HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
VÀ CHÍNH PHỦ HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA

TỔ CHỨC ĐẦU TƯ TƯ NHÂN HẢI NGOẠI TẠI VIỆT NAM

NGÀY 15 THÁNG 12 NĂM 2001

 

Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ,

Khẳng định lại mong muốn chung về việc thiết lập và phát triển hợp tác đầu tư giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau;

Nhận thấy rằng mục đích trên có thể được thúc đẩy thông qua hỗ trợ đầu tư dưới hình thức bảo hiểm, tái bảo hiểm đầu tư, cho vay vốn, đầu tư cổ phần và bảo lãnh đầu tư do Cơ quan đầu tư tư nhân hải ngoại (“OPIC”) – một tổ chức phát triển và là một cơ quan của Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thực hiện;

Đã thoả thuận như sau:

 

Điều 1

Các khái niệm sử dụng tại Hiệp định này được hiểu theo các nghĩa quy định dưới đây. Khái niệm “Hỗ trợ đầu tư” chỉ các khoản cho vay, đầu tư cổ phần nhằm khuyến khích hoặc hỗ trợ đầu tư của các nhà đầu tư phi chính phủ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, bảo lãnh đầu tư, bảo hiểm hoặc tái bảo hiểm đầu tư do Cơ quan hỗ trợ đầu tư thực hiện liên quan đến dự án tại lãnh thổ Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Khái niệm “Cơ quan hỗ trợ đầu tư” chỉ OPIC và cơ quan kế nhiệm của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và người đại diện của các cơ quan đó với điều kiện người đại diện đó hoạt động trong phạm vi được OPIC hoặc cơ quan kế nhiệm uỷ quyền. Khái niệm “thuế” nghĩa là tất cả các loại thuế và các nghĩa vụ tương tự thuế hiện đang áp dụng và sẽ được áp dụng sau đó bởi Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các nghĩa vụ có liên quan.

 

Điều 2

A. Cơ quan hỗ trợ đầu tư sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam áp dụng đối với các tổ chức bảo hiểm và tài chính. Ngoại trừ trường hợp Hiệp định này quy định khác, hoạt động của Cơ quan hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và quốc tế có liên quan.

B. Với tư cách là cơ quan Chính phủ hoạt động vì mục đích khuyến khích và hỗ trợ đầu tư, mọi hoạt động và giao dịch do Cơ quan hỗ trợ đầu tư thực hiện có liên quan đến các hỗ trợ đầu tư và các khoản thanh toán, như lãi tiền vay, khoản vay gốc, phí, lợi tức cổ phần, phí bảo hiểm hoặc các khoản thu nhập từ thanh lý tài sản hoặc các khoản thanh toán có tính chất khác do Cơ quan hỗ trợ đầu tư trả, nhận hoặc bảo lãnh có liên quan đến các hỗ trợ đầu tư sẽ được miễn thuế. Cơ quan hỗ trợ đầu tư sẽ không phải chịu các loại thuế liên quan đến việc chuyển nhượng, kế nhiệm hoặc mua lại được thực hiện theo Khoản (c) của Điều này hoặc Điều 3 (a) dưới đây. Mọi dự án đã được thực hiện liên quan đến các hỗ trợ đầu tư phải nộp các loại thuế hiện hành của Việt Nam, kể cả trường hợp thanh lý, nhưng sẽ được hưởng sự đối xử về thuế không kém thuận lợi hơn sự đối xử áp dụng với các dự án tương tự được hưởng lợi ích từ các chương trình hỗ trợ đầu tư của các tổ chức phát triển quốc gia hoặc đa quốc gia khác hoạt động tại Việt Nam.

C. Trường hợp Cơ quan hỗ trợ đầu tư thực hiện việc thanh toán cho các cá nhân hoặc thực thể thực hiện các quyền của người chủ nợ hoặc người thế quyền liên quan đến các hỗ trợ đầu tư thì Chính phủ Việt Nam sẽ công nhận việc chuyển nhượng hoặc mua lại của Cơ quan hỗ trợ đầu tư đối với bất kỳ khoản tiền mặt, các tài khoản, các khoản tín dụng, các chứng từ hoặc tài sản khác liên quan đến các khoản thanh toán đó, hoặc việc thực hiện các quyền đó cũng như việc kế nhiệm của Cơ quan hỗ trợ đầu tư đối với những quyền lợi, quyền sở hữu, khiếu nại, đặc quyền hoặc quyền đòi nợ đang tồn tại hoặc có thể sẽ phát sinh có liên quan đến các hỗ trợ đầu tư.

D. Đối với các lợi ích được chuyển cho Cơ quan hỗ trợ đầu tư hoặc các lợi ích do Cơ quan hỗ trợ đầu tư được hưởng theo Hiệp định này, Cơ quan hỗ trợ đầu tư sẽ có các quyền không vượt quá các quyền của cá nhân hoặc tổ chức đã chuyển giao các lợi ích đó với điều kiện không có điều khoản nào của Hiệp định này hạn chế quyền của Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, phù hợp với pháp luật quốc tế, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, đòi các quyền khác với các quyền mà Cơ quan hỗ trợ đầu tư có theo quy định của Khoản (c) của Điều này.

