NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ NGÀY 23 THÁNG 10 NĂM 1959
VỀ VIỆC ĐÓN TIẾP VIỆT KIỀU Ở THÁI LAN, TÂN ĐẢO, TÂN THỂ GIỚI VỀ NƯỚC

 

  Theo kết quả của những cuộc đàm phán giữa ta và Thái Lan, giữa ta và Pháp, trong khoảng 3 năm tới, kể từ tháng 1-1960 sẽ có từ 6 đến 7 vạn kiều bào phần lớn ở Thái Lan, có một số ở Tân Thế Giới, Tân Đảo và Nam Mỹ về nước: mỗi tháng có thể về đến 2.000 người.

  Việt kiều hầu hết là nhân dân lao động vì bị áp bức, bóc lột và buộc phải xa quê hương, xa Tổ quốc, nên lúc nào cũng hướng về quê hương, Tổ quốc rất mong nước nhà độc lập, mong có cơ hội trở về góp phần xây dựng đất nước, đó là nguyện vọng chính đáng của Việt kiều.

  Để biểu lộ nhiệt tình của nhân dân đối với kiều bào về nước ta và để ổn định sớm việc làm ăn của kiều bào, làm cho kiều bào đem hết khả năng và sức lao động của mình góp phần xây dựng đất nước, Hội đồng Chính phủ quyết định việc tổ chức đón tiếp và giải quyết công việc làm cho kiều bao như sau:

  Việc đón tiếp kiều bào là nhiệm vụ chung của toàn miền Bắc, của Chính phủ, các Bộ, các ngành, các địa phương. Đây là một công tác chính trị quan trọng. Phải ra sức làm công tác đó cho tốt.

  Việc đón tiếp kiều bào phải tổ chức chu đáo từ đầu đến cuối. Hình thức đơn giản, tránh phô trương lãng phí.

  Thời gian lưu lại ở các cửa khẩu và các tỉnh vừa đủ cho việc thu xếp của kiều bào, cho sự giới thiệu tình hình và nhiệm vụ trong nước và ở địa phương với kiều bào, và việc chuẩn bị giải quyết công việc làm ăn cho kiều bào. Sau đó phải giải quyết công việc làm ăn là vấn đề quan trọng bậc nhất và cũng là việc không đơn giản, giải quyết tốt việc này là điều chủ yếu trong việc đón tiếp Việt kiều.

  Trong thời gian đón tiếp, mọi chi phí do công quỹ chịu.

  ..............................................................................................................................

  ..............................................................................................................................

  Việc giải quyết công ăn việc làm cho Việt kiều là vấn đề quan trọng nhất và cũng là vấn đề khó khăn nhất, các ngành, các cấp cần phải chuẩn bị tích cực và chu đáo ngay từ bây giờ.

  Cần phát huy tinh thần tự lực cánh sinh của kiều bào, dựa vào khả năng và điều kiện sẵn có của kiều bào và gia đình dựa vào đồng bào địa phương, vào các cơ quan có trách nhiệm của địa phương, các xí nghiệp quốc doanh, theo những phương hướng sau đây:

  Người nào thuộc gia đình cán bộ, bộ đội thì dựa vào chồng con đồng thời cơ quana và đơn vị mà chồng con công tác sẽ giúp đỡ việc làm ăn sinh sống.

  Người nào có cơ sở ở nông thôn thì đưa về xã.

  Người quê ở thành thị thì sẽ sắp xếp đưa vào các tổ chức sản xuất tập thể sẵn có ở thành thị.

  Người có nghề nghiệp thì đưa vào các ngành, nghề thích hợp.

  Người biết làm ruộng nhưng không có cơ sở ở nông thôn, thì đưa vào các tập đoàn sản xuất hoặc nông trường sẵn có.

  Người không có nghề, không quen lao động thì cố gắng hướng vào ngành, nghề nào thích hợp.

  Đối với cán bộ và đối với những người có nghề chuyên môn sẽ sắp xếp công tác ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường.

  Đối với những người già yếu, bệnh tật không có khả năng tự túc và không có nơi nương tựa, cần phải trợ cấp giúp đỡ hoặc đưa vào các trại an dưỡng sẵn có.

  Đối với con em Việt kiều về nước, phải hết sức giúp đỡ cho các em có chỗ học, có sự châm chước về điều kiện tuổi, chiếu cố thích đáng đối với con em các liệt sĩ, tử sĩ. Những em mà gia đình thật túng thiếu, cần xét cấp học bổng theo tiêu chuẩn hiện nay. Đối với các em về nước mà cha mẹ còn ở nước ngoài, hiện không có bà con thân thích thì sẽ sắp xếp cho học nghề, đi sản xuất, hoặc cho tạm vay để ăn học.

  Đối với những người thật quá túng thiếu thì có thể xét trợ cấp tiền ăn để đi sản xuất từ 1 đến 6 tháng và tuỳ theo hoàn cảnh từng người, Ngân hàng có thể cho vay thêm vốn để chi vào việc sản xuất.

  Ngoài ra, cần phải có một số chính sách đối với Việt kiều về nước như chính sách đối với hàng hoá, tài sản của Việt kiều mang về, chính sách đổi tiền. Những chính sách cụ thể này phải căn cứ vào chính sách hiện hành trong nước và có phần chiếu cố thích đáng tình trạng của kiều bào về nưóc, chính sách này do các Bộ sở quan đề nghị Thủ trưởng Chính phủ quy định.

  Tổ chức thực hiện:

  Việc đón tiếp Việt kiều về nước do các Uỷ ban hành chính thành phố Hải Phòng, Hà Nội, các tỉnh, các địa phương phụ trách.

  Để việc hướng dẫn, phối hợp công tác được thống nhất, ở Trung ương sẽ tổ chức Ban Việt kiều Trung ương do ông Bộ trưởng Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, Bộ Nội vụ làm thường trực chuyên trách và một số Bộ có liên quan tham gia.

  Ban Việt kiều Trung ương có nhiệm vụ giúp Chính phủ chỉ đạo toàn bộ công tác đón tiếp Việt Kiều về nước.

  Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Ban đón tiếp các Bộ, các địa phương phải ra sức làm tròn trách nhiệm của mình, chủ yếu là sắp xếp chu đáo công ăn việc làm của kiều bào về nước.

  Việc đón tiếp Việt kiều về nước có tầm quan trọng đặc biệt, Thường vụ Hội đồng Chính phủ mong các Bộ, các ngành, các địa phương thực hiện tốt Nghị quyết này để việc đón tiếp kiều bào thu được kết quả tốt.