HIỆP ĐỊNH KHUNG
VỀ CÁC ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC NGÀY 1-7-1990 - 30-6-1995
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (SAU ĐÂY GỌI LÀ VIỆT NAM) VÀ CHÍNH PHỦ THUỴ ĐIỂN
(SAU ĐÂY GỌI LÀ THUỴ ĐIỂN) VỀ VIỆC THUỴ ĐIỂN CUNG CẤP
CÁC NGUỒN TÀI TRỢ VỚI MỤC ĐÍCH PHÁT TRIỂN CHO VIỆT NAM
Điều 1. Phạm vi Hiệp định
1. Hiệp định quy định các điều kiện và thủ tục chung về việc sử dụng các nguồn tài chính mà Thuỵ Điển dành cho Việt Nam đối với hàng hoá, nhân sự, các dịch vụ tư vấn và các mục đích khác theo
A. Các Hiệp định về Hợp tác Phát triển và các Hiệp định cụ thể liên quan.
B. Bất kỳ Hiệp định về hỗ trợ khẩn cấp, và
C. Các Hiệp định về Hợp tác nghiên cứu, với điều kiện là các Hiệp định đó đề cập rõ ràng là theo Hiệp định này.
2. Nếu một Hiệp định được nói đến trong khoản 1 trên đây quy định việc hỗ trợ của Thuỵ Điển cho một dự án hoặc chương trình thông qua một cơ quan hoặc tổ chức của Liên hợp quốc, thì các điều kiện và thủ tục của cơ quan hoặc tổ chức đó sẽ được áp dụng thay cho các quy định của Hiệp định này.
Điều 2. Thẩm quyền đại diện
1. Trong quá trình thực hiện Hiệp định và thông qua các sửa đổi đối với các Phụ lục của Hiệp định này, cơ quan Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (trong Hiệp định này và trong các Phụ lục gọi là SIDA) sẽ có quyền đại diện cho Thuỵ Điển và Bộ Thương mại sẽ có quyền đại diện cho Việt Nam, trừ khi Chính phủ của một trong hai Bên chỉ định một cơ quan có thẩm quyền khác và thông báo việc đó với Chính phủ của Bên kia hoặc việc chỉ định đó được đưa ra trong bất kỳ một Hiệp định cụ thể nào được nói đến trong khoản 1 của Điều 1.
2. Đối với các vấn đề liên quan đến các Hiệp định về Hợp tác nghiên cứu, cơ quan Hợp tác Nghiên cứu với các nước đang phát triển của Thuỵ Điển (SAREC) sẽ có quyền đại diện cho Thuỵ Điển và Bộ Thương mại sẽ có quyền đại diện cho Việt Nam.
Điều 3. Chuyển giao các nguồn tài chính
Trong trường hợp Việt Nam sử dụng các nguồn tài chính do Thuỵ Điển cung cấp vào các mục đích khác ngoài việc mua sắm ở ngoài Việt Nam thì việc chuyển các nguồn tài chính đó sẽ được thực hiện bằng việc thanh toán vào tài khoản chuyển đổi của Việt Nam tại Ngân hàng Sveriges Riksbank hoặc tại Ngân hàng Thương mại Thuỵ Điển.
Điều 4. Hàng hoá
1. Theo mục đích của Hiệp định này, thuật ngữ "hàng hoá" sẽ được hiểu là các loại hàng tiêu dùng và thiết bị cũng như máy móc, các nhà máy công nghiệp, các công trình xây dựng và kỹ thuật dân dụng và các dịch vụ trong hợp đồng cung ứng và tạo thành một phần không thể tách rời của hợp đồng đó, như các dịch vụ chuyển và vận chuyển, lắp đặt máy móc và thiết bị, khởi động và vận hành các nhà máy, các dịch vụ giám sát, đào tạo nhân viên.
2. Đối với việc mua hàng hoá, các nguyên tắc được chấp nhận chung về việc mua, như các nguyên tắc nêu trong văn bản "Thực tiễn mua hàng đối với Trợ giúp phát triển chính thức" của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) sẽ được áp dụng. Các phần liên quan của các văn bản nói trên kèm theo đây là Phụ lục I.
3. Trong mỗi trường hợp khi mua hàng, các Bên sẽ bàn bạc nhằm xác định cách thức tiến hành mua sắm một cách hiệu quả nhất. Các Hiệp định được nói đến trong khoản 1 của Điều 1 sẽ chỉ rõ Việt Nam hay Thuỵ Điển sẽ mua hoặc tiến hành mua hàng hoá theo yêu cầu của các Hiệp định đó và, khi Việt Nam thực hiện việc mua sắm thì các Bên sẽ thoả thuận về một mức độ áp dụng các thủ tục Đấu thầu cạnh tranh Quốc tế (ICB) cũng như các thông lệ có thể chấp nhận được để mua theo mức độ của ICB.
4. Trong thời hạn hợp lý, Bên mua sẽ cung cấp cho Bên kia tất cả các thông tin liên quan về việc mua sắm của mình và tiếp cận các hồ sơ và tài liệu liên quan. Cụ thể là Việt Nam sẽ cung cấp cho Phòng Tổng hợp, Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam hồ sơ mời thầu hoàn chỉnh đối với mỗi trường hợp mua do Việt Nam thực hiện, để sao cho các bước được tiến hành nhằm bảo đảm rằng các nhà cung ứng hàng hoá liên quan của Thuỵ Điển sẽ giành được cơ hội tham gia đấu thầu.
5. Các quy định khác liên quan đến các thủ tục mua sắm, việc giao nhận hàng hoá do Thuỵ Điển mua được nêu ra trong Phụ lục II.
6. Việt Nam sẽ không đánh bất kỳ các khoản thuế hải quan hoặc phí liên quan nào đối với hàng hoá mà Thuỵ Điển tài trợ theo các Hiệp định được nói đến trong khoản 1 của Điều 3. Bất kỳ các khoản thuế hải quan hoặc phí liên quan nào phải trả cho việc nhập khẩu các hàng hoá đó sẽ đo Bộ, Vụ, Công ty hoặc Viện liên quan chịu.
