QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 184-BYT/QĐ NGÀY 6 THÁNG 5 NĂM 1975 BAN HÀNH BẢN QUY CHẾ LÀM NGHỀ CHỮA BỆNH
BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐÔNG Y

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

 

Để đảm bảo chất lượng trong việc phòng bệnh, chữa bệnh theo phương pháp đông y và tăng cường việc quản lý của Nhà nước đối với mọi hoạt động hành nghề của lương y nhằm củng cố và tiến tới hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

QUYẾT ĐỊNH

 

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy chế làm nghề chữa bệnh bằng phương pháp đông y.

 

Điều 2.- Bản quy chế làm nghề chữa bệnh bằng phương pháp đông y này có hiệu lực từ khi ban hành, và thay thế quy chế của Bộ Y tế đã ban hành tại công văn số 8209-BYT/KH ngày 10-12-1959.

 

Điều 3.- Các thủ trưởng Cục, Vụ, Phòng, Ban thuộc Bộ Y tế và các Sở, Ty y tế có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

QUY CHẾ

VỀ HÀNH NGHỀ CHỮA BỆNH BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐÔNG Y

 

I. VỀ CHUYÊN MÔN

 

Điều 1.- Các lương y được phép đăng ký để chữa bệnh bằng đông y như:

- Xem mạch kê đơn.

- Chữa bệnh bằng các phương thuốc gia truyền, nắn bó gẫy xương.

- Chữa bệnh bằng các phương pháp châm cứu, lê, giác, xoa bóp, bấm huyệt, đốt bấc...

Những người làm các nghề trên, phải có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề, phân khoa, phân hạng do cơ quan y tế có trách nhiệm quản lý cấp.

Điều 2.- Các lương y được phép hành nghề phải đặt trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ và khả năng lao động sản xuất của bệnh nhân lên trên hết.

 

Điều 3.- Phải hỏi bệnh và chẩn bệnh theo đúng nguyên tắc chẩn đoán đông y, không được khám qua loa tắc trách.

 

Điều 4.- Đơn thuốc phải in theo mẫu có ghi rõ tên họ, địa chỉ và số đăng ký của lương y, lời chẩn đoán bệnh, dưới ký tên; đơn phải viết rõ ràng, chân phương, không được viết tháu, viết tắt. Người kê đơn chịu hoàn toàn trách nhiệm về những đơn thuốc của mình đã kê cho bệnh nhân.

 

Điều 5.- Phải có sổ khám bệnh hàng ngày, ghi rõ số thứ tự, họ và tên bệnh nhân, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ, bệnh trạng, phương thuốc và liều lượng những vị thuốc đọc thuộc bảng A, B đã kê đơn cho từng bệnh nhân. Trường hợp có tử vong thì sau 48 giờ người chữa bệnh phải làm kiểm thảo tử vong, tổng kết những nhận định chẩn đoán và các phương pháp đã áp dụng, phân tích tìm ra nguyên nhân tử vong. Nếu lương y là người chữa bệnh trong tập thể đông y thì phải có sự tham gia trong tập thể. Nếu là lương y chữa riêng lẻ thì để báo cáo cho cơ quan y tế quản lý khi được hỏi đến.

 

Điều 6.- Người được đăng ký chữa bệnh lúc đi vắng được cử người có giấy phép đăng ký chữa bệnh cùng khoa, cùng phương pháp thay thế chăm sóc những bệnh nhân đang chữa dở dang.

 

Điều 7.- Tất cả những người làm nghề đông y chỉ xem mạch kê đơn, chữa bệnh bằng phương pháp đã đăng ký (lúc xin đăng ký phải khai rõ chữa về môn gì, phương pháp gì) không được làm vượt quá quy định ghi trong giấy phép đăng ký hành nghề, phân khoa, phân hạng.

 

Điều 8.- Những người được phép làm nghề xem mạch kê đơn không được bán thuốc cho bệnh nhân và tích trữ những loại thuốc thuộc diện Nhà nước quản lý. (Trường hợp là người chữa bệnh bằng phương pháp gia truyền đã có đăng ký bài thuốc thì được bốc thuốc hoặc sản xuất theo cao đơn hoàn tán, sẽ nói kỹ ở Điều 16).

 

Điều 9.- Mọi người làm công tác xem mạch, kê đơn, bào chế thuốc, bốc thuốc, chữa bệnh bằng các phương thuốc gia truyền, bằng các phương pháp châm cứu lể, giác, xoa bóp, bấm huyệt, đốt bấc, nắn bó gẫy xương trong tập thể chẩn trị đều phải có giấy phép làm nghề.

Tập thể chẩn trị phải có nội quy, có người phụ trách và phải báo cáo danh sách do cơ quan y tế địa phương biết.

 

Điều 10.- Tổ chức phòng chẩn trị, phải được chính quyền và y tế từ cấp huyện trở lên cho phép, cơ sở chữa bệnh đó phải được cơ quan kiến trúc công nhận đủ điều kiện an toàn, cơ quan y tế công nhận những nơi khám bênh, chữa bệnh, bào chế, bốc thuốc đủ điều kiện vệ sinh; chỗ phòng đợi cần có ống nhổ, thùng rác. Ngoài ra phải bố trí sắp xếp để có nhà xí, bệnh nhân đến chờ khám, khi cần có thể đi đại tiện, tiểu tiện được và có bảng hướng dẫn để bệnh nhân dễ tìm.

 

Điều 11.- Mọi người làm nghề chữa bệnh đều phải được chứng nhận có đầy đủ sức khoẻ (không bị mù, điếc, lẫn do tuổi già) bị bệnh lây (lao, hủi, hoa liễu) đương tiến triển, tinh thần phân lập.

