THÔNG TƯ
CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
SỐ 55/2002/TT-BKHCNMT NGÀY 23 THÁNG 7 NĂM 2002
VỀ HƯỚNG DẪN THẨM ĐỊNH CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ
- Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 05 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
- Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Căn cứ Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 07 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sau đây gọi là Nghị định số 51/1999/NĐ-CP) và Nghị định số 35/2002/NĐ-CP ngày 29 tháng 03 năm 2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục A, B và C ban hành tại phụ lục kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP;
- Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 07 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 05 năm 2000 về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;
- Căn cứ Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường,
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Thông tư này hướng dẫn thẩm định công nghệ và môi trường các Dự án đầu tư ở giai đoạn xem xét cấp phép đầu tư.
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thẩm định công nghệ và môi trường các Dự án đầu tư
A) Thẩm định công nghệ các Dự án đầu tư là quá trình xem xét, đánh giá sự phù hợp của công nghệ đã nêu trong Dự án so với mục tiêu và nội dung của Dự án đầu tư trên cơ sở các chủ trương, chính sách, quy hoạch của Nhà nước tại thời điểm thẩm định Dự án.
B) Thẩm định môi trường các Dự án đầu tư là xem xét, đánh giá ảnh hưởng của Dự án tới môi trường, các biện pháp giảm thiểu các ảnh hưởng xấu đến môi trường theo các quy định hiện hành của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở kết quả xem xét, đánh giá ở các điểm a và b nói trên, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về việc có hay không nên cấp Giấy phép đầu tư (đối với Dự án đầu tư nước ngoài) hoặc Quyết định đầu tư, chấp nhận đầu tư (đối với Dự án đầu tư trong nước) cùng các vấn đề cần lưu ý (nếu có) đối với Chủ dự án.
2. Đối tượng thẩm định
A) Các Dự án đầu tư nước ngoài theo Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
B) Các Dự án đầu tư trong nước theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 07 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 07 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 05 năm 2000 về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
3. Nội dung thẩm định công nghệ và môi trường các Dự án đầu tư
A) Các sản phẩm do công nghệ tạo ra. Thị trường sản phẩm.
B) Lựa chọn công nghệ.
C) Thiết bị trong dây chuyền công nghệ.
D) Nguyên nhiên vật liệu, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất.
E) Lựa chọn địa điểm.
F) Chuyển giao công nghệ.
G) ảnh hưởng của Dự án đối với môi trường.
H) Hiệu quả của Dự án.
I) Những vấn đề khác có liên quan (nếu có).
II. NỘI DUNG CHI TIẾT THẨM ĐỊNH CÔNG NGHỆ VÀ
MÔI TRƯỜNG CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Trong Hồ sơ Dự án, cần thẩm định những nội dung sau:
1. Các sản phẩm do công nghệ tạo ra. Thị trường sản phẩm.
A) Dự báo nhu cầu thị trường (trong nước và ngoài nước) có tính đến các sản phẩm cùng loại, độ tin cậy của dự báo.
B) Dự báo thị phần của sản phẩm do công nghệ tạo ra, tỷ lệ xuất khẩu, các biện pháp tiếp thị.
C) Tính hợp lý về quy mô công nghệ, công suất cần thiết của thiết bị
D) Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
E) Khả năng cạnh tranh (về chất lượng, mẫu mã, giá thành) của sản phẩm do công nghệ tạo ra.
2. Lựa chọn công nghệ
A) Xem xét sự hoàn thiện của công nghệ: Công nghệ được áp dụng phải có tính ổn định, đã được thương mại hóa. Tuỳ loại sản phẩm và phương pháp sản xuất, sơ đồ công nghệ có thể khác nhau, nhưng đều phải thể hiện đầy đủ các công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm tạo ra được các sản phẩm đã dự kiến cả về số lượng và chất lượng.
B) Xem xét mức độ tiên tiến của dây chuyền công nghệ : Dây chuyền công nghệ đạt trình độ tiên tiến là dây chuyền sản xuất chuyên môn hoá, được tổ chức theo phương pháp cơ giới hoá, trong đó ít nhất phải có 1/3 (một phần ba) các thiết bị tự động được điều khiển theo chương trình; trên dây chuyền sản xuất không có các khâu lao động thủ công nặng nhọc; dây chuyền sản xuất được bố trí trong không gian đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Hệ thống quản lý doanh nghiệp phải là hệ thống tiên tiến (tin học hoá một số khâu như: quản lý công nghệ, vật tư, tiếp thị...).
C) Khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến theo khát niệm dây chuyền công nghệ đạt trình độ tiên tiến nêu trên, nhưng trong một số trường hợp có thể ứng dụng công nghệ thích hợp đối với trình độ sản xuất và các điều kiện của nước ta hoặc của địa phương nơi tiến hành Dự án. Cần giải trình rõ những ưu điểm khi áp dụng công nghệ này và lý giải được tính thích hợp của công nghệ được áp dụng.