7. Các giấy phép cần thiết đối với việc nhập khẩu hàng hoá do Thuỵ Điển tài trợ phải được Việt Nam cấp ngay.
Điều 5. Dịch vụ tư vấn
1. Theo mục đích của Hiệp định này thuật ngữ "các dịch vụ tư vấn" có nghĩa là các công ty tư vấn hoặc người tư vấn theo các hợp đồng với Thuỵ Điển hoặc với Thuỵ Điển và Việt Nam.
2. Đối với việc mua địch vụ tư vấn, các quy định trong khoản 2-4 của Điều 4 cũng như Phụ lục II, nếu liên quan, sẽ được áp dụng.
3. Việt Nam sẽ thực hiện nghĩa vụ khác liên quan đến các dịch vụ tư vấn quy định trong Phụ lục IV.
Điều 6. Nhân viên
1. Theo mục đích của Hiệp định này, thuật ngữ "nhân viên" sẽ được hiểu là các cá nhân khác ngoài những người mang quốc tịch Việt Nam được Thuỵ Điển hoặc hãng tư vấn hoặc một tổ chức do Thuỵ Điển hoặc Thuỵ Điển và Việt Nam ký hợp đồng và được dành cho Việt Nam tuyển dụng. "Nhân viên" cũng được hiểu là các hãng tư vấn hoặc nhân viên tư vấn thực hiện các nhiệm vụ thay mặt cho SIDA ở ngoài Văn phòng Hợp tác Phát triển.
2. Khi điều này được áp dụng, nhân viên sẽ thực hiện các nhiệm vụ được nêu chi tiết trong bản mô tả công việc do các Bên đã thỏa thuận. Bản mô tả đó sẽ nêu rõ cơ quan hoặc đơn vị của Việt Nam mà những nhân viên liên quan đó được cử đến và mọi chỉ đạo mà cơ quan hoặc đơn vị đó thực hiện.
3. Việt Nam sẽ bồi thường cho Thuỵ Điển và các đại diện của Thuỵ Điển cũng như nhân viên được tuyển dụng theo Hiệp định này đối với bất kỳ khiếu nại nào của các Bên thứ ba liên quan đến trách nhiệm pháp lý do các hành động hoặc sự bỏ qua không thực hiện của nhân viên khi thực hiện các nhiệm vụ của họ, ngoại trừ các khiếu nại hoặc trách nhiệm pháp lý phát sinh do sự vô trách nhiệm rõ ràng hoặc hành vi sai trái cố ý của đại diện hoặc nhân viên đó.
3.1. Nếu Việt Nam phải giải quyết bất kỳ khiếu nại nào được nói trong khoản này, Việt Nam sẽ được quyền thực hiện hoặc cưỡng chế quyền lợi của bất kỳ bị cáo nào hoặc quyền đền bù, phản tố, bảo hiểm, bồi thuờng, đóng góp hoặc đảm bảo nào mà nhân viên liên quan có thể được hưởng.
3.2. Thuỵ Điển sẽ dành cho Việt Nam quyền tiếp cận nhân viên, thông tin hoặc sự hỗ trợ khác mà Việt Nam có thể yêu cầu một cách hợp lý để giải quyết bất kỳ vấn đề nào được nhắc đến trong khoản này.
4. Nhân viên phải tuân thủ pháp luật, sắc lệnh, quy định và tập quán có hiệu lục tại Việt Nam. Mọi trường hợp ngoại lệ nào sẽ được nêu trong Hiệp định này hoặc bất kỳ Hiệp định nào được nêu trong Điều 1.
5. Trong trường hợp giam giữ hoặc bắt, vì bất kỳ lý do gì, bất kỳ người nào do Thuỵ Điển cung cấp, hoặc vợ chồng hoặc người phụ thuộc của người đó, hoặc trong trường hợp họ bị đưa ra xét xử hình sự:
a. Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam sẽ được thông báo ngay và phải có quyền đến thăm bất kỳ người bị giam giữ hoặc bị bắt nào.
B. Người bị giam giữ hoặc bị bắt có quyền liên lạc với Đại sứ quán và luật sư do Đại sứ quán hoặc chính người đó chỉ định.
C. Việt Nam sẽ dành những điều kiện sinh hoạt hợp lý cho bất kỳ người nào bị giam giữ hoặc bị bắt.
6. Việt Nam có thể yêu cầu triệu hồi hoặc thay thế bất kỳ người nào do Thuỵ Điển cung cấp mà công việc hoặc hành vi của người đó bị coi là không thoả mãn. Trước khi quyết định đưa ra yêu cầu như vậy, Việt Nam phải tham khảo với Thuỵ Điển.
7. Thuỵ Điển có thể triệu hồi bất kỳ nhân viên nào. Trước khi quyết định triệu hồi, trừ khi các điều khoản quy định khác, Thuỵ Điển phải tham khảo với Việt Nam về vấn đề đó cũng như về việc thu xếp để đảm bảo thay thế sớm nhân viên bị triệu hồi.
8. Các thủ tục và nghĩa vụ khác của Thuỵ Điển và Việt Nam về vấn đề nhân viên được đặt ra trong Điều 8 và Phụ lục III.
Điều 7. Chi phí cho các nguồn tài trợ do Thuỵ Điển cung cấp
Nếu các nguồn tài trợ dưới hình thức hàng hoá, nhân viên hoặc các dịch vụ tư vấn do Thuỵ Điển cung cấp hoặc mua sắm, thì chi phí cho các nguồn đó sẽ là chi phí thực tế mà Thuỵ Điển gánh chịu đối với các nguồn tài trợ. Chi phí nói trên sẽ được Thuỵ Điển khấu trừ vào các khoản liên quan cấp theo các Hiệp định được nói đến trong khoản 1-2 của Điều 1.
