THÔNG TƯ

LIÊN TỊCH CỦA BỘ NGOẠI GIAO - TỔNG CỤC HẢI QUAN
SỐ 01/2000/TTLT-BNG-TCHQ NGÀY 10 THÁNG 03 NĂM 2000

HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU 21 NGHỊ ĐỊNH SỐ 16/1999/NĐ-CP

NGÀY 27/3/1999 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN, GIÁM SÁT HẢI QUAN VÀ LỆ PHÍ HẢI QUAN

 

- Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20/02/1990;

- Căn cứ Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 23/8/1993;

- Thực hiện khoản 3, Điều 21 Nghị định số 16/1999/NĐ-CP ngày 27/3/1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan.

Bộ Ngoại giao và Tổng cục Hải quan thống nhất hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Điều 21 Nghị định số 16/1999/NĐ-CP về hành lý xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh của người được quyền ưu đãi và miễn trừ như sau:

 

I. QUY ĐỊNH CHUNG

 

1. Thủ tục hải quan đối với hành lý xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh của những người được quyền ưu đãi và miễn trừ theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 16/1999/NĐ-CP ngày 27/3/1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan được thực hiện theo Thông tư hướng dẫn này. Chính sách thuế được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

2. Hành lý xuất khẩu, nhập khẩu của những người được quyền ưu đãi và miễn trừ quy định tại Điểm 1 nêu trên (bao gồm hành lý xách tay, hành lý ký gửi) là những vật dụng để phục vụ cho nhu cầu công tác, sinh hoạt hoặc mục đích của chuyến đi.

Hành lý khi xuất khẩu, nhập khẩu không nằm trong danh mục mặt hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và phải tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật Việt Nam. Phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh của những người được quyền ưu đãi và miễn trừ nếu là ôtô thì bộ phận tay lái phải nằm ở bên trái của phương tiện, là xe máy hai bánh thì dung tích động cơ phải dưới 175 cm3.

3. Lãnh đạo Hải quan tỉnh, thành phố phải có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị cơ sở trực thuộc thực hiện nhằm đảm bảo quyền ưu đãi và miễn trừ theo đúng các quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật hiện hành có liên quan; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để hành lý, phương tiện vận tải được giải phóng nhanh chóng, kịp thời. Việc kiểm tra hải quan thực hiện đúng theo quy định tại khoản 4, mục II của Thông tư này.

4. Trường hợp người được quyền ưu đãi và miễn trừ không trực tiếp làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, nhận - gửi hành lý thì phải có uỷ quyền hợp pháp bằng văn bản theo quy định của pháp luật.

 

II. QUY ĐỊNH THỦ TỤC HẢI QUAN:

 

1. Đối với hành lý, phương tiện vận tải của những người được quyền ưu đãi và miễn trừ quy định tại khoản 1 Điều 21:

1.1 Hành lý xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh của những người được quyền ưu đãi và miễn trừ nêu tại các điểm a, b khoản 1 Điều 21 khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam được miễn thủ tục hải quan (bao gồm được miễn khai báo hải quan và miễn kiểm tra hải quan).

1.2 Cơ quan đón, tiễn khách chịu trách nhiệm thông báo trước cho Tổng cục Hải quan và Hải quan cửa khẩu nơi khách xuất cảnh, nhập cảnh. Nội dung thông báo phải nêu rõ họ tên từng người, quốc tịch, chức vụ của những người được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ; thời gian và cửa khẩu xuất nhập cảnh; loại phương tiện vận tải xuất nhập cảnh để cơ quan Hải quan có điều kiện đảm bảo thực hiện chế độ ưu đãi, miễn trừ được thuận lợi theo đúng các quy định tại Thông tư này.