D) Lựa chọn công nghệ: Trong một Dự án đầu tư có thể có một hoặc nhiều phương án công nghệ. Nếu có nhiều phương án công nghệ, cần so sánh ưu nhược điểm của từng phương án và trên cơ sở xem xét tính hoàn thiện của công nghệ, mức độ tiên tiến của dây chuyền công nghệ, tính thích hợp của công nghệ để nhận xét về phương án công nghệ đã được lựa chọn.
3. Thiết bị trong dây chuyền công nghệ:
a) Đánh giá sự phù hợp của thiết bị:
- Thiết bị trong dây chuyền công nghệ được xem xét trên cơ sở thiết bị đó có tính năng, chất lượng phù hợp với yêu cầu của công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng và số lượng như dự kiến.
- Thiết bị phải đồng bộ, nghĩa là Danh mục các thiết bị phải thể hiện khả năng thực hiện các công đoạn trong sơ đồ công nghệ, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng các sản phẩm. Cần lưu ý không để xảy ra trường hợp thiếu các thiết bị cần thiết cho dây chuyền sản xuất hoặc đưa vào Danh mục các thiết bị không thực sự cần thiết (điều này có thể xảy ra khi một bên tham gia góp vốn cho Dự án bằng thiết bị)
b) Đánh giá chất lượng của thiết bị:
Trên cơ sở Danh mục các thiết bị của Dự án đầu tư, cần xem xét
- Xuất xứ của thiết bị (nước sản xuất, công ty sản xuất)
- Năm chế tạo, ký mã hiệu của thiết bị.
- Các đặc tính, tính năng kỹ thuật.
- Các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm do thiết bị sản xuất ra.
C) Phương thức mua sắm thiết bị: có đấu thầu hay không? Lý do?
D) Đánh giá mức độ mới của thiết bị:
Trong các Dự án đầu tư, khuyến khích sử dụng các thiết bị hoàn toàn mới. Trường hợp cần nhập khẩu các thiết bị đã qua sử dụng thì phải theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.
4. Nguyên nhiên vật liệu, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất
A) Xem xét khả năng khai thác, vận chuyển, lưu giữ nguyên vật liệu để cung cấp cho Dự án.
B) Xem xét chủng loại, khối lượng, giá trị các loại linh kiện, phụ tùng hoặc bán thành phẩm phải nhập ngoại để gia công, lắp ráp, sản xuất ra sản phẩm.
Xem xét tỷ lệ nội địa hoá và kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hoá.
C) Xem xét chủng loại, khối lượng, giá trị nguyên nhiên vật liệu phải nhập ngoại, khả năng sử dụng nguyên liệu tại địa phương và trong nước, khả năng sử dụng nguyên liệu ít gây ô nhiễm môi trường.
5. Lựa chọn địa điểm
A) Xem xét sự phù hợp của địa điềm thực hiện Dự án đối với dây chuyền công nghệ.
B) Xem xét đánh giá những thuận lợi và cản trở về mặt môi trường đối với địa điểm thực hiện Dự án.
C) Những lợi thế của địa điểm được lựa chọn so với các địa điểm khác.
6. Chuyển giao công nghệ
Nếu trong Dự án đầu tư có một hoặc nhiều nội dung sau đây (được gọi là nội dung chuyển giao công nghệ) thì cần yêu cầu Chủ dự án lập Hợp đồng chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật (Nghị định số 45/1998/NĐ-CP ngày
01/07/1998 của Chính phủ quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ), các nội dung đó là:
A) Chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp.
B) Chuyển giao các bí quyết về công nghệ, kiến thức dưới dạng phương án công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, tài liệu thiết kế sơ bộ và thiết kế kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ công nghệ, phần mềm máy tính (được chuyển giao theo Hợp đồng chuyển giao công nghệ), thông tin dữ liệu về công nghệ chuyển giao có kèm hoặc không kèm theo máy móc thiết bị.
C) Chuyển giao các giải pháp hợp lý hoá sản xuất, đổi mới công nghệ.
D) Thực hiện các hình thức dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ:
- Hỗ trợ kỹ thuật trong việc lựa chọn công nghệ, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, vận hành thử các dây chuyền thiết bị.
- Tư vấn quản lý công nghệ, quản lý kinh doanh, hướng dẫn thực hiện các quy trình công nghệ được chuyển giao.
- Đào tạo huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý của công nhân, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý để nắm vững công nghệ được chuyển giao.
E) Cung cấp máy móc, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật kèm theo một hoặc một số nội dung nêu trên.
7. Ảnh hưởng của Dự án đối với môi trường
A) Xem xét các yếu tố tác động ảnh hưởng xấu đến môi trường: Các nguồn gây ô nhiễm từ các công đoạn sản xuất, các loại chất thải rắn, lỏng, khí tạo ra trong quá trình sản xuất, v.v...
B) Xem xét nguy cơ tiềm ẩn sự cố môi trường.
C) Xem xét các biện pháp xử lý để giảm thiểu các tác động ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường.
D) Xếp loại Dự án phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (Dự án loại l) hoặc lập Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường (Dự án loại II) căn cứ theo Thông tư số 490/TT-BKHCNMT ngày 29 tháng 04 năm 1998 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn lập và thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các Dự án đầu tư.
8. Hiệu quả của Dự án
Khi đánh giá hiệu quả của Dự án, trong đó có sự đóng góp của công nghệ, cần xem xét các khía cạnh sau:
A) Các lợi ích kinh tế - xã hội do Dự án mang lại (khả năng tạo năng lực sản xuất mới, ngành nghề mới, sản phẩm mới, mở rộng thị trường, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho Ngân sách Nhà nước, lợi ích kinh tế của Chủ dự án, v.v...)
B) Xem xét tính khả thi của Dự án về mặt tài chính:
- Thời gian thu hồi vốn.
- Giá trị hiện tại thuần NPV (Net Present Value).
- Tỷ suất thu hồi nội bộ IRR (lnternal Rate of Return).
9. Những vấn đề khác có liên quan (nếu có)
Ngoài nhiệm vụ chính là thẩm định về công nghệ và môi trường, cũng cần lưu ý xem xét và có ý kiến nhận xét về những vấn đề khác có liên quan như:
A) Về mục tiêu của Dự án:
- Xem xét sự cần thiết phải đầu tư.
- Xem xét sự phù hợp của mục tiêu Dự án đối với các chủ trương, chính sách, quy hoạch của Nhà nước.
B) Lao động và đào tạo:
- Xem xét phương án sử dụng lao động trong các doanh nghiệp. Ưu tiên tuyển chọn lao động là người Việt Nam (trừ các vị trí đặc biệt cần thiết phải sử dụng lao động là người nước ngoài). Khuyến khích Dự án tạo ra nhiều việc làm cho người lao động Việt Nam.
- Xem xét kế hoạch đào tạo (cả trong và ngoài nước) cho người lao động Việt Nam theo các nội dung, yêu cầu của các vị trí làm việc trong dây chuyền công nghệ.
C) An toàn và vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ:
- Xem xét về an toàn và vệ sinh lao động: các thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động, an toàn và vệ sinh lao động phù hợp với từng vị trí công việc trong dây chuyền công nghệ.
- Xem xét về phòng chống cháy nổ: Các thiết bị, dụng cụ phòng chống cháy, nổ và các thiết bị cần thiết khác có liên quan phải được trang bị theo thiết kế phù hợp với các quy định hiện hành.
D) Năng lực chuyên môn, năng lực tài chính, tư cách pháp nhân của Chủ dự án, v.v.....
III. PHƯƠNG PHÁP THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Tuỳ theo yêu cầu đối với từng Dự án, có thể tiến hành thẩm định theo các phương pháp sau:
A) Chuyên viên tự thẩm định:
Phương pháp này áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Dự án đầu tư có nội dung công nghệ rõ ràng.
- Dự án có tính chuyên ngành hoặc ý kiến của các ngành có liên quan đã rõ.
- Chuyên viên thẩm định nắm vững lĩnh vực hoạt động của Dự án đầu tư.
B) Lấy ý kiến chuyên gia:
Phương pháp này áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Chuyên viên thẩm định tuy am hiểu về lĩnh vực hoạt động của Dự án đầu tư, nhưng chưa đủ thông tin. Cần tham khảo ý kiến chuyên gia để cập nhật thông tin.
- Nội dung công nghệ đòi hỏi phải có chuyên môn sâu, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia trong ngành có liên quan để có thể có ý kiến nhận xét đầy đủ, chính xác về Dự án.
C) Tổ chức họp Hội nghị tư vấn:
Phương pháp này áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Dự án có tính liên ngành hoặc có phạm vi ảnh hưởng rộng.
- Dự án có những vấn đề phức tạp, còn có ý kiến khác nhau.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức thẩm định công nghệ và môi trường các Dự án đầu tư nhóm A và nhóm B (trừ các Dự án nhóm B được phân cấp) Văn phòng thẩm định Công nghệ và Môi trường các Dự án đầu tư là đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định.
2. Tổ chức quản lý Khoa học, Công nghệ và Môi trường của các Bộ, ngành và các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thẩm định công nghệ và môi trường đối với các Dự án đầu tư nhóm B hoặc C theo phân cấp hoặc uỷ quyền.
3. Các tổ chức Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao, Tổng Công ty 90, 91 thẩm định công nghệ và môi trường đối với các Dự án đầu tư nhóm B hoặc C theo phân cấp hoặc uỷ quyền cấp giấy phép đầu tư
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Thông tư số 1940/TT-BKHCNMT ngày 15 tháng 11 năm 1997 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thẩm định công nghệ các Dự án đầu tư trong giai đoạn xem xét cấp Giấy phép đầu tư.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để nghiên cứu, giải quyết.