Điều 8. Các vấn đề an ninh
1. Việt Nam đảm nhận việc thông báo cho Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Hà Nội về bất kỳ tình hình bất thường hoặc tình trạng khẩn cấp nào trong nước. Trong trường hợp các diễn biến nói trên được bất kỳ Bên nào trong các Bên coi là trường hợp bất khả kháng hoặc nguyên nhân tương tự nào khác gây bất lợi cho việc thực hiện các dự án và chương trình theo các Hiệp định được nói đến trong khoản 1 của Điều 1, các Bên phải tiến hành thảo luận theo yêu cầu của bất kỳ Bên nào trong hai Bên. Khi thảo luận Việt Nam phải cung cấp thông tin về bất kỳ quy định nào về an ninh hoặc các hạn chế khác mà người nước ngoài phải tuân thủ.
2. Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm đối với sự an ninh của người được nói đến trong khoản 1 của Điều 6 cũng như vợ hoặc chồng và những người phụ thuộc đi theo nhân viên đó.
3. Theo các điều khoản trong các hợp đồng của những người được định rõ trong khoản trên đây, họ cần phải tuân thủ các chỉ dẫn mà Đại sứ quán Thuỵ Điển ban hành trong trường hợp có các diễn biến được nói đến trong khoản 1 trên. Các chỉ dẫn đó bao gồm, khi cần, bất kỳ chỉ thị nào mà Việt Nam truyền đạt. Trừ khi được Việt Nam gánh chịu, các chi phí liên quan đến các biện pháp được thực hiện đối với an ninh của nhân viên phải được tính vào các khoản tiền hàng năm do Thuỵ Điển cung cấp cho Việt Nam cho các mục đích phát triển.
Nhân viên hành động theo các chỉ dẫn do Đại sứ quán Thuỵ Điển ban hành hoặc tiến hành các hành động phòng ngừa nào như vậy được coi là cần được bảo đảm theo các hoàn cảnh và do đó không có mặt tại nơi làm việc sẽ không bị coi là lơ là nhiệm vụ theo Hợp đồng liên quan.
Các quy định của khoản này, khi liên quan, được áp dụng tương tự cho cả vợ hoặc chồng và những người phụ thuộc đi kèm với nhân viên.
4. Nếu tình trạng bất khả kháng được coi là đã xảy ra, Thuỵ Điển sẽ có quyền triệu hồi hoặc hồi hương bất kỳ người nào được nói đến trong khoản trên đây và sẽ thông báo ngay cho Việt Nam bất cứ khi nào quyền đó được thực hiện. Chi phí cho việc đó phải được trừ vào các khoản tiền hàng năm mà Thuỵ Điển dành cho Việt Nam cho các mục đích phát triển.
Điều 9. Các quy định khác
1. Mọi thông báo hoặc yêu cầu theo Hiệp đinh này hoặc bất kỳ Hiệp định nào được viện dẫn trong khoản 1 của Điều 1 đều phải bằng văn bản. Thông báo hoặc yêu cầu như vậy phải được coi là đã được trao hoặc đưa ra một cách hợp lệ khi được chuyển qua các kênh ngoại giao.
2. Vì mục đích của Hiệp định này hoặc bất kỳ Hiệp định nào nói đến trong khoản 1 của Điều 1, bất cứ khi nào thấy cần thiết phải xác định giá trị bằng đồng Curon Thuỵ Điển đối với giải ngân sử dụng bằng bất kỳ loại tiền tệ nào khác, thì giá trị đó sẽ được Thuỵ Điển xác định trên cơ sở tỷ giá bán trên thị trường hiện hành tại Stockholm vào ngày giải ngân hoặc, nếu tỷ giá đó không tồn tại thì theo tỷ giá mà Thuỵ Điển xác định một cách hợp lý qua thảo luận với Việt Nam.
3. Việt Nam sẽ thông báo các quy định của Hiệp định hiện tại đã tạo thành các cam kết và nghĩa vụ của Việt Nam cho các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện thay mặt cho Việt Nam.
Điều 10. Hiệu lực và chấm dứt
1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 1991 và tiếp tục có hiệu lực cho đến ngày 30 tháng 6 năm 1995, trừ khi bị chấm dứt sớm bởi bất kỳ Chính phủ của Bên nào. Việc chấm dứt đó, nếu được thông báo không muộn hơn ngày 31 tháng 3, sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm đó. Nếu việc chấm dứt được thông báo sau ngày 31 tháng 3 thì việc chấm dứt hiệu lực sẽ vào ngày 01 tháng 7 năm sau.
2 . Mặc dù đã có các quy định của khoản 1, các cơ quan có thẩm quyền nói tại khoản 1 của Điều 2 khi cần thiết có quyền thông qua và thoả thuận về các thay đổi trong các Phụ lục I - IV.
Làm tại Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1990 thành 02 bản gốc bằng tiếng Anh.
PHỤ LỤC I
CỦA HIỆP ĐỊNH CHUNG VỀ CÁC ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC TRÍCH
TỪ "THÔNG LỆ MUA HÀNG ĐỐI VỚI TRỢ GIÚP PHÁT TRIỂN
CHÍNH THỨC" (OECD, PARI, THÁNG 11 NĂM 1986)
I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ VIỆC MUA SẮM
TRONG VIỆC LỰA CHỌN VÀ THIẾT KẾ DỰ ÁN
Mua sắm là một khía cạnh quan trọng của việc quản lý viện trợ có những ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả sử dụng các nguồn viện trợ. Có thể giành được những thuận lợi lớn nếu được phép mua hàng viện trợ và dịch vụ từ những nguồn có tình cạnh tranh quốc tế. Tuy nhiên, vì hầu hết các nước thành viên đều cảm thấy có nghĩa vụ phải ràng buộc phần lớn viện trợ song phương của mình vào việc mua của nước viện trợ hoặc chỉ được phép không bị ràng buộc một phần, nên việc phát triển và áp dụng các thông lệ mua là rất hữu ích để nâng cao hiệu quả sử dụng các quỹ viện trợ bị ràng buộc này.
DAC, tại Cuộc họp cấp cao của mình vào tháng 12-1985 đã rút ra một số kết luận dối với các chính sách viện trợ từ kinh nghiệm đã trải qua. Đối với việc mua, nguyên tắc chung sau đây được nêu rõ:
Việc mua một cách hiệu quả có thể mang lại những lợi ích cơ bản cho Bên nhận về mặt giá thành dự án và việc hoạt động và duy trì sau này. Nếu việc mua bị ràng buộc, thì cần phải được quản lý một cách linh hoạt, kể cả việc lựa chọn kỹ lưỡng các nhà cung ứng mà nước viện trợ có thẩm quyền và cạnh tranh. Phải có giá thành có hiệu quả và quản lý về chất lượng, và không áp dụng đặc biệt là đối với các trường hợp việc mua theo giá trong nước và nước thứ ba là thiết yếu.
Việc mua phải được coi là một phần không thể tách rời trong toàn bộ quá trình lựa chọn, thiết kế và thực hiện dự án. Một số nguyên tắc được nêu trong Cuộc họp cấp cao năm 1985 có liên quan như sau:
- Sự tồn tại và khả nàng hiện thực của dự án có thể được nâng lên thông qua việc lựa chọn dự án nghiêm ngặt, đặt ra các mục tiêu một cách rõ ràng và thực tế hơn, việc thiết kế mềm dẻo hơn và việc điều chỉnh nhanh chóng hơn khi xác định được các vấn đề.
- Đưa ra quy định thực tế đối với những yêu cầu về chi phí phát sinh và bảo dưỡng cùng với những thoả thuận để đi lên bước theo hướng tự lập.
- Việc lựa chọn những công nghệ thích hợp đối với các điều kiện kinh tế và xã hội của Bên nhận là rất quan trọng đối với sự thành công của dự án.
- Tất cả các hoạt động viện trợ phải được kiểm nghiệm từ góc độ các ưu tiên phát triển quốc gia của nước nhận được đặt ra trong các chương trình chi tiêu công cộng quốc gia hoặc bộ phận. Các chương trình này sẽ cung cấp một cơ sở hữu hiệu đặc biệt đối với việc phân phối trợ giúp phát triển nếu chúng được xem xét và thảo luận cẩn thận với những nhà tài trợ cùng với sự giúp đỡ và tư vấn của các tổ chức tài chính quốc tế.
II. TÍNH CÔNG KHAI
A. TÍNH CÔNG KHAI TRONG QUY TẮC MUA:
Nguyên tắc:
Các thành viên sẽ hành động để những nước nhận viện trợ của họ, các Bên cung ứng có đủ tư cách và các thành viên DAC khác, có quyền tiếp cận được ở mức độ chi tiết thích hợp, các quy tắc mua chung đối với hỗ trợ phát triển chính thức của họ.
B. TÍNH CÔNG KHAI TRONG CÁC THÔNG TIN VỀ
CÁC HỢP ĐỒNG CUNG ỨNG TƯ NHÂN:
Nguyên tắc:
Các thành viên sẽ thông báo cho các Bên nhận viện trợ của họ, vào thời điểm nên viện trợ, về các quy tắc mua sắm được áp dụng và về các nguồn mua phù hợp. Đối với các hợp đồng tư nhân, các Bên cung ứng trong nước và nước ngoài có quyền lợi và đủ tư cách đều được tiếp cận như nhau và kịp thời các thông tin về tính chất của hàng hoá và dịch vụ sẽ được mua sắm và về các quy tắc mua sắm được áp dụng.
III. ĐẤU THẦU CÓ TÍNH CẠNH TRANH QUỐC TẾ (ICB)
Nguyên tắc:
Các thành viên sẽ xem xét phạm vi sử dụng mua có tính cạnh tranh quốc tế được mở rộng tới chừng mực tương ứng với các chính sách mua của họ. Đặc biệt, họ sẽ khuyến khích các nước nhận, các nhà tài trợ khác và các Tổ chức Tài chính quốc tế để đưa ra các đề nghị về đồng tài trợ và các thu xếp tài trợ hợp tác khác quy định về việc mua cạnh tranh quốc tế và sẽ xem xét các đề nghị này một cách tích cực.
IV. ĐẤU THẦU CẠNH TRANH TRONG NƯỚC (NCB)
Nguyên tắc:
Theo quy tắc chung (và trừ khi ICB hoặc các hình thức cạnh tranh quốc tế khác có thể được áp dụng), các thành viên sẽ khuyến khích sử dụng đấu thầu cạnh tranh trong nước như là thủ tục chính để mua theo các điều kiện viện trợ ràng buộc. Họ sẽ làm rõ là theo điều kiện nào thì họ áp dụng NCB và theo điều kiện nào thì họ áp đạt các thủ tục mua chặt chẽ hơn hoặc cho phép thủ tục mua tự do hơn. Thủ tục đấu thầu theo NCB sẽ theo các tiêu chuẩn tối thiểu được quốc tế công nhận (về thông tin và tư cách của các nhà cung ứng tiềm năng, nội dung và tài liệu đấu thầu, giá thầu và chọn thầu).
Các chi tiết cụ thể về việc mua cũng cần được đưa ra theo hình thức không hạn chế để khuyến khích sự tham gia rộng rãi nhất. Cần có ít nhất ba nhà cung cấp tiềm năng tham gia nhưng nếu chỉ nhận được dưới ba hồ sơ thầu, thì quyết định chọn thầu có thể được dành cho nhà thầu thấp nhất nếu có giá cả hợp lý.
V. CÁC PHƯƠNG PHÁP MUA KHÁC
A. CẠNH TRANH KHÔNG CHÍNH THỨC
Nguyên tắc:
Nếu đấu thầu chính thức không thể được áp dụng như trong trường hợp gọi thầu nhỏ, gọi lại hoặc việc mua cấp bách thì cạnh tranh không chính thức có thể được thực hiện thông qua báo giá của một số các nhà cung ứng trong nước với điều kiện là giá cả, chất lượng và thời gian giao hàng, dịch vụ hậu mãi, và những nội dung liên quan khác của hợp đồng có tính cạnh tranh ít nhất là theo tiêu chuẩn quốc gia. Để tối đa hoá sự cạnh tranh theo các điều kiện này. Các thành viên cam kết: đảm bảo giá trị thành tiền bằng cách xác minh rằng giá cả là hợp lý có tính đầy đủ đến tất cả các yếu tố kể trên; chọn thầu hoặc tài trợ cho các hợp đồng trên cơ sở thông lệ thương mại hợp lý và không có sự phân biệt đối xử đối với các nhà cung ứng có thẩm quyền tiềm năng; và công khai đưa ra các cơ hội cung ứng với các hạn định về thời gian để lập báo giá hoặc đưa ra mời thầu đủ thời gian để cho phép có sự cạnh tranh hữu hiệu của một số đầy đủ các nhà cung ứng.
