• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 28/04/1999

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 82/TB-VPCP
NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 1999 Ý KIẾN CỦA THỦ TƯỚNG

PHAN VĂN KHẢI VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ BÁO CHÍ

VÀ QUY HOẠCH, SẮP XẾP BÁO CHÍ

 

Ngày 21 tháng 4 năm 1999, tại văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin và các cơ quan liên quan về công tác quản lý báo chí và quy hoạch, sắp xếp báo chí. Cùng dự có các đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Khoa Điềm, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin; Hữu Thọ, Trưởng ban Ban Tư tưởng - Văn hoá trung ương; Phan Khắc Hải, Thứ trưởng Bộ văn hoá - Thông tin; Thang Văn Phúc, Phó trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ; Trần Quốc Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Hồ Anh Dũng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; Võ Tử Thành, Uỷ viên Thường vụ thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam.

Sau khi nghe Bộ Văn hoá - Thông tin báo cáo về công tác quản lý đối với báo chí và công tác quy hoạch, sắp xếp báo chí từ sau khi có Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 17 tháng 10 năm 1997 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo quản lý công tác báo chí, xuất bản", ý kiến của lãnh đạo các cơ quan liên quan, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có ý kiến như sau:

 

1. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước đây, cũng như sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Từ khi có Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị, công tác báo chí đã có những bước phát triển mới, đội ngũ những người làm báo chí đã nâng cao hơn về trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp góp phần quan trọng bảo đảm cho hoạt động báo chí đi đúng định hướng của Đảng, đưa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, đấu tranh chống tiêu cực, biểu dương những gương tốt, điển hình tiên tiến...

Tuy nhiên trong hoạt động báo chí có nhiều vấn đề cần phải được chấn chỉnh, nhiều biểu hiện cho thấy công tác quản lý hoạt động báo chí còn lỏng lẻo, kỷ cương chưa nghiêm, phát triển báo chí còn thiếu sự định hướng quy hoạch, có biểu hiện hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích đặt ra. Do đó việc thực hiện nghiêm túc công tác quản lý báo chí và tiến hành việc quy hoạch, sắp xếp báo chí theo tinh thần Chỉ thị 22 của Bộ chính trị là một yêu cầu rất cấp thiết.

Báo chí có sức mạnh rất lớn trong công tác tư tưởng và ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội. Nếu không làm tốt công tác quản lý, không định hướng đúng đắn sự phát triển của báo chí, thì có thể đưa đến những hoạt động lệch lạc, gây ra những tác hại khó lường hết được đối với xã hội. Hiện nay có một số báo chí bị khuynh hướng thương mại hoá và cơ chế thị trường chi phối, đăng tải những tin, bài thiếu lành mạnh mang tính giật gân, không chính xác gây tác động xấu trong xã hội, nhất là đối với tuổi trẻ, thậm chí làm lộ bí mật của Nhà nước. Một số người làm báo còn chịu ảnh hưởng bởi quan niệm không đúng về tự do báo chí, về vị trí, chức năng của người làm báo, đã có những hành vi tiêu cực... Làm ảnh hưởng xấu đến chức năng và danh dự cao quý của người làm báo, của cơ quan báo chí.

2. Sau khi có Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị, công tác quản lý báo chí có những mặt tiến bộ. Song, có thể nói công tác quản lý Nhà nước đối với báo chí vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu hiệu lực, thiếu hiệu quả, chưa kịp thời và có khi không kiên quyết. Trách nhiệm này thuộc các cơ quan chức năng làm công tác chỉ đạo, quản lý về công tác báo chí từ Trung ương đến địa phương, trước hết là Bộ Văn hoá - Thông tin, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí trong cả nước. Bộ máy quản lý cũng như cơ chế chỉ đạo, phối hợp còn chưa tốt. Giữa Bộ Văn hoá - Thông tin và Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương cần rút kinh nhiệm về cơ chế tổ chức, về sự phối hợp trong công tác chỉ đạo và quản lý đối với báo chí.

Điều cần nhấn mạnh là các cơ quan chủ quản báo chí chưa làm tốt trách nhiệm của mình còn dễ dãi, lỏng lẻo trong việc chỉ đạo báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chưa kiên quyết trong việc sắp xếp lại báo chí thuộc quyền mình quản lý. Lãnh đạo nhiều Bộ, địa phương và cơ quan chủ quản báo chí còn khoán trắng cho Tổng biên tập về nội dung và công tác điều hành báo chí, khi báo chí có những sai phạm đã không xử lý nghiêm túc và có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị chỉ rõ phải “tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí xuất bản”, do đó các cơ quan quản lý báo chí phải có trách nhiệm khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý và sắp xếp quy hoạch phát triển báo chí.

3. Cần quán triệt rõ những nguyên tắc, những tiêu chuẩn để quy hoạch, sắp xếp báo chí. Việc sắp xếp phải nhằm nâng cao chất lượng chính trị, chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ, theo đúng chức năng, tôn chỉ và mục đích của báo chí. Sắp xếp phải đi đôi với quản lý tốt và bảo đảm yêu cầu phát triển theo đúng quy định, không xảy ra tình trạng tự phát. Công tác sắp xếp, quy hoạch phát triển báo chí cần tiến hành một cách kiên quyết, khẩn trương trên cơ sở các nguyên tắc đã xác định. Đây là công việc quan trọng, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp uỷ Đảng, các cơ quan quản lý báo chí của Đảng, của Nhà nước và các cơ quan chủ quản báo chí.

Cùng với việc tién hành một bước sắp xếp báo chí theo tinh thần Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị, cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển thông tin, báo chí gắn với chiến lược phát triển thông tin. Trong đó cần xem xét một cách nghiêm túc mạng truyền hình trong cả nước nhằm khắc phục tình trạng vừa trùng lắp, vừa phân tán, lãng phí, lại yếu kém, nghèo nàn về cơ sở kỹ thuật và nội dung của nhiều Đài Truyền hình địa phương hiện nay.

4. Cần nghiên cứu để hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý của các cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác báo chí khắc phục tình trạng có lúc chồng chéo, có lúc ỷ lại giữa cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước, làm cho công tác chỉ đạo và quản lý đối với báo chí thiếu tập trung, thiếu hiệu quả cần thiết.

5. Một số kiến nghị cụ thể có liên quan đến cơ chế và tổ chức quản lý hệ thống thông tin, báo chí sẽ được xem xét trong khi nghiên cứu các phương án sắp xếp lại tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị gắn liền với cải cách hành chính trong thời gian tới.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện.