• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 02/02/1961

NGHỊ QUYẾT

CỦA BAN BÍ THƯ SỐ 9-NQ/TW NGÀY 2 THÁNG 2 NĂM 1961
VỀ QUẢN LÝ THỐNG NHẤT NHÀ CHO THUÊ Ở CÁC THÀNH PHỐ

VÀ THỊ XÃ

 

Ngày 15-12-1960, Ban bí thư đã nghe Ban cải tạo Trung ương báo cáo và đề nghị giải quyết một số vấn đề về quản lý thống nhất nhà cho thuê ở các thành phố và thị xã và đã có những ý kiến như sau:

1. Trước đây Ban bí thư đã có bàn vấn đề cải tạo tư bản cho thuê nhà, nhưng nay thấy vấn đề chưa xem xét một cách toàn diện. Vì không thể chỉ đơn thuần quyết định chính sách cải tạo cho thuê nhà, mà còn phải quyết định chính sách sử dụng, phân phối các nhà ấy sau khi cải tạo, hơn nữa lại phải quy định cả một số chính sách cần thiết về việc quản lý nhà cửa ở các thành phố, thị xã, (những chính sách có liên quan trực tiếp đến những việc làm sau khi cải tạo tư bản cho thuê nhà).

Vì vậy nghị quyết này bổ sung cho các nghị quyết trước, đồng thời cũng quy định một số chính sách cụ thể mà các địa phương đã xin chỉ thị trong khi làm công tác cải tạo tư bản cho thuê nhà.

2- Về tinh thần chung của chính sách, có điểm cần chú ý là: nên thấy rõ vấn đề nhà cửa ở các thành phố, thị xã là một vấn đề quan hệ trực tiếp đến đời sống nhân dân, một vấn đề nằm trong toàn bộ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Nhà nước phải rất quan tâm chú ý giải quyết tốt, để đảm bảo cho nhân dân có đủ nhà ở rẻ tiền, an toàn, hợp vệ sinh, và dần dần tiến tới có đủ tiện nghi. HIện nay, cần giải quyết mấy vấn đề cấp bách nhất là xoá bỏ bóc lột cho thuê nhà, và cải tạo người tư bản cho thuê nhà, sử dụng và phân phối hợp lý các nhà cho thuê, bước đầu thi hành một số chính sách nhằm thống nhất quản lý các nhà cho thuê. Đồng thời phải nghiên cứu để đi đến quyết định chính sách và kế hoạch xây dựng nhà cửa ở thành phố, thị xã một mặt, Nhà nước xây dựng cho cán bộ, công nhân trong biên chế, một mặt hết sức khuyến khích nhân dân tích cực sửa chữa nhà cửa, xây dựng nhà mới, do đó phải chú ý khi thực hiện cải tạo nhà tư bản cho thuê nhà, cần tránh gây hiểu nhầm, không làm cho nhân dân e ngại trong việc bỏ tiền sửa chữa nhà cũ, xây dựng nhà mới.

3. Về nội dung chính sách Nhà nước thống nhất quản lý nhà cho thuê:

A) Đối tượng: Nhà quản lý (tức những người chủ có nhà cho thuê phải giao nhà cho Nhà nước trực tiếp quản lý) là:

- Những người tư sản.

- Những người trong cải cách ruộng đất đã quy là địa chủ, phú nông.

- Những người có diện tích nhà cho thuê ở các thành phố, thị xã, từ 120 đến 150 thước vuông (nhà tương đương với nhà gạch) trở lên, hoặc hàng năm thu được tiền cho thuê nhà từ 1.000 đồng trở lên.

Đối với những chủ có nhà cho thuê thuộc diện nới trên, thì các nhà tre, nứa, lá cho thuê của họ cũng thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước.

Diện tích nhà tính vào khởi điểm quản lý nói trên là toàn bộ diện tích cho thuê, chứ không tính diện tích trong lòng nhà. Và kể cả diện tích tuy trước đây không cho thuê, bán nhưng gần đây vì nhu cầu của cơ quan Nhà nước hoặc các đoàn thể mà đã đem cho thuê; trong trường hợp này, nếu chủ nhà không phải là người chuyên môn cho thuê nhà từ trước thì sẽ được miễn, không phải học tập chung với các chủ nhà cho thuê khác. Những chủ nhà cho thuê thuộc diện quản lý mà hiện nay đang đi thuê nhà người khác để ở, thì khi tiến hành quản lý nhà cho thuê của họ sẽ để lại cho họ một số diện tích để ở không phải trả tiền thuê.

B) Chủ nhà cho thuê sau khi cải tạo sẽ dược Nhà nước trả cho họ một số tiền cố định (tiền chuộc) bằng từ 15% đến 50% số tiền cho thuê trước đây (tuỳ theo số tiền cho thuê trước đây nhiều hay ít mà quy định tỷ lệ thấp hay cao), đồng thời cũng căn cứ vào chất lượng và công dụng của nhà cửa, và có chiếu cố hoàn cảnh sinh hoạt của gia đình chủ nhà.

Ban cải tạo Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thi hành điều quy định trên đây cho thích hợp và thống nhất.

