NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 175/CP NGÀY 11 THÁNG 12 NĂM 1964 VỀ VIỆC QUẢN LÝ VŨ KHÍ QUÂN DỤNG VÀ VŨ KHÍ
THỂ THAO QUỐC PHÒNG

 

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

 

Để tăng cường việc quản lý vũ khí, đề phòng tai nạn do việc sử dụng vũ khí có thể gây ra, đồng thời ngăn ngừa những phần tử xấu sử dụng vũ khí để hoạt động phá hoại;

Theo đề nghị của các ông Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao;

Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 18 tháng 8 năm 1964.

NGHỊ ĐỊNH

 

Điều 1: Vũ khí quân dụng và vũ khí thể thao quốc phòng nói trong Nghị định này bao gồm các loại dưới đây:

A- Vũ khí quân dụng: các loại súng ngắn, súng trường, súng liên thanh các cỡ, các loại súng lớn, các loại vũ khí tự động, các loại đạn dùng cho các loại vũ khí kể trên và các thứ bom, mìn, lựu đạn, kíp mìn, thuốc nổ;

B- Vũ khí thể thao quốc phòng: Súng trường tự chọn cỡ nhỏ, cỡ lớn, các loại súng trường thể thao phổ thông, súng trường bộ binh nòng dài dùng trong luyện tập và thi đấu thể thao, súng ngắn tự chọn cỡ nhỏ, cỡ lớn, súng ngắn thể thao các cỡ 5 ly, 6 ly, 9 ly và các loại đạn dùng cho các loại súng kể trên.

Các loại vũ khí khác như: súng săn, súng kíp, súng hoả mai, dao găm, mã tấu, giáo mác, thuốc nổ và kíp mìn dùng trong sản xuất công nghiệp đều không thuộc phạm vi quản lý theo quy định trong Nghị định này.

 

Điều 2: Vũ khí quân dụng và vũ khí thể thao quốc phòng là của Nhà nước và do Nhà nước phân phối, trang bị cho các lực lượng vũ trang, các đội bắn súng thể thao quốc phòng và các cơ quan Nhà nước để chiến đấu bảo vệ trị an, luyện tập và thi đấu.

Cá nhân không được quyền có vũ khí riêng. Bất cứ ai có vũ khí riêng, không kể do nguồn gốc nào mà có, đều phải kê khai và nộp cho cơ quan Công an hoặc cơ quan quân sự địa phương từ cấp huyện trở lên. Tuỳ theo nguồn gốc, phẩm chất của từng vũ khí, người nộp vũ khí có thể được xét bồi hoàn một số tiền thích đáng theo quy định của Bộ Công an và Bộ Tài chính.

 

Điều 3: Chỉ có các cơ quan được Hội đồng Chính phủ uỷ nhiệm mới có quyền mua, bán, tàng trữ các loại vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao quốc phòng.

Không người nào được tự tiện mang các loại vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao quốc phòng vào nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Những đội thi đấu thể thao, khi mang vũ khí thể thao quốc phòng ra, vào cửa khẩu nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, phải có giấy phép do Bộ Công an cấp.

 

Điều 4: Ngoài các công binh xưởng, các cơ sở sản xuất và sửa chữa vũ khí của các lực lượng vũ trang, những cơ sở sản xuất hay sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao quốc phòng khác đều phải có giấy phép do Bộ Công an cấp.

 

Điều 5: Vũ khí quân dụng trang bị cho các lực lượng vũ trang (bộ đội chủ lực, công an nhân dân vũ trang, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ) do Bộ Quốc phòng phân phối và quản lý. Bộ Quốc phòng quy định các chế độ về sản xuất, sửa chữa, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, tàng trữ các loại vũ khí đó.

 

Điều 6: Vũ khí quân dụng trang bị cho các lực lượng công an nhân dân, hải quan và lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp của các cơ quan, xí nghiệp để sử dụng trong công tác bảo vệ, do Bộ Công an phân phối và cơ quan Công an từ cấp tỉnh trở lên quản lý và cấp giấy phép sử dụng.