B. THƯƠNG LƯỢNG TRỰC TIẾP
Nguyên tắc:
Các thành viên công nhận rằng việc thương lượng trực tiếp các hợp đồng giữa các nhà tài trợ hoặc các nước nhận với một số nhà cung ứng hoặc chỉ với một nhà cung ứng duy nhất cần được hạn chế ở các trường hợp ngoại lệ. Điều này có thể bao gồm cả việc nhà nhập khẩu thương mại mua hàng hoá có nhãn hiệu được đăng ký hoặc nhà phân phối của Bên cung cấp được phép; việc lại cung ứng tiếp các hàng hóa từ đầu đã được mua theo đấu thầu, với điều kiện khoản bổ sung nhỏ hơn so với khoản cung ứng gốc và việc cung ứng tiếp diễn ra trong thời gian hoặc chỉ ngay sau khi có các khoản cung ứng gốc; việc tiêu chuẩn hóa thiết bị hoặc phụ tùng; thiết bị đã đăng ký độc quyền chỉ được mua từ một nguồn duy nhất. Thông lệ thương mại hợp lý sẽ được tuân thủ và, tới chừng mực có thể, các thoả thuận sẽ được đưa ra nhằm đảm bảo giá cả hợp lý, có tính đến tất cả các yếu tố liên quan khác của hợp đồng, như chất lượng, thời gian giao hàng và dịch vụ hậu mãi.
VI. KIỂM TRA HÀNG HÓA
Nguyên tắc:
Các thành viên sẽ đưa ra các thoả thuận thích hợp, bất kể thủ tục mua thế nào để bảo đảm rằng chất lượng hàng hóa được cung ứng và thời điểm giao hàng được kiểm tra và việc thanh toán cho nhà thầu được thực hiện theo các kết quả kiểm tra. Các thoả thuận hợp đồng thích hợp cho việc kiểm tra như vậy sẽ được làm trong khuôn khổ hợp đồng cung ứng gốc.
PHỤ LỤC 2
CÁC ĐIỀU KIỆN TỐI THIỂU ĐỂ VIỆC DẤU THẦU CẠNH TRANH
QUỐC TẾ CÓ HIỆU QUẢ
1. Mục đích chính của Đấu thầu Cạnh tranh Quốc tế (ICB) là nhằm bảo đảm rằng các nước nhận sẽ giành được giá trị thành tiền và dành cho tất cả các nhà xuất khẩu tiềm năng cơ hội bình đẳng tham gia đấu thầu theo cách thức mà nhà nhập khẩu có thể so sánh họ một cách khách quan và do đó có thể xác định được giá thầu tối ưu. Để một thủ tục mua sắm "đấu thầu cạnh tranh quốc tế hiệu quả" các điều kiện tối thiểu sau đây phải được thực hiện.
QUẢNG CÁO
2. Việc mời thầu phải được quảng cáo kịp thời và rộng khắp. Tối thiểu là các đại diện chính thức từ các nước nguồn có đủ tư cách phải được trao một bản dự kiến mua và danh sách các nước nguồn có đủ tư cách, cùng với các thông tin về địa điểm nhận hồ sơ mời thầu. Các thông tin này phải được cung cấp bằng một hoặc nhiều ngôn ngữ thông dụng trong thương mại quốc tế và cũng phải được quảng cáo ít nhất trong một số phát hành của một tờ báo chung tại nước nhận.
CỠ CỦA CÁC HỢP ĐỒNG
3. Để thúc đẩy cạnh tranh rộng khắp, các hợp đồng tư nhân được đưa ra để đấu thầu cần lớn đủ để thu hút đấu thầu trên cơ sở quốc tế. Mặt khác, nếu có thể chia một dự án ra làm nhiều hợp đồng có tính chất chuyên dụng và việc phân chia này có thể có lợi cho Bên nhận và cho phép đấu thầu cạnh tranh quốc tế rộng lớn hơn, thì dự án nên được chia ra như vậy.
Tuy nhiên, việc mua không được cố ý tách ra làm nhiều phần nhỏ để tránh ICB. Các hợp đồng đơn lẻ về kỹ thuật, thiết bị và xây dựng ("Các hợp đồng chìa khoá trao tay") có thể được chấp nhận nếu các hợp đồng đó dành thuận lợi tổng thể về mặt kinh tế kỹ thuật và hành chính cho Bên nhận.
TƯ CÁCH CỦA NGƯỜI ĐẤU THẦU
4. Để đảm bảo rằng giấy mời thầu chỉ được gửi đến các nhà cung ứng có khả năng, nhà tài trợ và Bên nhận có thể thoả thuận về tư cách của các Bên đấu thầu, nếu họ cảm thấy rằng điều này là cần cho các công trình lớn hoặc phức hợp hoặc thiết bị chuyên dụng. Tư cách này cần hoàn toàn dựa trên khả năng thực hiện một cách thoả đáng, có tính đến kinh nghiệm và việc thực hiện trước đây của hãng với công việc tương tự, những khả năng của hãng đó về nhân viên, thiết bị và nhà máy, tình hình tài chính và uy tín. Các quy định về "Quảng cáo" (khoản 2) cũng được áp dụng đối với việc gửi giấy mời thầu cho người có đủ tư cách.