Đối với các nhà vì quá tuổi sử dụng, không bảo đảm an toàn cho người thuê nhà nữa và bắt buộc phải dỡ đi thì chủ nhà sẽ không được hưởng tiền chuộc nữa, mà chỉ được hưởng một phần tiền bán nguyên vật liệu cũ sau khi đã trừ công dỡ phá. Đối với các nhà vẫn cho thuê được, nhưng vì để thực hiện quy hoạch xây dựng thành phố mới mà phải dỡ đi thì chủ nhà được tiếp tục hưởng tiền chuộc trong thời gian.

C) Về vấn đề mức diện tích để lại cho chủ nhà: hiện nay có một số chủ nhà cho thuê giữ lại để ở một diện tích quá rộng. Trong hoàn cảnh hiện nay nhân dân các thành phố đang thiếu nhà ở quá nhiều, thì đây là một điều bất hợp lý. Vì vậy, Nhà nước cần tính mức diện tích để lại cho chủ nhà một cách vừa phải, có chiếu cố hơn so với mức trung bình của nhân dân, riêng đối với những người làm công tác khoa học, văn học, nghệ thuật và các nhân sĩ yêu nước thì cần chiếu cố một cách thích đáng hơn. Số diện tích thừa sẽ do Nhà nước quản lý, và cũng tính một số tiền chuộc trả cho chủ nhà như đối với các diện tích khác.

D) Về vấn đề sửa chữa đối với các nhà cho thuê sau khi đã giao cho Nhà nước quản lý: Nếu chủ nhà tình nguyện bỏ tiền sửa chữa thì sẽ được hưởng mọt số tỷ lệ lãi đối với số tiền bỏ ra như tiền gửi vào Ngân hàng. Nếu chủ nhà không có khả năng sửa chữa, thì hoặc là Nhà nước sửa chữa trừ dần vào số tiền chuộc trả cho chủ nhà, hoặc là Nhà nước sẽ tuỳ theo chất lượng của ngôi nhà mà định giá trị và trả một phần cho chủ nhà, và tiền bỏ ra sửa chữa và sẽ quản lý toàn bộ.

4. Đối với các chủ nhà cho thuê dưới khởi điểm quản lý:

Mục đích cuối cùng là phải đi tới chỗ xoá bỏ hẳn lối kinh doanh nhà cho thuê của tư nhân, nhưng hiện nay, cần định một chính sách thích hợp đối với loại chủ nhà cho thuê này. Cụ thể là Nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ các mặt sau đây:

- Giá cho thuê nhà do Nhà nước quy định.

- Cho thuê nhà phải có hợp đồng thuê mượn, đăng ký tại cơ quan quản lý nhà đất địa phương.

- Chủ nhà phải ký quỹ tiền sửa chữa hàng tháng và có trách nhiệm sửa chữa nhà kịp thời, nếu chủ nhà không có khả năng sửa chữa thì Nhà nước giao cho người thuê nhà đứng ra sửa chữa rồi trừ dần vào tiền thuê nhà, hoặc Nhà nước sẽ giải quyết như đã nói ở trong điều c, mục 3.

- Chủ nhà ở quá rộng thì Nhà nước cũng sẽ xử trí như đã nói trong điều c, mục 3.

5. Đối với nhà vắng chủ:

Về nguyên tắc, từ nay tất cả nhà vắng chủ đều do Nhà nước quản lý, không giao cho tư nhân quản lý nữa (mặc dù trước đây họ có giấy chứng nhận hợp pháp của chính quyền ta). Nếu người quản lý dùng một số diện tích để ở thì họ sẽ trả tiền thuê nhà cho Nhà nước, nếu họ ở quá rộng thì Nhà nước sẽ điều chỉnh và cho họ ở theo mức tương đương với nhân dân.

- Những người quản lý nhà vắng chủ cho thuê là bố, mẹ đẻ, con đẻ và vợ chồng chính thức, nay xin tiếp tục được quản lý thì coi như chủ có nhà cho thuê mà giải quyết.

- Những người quản lý nhà vắng chủ khi bàn giao lại cho Nhà nước, phải thanh toán số tiền cho thuê đã thu được sau khi trừ thuế và các chi phí khác về quản lý và sửa chữa nhà cửa đó (trừ những người có giấy uỷ quyền và được chính quyền ta cấp giấy cho phép quản lý trước đây thì có thể được miễn thanh toán, nhưng phải làm giấy chứng nhận rằng họ đã sử dụng số tiền cho thuê đó).

Người nào có khả năng thanh toán thì phải thanh toán ngay, người nào xét không có khả năng thì cho họ nợ Nhà nước và sẽ cho họ trả dần trong một khoảng thời gian nhất định. Việc miễn giảm hoặc trả số tiền này do chính quyền dịa phương quyết định.

Ngoài một số điểm chính sách trên đây, Ban bí thư thấy cần nghiên cứu vấn đề nhà cửa ở các thành phố, thị xã một cách toàn diện hơn, và đề nghị Đảng đoàn Chính phủ xem xét thêm vấn đề này. Đối với những điều đã quy định trong văn bản này, Ban bí thư giao cho Ban cải tạo Trung ương dự thảo văn bản công khai để đưa ra Hội đồng Chính phủ xét.

Riêng đối với một số nơi đã tiến hành cải tạo nhà cửa xong, Ban cải tạo cần nghiên cứu xem có thể và nên bổ khuyết thế nào cho thích hợp để cho anh em được dễ làm.