CHỈ THỊ
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
SỐ 60/1998/CT-BGD&ĐT NGÀY 02/11/1998 VỀ VIỆC
TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA
TRONG NGÀNH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO
Trong thời gian qua, ngành giáo dục - đào tạo đã có nhiều cố gắng đổi mới công tác thanh tra giáo dục. Bộ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy và văn bản chỉ đạo nghiệp vụ về thanh tra giáo dục. Nhiều địa phương và cơ sở giáo dục - đào tạo đã cố gắng thực hiện những chủ trương biện pháp đó, đưa lại một số kết quả tốt.
Tuy nhiên, do nhận thức của xã hội và của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành về công tác này chưa đầy đủ nên tổ chức, hoạt động và hiệu lực của công tác thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo:
- Lực lượng thanh tra các cấp chưa được tăng cường đúng mức vế số lượng và chất lượng để đủ sức thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu mới.
- Thanh tra việc thực hiện các chủ trương chính sách về giáo dục, các quy định của Bộ chưa thường xuyên, chưa góp phần tích cực vào việc phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong công tác giáo dục, đào tạo.
- Công tác thanh tra dạy, học của các nhà trường và thanh tra giáo viên mầm non, phổ thông ở một số địa phương tuy có cố gắng đảm bảo về số lượng nhưng việc đánh giá, phân loại chưa sát đúng. Công tác thanh tra, kiểm tra trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp còn hạn chế, một phần do chưa được quy định và hướng dẫn đầy đủ.
Việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo còn chậm; việc tiếp dân chưa có nền nếp.
Để tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết TW 2 về giáo dục và đào tạo, Bộ yêu cầu các cấp quản lý, hiệu trưởng các trường và thủ trưởng các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các việc sau đây:
1. Nâng cao nhận thức về công tác thanh tra.
Các cấp quản lý trong toàn ngành cần quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết TW2 về giáo dục, đào tạo; kiểm điểm những thiếu sót, yếu kém trong công tác thanh tra. Phải coi thanh tra là một hoạt động quản lý rất quan trọng để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của ngành, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, ngăn ngừa, xử lý nghiêm túc, kịp thời những hiện tượng tiêu cực, góp phần điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quản lý chỉ đạo của ngành.
Các cơ quan thông tin báo chí của ngành cần tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong và ngoài ngành về công tác thanh tra giáo dục, phổ biến kinh nghiệm của những điển hình tốt về công tác thanh tra. Mặt khác, cần phê phán những hiện tượng tiêu cực, sai trái nhằm hỗ trợ cho hoạt động thanh tra.
2. Củng cố tổ chức và xây dựng lực lượng thanh tra các cấp.
- Cơ quan Thanh tra Giáo dục của Bộ phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm soạn thảo để Bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra cho các cấp quản lý giáo dục và đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng. Đồng thời, soạn thảo để trình Chính phủ ban hành các quy định mới về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục.
- Các Sở Giáo dục - Đào tạo cần thực hiện đúng các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Thanh tra Sở và mối quan hệ với các bộ phận chức năng, đảm bảo hoạt động thanh tra kịp thời, có hiệu lực.
- Lựa chọn, bổ sung cán bộ cho cơ quan thanh tra các cấp, đảm bảo về số lượng và chất lượng. Các Sở cần điều chỉnh cán bộ các bộ phận chuyên môn để tăng cường biên chế chuyên trách cho Thanh tra Sở (các cán bộ này có thể kiêm nhiệm việc chỉ đạo chuyên môn).
Các Phòng Giáo dục - Đào tạo cần cử một cán bộ làm thường trực thanh tra (có thể kiêm việc khác) để giúp Trưởng Phòng quản lý mặt hoạt động này.
- Xem xét bổ nhiệm lại Thanh tra viên kiêm nhiệm các cấp đã hết nhiệm kỳ. Không bổ nhiệm những người không đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực làm thanh tra viên; miễn nhiệm kịp thời những người phạm khuyết điểm không còn đủ tiêu chuẩn.
- Thanh tra Giáo dục cấp trên tăng cường kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ công tác thanh tra của các đơn vị trực thuộc.
- Các Trường Cán bộ quản lý của Bộ phối hợp với Thanh tra Giáo dục xây dựng chương trình, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra các cấp. Trong năm 1999 mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra tại hai trường này.
3. Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra.
Coi trọng toàn diện các nội dung thanh tra quản lý, thanh tra chuyên môn và thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, cần tập trung thích đáng cho hoạt động thanh tra chuyên môn.
- Về công tác quản lý, tổ chức thanh tra trên diện rộng việc thực hiện các quy định của ngành trong việc chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp:
+ Việc chấp hành các quy định về việc mở các loại trường lớp (công lập, dân lập, bán công, tư thục, trường chuyên), các lớp đào tạo không tập trung, lớp đặt ngoài trường, việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh.
+ Thực hiện chương trình, tuân thủ các quy định về học thêm, dạy thêm.
+ Thực hiện quy chế tuyển sinh, đánh giá học sinh, sinh viên, thi tốt nghiệp, cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
+ Chấp hành quy định về việc thu và sử dụng các khoản thu trong các trường.
+ Việc quản lý tài chính, tài sản, các dự án, nhất là các dự án do Quốc tế tài trợ, các đề tài nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đào tạo.
+ Thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên.
- Tích cực thực hiện các quy định của Bộ về thanh tra trường học, thanh tra đánh giá lao động sư phạm của giáo viên. Bảo đảm về định mức số lượng giáo viên được thanh tra, chú ý đánh giá xếp loại chính xác, có tác dụng thúc đẩy giáo viên nâng cao tay nghề, hiệu trưởng chấn chỉnh công tác quản lý.
- Giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo mà xã hội quan tâm, không để tồn đọng kéo dài; kiên quyết xử lý những vấn đề đã được kết luận. Nhanh chóng xem xét kết luận đúng sai các vấn đề do các phương tiện thông tin đại chúng nêu ra, kịp thời trả lời trước công luận. Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục các cấp và hiệu trưởng các trường nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp dân.
4. Chấn chỉnh lề lối công tác thanh tra.
- Thủ trưởng các cơ quan quản lý giáo dục định kỳ chủ động xác định trọng tâm công tác thanh tra; nghe và giải quyết các vấn đề do thanh tra đặt ra. Trường hợp cần thiết phải chỉ đạo phối hợp giữa các bộ phận để giải quyết dứt điểm, phối hợp tốt công tác thanh tra với công tác tổ chức, cán bộ. Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với cán bộ thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh tra.
- Thanh tra Giáo dục các cấp phải quy định lề lối làm việc, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong và ngoài ngành giáo dục - đào tạo chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra.
- Các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ ở các cấp quản lý giáo dục - đào tạo có trách nhiệm thường xuyên cung cấp cho Thanh tra các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn.
- Qua hoạt động, Thanh tra Giáo dục các cấp đề xuất với các cơ quan quản lý các biện pháp uốn nắm những lệch lạc, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quản lý.
- Các cơ quan quản lý giáo dục khi nhận được yêu cầu của Thanh tra về giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc trách nhiệm của mình, cần xử lý kịp thời theo quy định của Pháp lệnh Khiếu nại tố cáo của công dân và báo cáo kết quả giải quyết cho cơ quan Thanh tra.
Kết quả kiện toàn bộ máy và chất lượng hoạt động thanh tra theo các nội dung trên đây sẽ là căn cứ để Bộ đánh giá chỉ tiêu thi đua về công tác thanh tra của các địa phương. Thanh tra Giáo dục, các Cơ quan thuộc Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Giáo dục - Đào tạo và Hiệu trưởng các trường quán triệt thực hiện Chỉ thị này để thực sự tăng cường công tác thanh tra giáo dục, đưa công tác thanh tra vào đúng vị trí và đạt hiệu quả mới trong toàn bộ hoạt động quản lý giáo dục - đào tạo.