 

Điều 7: Vũ khí thể thao quốc phòng trang bị cho các đội bắn súng thể thao quốc phòng của các cơ quan, xí nghiệp, các thôn, xã, khu phố... Để luyện tập và thi đấu thể thao quốc phòng, hoặc khi cần có thể dùng vào công tác bảo vệ trị an, do Ban thể dục thể thao từ cấp tỉnh trở lên phân phối và do cơ quan Công an từ cấp tỉnh trở lên cấp giấy phép sử dụng; Bộ Công an cùng với Uỷ ban Thể dục thể thao quy định cụ thể việc quản lý các vũ khí này.

 

Điều 8: Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao quốc phòng thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Công an nói ở điều 6 và điều 7 trên đây chỉ cấp cho cơ quan và tập thể, không cấp cho cá nhân.

Cán bộ, nhân viên Nhà nước khi đi công tác, cần mang theo vũ khí để tự vệ phải được thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình cấp giấy chứng nhận được mang vũ khí, kèm theo giấy phép sử dụng vũ khí do cơ quan Công an cấp cho cơ quan, đơn vị ấy.

 

Điều 9: Các loại vũ khí quân dụng và vũ khí thể thao quốc phòng, thuộc phạm vi quản lý của cơ quan công an, ngoài thì giờ luyện tập và công tác, phải để tập trung tại cơ quan, đơn vị và được bảo quản chặt chẽ . Những người được giữ vũ khí ở nhà riêng sẽ do Bộ Công an quy định.

 

Điều 10: Việc vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác các loại vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao quốc phòng thuộc phạm vi quản lý của cơ quan công an, phải có giấy phép vận chuyển do cơ quan Công an từ cấp tỉnh trở lên cấp.

Điều 11: Các cơ quan, đơn vị được trang bị, sử dụng các loại vũ khí phải chấp hành triệt để chế độ bảo quản, sử dụng, vận chuyển vũ khí do Bộ Quốc phòng quy định nếu là vũ khí thuộc các lực lượng vũ trang, hoặc do liên Bộ Công an và Uỷ ban Thể dục thể thao quy định nếu là vũ khí thuộc hai ngành này quản lý.

Người được sử dụng vũ khí không được cho người khác mượn, không được để vũ khí thất lạc. Khi mất vũ khí phải báo cáo ngay với cơ quan, đơn vị mình và với cơ quan đã cấp giấy phép sử dụng vũ khí đó; gặp trường hợp đi công tác dọc đường mà bị mất vũ khí thì phải báo cáo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất.

 

Điều 12: Những cán bộ, nhân viên dưới đây được quyền kiểm soát giấy phép sử dụng và vận chuyển vũ khí, kể cả vũ khí của các lực lượng vũ trang:

A- Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát nhân dân, đội tuần tra của Công an nhân dân vũ trang, đội tuần tra của bộ đội chủ lực bộ đội điạ phương;

B- Trưởng và Phó ban Công an xã, cán bộ trong Ban chỉ huy xã đội, đội tuần tra của dân quân tự vệ trong khi đang làm nhiệm vụ trong phạm vi xã mình.

 

Điều 13: Mọi công dân đều có trách nhiệm phát hiện và báo cáo kịp thời những trường hợp mua, bán, sử dụng, sản xuất, sửa chữa, tàng trữ vũ khí trái phép và khi nhặt được vũ khí để rơi, thì phải nộp ngay cho cơ quan Công an hoặc cơ quan quân sự nơi gần nhất.

Người có công sẽ được xét khen thưởng thích đáng.

 

Điều 14: Cá nhân hay tổ chức nào mua, bán, sử dụng, sản xuất, sửa chữa, tàng trữ vũ khí trái phép hoặc sử dụng, bảo quản, vận chuyển vũ khí không theo đúng các quy định của Nhà nước sẽ bị xử lý theo luật lệ hiện hành.

 

Điều 15: Các ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nghị định này.

Những điều quy định trước đây trái với nghị định này đề bãi bỏ.