HỒ SƠ ĐẤU THẦU
5. Hồ sơ đấu thầu phải được lập bằng một hoặc nhiều ngôn ngữ thông dụng trong thương mại quốc tế và phải nêu rõ và chính xác công việc sẽ phải hoàn thành, hàng hóa và dịch vụ phải cung cấp, và nơi giao hàng hoặc lắp đặt. Giá tiền phải trả để lấy hồ sơ đấu thầu không cao hơn chi phí làm ra chúng. Hồ sơ đấu thầu, bao gồm thông số kỹ thuật, cần được lập theo cách thức cho phép và khuyến khích cạnh tranh quốc tế tự do và hoàn toàn. Để đạt được mục đích này, hồ sơ đấu thầu phải:
A. Đặt ra nội dung hợp đồng dự kiến;
B. Quy định rõ các tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế có thể chấp nhận được đối với thiết bị được sản xuất và nguyên vật liệu và nêu rõ rằng thiết bị và nguyên vật liệu đáp ứng được các tiêu chuẩn khác mà đảm bảo được chất lượng tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn quy định thì cũng sẽ được chấp nhận;
C. Bao gồm một tuyên bố rằng Bên mua bảo lưu quyền từ chối tất cả các gói thầu khi không có gói thầu nào đáp ứng được các thông số kỹ thuật, khi có bằng chứng về sự cạnh tranh không đầy đủ, hoặc khi gói thầu thấp nhất nhận được vượt quá giá trị được dự tính bằng một số tiền đủ để điều chỉnh cho hành động như vậy
D. Đưa ra các yếu tố phải tính đến khi đánh giá và so sánh gói thầu. Ngoài giá cả, hồ sơ đấu thầu có thể bao gồm các yếu tố như là thời điểm giao hàng hoặc xây dựng, hiệu quả của thiết bị, khả năng có sẵn các dịch vụ và phụ tùng, kinh nghiệm và tính đáng tin cậy về người đấu thầu. Các yếu tố này cần được nêu trong các hồ sơ đấu thầu và cần được nêu rõ bằng các giá trị tiền tệ, hoặc đưa ra các giá trị tương đương trong các quy định đánh giá của các hồ sơ đấu thầu;
Đ. Nêu rõ các loại tiền tệ áp dụng trong các gói thầu, bao gồm cả các loại tiền tệ của nhà tài trợ và Bên nhận và các loại tiền tệ khác được mua bán quốc tế; nêu rõ thủ tục chuyển đổi theo cơ sở thông thường để so sánh;
E. Bao gồm cả các thông số kỹ thuật được dựa trên cơ sở khả năng thực hiện; nhãn hiệu có thể được sử dụng như một phần của các thông số kỹ thuật chỉ để minh hoạ cho các đặc điểm thực hiện hoặc thiết kế; nếu được sử dụng như trên, phải sử dụng chú giải "hoặc tương đương";
G. Chỉ rõ các nước nguồn có đủ tư cách;
H. Nêu rõ nguồn tài trợ.
I. Nêu rõ ngày, giờ và địa điểm nhận gói thầu muộn nhất và mở thầu.
GÓI THẦU
6. Thời gian được phép để lập gói thầu nên được điều chỉnh theo tầm quan trọng và sự phức tạp của hợp đồng liên quan để đảm bảo được thời gian đầy đủ cho tất cả các nhà cung ứng lập và nộp các giá thầu của họ.
7. Tất cả các gói thầu cần được mở công khai vào thời điểm được quy định trong hồ sơ đấu thầu. Gói thầu nhận được sau thời điểm nói trên cần được trả lại mà không được mở. Tên của nhà thầu và tổng số tiền của mỗi gói thầu cần được đọc to và ghi lại.
Không một nhà thầu nào được phép thay đổi gói thầu của mình sau khi các gói thầu đã được mở. Bên nhận có thể yêu cầu hoặc chấp nhận các điểm được làm rõ nhưng không làm thay đổi tính chất và giá của gói thầu.
ĐÁNH GIÁ VÀ SO SÁNH CÁC GÓI THẦU
8. Việc đánh giá các gói thầu phải phù hợp với các điều khoản và điều kiện được đặt ra trong hồ sơ đấu thầu. Việc đánh giá cần bao gồm cả phân tích kỹ thuật để xác định sự tuân thủ các thông số kỹ thuật và xác định giá trị thành tiền phù hợp với bất kỳ yếu tố đánh giá nào được đặt ra trong hồ sơ đấu thầu và việc phân tích để xác định sự tuân thủ các điều khoản hợp đồng được đặt ra trong hồ sơ đấu thầu. Chỉ có các gói thầu của các nhà thầu đủ tư cách tuân thủ các điều khoản kỹ thuật và hợp đồng của hồ sơ đấu thầu mới được xem xét là các gói thầu phù hợp. Những khác biệt nhỏ không làm ảnh hưởng đến tính chất hoặc giá cả, như sai sót về số học hoặc chính tả, không làm cho gói thầu không phù hợp.
9. Giá cả được thông báo trong các gói thầu phù hợp phải được so sánh có sử dụng công thức so sánh các loại tiền tệ khác nhau được đặt ra trong hồ sơ đấu thầu. Việc so sánh các gói thầu cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị là theo giá không tính thuế, các loại thuế hoặc phí nhập khẩu tương đương. Báo cáo về việc đánh giá và so sánh các gói thầu phải được Bên nhận hoặc các nhà tư vấn của Bên nhận lập và đưa ra các lý do cụ thể về việc xác định gói thầu được đánh giá là thấp nhất và các lý do không đủ tiêu chuẩn của bất kỳ nhà thầu nào.
QUYẾT ĐỊNH TRAO HỢP ĐỒNG THẦU
10. Quyết định trao hợp đồng thầu phải được dành cho nhà thầu có gói thầu được xác định là gói thầu thấp nhất, có tính đến cả các yếu tố được đề cập trong các khoản trên; yêu cầu này không nhất thiết phải là gói thầu có giá thấp nhất nhận được. Nhà thầu thành công như là một điều kiện quyết định, không cần phải cam kết các trách nhiệm đối với công việc không được quy định trong hồ sơ đấu thầu hoặc thay đổi gói thầu của mình.
THUÊ NHÀ TƯ VẤN ĐỘC LẬP
11. Để quản lý thủ tục mua, các nhà tài trợ nhìn chung sẽ yêu cầu Bên mua thuê một nhà tư vấn đủ tiêu chuẩn độc lập là người có nhiệm vụ lập hồ sơ đấu thầu, đánh giá các gói thầu, hỗ trợ Bên mua trong quyết định trao hợp đồng thầu cũng như trong việc soạn thảo và thương lượng về các hợp đồng.