 

Điều 3

A) Các khoản tiền Việt Nam, bao gồm tiền mặt, tài khoản, tín dụng và các hình thức thanh toán khác do Cơ quan hỗ trợ đầu tư có được khi thực hiện việc thánh toán hoặc thực hiện các quyền với tư cách là người chủ nợ liên quan đến các hỗ trợ đầu tư do Cơ quan hỗ trợ đầu tư thực hiện đối với dự án tại Việt Nam sẽ được hưởng sự đối xử trong việc sử dụng và chuyển đổi tại lãnh thổ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không kém thuận lợi hơn sự đối xử được áp dụng đối với các khoản tiền của cá nhân hoặc thực thể mà Cơ quan hỗ trợ đầu tư có được.

B) Cơ quan hỗ trợ đầu tư có thể chuyển các khoản tiền và tín dụng nói trên cho các cá nhân hoặc tổ chức khác và khi được chuyển nhượng thì các cá nhân và tổ chức đó được tự do sử dụng tại lãnh thổ Việt Nam nhưng phải phù hợp với pháp luật Việt Nam.

 

Điều 4

A. Mọi tranh chấp giữa Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ liên quan đến việc giải thích Hiệp định này hoặc các tranh chấp mà theo ý kiến của một trong hai Bên, được coi là vấn đề của pháp luật quốc tế phát sinh từ các dự án hoặc hoạt động được hưởng các hỗ trợ đầu tư, sẽ được giải quyết, trong chừng mực có thể, thông qua đàm phán giữa hai Chính phủ. Nếu trong vòng sáu tháng kể từ khi có yêu cầu đàm phán trên đây, hai Chính phủ vẫn không giải quyết được tranh chấp, thì vụ tranh chấp, bao gồm cả vấn đề của pháp luật quốc tế hay không, sẽ được đệ trình, theo sáng kiến của bất kỳ Bên nào, ra Toà án trọng tài để giải quyết theo Khoản (b) Điều này.

Toà án trọng tài nêu tại Khoản (a) Điều này sẽ được thành lập và có các nhiệm vụ sau đây:

Mỗi Chính phủ sẽ chỉ định một trọng tài viên. Hai trọng tài viên này sẽ thoả thuận chọn Chủ tịch Toà án trọng tài là công dân của nước thứ ba và việc chỉ định đó phải được hai Chính phủ chấp thuận. Các trọng tài viên sẽ được chỉ định trong vòng 3 tháng và Chủ tịch trong vòng 6 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của một trong hai Chính phủ về việc đưa vụ tranh chấp ra xét xử tại trọng tài. Trường hợp các việc chỉ định này không được thực hiện trong thời hạn nói trên, mỗi Chính phủ có thể, nếu không có thoả thuận nào khác, yêu cầu Tổng thư ký của Trung tâm quốc tế về giải quyết các tranh chấp đầu tư (ICSID) tiến hành các việc chỉ định cần thiết. Hai Chính phủ thoả thuận chấp thuận các sự chỉ định đó.

Quyết định của Toà án trọng tài được thông qua bằng đa số phiếu và trên cơ sở những nguyên tắc và thể lệ hiện hành của pháp luật quốc tế. Quyết định của Toà án trọng tài là quyết định cuối cùng và có giá trị bắt buộc.

Trong quá trình tố tụng, mỗi Chính phủ sẽ chịu chi phí cho trọng tài viên và các đại diện của mình tham gia tố tụng trước toà án, chi phí cho Chủ tịch và các chi phí khác của trọng tài sẽ được chia đều giữa hai Chính phủ. Tại phán quyết của mình, Toà án trọng tài có thể chi lại chi phí giữa hai Chính phủ.

Toà án trọng tài sẽ quy định thủ tục riêng của mình trong mọi vấn đề.

 

Điều 5

A. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày Bên thứ 2 ký Hiệp định

B. Hiệp định này sẽ tiếp tục có hiệu lực trong vòng 6 tháng kể từ ngày nhận được thông báo của một trong hai Chính phủ về ý định chấm dứt Hiệp định. Trong trường hợp như vậy, các điều khoản của Hiệp định này liên quan đến các hỗ trợ đầu tư được thực hiện trong thời gian Hiệp định này có hiệu lực sẽ còn có hiệu lực trong khi các hỗ trợ đầu tư đó đang được thực hiện, nhưng trong mọi trường hợp không kéo dài quá 20 năm kể từ khi Hiệp định này hết hiệu lực.

Để làm bằng, những người dưới đây, được sự uỷ quyền của Chính phủ mỗi Bên, đã ký Hiệp định này.

Ký hiệp định thay mặt Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Hà Nội ngày 26 tháng 3 năm 1998,

Ký hiệp định thay mặt Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Washington D.C ngày 19 tháng 3 năm 1998.

Hiệp định này được làm theo 2 bản gốc, bằng tiếng Anh và tiếng Việt Nam, hai văn bản có giá trị như nhau.