 

Điều 12.- Người đã làm nghề chữa bệnh lâu năm (trước cách mạng tháng Tám) có nhiều kinh nghiệm, được nhân dân tín nhiệm mà bị một trong hai chứng điếc hay mù hiện nay lại có con hoặc cháu cũng là lương y, được phép cùng làm nghề đó, cùng đứng tên đăng ký chịu trách nhiệm chung thì được phép tiếp tục làm nghề; nếu tổ chẩn trị tập thể yêu cầu kết nạp với tư cách cố vấn chuyên môn thì cùng được phép làm nghề.

 

Điều 13.- Cá nhân hoặc tổ chức chẩn trị tập thể đã được phép đăng ký làm nghề đông y đều phải thi hành đúng các thể lệ hiện hành.

 

II. VỀ QUYỀN LỢI

 

Điều 14.- Tất cả những cá nhân hoặc tập thể chữa bệnh bằng phương pháp đông y đã được đăng ký thì đều được hưởng các khoản thù lao như sau:

- Xem mạch, kê đơn thuốc, châm cứu, giác, lể, xoa bóp, bấm huyệt, đốt bấc, nắn bó gẫy xương mỗi lần được hưởng từ: 0,30đ đến 0,50đ.

- Trong khi làm các thủ thuật chữa bệnh, nếu cần phải dùng thuốc tại chỗ thì ngoài tiền thù lao ra, có thể thu thêm tiền thuốc theo giá quy định của Nhà nước, bài thuốc này cũng phải được cơ quan y tế xét duyệt và cho phép.

- Những trường hợp người chữa bệnh phải đi đến nhà bệnh nhân thăm bệnh, thì tuỳ sự thoả thuận giữa gia đình bệnh nhân và người chữa bệnh mà thanh toán phí tổn đi lại.

- Việc thù lao cho những người làm nghề chữa bệnh bằng đông y bán chuyên nghiệp thuộc các dân tộc ít người ở các xã, huyện miền núi, nếu xét thấy cần thiết thì Uỷ ban hành chính tỉnh và Ty y tế các tỉnh dựa vào quy chế này và căn cứ tình hình thực địa phương mà quyết định mức hoặc phương thức thù lao cho thích hợp.

 

Điều 15.- Cá nhân hoặc tổ chức chẩn trị tập thể được Sở, Ty, Phòng Y tế hoặc các bệnh viện uỷ nhiệm chữa một số bệnh thì cũng được hưởng quyền lợi như đã quy định ở Điều 14.

 

Điều 16.- Những người chữa bệnh bằng các phương thuốc gia truyền đã có đăng ký bài thuốc thì được bốc thuốc hoặc sản xuất thành cao đơn hoàn tán để chữa cho bệnh nhân già và phải theo sự hướng dẫn của Nhà nước, tuyệt đối không được bán ra thị trường. Khi sản xuất các thuốc này phải chấp hành đúng các quy định, các quy chế về dược của Bộ Y tế.

 

Điều 17.- Người làm nghề đông y được phép đăng ký ở nơi mình thường trú, nếu định hành nghề tạm thời ngoài nơi thường trú thì phải được chính quyền địa phương nơi định đến làm nghề cho phép; khi có bệnh nhân mời đi xa phải đem giấy đăng ký theo; khi đổi chỗ ở sang tỉnh khác phải xin đổi đăng ký.

 

Điều 18.- Tất cả những người làm nghề chữa bệnh bằng đông y phải khai rõ địa điểm và trình giấy phép được làm nghề cho chính quyền và cơ quan y tế địa phương.

 

Điều 19.- Tất cả những người chuyên làm nghề chữa bệnh bằng đông y đều phải có biển đề: tên lương y, địa điểm, chuyên chữa những bệnh gì và phương pháp đã đăng ký.

 

III. QUAN HỆ VỚI CƠ QUAN Y TẾ NHÀ NƯỚC

 

Điều 20.- Cá nhân và các tổ chức làm nghề tập thể đông y được coi là lực lượng và cơ sở của ngành y tế, các cơ quan y tế địa phương có trách nhiệm giúp đỡ điều kiện hoạt động, bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn hoạt động theo đúng những quy chế hành nghề và phương châm nguyên tắc của ngành y tế và tổ chức học tập khi cần thiết.

 

Điều 21.- Các cá nhân, các tổ chức làm nghề tập thể đông y chịu sự quản lý về mọi mặt của chính quyền và cơ quan y tế địa phương.

 

Điều 22.- Tham gia các công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, chống dịch theo quy định và sự phân công của cơ quan y tế địa phương.

 

Điều 23.- Cá nhân và cơ sở chẩn trị tập thể phải báo cáo với cơ quan y tế địa phương về hoạt động của mình theo từng thời gian quy định.

 

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 24.- Quy chế này thay thế quy chế do Bộ đã ban hành trước đây đối với những người làm nghề chữa bệnh bằng đông y.

 

Điều 25.- Mọi cá nhân, tổ chức làm nghề chữa bệnh bằng đông y có trách nhiệm tuân theo quy chế này. Những người làm trái với quy chế gây thiệt hại về tài sản và tính mệnh của nhân dân, có thể bị thu giấy phép làm nghề có thời hạn hay vĩnh viễn và bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

 

Điều 26.- Trong khi thi hành quy chế này cơ quan quản lý y tế các cấp cần có sự trao đổi ý kiến và rút kinh nghiệm với các cơ quan hội đông y cung cấp, nhằm bảo đảm người làm nghề đông y, vừa mở rộng nâng cao khả năng phục vụ vừa đi vào con đường làm ăn tập thể xã hội chủ nghĩa một cách vững chắc.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 184-BYT/QĐ ngày 6-5-1975 của Bộ Y tế).