THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 140/TC/TQD-T
NGÀY 17 THÁNG 6 NĂM 1964 VỀ VIỆC TRẢ THÙ LAO

CHO NHỮNG NGƯỜI THAM GIA BẮT LẬU

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

 

Kính gửi: Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh. Các Sở, Ty Tài chính.

 

Thông tư số 802/TC/TQD ngày 24 tháng 12 năm 1962 của Bộ Tài chính về chi phí chống lậu đã quy định việc trả thù lao cho dân quân, du kích, công an xã tham gia kiểm soát bắt lậu. Quy định này đã có tác dụng huy động lực lượng cán bộ bán thoát ly tham gia thực hiện chính sách thuế.

Nhưng gần đây trước tình hình một số hàng hóa khan hiếm, thị trường tự do có nơi phát triển, nhiều nơi nhân dân được giáo dục và nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa đã tích cực giúp đỡ cơ quan tài chính phát hiện được nhiều vụ buôn lâụ quan trọng: Có những vụ buôn lậu hàng nông sản thuộc diện Nhà nước quản lý từ tỉnh này sang tỉnh khác, có vụ thương nhân lợi dụng moi hàng của mậu dịch quốc doanh ra bán trên thị trường tự do với giá cao, có vụ buôn lậu hàng xuất nhập khẩu từ biên giới về... Việc nhân dân tham gia thực hiện chính sách thuế đòi hỏi mất một số thì giờ, có ảnh hưởng đến công ăn việc làm, nhưng thông tư số 802 chưa quy định việc trả thù lao thỏa đáng cho những trường hợp này.

Vì vậy bổ sung thêm một số quy định vào Thông tư số 802 ngày 24-12-1962 như sau:

Việc trả thù lao từ nay thi hành không những đối với dân quân du kích, công an xã mà cả đối với nhân dân đã có công giúp đỡ cơ quan tài chính thực hiện chính sách thuế, phát hiện những vụ buôn lậu trốn thuế.

Mức thù lao cho những người tham gia bắt lậu (kể cả dân quân du kích, công an xã và nhân dân) để tỉnh sẽ căn cứ vào số ngày phải bỏ ra để giúp đỡ cơ quan tài chính, mức thù lao một người hưởng trong một ngày bằng mức ngày công lao động do Uỷ ban hành chính và Sở, Ty lao động quy định cho địa phương. Số ngày công lao động làm căn cứ để định mức thù lao cần được tính toán cho thoả đáng để bù đắp công sức đã bỏ ra để giúp đỡ cơ quan tài chính. Thí dụ, trong một vụ bắt lậu, nếu người tham gia phải bỏ ra một số thì giờ để điều tra theo dõi vụ buôn lậu, hoặc phải đi lại nhiều lần để phát hiện tình hình với cơ quan tài chính, thì số thì giờ này cũng được tính để định mức thù lao. Mặt khác, việc tính toán phải đảm bảo chặt chẽ tuyệt đối không lạm dụng, bản tính toán phải được trưởng phó phòng tài chính huyện, thị xã, khu phố duyệt mới được xuất chi.

Trên đây là một số điểm bổ sung về chế độ thù lao cho những người tham gia giúp đỡ cơ quan tài chính kiểm soát bắt lậu để các địa phương nghiên cứu thi hành. Trong khi thi hành, cần nắm vững tinh thần của việc trả thù lao là chỉ nhằm bù đắp công sức đã thực sự bỏ ra trong khi tham gia bắt lậu. Vấn để chủ yếu để vận động nhân dân tham gia thực hiện chính sách thuế là phải tăng cường việc tuyên truyền giáo dục để nhân dân thấy rõ tác hại của việc buôn lậu trốn thuế và tự nguyện giúp đỡ cơ quan tài chính thực hiện chính sách thuế.