CHỈ THỊ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 9-CT/NH
NGÀY 30 THÁNG 4 NĂM 1975 VỀ VIỆC CHO VAY ĐỐI VỚI

CÁC XÍ NGHIỆP SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP CỦA THƯƠNG BINH

 

Ngày 23 tháng 12 năm 1974 Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 284-CP về chính sách đối với xí nghiệp sản xuất của thương binh, trong đó đã xác định các xí nghiệp này được Nhà nước cấp vốn kiến thiết cơ bản, vốn lưu động ban đầu và được ngân hàng cho vay vốn dài hạn và ngắn hạn để sản xuất với mức lãi suất thấp nhất.

Thi hành quyết định trên, Ngân hàng Trung ương ra chỉ thị này hướng dẫn các chi nhánh về việc cho vay dài hạn và ngắn hạn nhằm giúp các xí nghiệp sản xuất công nghiệp của thương binh có thêm vốn cần thiết để thực hiện kế hoạch sản xuất, đồng thời thông qua công tác cho vay góp phần giúp xí nghiệp tăng cường công tác quản lý kinh doanh theo đúng chế độ, chính sách đã được Nhà nước quy định.

 

I- ĐIỀU KIỆN CHO VAY

 

Các xí nghiệp muốn được vay vốn ngân hàng phải có những điều kiện:

1- Phải được uỷ ban hành chính tỉnh (thành phố) ra quyết định thành lập và được Sở (ty) thương binh xã hôị công nhận đã kết thúc thời kỳ học nghề để đi vào sản xuất chính thức.

2- Phải duy trì được vốn ngân sách, đồng thời trong quá trình kinh doanh phải dần dần có tích luỹ bổ sung vốn tự có để mở rộng sản xuất.

Đối với những xí nghiệp gặp khó khăn trong chất lượng sản phẩm thu nhập thấp không đủ trả công lao động và bù đắp các chi phí khác phải được xét trợ cấp kịp thời.

3- Phải được Uỷ ban hành chính tỉnh (thành phố) giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, có kế hoạch phân phối vật tư và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Các biện pháp cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất xin vay vốn phải xác định được hiệu qủa kinh tế.

Những xí nghiệp làm công việc phục vụ sửa chữa nếu không có hợp đồng thì ngân hàng sẽ xem xét nhu cầu của địa phương và khả năng phục vụ sửa chữa của cơ sở để giải quyết cho vay.

4- Hàng năm, hàng quý phải gửi cho ngân hàng các kế hoạch sản xuất, kế hoạch thu chi tài chính (hoặc dự toán cân đối, thu chi và kế hoạch vay vốn được Sở (ty) thương binh xã hội xét duyệt.

Sau mỗi tháng, quý, năm phải gửi cho ngân hàng báo cáo tình hình thực hiện các kế hoạch đó.

5- Phải mở tài khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi các quỹ chuyên dùng tại Ngân hàng Nhà nước.

Hàng tháng phải trích, gửi đầy đủ các quỹ vào tài khoản ở ngân hàng và sử dụng đúng mục đích các loại quỹ đó.

II- ĐỐI TƯỢNG, THỜI HẠN VÀ LÃI SUẤT CHO VAY

 

A- CHO VAY VỐN CỐ ĐỊNH

 

Ngân hàng cho các xí nghiệp vay vốn cố định để thực hiện các biện pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá dây chuyển sản xuất và mở rộng sản xuất để tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao phẩm chất hàng hoá, hoàn thành kế hoạch sản xuất.

Đối tượng cho vay gồm:

- Các chi phí mua sắm máy móc, thiết bị và vật liệu xây dựng;

- Các chi phí xây lắp.

Thời hạn cho vay:

Thời hạn cho vay tối đa là 3 năm (tính cả thời gian thi công xây dựng) kể từ ngày xí nghiệp nhận món vay đầu tiên.

Thời hạn trả nợ quy định bắt đầu từ tháng thứ hai, tính từ khi công trình được đưa vào sản xuất.

Lãi suất cho vay: tính 0,18% một tháng.

Nguồn trả nợ:

Xí nghiệp phải sử dụng 100% vốn khấu hao cơ bản và một phần tích luỹ do biện pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, mở rộng sản xuất thuộc vốn vay ngân hàng mang lại để trả nợ đầy đủ trong phạm vi thời hạn cho vay đã quy định.

 

B- CHO VAY VỐN LƯU ĐỘNG

 

Đối tượng cho vay gồm: nguyên, nhiên, vật liệu,phụ tùng sửa chữa thay thế, vật rẻ tiền mau hỏng trực tiếp phục vụ sản xuất.

Ngoài ra trường hợp sản phẩm dở dang và thành phẩm tăng lên do tạm thời gặp khó khăn về cung cấp và tiêu thụ, nếu xét trong một thời gian nhất định có thể khắc phục được thì ngân hàng sẽ cho vay vào các loaị sản phẩm đó để thanh toán tiền công. Số tiền cho vay không vượt quá tiền công phải thanh toán của một tháng.

Thời hạn cho vay:

- Đôí với những vật tư thông thường, thời hạn tối đa là 6 tháng;

- Đối với nguyên vật liệu dự trữ thời vụ, thời hạn tối đa là 12 tháng;

- Đối với sản phẩm dở dang và thành phẩm, thời hạn tối đa là 30 ngày.

Lãi suất cho vay: tính 0,24% một tháng.

 

III- CÁCH TÍNH TOÁN CHO VAY, THU NỢ

 

Các xí nghiệp sản xuất của thương binh hiện đang thực hiện chế độ quản lý và phân phối như các hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp, do đó cách tính toán cho vay, thu nợ theo các thể lệ cho vay ngắn hạn và dài hạn đối với hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp hiện hành.

 

IV- TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP NGÂN HÀNG

 

Các chi nhánh, chi điếm ngân hàng phải thường xuyên cử cán bộ đi sát cơ sở, nắm tình hình các mặt quản lý, nhất là quản lý vật tư, tiền vốn, tiêu thụ sản phẩm; giúp đỡ xí nghiệp ký kết hợp đồng mua bán... Thanh toán tiền hàng, tổ chức phân tích kinh tế tài vụ để kịp thời phát hiện những thiếu sót trong công tác quản lý, bàn bạc với xí nghiệp các biện pháp khắc phục.

Trường hợp, sau khi đã tìm mọi biện pháp giúp đỡ xí nghiệp, nhưng vẫn không giải quyết được thì phải báo cáo Ngân hàng trung ương xin chủ trương giải quyết.

Nhận dược chỉ thị này các chi nhánh, chi điếm ngân hàng phải phối hợp chặt chẽ với các Sở (Ty) hoặc Phòng thương binh xã hội và các ngành có liên quan để chấp hành cho đúng đắn.

Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phải kịp thời phản ảnh lên Ngân hàng Trung ương để nghiên cứu giải quyết.