QUYẾT ĐỊNH
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 33-NH/QĐ NGÀY 9-4-1983 BAN HÀNH CHẾ ĐỘ TÍN DỤNG, TIỀN TỆ, THANH TOÁN VÀ LÃI SUẤT CÓ PHÂN BIỆT ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP HOẠT ĐỘNG TỐT HOẶC YẾU KÉM
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Căn cứ quyết định số 163-CP ngày 16-6-1977 của Hội đồng Chính phủ quy định về cơ cấu tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước;
Căn cứ quyết định số 172-HĐBT ngày 9-10-1982 của Hội đồng bộ trưởng về tiền tệ, tín dụng, thanh toán trong thời gian trước mắt,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. - Ban hành kèm theo quyết định này Chế độ tín dụng, tiền tệ, thanh toán và lãi suất có phân biệt đối với các xí nghiệp hoạt động tốt hoặc yếu kém.
Điều 2. - Chế độ này thi hành từ ngày 1 tháng 4 năm 1983; cụ thể hoá điểm 2 phần II trong thông tư số 95-NH/TT ngày 24-11-1982 của tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành quyết định số 172-HĐBT ngày 9-10-1982 của Hội đồng bộ trưởng về tiền tệ, tín dụng, thanh toán trong thời gian trước mắt.
Điều 3. - Các đồng chí chánh văn phòng, giám đốc các Ngân hàng chuyên nghiệp, vụ, cục, ban ở Ngân hàng trung ương, giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, trưởng ngân hàng huyện, quận, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh) chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định này.
CHẾ ĐỘ
TÍN DỤNG, TIỀN TỆ, THANH TOÁN VÀ LÃI SUẤT CÓ PHÂN BIỆT
ĐỐI VỚI CÁC XÍ NGHIỆP HOẠT ĐỘNG TỐT HOẶC YẾU KÉM
(ban hành theo quyết định số 33-NH/QĐ ngày 9-4-1983
của tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước).
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. - Ngân hàng Nhà nước áp dụng chế độ tín dụng, tiền tệ, thanh toán và lãi suất có phân biệt đối với xí nghiệp quốc doanh hoạt động tốt hoặc yếu kém để phục vụ và thúc đẩy các xí nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, chấp hành đúng đắn các nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước và thực hiện tốt các quan hệ tín dụng, tiền mặt, thanh toán với ngân hàng.
Điều 2. Việc áp dụng chế độ tín dụng, tiền tệ, thanh toán và lãi suất có phân biệt đối với từng xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, phải được thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước theo các chế độ tín dụng, quản lý tiền mặt, thanh toán không dùng tiền mặt, lãi suất tín dụng hiện hành và văn bản này. Các địa phương không được quy định chế độ riêng.
Điều 3. - Bản chế độ này áp dụng đối với các xí nghiệp, công ty thương nghiệp, vật tư, xí nghiệp liên hợp kể cả các xí nghiệp công tư hợp doanh thuộc các ngành, các cấp (từ huyện trở lên) quản lý (sau đây gọi tắt là xí nghiệp).
II. TIÊU CHUẨN PHÂN BIỆT XÍ NGHIỆP HOẠT ĐỘNG TỐT HOẶC YẾU KÉM
Điều 4. - Xí nghiệp hoạt động tốt là xí nghiệp đạt những tiêu chuẩn sau:
1. Được công nhận là xí nghiệp hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được duyệt theo những quy định của Nhà nước về đánh giá hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh xây dựng cơ bản.
2. Chấp hành đúng đắn các nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước, nhất là quản lý giá cả, vật tư, giao nộp sản phẩm, nộp lợi nhuận và quỹ tiền lương được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản khi xét duyệt và công bố hoàn thành kế hoạch hàng năm.
3. Thực hiện tốt quan hệ tín dụng với ngân hàng theo nội dung:
- Xây dựng được kế hoạch tín dụng phù hợp với kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài chính và gửi tới ngân hàng đúng hạn.
- Thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tín dụng vốn cố định, vốn lưu động hàng quý và cả năm đã được thoả thuận giữa xí nghiệp và ngân hàng.
- Sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả kinh tế, trả nợ đúng hạn, không thiếu vật tư bảo đảm nợ. Giữ được vốn lưu động tự có, tăng vòng quay vốn lưu động, gửi các loại quỹ chưa sử dụng vào tài khoản thích hợp tại ngân hàng.
4. Thực hiện tốt quan hệ tiền mặt với ngân hàng.
- Xây dựng kế hoạch tiền mặt hàng quý có chất lượng, gửi tới ngân hàng đúng hạn.
- Thực hiện tốt các chỉ tiêu nộp, lĩnh tiền mặt tại ngân hàng, chấp hành mức tồn quỹ tiền mặt, toạ chi (nếu có) đúng như thoả thuận với ngân hàng.
- Sử dụng tiền mặt đúng mục đích, đúng chế độ quản lý tiền mặt của Nhà nước. Chi lương, chi thưởng đúng chế độ. Gửi báo cáo tới ngân hàng đúng hạn định.
5. Thực hiện tốt công tác thanh toán không dùng tiền mặt:
- Có biện pháp tốt để thực hiện hợp đồng mua, bán vật tư hàng hoá, cung ứng dịch vụ, chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thích hợp với phương thức giao nhận vật tư - hàng hoá, nhất là với các khách hàng mua, bán chủ yếu.
- Chấp hành đúng đắn chế độ thanh toán không dùng tiền mặt; không ứng trước và không đòi ứng trước tiền hàng sai chế độ, không bắt ép bên mua phải thanh toán bằng tiền mặt. Chủ động bảo đảm nguồn vốn chi trả và có biện pháp tốt thu nhanh tiền bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ; không đòi hỏi giá thanh toán bằng chuyển khoản cao hơn giá thanh toán bằng tiền mặt.
- Có biệp pháp và kế hoạch giải quyết nợ nần dây dưa từ những năm trước chuyển sang; không để phát sinh nợ dây dưa mới; không chiếm dụng vốn của đơn vị khác; không để đơn vị khác chiếm dụng vốn không hợp pháp; không bị phạt vì vi phạm kỷ luật thanh toán.
Điều 5. - Xí nghiệp hoạt động yếu kém là:
1. Không thực hiện được chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh Nhà nước giao, trong đó chỉ tiêu giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện và chỉ tiêu nộp ngân sách đạt từ 70% trở xuống.
2. Vi phạm các nguyên tắc, chế độ quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước, nhất là quản lý giá cả, quản lý vật tư, tiêu thụ và giao nộp sản phẩm, nộp lợi nhuận.
3. Thực hiện quan hệ tín dụng với ngân hàng yếu kém:
- Không xây dựng được kế hoạch tín dụng hoặc gửi đến ngân hàng không đúng thời hạn.
- Thực hiện không tốt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng vốn cố định, vốn lưu động đã thoả thuận với ngân hàng.
- Sử dụng sai mục đích vốn vay, thiếu vật tư bảo đảm vốn vay, không duy trì được vốn tự có, vòng quay vốn lưu động chậm. Có nợ quá hạn.
4. Thực hiện quan hệ tiền mặt với ngân hàng yếu kém:
- Không xây dựng được kế hoạch tiền mặt hoặc chất lượng của kế hoạch tiền mặt kém, gửi tới ngân hàng không đúng thời hạn.
- Không thực hiện được kế hoạch nộp và lĩnh tiền mặt, thực hiện vượt mức toạ chi tiền mặt( nếu có) và để vượt mức tồn quỹ tiền mặt.
- Không gửi các báo cáo theo quy định của chế độ quản lý tiền mặt đến ngân hàng đúng hạn.
5. Thực hiện công tác thanh toán không dùng tiền mặt yếu kém:
- Không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ ký hợp đồng mua, bán vật tư hàng hoá, cung ứng dịch vụ của Nhà nước; chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt không thích hợp với phương thức giao nhận hàng hoá, nhất là với khách hàng mua bán chủ yếu. Không bảo đảm nguồn vốn để chi trả sòng phẳng, không có biện pháp để thu nhanh tiền bán hàng, cung ứng dịch vụ.
