QUY ĐỊNH

CỦA CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
SỐ 2738/CAAV NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 1994 VỀ VIỆC THU TIỀN THƯƠNG QUYỀN VÀ PHÍ HẠ CÁNH, CẤT CÁNH VÀ CHỈ HUY BAY

ĐỐI VỚI CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG VÀ TƯ NHÂN NƯỚC NGOÀI

                        

CỤC TRƯỞNG
CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM

 

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được công bố theo Lệnh số 63-LCT/HĐNN8 ngày 04 tháng 1 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 242/HĐBT ngày 30/6/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thành lập Cục Hàng không dân dụng Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 36/TTg ngày 06/2/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động Cục Hàng không dân dụng Việt Nam;

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), các Cụm cảng hàng không, sân bay Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam, Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam, các Trung tâm Quản lý bay dân dụng Miền Bắc, Miền Trung và Niềm Nam trong việc thu tiền thương quyền và phí cất cánh, hạ cánh và chỉ huy bay theo đúng các quy định của Bộ Tài chính và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam;

QUY ĐỊNH

 

Điều 1: Định nghĩa

1. Việc thu và mức thu thương quyền nói tại Quy định này là việc thu tiền thương quyền được quy định tại các khoản 1 và 2 Phần II của Thông tư số 40 TC/GTVT ngày 25 tháng 4 năm 1994 của Bộ Tài chính quy định về thu và sử dụng nguồn thu thương quyền vận tải hàng không.

2. Mức thu phí cất cánh, hạ cánh và phí chỉ huy bay đặc biệt nêu tại Quy định này là mức phí hạ cánh, cất cánh và phí chỉ huy bay áp dụng cho các chuyến bay quốc tế thường lệ đối với cùng loại tầu bay, được quy định tại khoản 2 Điều 3 của quy định số 463/CAAV ngày 11/3/1994 của Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam về việc cấp phép cho các chuyến bay quốc tế thuê chuyến được thực hiện bởi các hãng hàng không và tư nhân nước ngoài đến và đi từ Việt Nam.

 

Điều 2: Thẩm quyền quyết định thu.

1. Việc thu tiền thương quyền và áp dụng mức thu phí cất cánh, hạ cánh và phí chỉ huy đặc biệt hoàn toàn theo quyết định của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam khi cấp phép cho các chuyến bay thuộc thẩm quyền cấp phép của mình.

2. Đối với các chuyến bay có áp dụng việc thu tiền thương quyền và mức thu phí đặc biệt nêu tại khoản 1 của Điều này, việc thu tiền thương quyền và việc áp dụng mức phí đặc biệt sẽ được nêu rõ trong phép bay được cấp cho chuyến bay đó, hoặc theo sự uỷ quyền riêng của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

3. Ban Không tải thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam có trách nhiệm xem xét và trình lãnh đạo Cục quyết định việc thu tiền thương quyền và việc áp dụng mức phí đặc biệt nêu tại khoản 1 của Điều này.

 

Điều 3: Uỷ quyền thu tiền thương quyền.

1. Việc thu tiền thương quyền được quyết định dưới hình thức sau:

a. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam uỷ quyền cho Vietnam Airlines thoả thuận với các hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay về việc thu tiền thương quyền dưới hình thức thoả thuận thương mại; thoả thuận thương mại này phải trình Cục hàng không dân dụng Việt Nam phê duyệt; hoặc

b. Vietnam Airlines được uỷ quyền thu tiền trực tiếp từ hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay tính trên cơ sở số hành khách, hàng hoá chuyên chở; trường hợp thu tiền thương quyền này được nêu rõ trong phép bay cấp cho chuyến bay đó.

2. Căn cứ vào quyết định của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam nêu trong phép bay hoặc trong sự uỷ quyền riêng quy định tại khoản 1 của Điều này, Vietnam Airlines có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị kinh doanh của mình tại các sân bay thực hiện việc thu tiền thương quyền, và có trách nhiệm báo cáo hàng quý về việc thu và sử dụng nguồn thu này với Ban Tài chính thuộc Cục hàng không dân dụng Việt Nam.

3. Việc mở sổ sách kế toán, sử dụng, nộp ngân sách Nhà nước đối với nguồn thu thương quyền được thực hiện theo quy định của Thông tư số 40/TC-GTVT ngày 25/4/1994 của Bộ Tài chính.

 

Điều 4: Thu phí hạ cánh, cất cánh và phí chỉ huy bay đặc biệt.

1. Căn cứ vào quyết định của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam nêu trong phép bay, các Cụm cảng hàng không, sân bay Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam, Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam và các Trung tâm quản lý bay dân dụng Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam, tuỳ từng trường hợp có liên quan, có trách nhiệm thực hiện việc áp dụng mức phí cất cánh, hạ cánh và phí chỉ huy bay đặc biệt được thực hiện theo chế độ hiện hành.

2. Ngoài các quy định tại khoản 1 của Điều này, việc thu, quản lý, sử dụng, nộp ngân sách Nhà nước đối với nguồn thu phí cất cánh, hạ cánh và phí chỉ huy đặc biệt được thực hiện theo chế độ hiện hành.

 

Điều 5: Hiệu lực.

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.