NGHỊ ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 248/TTG, NGÀY 19 THÁNG 5

NĂM 1958 TỔ CHỨC VIỆC KIỂM DỊCH TẠI CÁC HẢI CẢNG, SÂN BAY, CỬA KHẨU QUAN TRỌNG KHÁC DỌC THEO BIÊN GIỚI NƯỚC VIỆTNAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Y tế;

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ.

NGHỊ ĐỊNH

 

Điều 1: Để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm truyền từ nước ngoài vào nước Việt Nam dân chủ cộng hoà hoặc từ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra nước ngoài, nay tổ chức việc kiểm dịch tại các hải cảng có tàu thuỷ, thuyền bè của các nước ra vào, các sân bay có máy bay của các nước qua lại và các cửa khẩu quan trọng khác dọc biên giới nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

 

Điều 2: Tại các địa điểm nói trong Điều 1, tuỳ theo nhu cầu công tác ở từng nơi, Bộ Y tế đặt những cơ quan kiểm dịch chuyên trách hoặc giao nhiệm vụ kiểm dịch cho cơ quan Y tế địa phương kiểm nhiệm.

 

Điều 3: Những bệnh truyền nhiễm phải kiểm dịch là những bệnh sau đây :

- Bệnh dịch hạch,

- Bệnh thổ tả,

- Bệnh đậu mùa,

- Bệnh sốt vàng,

- Bệnh sốt phát ban,

- Bệnh sốt hồi quy.

 

Điều 4: Tất cả những người đi bộ qua biên giới, những phương tiện giao thông vận tải đi từ nước ngoài vào Việt Nam dân chủ cộng hoà hay từ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra nước ngoài, những nhân viên, hành khách, hành lý, hàng hoá, súc vật trên các phương tiện giao thông vận tải nói trên đều phải được kiểm dịch. Việc kiểm dịch cho các đối tượng nhập cảnh tiến hành tại hải cảng, sân bay, cửa khẩu đầu tiên khi các đối tượng đó tiến vào nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Việc kiểm dịch cho các đối tượng xuất cảnh, tiến hành tại hải cảng, sân bay, cửa khẩu cuối cùng khi các đối tượng đó rời khỏ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bộ Y tế quy định những trường hợp được miễn kiểm dịch.

 

Điều 5: Các cơ quan kiểm dịch có quyền thường xuyên kiểm soát vệ sinh tất cả những cơ sở, nhà cửa, kho hàng, v.v... Nằm trong khu vực kiểm dịch do Bộ Y tế quy định cho mỗi địa điểm nói trong Điều 1.

 

Điều 6: Sau khi kiểm dịch hoặc kiểm soát vệ sinh, cơ quan kiểm dịch có quyền đề ra cho các đối tượng được kiểm dịch hoặc kiểm soát nhiệm vụ thi hành những biện pháp vệ sinh cần thiết do Bộ Y tế quy định. Trường hợp đặc biệt có những bệnh truyền nhiễm đang lan mạnh ở trong nước hoặc ở ngoài nước, cần đề ra những biện pháp đặc biệt như cấm ra vào biên giới, cấm xuất nhập hàng hoá qua những khu vực nhất định, phong toả vùng có dịch, v.v... Thì cơ quan kiểm dịch phải báo cáo lên Bộ Y tế quyết định.

 

Điều 7: Khi ở một nước láng giềng có phát sinh bệnh dịch hạch thể phôi và có triệu chứng là bệnh này đã truyền sang nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, thì Uỷ ban hành chính tỉnh biên giới (Uỷ ban hành chính khu đối với Khu tự trị Thái Mèo), theo đề nghị của cơ quan kiểm dịch, có thể ra lệnh tạm thời cấm ra vào biên giới trong một khu vực nhất định, nhưng phải báo cáo ngay lên Bộ Y tế xét duyệt.

 

Điều 8: Trong khi làm nhiệm vụ kiểm dịch, các cán bộ kiểm dịch phải mang theo chứng minh thư và mang trang phục kiểm dịch có phù hiệu riêng.

Những tàu xe của cơ quan kiểm dịch khi làm việc phải treo cờ kiểm dịch.

Những trang phục, phù hiệu, cờ kiểm dịch do Bộ Y tế quy định.

 

Điều 9: Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành điều lệ quy định chi tiết thể lệ kiểm dịch, thể lệ thông báo tình hình dịch, hệ thống tổ chức, quyền hạn, nhiệm vụ và lề lối làm việc của các cơ quan kiểm dịch.

 

Điều 10: Khi cơ quan kiểm dịch làm nhiệm vụ ở nơi nào thì những cơ quan có liên hệ công tác ở nơi đó như Hải quan, Công an, Giao thông, Đường sắt, Cảng vụ, Hàng không dân dụng v.v... Có nhiệm vụ hợp tác và giúp đỡ phương tiện cần thiết cho cơ quan kiểm dịch; những người phụ trách các đối tượng kiểm dịch phải hết sức giúp đỡ cơ quan kiểm dịch làm nhiệm vụ.

 

Điều 11: Đối với những người vi phạm Nghị định này, vi phạm điều lệ kiểm dịch hoặc không tuân hành những mệnh lệnh của cơ quan kiểm dịch thì cơ quan kiểm dịch có thể tuỳ theo lỗi nặng nhẹ hay nặng mà phê bình, cảnh cáo, không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, không cho phép ra, vào, không cho lưu lại trên đất nước Việt Nam dân chủ cộng hoà hay là phạt tiền từ mười nghìn đồng (10.000 đồng) đến một triệu đồng (1.000.000 đồng).

Trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng có phương hại đến vệ sinh chung hoặc gây thiệt hại đến tính mạng tài sản của nhân dân, cơ quan kiểm dịch có thể đưa can phạm ra truy tố trước Toà án.

 

Điều 12: Đối với mệnh lệnh hoặc quyết định của cơ quan kiểm dịch nếu có những điểm đương sự không đồng ý thì trong thời hạn mười ngày kể từ ngày được tống đạt mệnh lệnh hoặc quyết định đó, đương sự có quyền đề nghị lên Bộ Y tế xét lại. Trong khi chờ đợi quyết định của Bộ Y tế, đương sự vẫn phải thi hành mệnh lệnh hoặc quyết định của cơ quan kiểm dịch.

 

Điều 13: Ông Bộ trưởng Bộ Y tế và các Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.