HƯỚNG DẪN
CỦA LIÊN NGÀNH TỔNG CỤC CẢNH SÁT NHÂN DÂN VÀ
TỔNG CÔNG TY BẢO HIỂM VIỆT NAM SỐ 01-BH/CSND/91
NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 1991 VỀ VIỆC PHỐI HỢP THỰC HIỆN
NGHỊ ĐỊNH 30-HĐBT NGÀY 10 THÁNG 3 NĂM 1988 CỦA
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM
DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI
Sau một thời gian thực hiện Nghị định 30-HĐBT ngày 10 tháng 3 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của Chủ xe cơ giới, nhìn chung các Công ty Bảo hiểm và Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra ở các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp triển khai thực hiện. Song do chưa có sự chỉ đạo thống nhất giữa hai ngành nên thực tế vẫn còn phát sinh những vướng mắc, lúng túng trong thực hiện.
Để thực hiện tốt nội dung của Nghị định 30-HĐBT và Chỉ thị số 363-CT; Liên ngành tổng cục Cảnh sát Nhân dân - Tổng công ty Bảo hiểm việt Nam hướng dẫn và quy định một số nội dung để hai ngành thực hiện như sau:
I- PHỐI HỢP KIỂM TRA THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM
TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI
1. Công ty Bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp cùng các cơ quan khác trong việc:
a) Tổ chức tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa mục đích của chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để các chủ xe hiểu được nghĩa vụ, quyền lợi của họ khi tham gia bảo hiểm.
b) Tổ chức màng lưới cộng tác viên rộng rãi, thực hiện việc thu phí và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ xe tham gia bảo hiểm.
2. Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ giám sát và kiểm tra các chủ xe cơ giới trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc của Nhà nước, hướng dẫn và yêu cầu chủ xe phải tham gia bảo hiểm tại cơ quan bảo hiểm Nhà nước theo đúng nội dung Nghị định 30-HĐBT. Việc tổ chức kiểm tra các chủ xe tham gia bảo hiểm thông qua các hình thức sau:
a) Khi làm thủ tục đăng ký xe kiểm tra kỹ thuật an toàn định kỳ xe và cấp giấy phép lưu hành, cảnh sát giao thông làm theo các quy định của Bộ Nội vụ đồng thời phối hợp cùng bảo hiểm địa phương tổ chức thực hiện việc thu phí cấp đơn bảo hiểm cho chủ xe theo Chỉ thị số 363-CT ngày 6-11-1991 của Hội đồng Bộ trưởng về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
b) Hàng năm, từ ngày 1-4 trở đi, các xe cơ giới (trừ xe đạp máy) khi lưu hành trên đường phải có giấy chứng nhận bảo hiểm. Cảnh sát giao thông trong công tác của mình kết hợp kiểm tra và xử phạt đối với những xe chưa tham gia bảo hiểm, yêu cầu chủ xe phải tham gia bảo hiểm.
3. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ xe tham gia bảo hiểm, Cảnh sát giao thông có thể nhận uỷ nhiệm thu phí của cơ quan Bảo hiểm hoặc để cơ quan Bảo hiểm đặt điểm thu phí bảo hiểm tại nơi cấp giấy phép lưu hành xe, giấy chứng nhận đăng ký xe.
4. Công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm cung cấp và hướng dẫn cho Cảnh sát giao thông các văn bản pháp lý liên quan đến chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho việc thu phí và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, cụ thể bao gồm các văn bản sau:
- Nghị định số 30-HĐBT ngày 10-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng
- Quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
- Biểu phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
- Hướng dẫn các biểu mẫu cần thiết cho việc thu phí và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Một số quy định về thời hạn thanh toán giữa hai bên.
5. Công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm thanh toán cho Cảnh sát giao thông trên cơ sở số phí bảo hiểm Cảnh sát giao thông thu được theo các tỷ lệ sau:
a) 50% tổng số phí phạt về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
b) 1,5% tổng phí gốc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
c) 10% tổng phí gốc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy.
II- PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG
1. Khi tai nạn này xảy ra, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan bảo hiểm đối với tai nạn nghiêm trọng (chết người, bị thương nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản). Cán bộ bảo hiểm cần có mặt tại hiện trường để cùng cảnh sát giao thông và các ngành chức năng phối hợp giải quyết. Trường hợp cần thiết cơ quan bảo hiểm cùng chủ xe có thể ứng trước một số tiền để cấp cứu người bị thương, chôn cất người đã chết (nếu có), hạn chế tổn thất gia tăng.
2. Trong quá trình giải quyết tai nạn, Bảo hiểm phối hợp chặt chẽ với cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra trong việc tìm hiểu nguyên nhân tai nạn, xác định lỗi các bên có liên quan và thiệt hại thực tế phát sinh do tai nạn.
a) Đối với những vụ tai nạn được giải quyết bằng biện pháp thương lượng, hoà giải dân sự giữa các bên thì Cảnh sát giao thông hoặc cảnh sát điều tra (nơi thụ lý tai nạn) thông báo trước cho bảo hiểm và thống nhất về cách thức, phương pháp thực hiện để buổi hoà giải đạt kết quả tốt, đồng thời cảnh sát giao thông (hoặc cảnh sát điều tra) cung cấp bản sao hồ sơ tai nạn cho cơ quan bảo hiểm bao gồm:
- Biên bản khám nghiệm hiện trường tai nạn,
- Biên bản khám nghiệm xe liên quan trong vụ tai nạn,
- Bản kết luận điều tra (nếu có),
- Biên bản giải quyết tai nạn giao thông,
- Các chứng từ khác liên quan đến tai nạn (nếu có)
b) Đối với những vụ tai nạn nghiêm trọng phải giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự (hình sự) thì trong vòng 30 ngày (kể từ ngày xảy ra tai nạn) cảnh sát điều tra sẽ cung cấp cho Bảo hiểm kết quả điều tra tai nạn (xác định nguyên nhân và lỗi của các bên liên quan) và các chứng từ khác như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm xe liên quan, các chứng từ khác (nếu có) để Bảo hiểm có căn cứ pháp lý ban đầu tạm ứng giải quyết bồi thường.
3. Bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán cho Cảnh sát giao thông (Cảnh sát điều tra) chi phí sao chụp những hồ sơ, biên bản tai nạn đã được cung cấp và có trách nhiệm giữ gìn bí mật trong quá trình điều tra.
III- PHỐI HỢP ĐỀ PHÒNG VÀ HẠN CHẾ TỔN THẤT
1. Cảnh sát giao thông có trách nhiệm cùng các ngành chức năng tuyền truyền rộng rãi trong nhân dân về luật lệ giao thông đường bộ và những quy định khác về an toàn giao thông nhằm nâng cáo ý thức chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông.
2. Cảnh sát giao thông phối hợp cùng Bảo hiểm tổ chức khảo sát những nơi xảy ra tai nạn, tìm biện pháp tích cực hạn chế tai nạn, hoặc báo cáo liên ngành chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết nếu trong phạm vi địa phương không xử lý được.
3. Để thực hiện tốt công tác đề phòng và hạn chế tai nạn, trong phạm vi quỹ được duyệt, Cảnh sát giao thông và Bảo hiểm cần lập kế hoạch phối hợp ngay từ đầu năm.
IV- MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC
1. Hàng quý, năm, Cảnh sát nhân dân thông báo cho cơ quan bảo hiểm biết tình hình tai nạn giao thông và những vướng mắc trong phối hợp giải quyết tai nạn để có biện pháp khắc phục.
2. Hàng năm, Liên ngành mở hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp giữa hai ngành trong việc thực hiện Nghị định 30-HĐBT, tập hợp những vấn đề còn tồn tại, đề ra biện pháp khắc phục cho năm tới, xem xét những địa phương thực hiện tốt để có động viên khen thưởng kịp thời bằng nguồn kinh phí của Bảo hiểm.
3. Những quy định tại hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày ký, các quy định trước đây trái với hướng dẫn này đều bãi bỏ. Các đơn vị Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra, Công ty Bảo hiểm địa phương chịu trách nhiệm thực hiện tốt hướng dẫn này và phản ánh những vướng mắc để Liên ngành chỉ đạo kịp thời.