THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 52/TB-VPCP
NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 2004 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA

PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC VỀ CHẤN CHỈNH QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ

XÂY DỰNG BẰNG NGUỒN VỐN NHÀ NƯỚC

 

Ngày 17 tháng 02 năm 2004, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước. Dự Hội nghị có lãnh đạo Uỷ ban nhân dân và các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Bộ, ngành, các Tổng công ty nhà nước; đại diện các Ban, ngành ở Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, đại diện một số Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Hội nghị đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về: tình hình đầu tư trong những năm qua và các biện pháp chấn chỉnh quản lý đầu tư trong thời gian tới; công tác giám sát và đánh giá đầu tư; triển khai tổ chức và hoạt động của Thanh tra Kế hoạch và Đầu tư; công tác quản lý đấu thầu. Hội nghị cũng đã nghe báo cáo của: Thanh tra Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ Hỗ trợ phát triển; báo cáo của một số tỉnh, thành phố như: thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hoá, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội.

Thanh tra Nhà nước đã nêu kết quả thanh tra một số công trình, dự án thuộc Trung ương và địa phương quản lý năm 2002 và 2003; những sai phạm về quản lý đầu tư và xây dựng, về tài chính; đồng thời phân tích nguyên nhân dẫn đến lãng phí, thất thoát của các công trình, dự án.

Hội nghị đã đi sâu đánh giá, phân tích những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng, những khó khăn, vướng mắc mà các Bộ, ngành và các địa phương đang gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển, nêu lên các nguyên nhân tồn tại như: việc huy động nguồn lực chưa cao, bố trí đầu tư dàn trải, thất thoát, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn, đầu tư không theo sát quy hoạch chưa làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp trong quá trình đầu tư, việc phát hiện vi phạm chưa kịp thời, xử lý chưa nghiêm khắc. Một số ý kiến đề cập vấn đề năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức tư vấn,..... Đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản.

Kết luật tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, có biện pháp cụ thể huy động nhiều hơn các nguồn vốn cho đầu tư phát triển để đảm bảo thực hiện được mục tiêu tăng trưởng năm 2004 đạt trên 8%, đồng thời chỉ đạo triển khai một số việc sau:

- Các ngành chức năng, các địa phương phải chấn chỉnh, nâng cao chất lượng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch các sản phẩm chủ yếu nhằm đáp ứng được các yêu cầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng vùng đảm bảo tính thống nhất của các quy hoạch.

Trong năm 2004 tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2006 - 2020 của 8 vùng kinh tế; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt, quy hoạch phát triển một số sản phẩm quan trọng cho thời kỳ 2006 - 2020, quy hoạch các sản phẩm chủ yếu. Trên cơ sở cập nhật quy hoạch, lựa chọn dự án đầu tư có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

- Các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phải thực hiện ngay việc rà soát kế hoạch phân bổ vốn đầu tư năm 2004 theo đúng Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo cơ cấu đầu tư hợp lý, đúng định hướng; kiên quyết loại bỏ những công trình, dự án không phù hợp với quy hoạch, không có hiệu quả, các dự án chưa có đầy đủ các thủ tục về đầu tư và xây dựng... Tập trung vốn để hoàn thành các dự án thuộc nhóm B trong vòng 4 năm, các dự án nhóm C trong vòng 2 năm.

- Xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp quản lý, nhất là trách nhiệm cá nhân trong từng khâu quản lý về đầu tư và xây dựng, xây dựng các chế tài cụ thể để gắn kết trách nhiệm của cá nhân và tổ chức trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các đơn giá, định mức, tiêu chuẩn trong xây dựng phù hợp với thực tế tránh sự lãng phí trong đầu tư xây dựng.

- Chủ động tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đầu tư. Thanh tra Nhà nước tổ chức các đoàn thành tra theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời các Bộ, ngành và địa phương triển khai tổ chức việc kiểm tra, thanh tra trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình.

- Tăng cường công tác giám sát đầu tư, ban hành Quy chế giám sát của cộng đồng, của các đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn. Các Bộ, ngành và địa phương tự giám sát là chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung báo cáo Chính phủ.

Về một số công việc cụ thể:

1. Trong tháng 3 năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tiến hành kiểm tra và tổng hợp tình hình triển khai kế hoạch năm 2004 của các Bộ, ngành và địa phương báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội XI tại kỳ họp thứ 5.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong năm 2004 cần tiến hành rà soát và điều chỉnh các quy hoạch phát triển vùng kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm.

Các Bộ, ngành đề xuất quy hoạch ngành quan trọng, các quy hoạch sản phẩm chủ yếu cần rà soát, điều chỉnh trong năm 2004 và đầu năm 2005.

Các quy hoạch khác sẽ tiến hành rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh để làm cơ sở cho việc bố trí các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đầu tư nói riêng trong các năm tiếp theo.

3. Bộ Xây dựng ban hành trong quý II năm 2004 các quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm, điều kiện đối với chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức tư vấn. Sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các đơn giá, định mức, tiêu chuẩn trong xây dựng phù hợp với thực tế, tránh sự lãng phí trong đầu tư xây dựng.

4. Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 22/1998/NĐ-CP phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và theo đúng quy định của Luật Đất đai. Các địa phương cần thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy hoạch và theo kế hoạch sử dụng đất đai được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trách nhiệm và quyền hạn của các cấp theo thẩm quyền trong quản lý đầu tư và xây dựng để trình Chính phủ quyết định phân cấp mạnh hơn.

6. Thanh tra Nhà nước tổ chức các đoàn thanh tra về đầu tư và sử dụng đất đai theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương triển khai tổ chức việc kiểm tra, thanh tra trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình, kịp thời phát hiện những vi phạm, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh Quy chế giám sát cộng đồng đối với các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý I năm 2004. Các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát và đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo hàng tháng, hàng quý theo quy định về việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch năm 2004 nói chung và kế hoạch đầu tư xây dựng nói riêng.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các Tổng công ty 91, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết và thực hiện.