THÔNG TƯ

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 346/TTG, NGÀY 25 THÁNG 9

NĂM 1958 VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ CƠ QUAN, BỆNH VIỆN, TRƯỜNG HỌC

 

Từ khi hoà bình lập lại đến nay, do nhu cầu công tác nên tổ chức biên chế của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước phát triển rất nhanh, có cơ quan số cán bộ, nhân viên tăng gấp 5 lần 10 lần. Nói chung tuyệt đại đa số cán bộ, nhân viên là tốt, nhưng trong đó cũng có một số người phức tạp, lý lịch không rõ ràng, có nhiều nhân viên mới tuyển và việc thẩm tra lại không được chu đáo.

Tình hình phức tạp đó đã ảnh hưởng không tốt đến nội bộ cơ quan, nạn tham ô, hủ hoá, tự do, vô kỷ luật xảy ra nhiều, có những vụ có tính chất nghiêm trọng. Đáng chú ý hơn là có người có liên hệ với những tổ chức phản động hoặc tổ chức gián điệp của đế quốc. Trong một số cơ quan, trường học, bệnh viện có luận điệu phản tuyền truyền, thư nặc danh phản động. Có cán bộ lại mất cảnh giác, đem những tài liệu cơ quan ra ngoài thuê đánh máy, trong đó có những tài liệu quan trọng thuộc phạm vi bí mật quốc gia. Nhiều vụ mất tài liệu rất quan trọng liên tiếp xảy ra.

Mặc dù tình hình xảy ra khá nghiêm trọng như vậy, nhưng nói chung, các cơ quan vẫn chưa chú ý đống mức công tác bảo vệ cơ quan, các chế độ, nội quy bảo vệ cơ quan, bảo vệ bs mật quốc gia chưa được chấp hành nghiêm chỉnh. Nguyên nhân chính là các người phụ trách cơ quan chưa thật sự phụ trách công tác bảo vệ cơ quan;việc thường xuyên giáo dục cho cán bộ, nhân viên nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ cơ quan, bảo vệ bí mật quốc gia còn nhiều thiếu sót; về tổ chức, công tác bảo vệ cơ quan hiện nay thường giao phó cho một vài cán bộ bận nhiều công tác; cán bộ đó lại bị thay đổi luôn, nên công tác bảo vệ cơ quan thường bị gián đoạn, chỉ có hình thức, còn thực tế không được chú ý.

Cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra một cách gay go, quyết liệt, kẻ địch không ngừng phá hoại ta bằng mọi cách, lợi dụng mọi sơ hở để thâm nhậm vào nội bộ, nhân viên trong các cơ quan của chúng ta. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn của cơ quan Nhà nước là hết sức quan trọng.

Trong thời kỳ kháng chiến, Chính phủ đã có những quy định về nhiệm vụ và tổ chức bảo vệ bí mật quốc gia và bảo vệ cơ quan: Nghị định số 136-TTg và Thông tư số 137-TTG ngày 10-12-1951 về bảo vệ bí mật quốc gia; Nghị định số 189-TTg và Thông tư số 190-TTg ngày 23-7-1952 về bảo vệ cơ quan; những quy định đó đến nay vẫn còn giá trị và cần được nghiêm chỉnh thi hành.

Trước tình hình mới, để tăng cường công tác bảo vệ cơ quan nay nhắc lại một số điểm chính và ấn định những biện pháp cụ thể để các cơ quan thi hành:

1. Trước hết, cần nhận rõ mục đích của công tác bảo vệ cơ quan là giáo dục tinh thần cảnh giác cho cán bộ, nhân viên, kiểm tra đôn đốc thực hiện các nội quy bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, bảo vệ tài liệu, đề phòng và ngăn ngừa mọi việc bất trắc.

2. Việc bảo vệ cơ quan là trách nhiệm của tất cả cán bộ, nhân viên trong cơ quan và trước hết là của thủ trưởng cơ quan, các đoàn thể trong cơ quan như Công đoàn, Đoàn thanh niên lao động giúp thủ trưởng cơ quan giáo dục ý thức bảo vệ cơ quan và thực hiện chế độ, nội quy bảo vệ cơ quan.