PHỤ LỤC II
CÁC THỦ TỤC MUA VÀ QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI VIỆC GIAO
VÀ NHẬN HÀNG VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN DO THUỴ ĐIỂN MUA
1. Thuỵ Điển mua hàng và làm dịch vụ tư vấn:
1.1. Nếu Thuỵ Điển đảm nhận việc mua hàng, Việt Nam sẽ trao cho SIDA yêu cầu với nội dung thông tin như sau:
A. Mô tả chi tiết hàng hóa, bao gồm các yêu cầu thực hiện và chất lượng và mục đích và ý định sử dụng;
B. Số lượng;
C. Người nhận (bao gồm địa chỉ đầy đủ);
D. Nơi hàng đến;
E. Hình thức vận chuyển: tàu hàng, vận tải hàng không v.v..
F. Đánh dấu hàng hóa;
G. Các yêu cầu đặc biệt: kích cỡ kiện hàng, đóng gói, giao một phần/toàn bộ, thời gian giao, loại bảo hiểm cho suốt quá trình vận chuyển, các dịch vụ (lắp đặt, đào tạo, bảo dưỡng).
1.2. Việc mua sẽ do SIDA thực hiện hoặc một đại lý do SIDA ký hợp đồng để thực hiện.
1.3. Trừ khi có thoả thuận khác, theo như các quy định, thủ tục và thông lệ được Thuỵ Điển thông qua đối với việc mua của Chính phủ của mình, SIDA được quyền trao quyết định hợp đồng trong từng trường hợp cho nhà thầu đưa ra giá thầu thấp nhất.
1.4. SIDA sẽ trao cho Việt Nam các báo cáo thường xuyên về việc mua của SIDA hoặc đại diện của mình và sẽ cung cấp các bản sao các hợp đồng và báo cáo về những khoản đã chi.
1.5 . Nếu các dịch vụ tư vấn do Thuỵ Điển mua, Việt Nam sẽ trao cho SIDA để chấp thuận các yêu cầu về dịch vụ cần mua. Yêu cầu này bao gồm các điều khoản tham khảo chi tiết và, khi thích hợp, thông tin về bộ hoặc cơ quan có thẩm quyền đại diện cho Việt Nam.
1.6. Trừ khi có thoả thuận khác, SIDA sẽ mời các nhà thầu và đàm phán ký hợp đồng với các hãng tư vấn hoặc nhà tư vấn được SIDA ủng hộ.
1.7. Trước khi ký hợp đồng với hãng tư vấn hoặc nhà tư vấn SIDA sẽ cung cấp cho Việt Nam hoặc đại diện có thẩm quyền của Việt Nam các thông tin cần thiết cho hợp đồng. Việt Nam hoặc đại diện của mình phải thông báo ngay cho SIDA kết quả đánh giá của mình.
2. Giao hàng do Thuỵ Điển mua:
2.1. SIDA sẽ giao hàng cho Việt Nam hoặc đại diện của Việt Nam ở nơi hàng đến như thoả thuận giữa SIDA và Việt Nam và sẽ thu xếp bảo hiểm đầy đủ cho tất cả hàng hoá được gửi.
2.2. SIDA sẽ thông báo cho Việt Nam hoặc đại diện của Việt Nam về thời gian mỗi chuyến hàng dự tính đến ngay sau khi xếp hàng lên tàu tại cảng xếp và cũng gửi hồ sơ, hoá đơn vận tải biển và các giấy tờ liên quan khác càng sớm càng tốt.
2.3. Nếu một chuyến hàng được giao bằng vận tải hàng không, các quy định trong các khoản trên đây của phần này sẽ được áp dụng với những thay đổi thích hợp .
2.4. Trong trường hợp việc kiểm tra tại nơi hàng đến thấy rằng chuyến hàng bị mất hoặc hư hỏng và nếu sự mất mát và hư hỏng đó không được bảo hiểm toàn bộ, SIDA cam kết sẽ cung cấp hàng thay thế theo mức độ yêu cầu. Chi phí cho hàng hoá thay thế sẽ được tính vào các khoản tiền hàng năm do Thuỵ Điển dành cho Việt Nam cho các mục đích phát triển.
3. Nhận hàng do Thuỵ Điển mua:
Đối với việc nhận hàng tại nơi hàng đến, Việt Nam sẽ:
A. Thông báo trước cho SIDA về các đại lý dịch vụ nhập khẩu sẽ được sử dụng và về loại tài liệu cần thiết để làm thủ tục hải quan;
B. Tiến hành tất cả các bước cần thiết để bảo đảm việc nhận hàng mau lẹ và an toàn, kể cả việc kiểm tra hàng hoá, và trong trường hợp mất mát hoặc hư hỏng, triển khai các thủ tục khiếu nại theo yêu cầu;
C. Tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để lưu kho và vận chuyển tiếp theo;
D. Thanh toán tất cả các chi phí và phí liên quan đến việc đưa hàng vào Việt Nam và liên quan đến việc lưu kho và vận chuyển hàng tiếp theo;
E. Tính vào phía Việt Nam tất cả các khoản thuế cảng và phí liên quan cũng như phí chậm trễ và giao hàng có thể phát sinh tại cảng giao.
PHỤ LỤC III
CÁC THỦ TỤC VÀ NGHĨA VỤ KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN
NHÂN VIÊN
A. TUYỂN DỤNG NHÂN VIÊN
1. Mỗi một yêu cầu về nhân viên do Việt Nam đưa ra cho SIDA phải kèm theo một bản thảo nội dung công việc chứa các thông tin liên quan đến cơ quan của Việt Nam mà viên chức được yêu cầu sẽ phục vụ. Bản thảo phải mô tả các chức năng mà viên chức cần thực hiện cũng như trình độ cần thiết và mong muốn.
2. Trước khi bắt đầu tuyển dụng, SIDA sẽ thoả thuận với Việt Nam về mọi biện pháp nào cần thiết để việc sử dụng hiệu quả các dịch vụ của viên chức được yêu cầu. Các biện pháp đó có thể bao gồm cả việc cử một đồng sự người Việt Nam vào cùng với viên chức đó. Nếu đồng sự được cử thì cần phải nêu trong bản mô tả công việc cuối cùng.