1.3 Trên cơ sở văn bản thông báo trước của cơ quan đón, tiễn khách được quy định tại điểm 1, 2, khoản 1, mục II nêu trên, Hải quan cửa khẩu phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách khi xuất cảnh, nhập cảnh được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ theo quy định. Trong trường hợp khách xuất cảnh, nhập cảnh đột xuất, chưa có thông báo trước của cơ quan đón, tiễn khách nhưng Hải quan cửa khẩu xác định được là những người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ và cơ quan đón tiễn có văn bản cam kết thì Hải quan cửa khẩu đảm bảo thực hiện quyền được ưu đãi và miễn trừ cho những người này, sau đó báo cáo Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

2. Đối với hành lý, phương tiện vận tải của những người được quyền ưu đãi và miễn trừ quy định tại khoản 2 Điều 21:

2.1. Những người mang hộ chiếu ngoại giao theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 21 và những người được quy định tại điểm b, c, khoản 2 Điều 21 khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam thì hành lý xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất cảnh nhập cảnh (nếu có phương tiện vận tải riêng) được miễn kiểm tra hải quan.

Trường hợp trong hành lý mang theo người hoặc gửi cùng chuyến nếu có đồ vật thuộc danh mục cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu; đồ vật phải kiểm dịch theo quy định của Việt Nam; đồ vật thuộc diện Nhà nước Việt Nam thống nhất quản lý theo quy định hàng năm hoặc trong từng thời kỳ; tiền mặt mang theo vượt mức quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì nhất thiết phải tự khai báo vào tờ khai hải quan và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan.

2.2. Những người nêu tại điểm c, khoản 2 Điều 21 là khách của các cơ quan, tổ chức muốn được miễn kiểm tra hải quan đối với hành lý xuất khẩu, nhập khẩu hoặc phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh thì những cơ quan, tổ chức đó phải có văn bản do Lãnh đạo cấp Bộ hoặc cấp tương đương đề nghị và gửi Tổng cục Hải quan chậm nhất là 02 ngày trước khi khách, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh đến cửa khẩu để được xem xét quyết định.

Nội dung văn bản nêu rõ mục đích, lý do xin miễn kiểm tra hải quan tại cửa khẩu và thời gian xuất cảnh, nhập cảnh; họ tên, chức vụ, số hộ chiếu của những người đề nghị được miễn kiểm tra hải quan; nhãn hiệu loại biển số của phương tiện vận tải đề nghị được miễn kiểm tra hải quan (nếu đi bằng phương tiện vận tải riêng).

Trên cơ sở văn bản đề nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyết định bằng văn bản cho phép được miễn hay không được miễn kiểm tra hải quan đối với hành lý xách tay, hành lý ký gửi cùng chuyến hoặc không cùng chuyến; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo Hải quan cửa khẩu thực hiện đúng nội dung quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

3. Đối với hành lý, vật dụng xuất nhập khẩu không gửi cùng chuyến xuất nhập cảnh:

3.1. Kiểm tra hải quan đối với hành lý, vật dụng xuất nhập khẩu không gửi cùng chuyến xuất nhập cảnh;

3.1.1 Hành lý, vật dụng của những người nêu tại khoản 1 Điều 21, Hải quan cửa khẩu kiểm tra hải quan theo đúng các quy định tại Điểm 4.1, khoản 4, mục II của Thông tư này.

3.1.2 Hành lý, vật dụng xuất nhập khẩu không gửi cùng chuyến xuất nhập cảnh của những người được quyền ưu đãi và miễn trừ quy định tại khoản 2 Điều 21 đều phải khai báo hải quan.

3.1.3 Hành lý, vật dụng của những người nêu tại điểm a, b khoản 2 Điều 21 nếu là mặt hàng phải quản lý theo quy định của pháp luật Việt Nam về tiêu chuẩn định lượng hoặc trong các trường hợp Hải quan cửa khẩu có cơ sở khẳng định chủ hành lý khai báo không đúng với hành lý, vật dụng thực xuất, thực nhập và xét thấy cần phải kiểm tra hải quan thì tiến hành kiểm tra hải quan. Việc kiểm tra hải quan thực hiện theo quy định tại điểm 4.2, khoản 4, mục II của Thông tư này.

