CHỈ THỊ

CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 211-CT
NGÀY 26 THÁNG 6 NĂM 1985 VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO,

QUẢN LÝ KHU VỰC SẢN XUẤT TIỂU CÔNG NGHIỆP

VÀ THỦ CÔNG NGHIỆP

 

Sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nước ta; hiện nay chiếm gần một nửa giá trị sản lượng công nghiệp của cả nước, đáp ứng một khối lượng lớn hàng tiêu dùng, góp phần phục vụ đắc lực cho các ngành sản xuất, đảm nhận nhiều dịch vụ sửa chữa, sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu và giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người.

Từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần xác định vị trí quan trọng của tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và đã đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm phát triển sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

Riêng về tổ chức quản lý, ngày 2 tháng 11 năm 1978, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 279-CP về tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trung ương, trong đó, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức này, đồng thời cũng quy định mối quan hệ phân công, phối hợp với các ngành có liên quan ở Trung ương trong việc chỉ đạo và quản lý khu vực sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

Trong mấy năm qua, do quan điểm, nhận thức của một số ngành và địa phương chưa thực sự thông suốt, liên hiệp xã trung ương cũng chưa đủ sức đảm nhận những trọng trách đã được giao nên việc triển khai Nghị định 279-CP của Hội đồng Chính phủ còn nhiều mặt bị hạn chế và chậm phát huy tác dụng.

Để tăng cường chỉ đạo và quản lý khu vực sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, căn cứ vào kết luận của Hội nghị Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng ngày 6 tháng 6 năm 1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

 

1. Về chức năng và nhiệm của Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trung ương, vẫn tiếp tục thực hiện theo đúng Nghị định 279-CP ngày 2 tháng 11 năm 1978 của Hội đồng Chính phủ.

2. Các Bộ quản lý sản xuất công nghiệp, các Bộ chức năng, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trung ương cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị định này trong thời gian qua, đề ra kế hoạch và biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện một cách nghiêm chỉnh, đồng bộ và triệt để trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình.

3. Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trung ương cần được chấn chỉnh về tổ chức, tăng cường những cán bộ có hiểu biết chuyên môn và phẩm chất đủ sức đảm đương nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ: nắm chắc tình hình tiểu, thủ công nghiệp của cả nước, chủ động tham gia với các ngành liên quan về quy hoạch và kế hoạch phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp; đề xuất với Nhà nước các chính sách, chế độ đối với khu vực tiểu, thủ công nghiệp...

Đối với những ngành, nghề và mặt hàng hiện chưa có ngành quản lý sản xuất công nghiệp nào ở Trung ương phụ trách (như đã nêu trong điểm 4, Điều 2 của Bản quy định kèm theo Nghị định số 279-CP), Liên hiệp xã trung ương có trách nhiệm nghiên cứu, kiến nghị với Nhà nước: nên giao ngành, nghề nào, mặt hàng nào cho Bộ nào quản lý là phù hợp. Trong khi chờ đợi, Nhà nước uỷ nhiệm cho Liên hiệp xã trung ương phụ trách việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển và quản lý các ngành, nghề và mặt hàng này.

4. Các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất công nghiệp phải thực hiện tốt chức năng quản lý toàn ngành kinh tế - kỹ thuật phải xây dựng được quy hoạch và kế hoạch sản xuất toàn ngành, bao gồm cả khu vực sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, có trách nhiệm cân đối vật tư chuyên ngành, xây dựng và kiểm tra việc thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật, những tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, đào tạo cán bộ và thợ kỹ thuật cho toàn ngành, kể cả cho các cơ sở tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp tập thể.

Để làm được nhiệm vụ này, ở mỗi Bộ, Tổng cục phải phân công một Thứ trưởng, Tổng cục phó phụ trách.

5. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cần phối hợp với các Bộ quản lý sản xuất công nghiệp, với Liên hiệp xã trung ương, xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trong phạm vi địa phương trên cơ sở quy hoạch của từng ngành kinh tế - kỹ thuật; đề xuất với trung ương những chính sách, chủ trương nhằm: sử dụng tốt nhất nguồn lao động, khôi phục và phát triển những nghề truyền thống và sản xuất hàng nghệ thuật, khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ để phát triển sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

Các Bộ và cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp Trung ương có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này và báo kết quả thực hiện với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.