• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 09/09/1956

CHỈ THỊ

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 1043/TTG, NGÀY 9-9-1956
VỀ VIỆC XÉT VÀ GIẢI QUYẾT NHỮNG TRƯỜNG HỢP BỊ

XỬ TRÍ OAN TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Kính gửi : Các ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính các liên khu,

Các khu, các thành phố và các tỉnh đã có giảm tô và

Cải cách ruộng đất.

Đồng kính gửi: Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp,

Bộ Công an, Bộ Tài chính, Uỷ ban cải cách ruộng đất

Trung ương.

 

Công tác phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc bắt người và xử án làm cho nhiều cán bộ, nhân viên và nhiều người dân vô tội bị giam cầm, quản chế, khiến cho đời sống tinh thần và vật chất của họ rất khổ cực.

Ngoài ra ở một số công trường, nông trường quốc doanh, trong khi tiến hành các cuộc cải cách dân chủ, cũng đã dùng phương pháp sai lầm truy bức như cải cách ruộng đất, cho nên nhiều cán bộ, công nhân viên ở những nơi đó cũng bị bắt oan, xử oan.

Hiện nay một số người bị giam ở các trại rất đông, chế độ nhà giam chưa được chú ý cải thiện; nhiều người bị ốm yếu.

Tình trạng trên cần được sửa chữa gấp.

Trong khi chờ có một kế hoạch sửa chữa toàn diện những sai lầm trong giảm tô và cải cách ruộng đất. Thủ tướng phủ quyết định cần giải quyết ngay việc xét lại các trường hợp những người bị bắt hoặc bị xử oan, để trả lại tự do cho họ, đồng thời bỏ việc quản chế đối với những người bị quản chế oan.

Kế hoạch thực hiện như sau:

1. Phân loại và xét lại trường hợp những người bị giam qua các đợt giảm tô và cải cách ruộng đất và trong các cuộc vận động cải cách dân chủ. Việc này sẽ tiến hành theo ba bước.

Bước thứ nhất: Xét tất cả các trường hợp sau đây, không kể là người thuộc thành phần nào, bị quy là phản động, đang bị giam cứu hoặc đã bị xử án, trong các đợt giảm tô và cải cách ruộng đất và trong các cuộc cải cách dân chủ (trừ trường hợp cá biệt đối với những kẻ rõ ràng có tội phản động mà quần chúng đòi phải trừng trị).

- Tất cả các cán bộ, bộ đội, công nhân viên thoát ly.

- Cán bộ, bộ đội, công nhân viên miền Nam.

- Tất cả những cán bộ nửa thoát ly ở xã, thôn tham gia kháng chiến, những cán bộ nửa thoát ly ở xã, thôn thuộc thành phần trung, bần,cố nông tham gia công tác từ hoà bình đến nay.

- Các chiến sĩ thi đua, bộ đội phục viên, thương binh, du kích.

- Những trí thức và nhân sĩ (gồm cả những nhà tu hành).

- Gia đình cán bộ, bộ đội, thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, với kháng chiến, những gia đình ấy nếu là địa chủ cường hào gian ác có nhiều tội ác và chống lại chính sách thì để lại đến bước ba sẽ xét và giải quyết sau.

- Cán bộ, công nhân viên và nông dân ở các công trường, nông trường quốc doanh bị bắt, bị xử trong các cuộc cải cách dân chủ.

- Trẻ em từ 17 tuổi trở xuống.

- Phụ nữ có mang hoặc có con mọn.

- Những người già từ 60 tuổi trở lên.

Trong khi xét lại, những người này sẽ được đưa khỏi các trại giam, về những nơi thuận tiện để ổn định tư tưởng, cho hưởng chế độ 26.000đ một tháng; nếu ốm đau thì được chữa bệnh và bồi dưỡng; người nào rách rưới được cấp một bộ quần áo ngoài, một may ô và một quần đùi.

Bước thứ hai : Xét lại trường hợp những người thuộc thành phần nông dân lao động, những người có ít ruộng phát canh, những người thuộc thành phần phú nông và các thành bóc lột khác, đã bị quy sai là phản động mà đang bị giam cứu hoặc đã bị xử án trong các đợt giảm tô và cải cách ruộng đất và trong các cuộc vận động cải cách dân chủ.

- Đối vớinhững người được xét trong bước hai này, trong khi xét cũng được đưa ra ngoài trại giam và được cấp một ngày một cân rưỡi gạo tiền ăn và một tháng 5 cân gạo tiền tiêu vặt.

Bước thứ ba: Xét trường hợp những người thuộc thành phần nông dân lao động bị quy sai là địa chủ và bị kết luận oan là phản động, hay những địa chủ kháng chiến, địa chủ thường bị kết luận sai là phản động, là phá hoại hiện hành và đang bị giam cứu hoặc đã bị xử án.

Trong khi đang xét, thì những người thuộc thành phần nói trên vẫn để ở trại và được hưởng chế độ ăn tối thiểu là 30 cân một tháng, nếu ốm đau thì được chữa bệnh.

Trong khi tiến hành chung công việc nói trên, thì các Uỷ ban hành chính cần cải thiện gấp chế độ trong các trại giam về việc ăn, ở, cho phép những người bị giam được nhận quần áo , quà, được phép biên thư cho gia đình, được gặp người nhà v.v. Cần đặc biệt chú ý những người ốm nặng.

2. Đi đôi với việc xét để trả lại tự do cho người bị oan hiện bị giam trong các trại giam, thì bỏ quản chế những người bị quản chế oan (trừ những trường hợp quần chúng yêu cầu quản chế đối với những tên địa chủ có tội chưa đáng xử tử mà bị quản chế, hoặc những tên lưu manh tái phạm nhiều lần).

- Đối với những người còn phải quản chế thì Uỷ ban hành chính tỉnh phải xét lại và quyết định thời hạn quản chế và kỷ luật quản chế cho đúng mức, tránh hạn chế sự làm ăn sinh sống của họ.

- Nghiêm cấm việc bao vây, đấu tố, bắt bớ lung tung, nghiêm cấm truy bức nhục hình, nghiêm cấm việc lập nhà giam ở xã.

3. Uỷ ban hành chính liên khu, Khu và Tỉnh phụ trách việc tổ chức thực hiện. Mỗi khu và tỉnh sẽ thành lập một tiểu ban gồm đại diện Uỷ ban hành chính, Toà án, Công an, và Uỷ ban cải cách ruộng đất để thực hiện các việc nói trên.

Chính phủ sẽ ra một quy định về thủ tục pháp lý để xét và trả lại tự do cho những người vô tội đương bị giam. Trong khi chờ đợi, các Uỷ ban sẽ cho tiến hành ngay việc phân loại, chuẩn bị việc xét và trả lại tự do cho những người bị oan như đã nói trên.

4. Trong khi tiến hành công việc, Uỷ ban hành chính Khu được phép trích một khoản tiền ứng trước cấp cho các tỉnh, rồi sẽ thanh toán với Bộ Tài chính sau, Bộ Tài chính sẽ chỉ thị cho các Khu Tài chính, các Ty Tài chính giải quyết nhanh chóng các khoản chi tiêu về việc này.

Nhận được chỉ thị này, các Uỷ ban hành chính Liên khu, khu và tỉnh cần nghiên cứu kỹ và đặt kế hoạch cụ thể thi hành.

Trong khi thi hành cần có báo cáo đều lên Thủ tướng phủ, khi gặp khó khăn trở ngại thì báo cáo ngay Thủ tướng phủ, Thủ tướng phủ sẽ góp ý kiến giải quyết.