NGHỊ QUYẾT

NGÀY 14 THÁNG 8 NĂM 1957 CHUẨN Y SẮC LUẬT SỐ 001/SLT
NGÀY 19 THÁNG 4 NĂM 1957 CẤM CHỈ MỌI HÀNH ĐỘNG ĐẦU CƠ VỀ KINH TẾ, SAU KHI SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG ĐIỀU 3 CỦA SẮC LUẬT

 

QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

HỌP KHOÁ THỨ VII

 

Sau khi đại diện Chính phủ báo cáo về sắc luật số 001/Slt ngày 19 tháng 4 năm 1957 cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế;

Sau khi nghe Tiểu ban sắc luật thuyết trình,

QUYẾT NGHỊ:

 

Chuẩn y sắc luật số 001/SLt ngày 19 tháng 4 năm 1957 cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế, sau khi sửa đổi và bổ sung điều 3 của sắc luật như sau:

"Điều 3 mới: Những người vi phạm luật này và những người đồng phạm, tuỳ theo tội nhẹ hay là nặng sẽ bị trừng phạt như sau:

- Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố cảnh cáo, thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn giấy phép đăng ký kinh doanh, phạt tiền đến một triệu đồng (1.000.000 đ).

- Truy tố trước Toà án:

Những người phạm pháp bị truy tố trước Toà án và có thể bị phạt tiền từ mười vạn đồng (100.000đ) đến một trăm triệu đồng (100.000.000đ) và phạt tù từ một tháng đến năm năm, hoặc một trong hai hình phạt trên.

Ngoài ra, số hàng hoá phạm pháp sẽ bị tịch thu một phần hay toàn bộ, hoặc bị trưng mua".

Điều 3 được sửa đổi và bổ sung của sắc luật có hiệu lực từ ngày nghị quyết này được ban bố.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 14 tháng 9 năm 1957.

SẮC LUẬT

SỐ 011-SLT NGÀY 19-4-1957

CẤM CHỈ MỌI HÀNH ĐỘNG ĐẦU CƠ VỀ KINH TẾ.

 

Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà Chiếu nghị quyết ngày 24 tháng 1 năm 1957 của Quốc hội; Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ; Sau khi Ban thường trực Quốc hội biểu quyết thoả thuận.

RA SẮC LUẬT:

 

Điều 1

Để góp phần vào việc bảo đảm bình ổn vật giá, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước, khôi phục và phát triển kinh tế quốc dân, bảo hộ và khuyến khích những người kinh doanh chính đáng, nâng cao đời sống của nhân dân, nay cấm chỉ mọi hành động đầu cơ.

 

Điều 2

Đầu cơ là những hành động của những tổ chức hoặc cá nhân lợi dụng cơ hội khó khăn về sản xuất, phân phối, tiêu thụ hoặc tạo ra những khó khăn đó để vơ vét, cất giấu, tích trữ hàng hoá, nâng giá hàng hoá, gẵy hỗn loạn trên thị trường, hoặc dùng mọi thủ đoạn khác, nhằm trục lợi một cách không chính đáng, làm thiệt hại cho người tiêu thụ và nền kinh tế quốc dân.

 

Điều 3

Những người vi phạm luật này và những người đồng phạm, tuỳ theo tội nhẹ hay là nặng sẽ bị trừng phạt như sau:

- Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố cảnh cáo, thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn giấy phép đăng ký kinh doanh, phạt tiền đến một triệu đồng (1.000.000 đ).

- Truy tố trước Toà án:

Những người phạm pháp bị truy tố trước Toà án và có thể bị phạt tiền từ mười vạn đồng (100.000đ) đến một trăm triệu đồng (100.000.000 đ) và phạt tù từ một tháng đến năm năm, hoặc một trong hai hình phạt trên.

Ngoài ra, số hàng hoá phạm pháp sẽ bị tịch thu một phần hay toàn bộ, hoặc bị trưng mua.

 

Điều 4

Những người phạm pháp nếu tự giác khai báo sẽ tuỳ theo tội nặng nhẹ mà được khoan hồng một cách thích đáng.

 

Điều 5

Những người có công giúp cơ quan có trách nhiệm khám phá ra hoặc bắt được các vụ đầu cơ sẽ được khen thưởng.

Chế độ khen thưởng sẽ do nghị định Thủ tướng Chính phủ quy định.

 

Điều 6

Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định những cơ quan nào có thẩm quyền khám xét, lập biên bản, tạm giữ, cảnh cáo, truy tố trước toà án xét xử các vụ phạm pháp quy định trong sắc luật này.

 

Điều 7

Tất cả những luật lệ trái với luật này đều bãi bỏ.

 

 

Điều 8

Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định những chi tiết sắc luật này.