3. Về tổ chức, mỗi cơ quan, trường học, bệnh viện có Ban bảo vệ cơ quan. Nhiệm vụ cụ thể là:

A- Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình bảo vệ cơ quan, nghiên cứu kế hoạch giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức bảo mật, phòng gian cho cán bộ, nhân viên, học sinh, v.v...

B- Nghiên cứu kế hoạch bảo vệ cơ quan, xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chế độ, nội quy bảo vệ tài liệu, bảo vệ cơ quan, giúp cơ quan công an điều tra, truy xét kịp thời các việc có tính chất trính trị hoặc trị an trong cơ quan, trường học, bệnh viện...

C- Thường xuyên rút kinh nghiệm, cải tiến lề lối làm việc để bảo đảm và đẩy mạnh công tác bảo vệ cơ quan, trường học, bệnh viện ngày một tốt hơn.

Ban bảo vệ cơ quan có từ 3 đến 5 người gồm thủ trưởng hoặc đại diện thủ trưởng cơ quan, đại diện công đoàn và đoàn thanh niên lao động. Để có người thực sự giúp thủ trưởng cơ quan làm công tác bảo vệ cơ quan, nay quy định cho các cơ quan, tuỳ theo tình hình cơ quan có nhiều hay ít vấn đề phức tạp mà có một vài cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ cơ quan. Số cán bộ được phân công chuyên trách làm công tác bảo vệ cơ quan này trên nguyên tắc được tính theo tỷ lệ 2/1000 trong tổng số cán bộ, nhân viên, giáo sư, học sinh của từng cơ quan, trường học, bệnh viện. Những cơ quan nào dưới tỷ lệ nói trên thì cần có một cán bộ nữa chuyên trách. Nhưng cán bộ đó phải được lựa chọn, có bảo đảm về chính trị, có khả năng đảm đương được trách nhiệm và sẽ làm uỷ viên thường trực trong Ban bảo vệ cơ quan. Cần để cho những cán bộ đó có điều kiện đi sâu vào nghiệp vụ, nắm chắc được tình hình, giúp thủ trưởng làm công tác bảo vệ cơ quan được tốt; không được thay đổi, điều động họ đi công tác khác.

4. Những cơ quan khó có kho tàng quan trọng, hoặc có máy móc, vật dụng quý giá, thì ngoài số cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ cơ quan nói trên, có thể có một số nhân viên nằm trong biên chế cơ quan với nhiệm vụ thường xuyên là: ban ngày kiểm soát sự ra, vào, ban đêm tuần tra, canh gác. Số nhân viên này đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của Ban bảo vệ cơ quan, cụ thể là dưới sự điều khiển của cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ cơ quan.

5. Việc đem tài liệu ra ngoài thuê đánh máy từ nay cần phải chấm dứt; đối với những trường hợp phạm sai lầm một cách nghiêm trọng cần phải có kiểm điểm, tìm ra nguyên nhân, tác hại, trách nhiệm và nếu cần thiết thì có kỷ luật thích đáng.

6. Bộ công an có trách nhiệm nghiên cứu và quy định nghiên cứu và quy định các chế độ cụ thể về bảo mật và bảo vệ cơ quan, đồng thời chỉ thị cho cơ quan Công an các cấp có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với từng cơ quan, bệnh viện, trường học nghiên cứu định số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ cơ quan và số nhân viên làm công tác kiểm soát, canh gác, trên tinh thần tổ chức hợp lý, vừa hết sức đảm bảo biên chế, vừa đảm bảo công tác bảo vệ cơ quan được tốt.

Nhận được Thông tư này, các Bộ, các Uỷ ban và tất cả các cơ quan của Nhà nước cần nghiên cứu thi hành nghiêm chỉnh để đưa công tác bảo vệ cơ quan, bệnh viện và trường học vào nề nếp.