NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 21-CP NGÀY 20 THÁNG 1 NĂM 1975
VỀ TỔ CHỨC LÀM VIỆC 8 GIỜ LIỀN TRONG CÁC CƠ QUAN,

QUÂN ĐỘI VÀ ĐOÀN THỂ

 

Cách làm việc một ngày hai buổi đang áp dụng ở nước ta, có nhiều điều không hợp lý: mất thì giờ đi lại nhiều lần, thời gian làm việc không liên tục, trở ngại cho công tác, học tập, sinh hoạt, giải trí, nghỉ ngơi của cán, công nhân, viên chức, nhất là đối với những người ở xa nơi làm việc.

Do yêu cầu của sản xuất và công tác, đã có nhiều xí nghiệp, cửa hàng làm việc 8 giờ liền. Cách làm việc này có nhiều thuận tiện, tuy lúc đầu có gặp một số khó khăn tạm thời như: thói quen ngủ trưa, việc ăn uống, việc nuôi dạy và quản lý trẻ em, v.v... Nhưng các khó khăn đều có thể từng bước khắc phục.

Các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước khác, kể cả những nước ở vùng nhiệt đới, gần nước ta, đều tổ chức làm việc 8 giờ liền.

Qua ý kiến của các cơ quan Trung ương và một số địa phương, sau khi cân nhắc sự cần thiết và lợi ích lâu dài về nhiều mặt, Hội đồng Chính phủ quyết định thực hiện cách làm việc mỗi ngày 8 giờ liền trong tất cả các cơ quan, Quân đội và đoàn thể.

  

I- THỜI GIAN THỰC HIỆN VÀ GIỜ LÀM VIỆC

 

  Kể từ ngày thứ hai, 3 tháng 3 năm 1975, tất cả các cơ quan, Quân đội và đoàn thể, từ Trung ương đến cơ sở, đều tổ chức làm việc mỗi ngày 8 giờ liền. Giờ làm việc được quy định từ 8 giờ đến 16 giờ 30 phút. Hàng ngày, sau khi làm việc buổi sáng được 4 giờ 30 phút, cán bộ, công nhân, viên chức được nghỉ trưa tại chỗ 30 phút (30 phút nghỉ trưa này, qua thực tế thực hiện sẽ xem xét; nếu cần sửa đổi sẽ quyết định sau). Riêng ở thành phố Hà Nội, giờ làm việc của các cơ quan Trung ương và của thành phố cần chênh lệch nhau 30 phút để thuận tiện cho việc bảo đảm trật tự và an toàn giao thông trong thành phố.

  Đối với một số cơ quan, đơn vị mà sự hoạt động có tính cách riêng như Quốc phòng, Giao thông vận tải, trường học, bệnh viện, kho tàng, v.v... Thì các Bộ, các ngành ở Trung ương (nếu thuộc các ngành Trung ương quản lý) hoặc Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu thuộc địa phương quản lý) sẽ tuỳ theo điều kiện cụ thể mà quyết định cho phù hợp, nhưng phải tránh tình trạng đề ra nhiều loại giờ giấc làm việc khác nhau, gây khó khăn cho công tác chung.

 

       II- VIỆC TỔ CHỨC PHỤC VỤ ĂN UỐNG

 

  Các ngành Nội thương, Lương thực và thực phẩm phải có kế hoạch bố trí lại giờ giấc bán hàng, mạng lưới phục vụ ăn uống, cải tiến phương thức phân phối như chế biến sẵn thức ăn, đóng gói theo định lượng, đưa hàng tới bán tại cơ quan, xí nghiệp, v.v... Để tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân, viên chức được thuận tiện nhanh chóng, bảo đảm hai bữa ăn chính và bữa ăn phụ trong giờ nghỉ trưa.

 

III- VIỆC TỔ CHỨC NUÔI DẠY VÀ QUẢN LÝ TRẺ EM

 

Bộ giáo dục, Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em cùng với Uỷ ban thiếu niên nhi đồng, Hội liên hiệp Phụ nữ Trung ương, Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh cần có kế hoạch và biện pháp để giải quyết tốt vấn đề giữ trẻ, vấn đề quản lý các cháu trong độ tuổi mẫu giáo, vỡ lòng, cấp I, v.v... Ăn khớp với giờ giấc làm việc mới, đồng thời không ngừng cải tiến việc thực hiện các vấn đề trên, để cha mẹ các cháu được yên tâm làm việc liên tục...

Chế độ nghỉ cho con bú vẫn thi hành như đã quy định, chỉ cần sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu mới và có chiếu cố đối với những người mẹ đi làm xa nhà trẻ.

 

IV- VIỆC GIỮ GÌN TRẬT TỰ TRỊ AN CÔNG CỘNG
VÀ ĐI LẠI TRONG THÀNH PHỐ

 

Bộ Công an phải có kế hoạch tăng cường việc bảo đảm trật tự trị an công cộng, bảo vệ tài sản cho cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân trong điều kiện làm việc mới.

Bộ Giao thông vận tải phải có kế hoạch sắp xếp lại và tăng thêm chuyến, thêm tuyến, thêm phương tiện đi lại, thay đổi giờ phục vụ, nghiên cứu lại giá cả cho thí hợp, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân, viên chức đi lại làm việc nhanh chóng, tiết kiệm, hết giờ có thể về nhà riêng ở xa thành phố. Các hoạt động vận chuyển hàng hoá bằng xe cơ giới, xe thô sơ cũng như việc sửa chữa đường sá, cầu cống phải bố trí nhiều về ban đêm để bảo đảm an toàn cho việc đi lại ban ngày của cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân, đồng thời tăng hiệu suất sử dụng các loại phương tiện.

 

V- CÁC VIỆC PHỤC VỤ KHÁC

 

Ngoài việc phục vụ hai bữa ăn chính và bữa ăn phụ trong giờ nghỉ trưa, ngành thương nghiệp cần sửa đổi giờ giấc và phương thức bán hàng, phụ vụ khách hàng để cán bộ, công nhân, viên chức có thể đi mua sắm ngoài giờ, nhanh chóng và thuận tiện.

Các ngành văn hoá, thông tin, phát thanh v.v... Cần nghiên cứu bố trí giờ phục vụ cho phù hợp; cố gắng tổ chức và mở rộng các hoạt động thể dục, thể thao, câu lạc bộ, văn nghệ, phim ảnh, thông tin, báo chí, thư viện, để cán bộ, công nhân, viên chức có điều kiện tham gia việc luyện tập thân thể, vui chơi, giải trí, học tập, nghiên cứu ngoài giờ làm việc.

 

 

VI- VIỆC HỘI HỌP, HỌC TẬP

 

Vẫn thi hành theo như Quyết định số 118-CP ngày 17-12-1963 của Hội đồng Chính phủ. Riêng về việc sinh hoạt nội bộ của cơ quan, đoàn thể, trước đây quy định vào buổi tối ngày thứ 6 hàng tuần thì nay chuyển lại vào sau giờ làm việc chiều thứ 6 hàng tuần; không được họp vào buổi tối. Các buổi họp cần có nội dung thiết thực, chuẩn bị chu đáo, làm ngắn gọn, không được xâm phạm nhiều vào giờ nghỉ của cán bộ, công nhân, viên chức; những buổi họp quan trọng cũng không được kéo dài quá 2 giờ.

Thực hiện cách làm việc mỗi ngày 8 giờ liên là một cuộc cải cách trong nền nếp công tác và sinh hoạt, nhằm xây dựng một phong cách làm việc mới, sinh hoạt mới, đồng thời cũng làm thay đổi một phần những thói quen từ trước đến nay. Vì vậy, các đồng chí Thủ trưởng các Bộ, các ngành ở Trung ương, các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố, cần có kế hoạch và hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành mình, địa phương mình chuẩn bị thật chu đáo về mọi mặt, nhất là việc phục vụ ăn uống, học tập, giữ trẻ, quản lý trẻ em, đi lại, bảo vệ trật tự trị an công cộng, v.v... Cho xong trước tết âm lịch ất Mão (Tết 1975), đôn đốc và kiểm tra chặt chẽ việc thưc hiện. Mặt khác, cần làm cho cán bộ, công nhân, viên chức nhận thức đầy đủ lợi ích lâu dài của cách làm việc mới này, thấy đúng những khó khăn tạm thời để tự mình ra sức khắc phục và tích cực góp phần cùng các cơ quan có trách nhiệm giải quyết khó khăn chung.

Trong bước đầu triển khai việc thi hành Nghị quyết này, các Bộ, các ngành, các Uỷ ban hành chính, khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có trách nhiệm theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời lên Thủ tướng Chính phủ.