3.1.4 Hành lý, vật dụng xuất nhập khẩu không gửi cùng chuyến xuất nhập cảnh của những người được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 21 được làm thủ tục hải quan theo quy định như đối với hành lý của những hành khách xuất nhập cảnh bình thường khác.

4. Kiểm tra hải quan:

4.1. Hải quan cửa khẩu chỉ tiến hành kiểm tra hải quan đối với hành lý, vật dụng xuất khẩu, nhập khẩu không gửi cùng chuyến xuất nhập cảnh của những người được quy định tại khoản 1, Điều 21 khi có quyết định bằng văn bản của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hoặc của người được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan uỷ quyền.

4.1.1 Thủ tục kiểm tra hải quan:

- Sau khi có văn bản chỉ đạo kiểm tra của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trước khi hành lý, vật dụng xuất nhập khẩu của những người được ưu đãi và miễn trừ đến cửa khẩu, Trưởng Hải quan cửa khẩu phải nắm cụ thể những trường hợp phải kiểm tra hải quan. Sau khi xác định được những trường hợp phải kiểm tra hải quan, lãnh đạo Hải quan cửa khẩu phải trực tiếp chỉ đạo quá trình kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc kiểm tra theo quy định của Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

- Trước khi kiểm tra và trong quá trình kiểm tra nếu có những phát sinh, vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền quyết định, yêu cầu báo cáo Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố kịp thời để xin ý kiến chỉ đạo.

4.1.2 Mọi trường hợp kiểm tra hải quan đều phải tiến hành lập biên bản theo đúng quy định. Lãnh đạo Hải quan cửa khẩu phải báo cáo ngay kết quả kiểm tra, biện pháp xử lý, những tồn tại chưa giải quyết và xử lý cho Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Những trường hợp xét thấy cần thiết, phải gửi kèm theo báo cáo bộ hồ sơ chứng từ có liên quan.

4.2. Đối với hành lý, vật dụng xuất nhập khẩu không gửi cùng chuyến xuất nhập cảnh của những người được quyền ưu đãi và miễn trừ quy định tại khoản 2, Điều 21:

Thủ tục kiểm tra hải quan thực hiện đứng theo quy định tại các văn bản hiện hành của Tổng cục Hải quan về kiểm tra hải quan đối với hàng hoá, hành lý xuất khẩu, nhập khẩu.

4.3. Việc kiểm tra hải quan chỉ được tiến hành trước sự chứng kiến của chủ hành lý, vật dụng xuất nhập khẩu hoặc người đại diện được chủ hành lý uỷ quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật.

4.4. Trường hợp có vi phạm thủ tục hải quan phải lập biên bản vi phạm; nếu xét cần phải tạm giữ bất kỳ đồ vật gì cũng phải có biên nhận tạm giữ, niêm phong hải quan theo đúng quy định hiện hành, đồng thời sau đó Lãnh đạo Hải quan cửa khẩu phải báo cáo ngay cho Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xin ý kiến chỉ đạo tiếp. Những trường hợp vượt thẩm quyền, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kịp thời, cụ thể để xin ý kiến chỉ đạo.

 

III. XỬ LÝ VI PHẠM

 

Mọi hành vi vi phạm các quy định tại Thông tư này sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

2. Các văn bản do Tổng cục Hải quan đã ban hành hướng dẫn về thủ tục hải quan đối với hành lý xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh của những người được quyền ưu đãi và miễn trừ bao gồm: Công văn số 413/TCHQ-GSQL ngày 10/3/1995; Công văn số 1704/TCHQ-GSQL ngày 22/7/1995; Chỉ thị số 275/TCHQ-GSQL ngày 18/10/1995; Công văn số 2344/TCHQ-GSQL ngày 26/7/1996; Công văn 2817/TCHQ-GSQL ngày 31/8/1996 đều bãi bỏ.

3. Bộ Ngoại giao và Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phối hợp xem xét giải quyết kịp thời những vụ việc phát sinh, vướng mắc và hàng năm tổ chức họp rút kinh nghiệm việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.

4. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện các quy định tại Thông tư này và niêm yết công khai ở những nơi quy định để mọi người biết và thực hiện.