- Vi phạm nghiêm trọng chế độ thanh toán không dùng tiền mặt; có ứng trước hoặc nhận ứng trước tiền hàng sai chế độ, bắt ép bên mua phải thanh toán bằng tiền mặt, đòi giá thanh toán bằng chuyển khoản cao hơn thanh toán bằng tiền mặt, dễ phát sinh thêm nợ dây dưa; có chiếm dụng vốn của đơn vị khác hoặc để đơn vị khác chiếm dụng vốn không hợp pháp; bị phạt vì vi phạm kỷ luật thanh toán.
Điều 6. - Những xí nghiệp không xếp vào loại xí nghiệp hoạt động tốt hoặc yếu kém là loại trung bình.
III. NỘI DUNG CHẾ ĐỘ PHÂN BIỆT
Điều 7. - Đối với những xí nghiệp được ngân hàng công nhận là hoạt động tốt:
1. Được vay vốn trong các trường hợp gặp khó khăn đột xuất không cần sự bảo lãnh của cơ quan cấp trên như vay để trả lương cho cán bộ, công nhân viên khi đến kỳ lương mà tài khoản tiền gửi kông đủ tiền, vay bù đáp vốn lưu động thiếu do cơ quan tài chính chưa cấp hoặc chưa có nguồn tự bổ sung từ lợi nhuận.
2. Được xếp vào loại ưu tiên lĩnh tiền mặt trong phạm vi kế hoạch và lịch rút tiền.
3. Được sử dụng thể thức thanh toán thuận tiện nhất để thu tiền nhanh khi tiêu thụ sản phẩm, và được vay chi trả.
4. Được hưởng chế độ ưu đãi về lãi suất tiền vay. Tuỳ mức độ thực hiện tốt các tiêu chuẩn mà được hưởng lãi suất ưu đãi cho các khoản nợ đã vay bằng 75%, 80%, 85%, 90% và 95% mức lãi suất cho vay bình thường.
Số giảm chi về lãi vay ngân hàng được bổ sung vào lợi nhuận xí nghiệp.
Điều 8. - Đối với những xí nghiệp hoạt động yếu kém:
1. Muốn tiếp tục vay vốn, xí nghiệp phải được cơ quan chủ quản bảo lãnh và chỉ được vay vốn để mua nguyên, nhiên vật liệu dự trữ trong một quý phục vụ kế hoạch sản xuất chính. Khi tài khoản gửi có tiền, phải dành ưu tiên để trả các khoản nợ đến hạn và quá hạn cho ngân hàng.
Nếu quá 6 tháng áp dụng các hình thức tác động nói trên mà xí nghiệp vẫn không có chuyển biến, thì ngân hàng chỉ duy trì loại cho vay trong định mức vốn lưu động hoặc vay dự trữ và luân chuyển hàng hoá trong kế hoạch (đối với thương nghiệp, vật tư) đình chỉ loại cho vay trên định mức và các loại cho vay khác.
2. Không được ngân hàng thoả thuận cho toạ chi tiền mặt và phải chứng minh được việc chi tiêu tiền mặt đã lĩnh kỳ trước là hợp lý mới được lĩnh tiền mặt kỳ sau.
3. Áp dụng các hình thức thanh bắt buộc và phải có vốn bảo đảm tại ngân hàng. Sau thời gian 6 tháng không có chuyển biến thì ngân hàng sẽ thông báo cho các đơn vị có liên quan biết là xí nghiệp không có khả năng chi trả.
4. Bị áp dụng mức lãi suất phạt. Tuỳ theo mức độ thực hiện các tiêu chuẩn loại xí nghiệp yếu kém, mà áp dụng lãi suất phạt đối với các khoản nợ đã vay bằng 105%, 110%, 115%, 120%, 125% mức lãi suất cho vay bình thường.
Số tăng chi về lãi suất tín dụng, xí nghiệp phải trích từ lợi nhuận của xí nghiệp để trả ngân hàng.
Điều 9. - Những xí nghiệp không thuộc 2 loại nói ở điều 4 và điều 5 trên đây, ngân hàng áp dụng các chế độ tín dụng, tiền tệ, thanh toán và lãi suất bình thường.
IV. QUYỀN HẠN, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP NGÂN HÀNG
Điều 10. - Các ngân hàng cơ sở có quan hệ trực với xí nghiệp phải mở hồ sơ theo dõi hoạt động kinh tế, tài chính của xí nghiệp và các quan hệ tín dụng, tiền mặt, thanh toán giữa xí nghiệp với ngân hàng theo mẫu thống nhất và có hệ thống kể từ đầu năm 1982.
Hàng năm, sau khi có xét duyệt và công bố xí nghiệp hoàn thành kế hoạch năm của cơ quan có thẩm quyền và cùng với việc tổng kết các nghiệp vụ tín dụng, tiền tệ, thanh toán; trưởng ngân hàng Nhà nước cơ sở nhận xét và trao đổi với giám đốc các xí nghiệp về phân loại xí nghiệp theo các tiêu chuẩn quy định ở điều 4, 5 và 6 trên đây, lập báo cáo tổng hợp kèm theo các văn bản có liên quan như bản sao thông báo công nhận hoàn thành kế hoạch năm, biên bản kiểm tra của ngân hàng về các quan hệ tín dụng, tiền tệ, thanh toán, ý kiến cụ thể của giám đốc xí nghiệp về việc phân loại của ngân hàng, gửi về ngân hàng tỉnh, thành phố, đặc khu.
Điều 11. - Giám đốc ngân hàng tỉnh, thành phố, đặc khu, căn cứ báo cáo của ngân hàng cơ sở, sau khi làm việc với các sở chủ quản và Sở tài chính (đối với xí nghiệp địa phương quản lý) hoặc giám đốc các ngân hàng chuyên nghiệp trung ương (đối với xí nghiệp do trung ương quản lý), có quyền quyết định và ra thông báo đối với các xí nghiệp trung ương và địa phương thuộc diện hoạt động tốt, các xí nghiệp địa phương thuộc loại hoạt động yếu kém, mức độ áp dụng các chế độ tín dụng, tiền tệ, thanh toán và lãi suất có phân biệt.
Điều 12. - Giám đốc các ngân hàng chuyên nghiệp trung ương, sau khi làm việc với các Bộ, Tổng cục chủ quản về phân loại các xí nghiệp, trả lời bằng văn bản cho giám đốc ngân hàng tỉnh, thành phố, đặc khu về những xí nghiệp trung ương quản lý xếp vào loại hoạt động tốt; quyết định và công bố những xí ngiệp trung ương quản lý xếp vào loại hoạt động yếu kém, mức độ áp dụng các chế độ tín dụng, tiền tệ, thanh toán và lãi suất có phân biệt đối với các xí nghiệp này.
Điều 13. - Định kỳ 6 tháng một lần, các trưởng ngân hàng cơ sở phải sở kết tình hình thực hiện các chế độ ưu đãi và phạt đối với từng xí nghiệp, đánh giá kết quả các biện pháp tác động để báo cáo lên ngân hàng tỉnh, thành phố, đặc khu; đồng thời giám đốc ngân hàng các tỉnh, thành phố sơ kết báo cáo về Ngân hàng trung ương. Cấp nào ra quyết định xếp loại xí nghiệp hoạt động tốt hoặc yếu kém thì cấp đó ra quyết định thay đổi áp dụng các hình thức ưu đãi hoặc phạt thích hợp.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. - Các giám đốc ngân hàng chuyên nghiệp trung ương căn cứ vào nội dung chế độ này và đặc điểm của chuyên ngành, hướng dẫn thi hành.
Điều 15. - Chế độ tín dụng, tiền tệ, thanh toán và lãi suất có phân biệt có giá trị thi hành kể từ ngày công bố văn bản công nhận xí nghiệp hoạt động tốt hoặc yếu kém. Kết quả hoạt động của kỳ trước được thực hiện chế độ tín dụng, tiền tệ, thanh toán và lãi suất có phân biệt vào kỳ sau.
Điều 16. - Việc áp dụng chế độ tín dụng, tiền tệ, thanh toán và lãi duất có phân biệt cần thực hiện từng bước, có sự chỉ đạo chặt chẽ và nâng dần theo trình độ quản lý của các đơn vị kinh tế.