CHỈ THỊ

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 27/2008/CT-TTg NGÀY 05 THÁNG 9 NĂM 2008

VỀ CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC ĐẤU THẦU SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC

 

Luật Đấu thầu đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2006, tiếp đó ngày 29 tháng 9 năm 2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, hiện Nghị định này đã được thay thế bằng Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2008 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 58/2008/NĐ-CP). Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện đấu thầu theo thẩm quyền quy định trong Nghị định.

Việc thực hiện đấu thầu theo Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn nêu trên đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, tăng cường tính công khai, minh bạch, cạnh tranh của công tác đấu thầu, từ đó nâng cao chất lượng công trình, hàng hóa và dịch vụ tư vấn.

Tuy nhiên, bên cạnh những Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động đấu thầu vẫn còn nhiều cơ quan chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đấu thầu; văn bản hướng dẫn về đấu thầu của một số Bộ, ngành, địa phương đưa ra quy định thiếu nhất quán hoặc không phù hợp với Luật Đấu thầu gây khó khăn trong quá trình áp dụng. Tình trạng đấu thầu hình thức, thông thầu vẫn tiếp diễn; thông tin về đấu thầu chưa được cung cấp đầy đủ để đăng tải công khai trên Báo Đấu thầu; việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu chưa thực hiện đúng quy định; nhiều địa phương lạm dụng hình thức chỉ định thầu; chưa nghiêm túc thực hiện xử lý vi phạm; chưa tuân thủ theo các mốc thời gian trong đấu thầu làm chậm trễ quá trình đấu thầu; đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu còn thiếu và năng lực hạn chế.

Các tồn tại trong công tác đấu thầu nêu trên dẫn đến hạn chế sự cạnh tranh; chất lượng dịch vụ, hàng hóa, công trình chưa cao; thời gian thực hiện kéo dài và tăng chi phí trong đấu thầu.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác đấu thầu, hiệu lực quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Tổ chức nghiên cứu, quán triệt thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn về đấu thầu.

Các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương rà soát để sửa đổi, bãi bỏ các văn bản hướng dẫn thực hiện đấu thầu không phù hợp, trái với quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP hoặc ban hành văn bản hướng dẫn mới phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu nếu thấy cần thiết. Các văn bản hướng dẫn về đấu thầu của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sau khi ban hành phải được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu để theo dõi quản lý;

b) Thực hiện nghiêm chỉnh quy định về các mốc thời gian trong đấu thầu từ khâu cung cấp thông tin, đánh giá, trình, thẩm định và phê duyệt các nội dung trong đấu thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án, bảo đảm chất lượng của dịch vụ, hàng hóa và công trình theo yêu cầu;

c) Thực hiện nghiêm túc việc phân cấp trách nhiệm trong đấu thầu theo quy định. Tăng cường vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư theo hướng tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc tố chức thực hiện đấu thầu;

d) Cung cấp đầy đủ thông tin về đấu thầu để đăng tải trên Báo Đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

đ) Chấn chỉnh việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu, không chia nhỏ gói thầu để tổ chức chỉ định thầu, lựa chọn hình thức hợp đồng không phù hợp với gói thầu dẫn đến phải điều chỉnh gây chậm trễ tiến độ, lãng phí tiền của Nhà nước; tránh phê duyệt kế hoạch đấu thầu cho từng gói thầu khi có đủ điều kiện để phê duyệt kế hoạch đấu thầu cho toàn bộ dự án;

e) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu. Lựa chọn cơ sở đào tạo đảm bảo chất lượng có uy tín, đảm bảo thời gian đào tạo tối thiểu là 3 ngày và cấp chứng chỉ về đấu thầu theo quy định;

g) Đẩy mạnh công tác đổi mới tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc yêu cầu về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định số 58/2008/NĐ-CP;

h) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát chặt chẽ hoạt động đấu thầu trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về đấu thầu (nếu có). Chấp hành nghiêm túc quy định xử lý vi phạm về đấu thầu; kịp thời kiểm điểm, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu và gửi thông tin xử lý vi phạm về đấu thầu đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp theo quy định;

i) Tổ chức giải quyết tranh chấp về đấu thầu theo thẩm quyền và đảm bảo thời gian theo quy định;

k) Chấn chỉnh công tác báo cáo về đấu thầu: nâng cao chất lượng nội dung báo cáo, bảo đảm số liệu đầy đủ, trung thực và kịp thời.

2. Tổ chức thực hiện:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát để phát hiện và yêu cầu xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trong công tác đấu thầu, trong trường hợp cần thiết đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị của doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

3. Hiệu lực thi hành: Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.

 

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng