• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 06/04/1983

CHỈ THỊ

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 94-CT NGÀY 6-4-1983 VỀ VIỆC
LẬP LẠI TRẬT TỰ TRÊN LĨNH VỰC GIÁ BÁN BUÔN VẬT TƯ

 

Hiện nay, nhiều đơn vị cung ứng vật tư thuộc ngành trung ương và địa phương không chấp hành đúng giá bán buôn vật tư của Nhà nước, không giao hàng cho các đơn vị sử dụng tại các địa điểm quy định ở nơi tiêu thụ, mà buộc các đơn vị sử dụng phải đến nhận hàng tại nơi sản xuất hay nơi khai thác, làm cho giá thành sản xuất và giá bán buôn, bán lẻ nhiều mặt hàng bị đẩy lên cao, làm rối loạn hệ thống giá Nhà nước, và dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực (cửa quyền, móc ngoặc, ăn cắp, hối lộ, v.v...).

Hệ thống giá bán buôn vật tư của Nhà nước phải được chấp hành đúng thì việc kế hoạch hoá sản xuất và phân phối mới thực hiện được. Việc lập lại trật tự trên lĩnh vực giá bán buôn vật tư là một bộ phận quan trọng trong việc lập lại trật tự trên lĩnh vực phân phối lưu thông. Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng yêu cầu:

1. Các ngành có trách nhiệm cung ứng vật tư phải chấn chỉnh ngay hoạt động của các đơn vị cung ứng do mình quản lý, bảo đảm cung ứng cho khách hàng theo đúng địa điểm và giá chỉ đạo của Nhà nước đã ban hành. Nếu thấy giá cả, địa điểm giao nhận, chi phí lưu thông vật tư đã quy định còn có chỗ chưa hợp lý thì lập phương án sửa đổi, bàn bạc với các ngành liên quan về đề nghị lên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (qua Uỷ ban Vật giá Nhà nước) xem xét quyết định; nhất thiết không được tự tiện sửa đổi.

2. Nếu do điều kiện khách quan, đơn vị cung ứng không kịp vận chuyển vật tư cho đơn vị sử dụng theo đúng tiến độ kế hoạch và theo đúng chế độ Nhà nước quy định, khiến cho đơn vị sử dụng phải đi nhận vật tư ở địa điểm khác thì đơn vị cung ứng phải:

A) Thanh toán đúng giá Nhà nước tại địa điểm quy định trong bảng giá.

B) Trả cho đơn vị sử dụng khoản chi phí lưu thông mà đáng lẽ mình được hưởng nếu đưa vật tư đến đúng địa điểm quy định.

Các đơn vị sử dụng vật tư phải hạch toán chi phí vật tư vào giá thành theo đúng giá bán buôn vật tư do Nhà nước quy định; phần chi phí phát sinh thêm (nếu có) làm tăng giá vật tư thì hạch toán vào lỗ lãi.

3. Các ngành sản xuất và quản lý vật tư cùng Bộ Giao thông vận tải thực hiện hợp đồng vận chuyển vật tư hàng hoá theo giá cước chỉ đạo của Nhà nước. Các đơn vị vận tải không được tính giá cước vận chuyển ngoài kế hoạch nếu chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch theo hợp đồng đã ký kết. Hai bên chủ hàng và chủ phương tiện vận tải phải có biện pháp tích cực chống mất cắp vật tư trên đường vận chuyển làm thiệt hại tài sản Nhà nước và làm tăng giá tiêu thụ vật tư.

4. Các ngành sản xuất và quản lý vật tư phối hợp với trọng tài kinh tế Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Tài chính (ở địa phương thì do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu chủ trì) tổ chức kiểm tra các đơn vị cung ứng vật tư và có thái độ xử lý thích đáng. Kiên quyết ngăn chặn tệ ăn cắp, hối lộ, cửa quyền, móc ngoặc trong trong việc cung ứng, vận chuyển và giao nhận vật tư. Kiên quyết buộc đơn vị cung ứng vật tư phải bồi thường thiệt hại cho đơn vị sử dụng nếu đơn vị cung ứng vi phạm chính sách giá bán buôn vật tư của Nhà nước.

5. Gặp trường hợp các đơn vị cung ứng vật tư không chấp hành đúng giá bán buôn vật tư đối với mình, các đơn vị sử dụng phải lập tức báo cáo lên cơ quan chủ quản của mình và cơ quan quản lý đơn vị cung ứng vật tư để xử lý kịp thời. Nếu các cơ quan này không sử lý được thì báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (qua Uỷ ban Vật giá Nhà nước) xử lý.

Chỉ thị này phải được phổ biến đến tất cả các đơn vị cung ứng và sử dụng vật tư.