiền kiều hối mấy năm qua còn có những sai sót và chậm trễ, gây khó khăn trở ngại cho người nhận tiền. Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng ngoại thương các cấp phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện việc trả tiền thuận tiện và nhanh chóng nhằm góp phần tăng thu ngoại tệ cho Nhà nước.