3. SIDA sẽ cung cấp cho Việt Nam các thông tin về ứng cử viên được đề cử bao gồm cả sơ yếu lý lịch, và Việt Nam phải thông báo cho SIDA trong vòng một tháng nếu ứng cử viên đó được chấp thuận.
4. Nếu Việt Nam và SIDA đồng ý, nhân viên có thể được chuyển từ chức năng này hoặc nhiệm sở này sang chức năng hoặc nhiệm sở khác trong thời gian hợp đồng.
B. CÁC NGHĨA VỤ CỦA SIDA
SIDA sẽ:
1. Trả tất cả các khoản lương và thù lao liên quan và các khoản phúc lợi cho nhân viên, kể cả chi phí đi lại và chuyển vào Việt Nam để đảm nhiệm nhiệm vụ và rời Việt Nam khi hoàn thành công việc;
2. Cung cấp nhà cửa được trang bị phù hợp kể cả chi phí sử dụng cho nhân viên làm việc trong một thời hạn liên tục trên sáu tháng;
3. Chịu chi phí ở khách sạn, không kể tiền ăn, tiền giặt là và điện thoại cho nhân viên làm việc trong một thời hạn không quá sáu tháng;
4. Liên quan đến việc đi công tác trong nước của nhân viên, cung cấp tiền sinh hoạt hàng ngày và chi trả tiền khách sạn theo các điều kiện và mức do SIDA và Việt Nam đặt ra;
5. Cố gắng đào tạo và chuẩn bị đầy đủ cho nhân viên để làm nhiệm vụ của họ tại Việt Nam khi có khả năng theo hình thức định hướng tại Việt Nam trước khi và trong suốt quá trình bổ nhiệm.
C. CÁC NGHĨA VỤ CỦA VIỆT NAM
Việt Nam sẽ:
1. Hỗ trợ khi có yêu cầu để đảm bảo nhà cửa được trang bị thích hợp;
2. Ủng hộ và tạo điều kiện hoạt động định hướng trong nước như nội dung của khoản 5 phần B trên đây;
3. Trang bị hoặc thu xếp trang bị văn phòng và các tiện nghi liên quan cho các mục đích làm văn phòng như cho các cán bộ công nhân viên Việt Nam cùng cấp bậc;
4. Cung cấp hoặc thu xếp cung cấp các dịch vụ y tế và các điều kiện thuận lợi cho nhân viên và vợ hoặc chồng và những người đi theo tại các cơ sở y tế nhà nước như cho các cán bộ nhân viên của Việt Nam cùng cấp bậc;
5. Cung cấp hoặc thu xếp cung cấp phương tiện giao thông liên quan đến việc đi công tác trong nước của nhân viên và đi công tác ngoài nhiệm sở;
6. Cho phép nhân viên được nghỉ phép năm và nghỉ ốm theo như các quy định của các điều khoản tuyển dụng của họ đã được SIDA thông báo cho Việt Nam;
7. Thông báo cho SIDA về ngày nghỉ phép năm và nghỉ ốm đã trao cho nhân viên;
8. Bảo đảm rằng việc cấp mọi thị thực xuất nhập cảnh cần thiết, cấp giấy phép cư trú và các giấy phép khác được cấp cho nhân viên và thị thực và giấy phép tương tự cho vợ hoặc chồng, những người phụ thuộc họ, thân nhân và bạn bè thân thiết của họ;
9. Miễn cho nhân viên thuế thu nhập cá nhân và bất kỳ khoản thuế trực tiếp nào khác liên quan đến các khoản thù lao mà SIDA hoặc nhân danh SIDA trả cho họ;
Việt Nam bảo đảm thêm rằng, nhân viên sẽ:
10. Có quyền mở và sử dụng các tài khoản ngân hàng trong nước cũng như nước ngoài tại Việt Nam cho nhu cầu cá nhân của họ, các tài khoản này sẽ không chịu những quy định quản lý ngoại tệ hoặc các loại phí mà Việt Nam quy định, và số dư trong tài khoản nước ngoài được tự do chuyển đổi ra tiền Thuỵ Điển hoặc bất kỳ loại tiền nào khác;
11. Cùng với vợ hoặc chồng và những người phụ thuộc họ có quyền trong vòng sáu tháng kể từ lần đầu đến Việt Nam được nhập khẩu hoặc mua từ kho hải quan, miễn thuế hải quan hoặc bất kỳ phí tương tự nào khác, đồ dùng gia đình mới cũng như đã qua sử dụng và các vật dụng cá nhân, như được định nghĩa dưới đây:
Thuật ngữ "đồ dùng gia đình và vật dụng cá nhân" bao gồm, đối với mỗi một hộ gia đình, các đồ vật như: một ô tô, một đài, một máy ghi âm, một máy chạy băng cassette, một vô tuyến, một bộ băng hình, một máy giặt, một máy rửa bát đĩa, một bếp nướng, điều hoà nhiệt độ, một tủ lạnh, một máy làm lạnh, các thiết bị điện nhỏ và một bộ thiết bị chụp ảnh, quay phim.
Hạn định sáu tháng nói trên có thể được bỏ qua trong các trường hợp đặc biệt, và quyền được nhập khẩu bổ sung có thể dược áp dụng đối với đồ dùng gia đình nếu những đồ dùng nhập khẩu đó bị hư hỏng không thể sửa chữa được.
Nếu các đồ vật được nhập khẩu nêu trên được đem bán cho người khác mà không phải là người được hưởng các ưu đãi về nhập khẩu nói trên, thì sẽ phải tính thuế thích hợp đối với hàng hoá đó. Trong trường hợp bán lại, phải được phép trước của cơ quan Hải quan Việt Nam.
Nếu xe ô tô bị hư hỏng hoàn toàn do tai nạn hoặc bị mất cắp, hoặc nếu thời hạn làm việc tại Việt Nam của người được quyền nhập những đồ vật nói trên được gia hạn hơn ba năm, thì người đó sẽ được nhập miễn thuế một xe thứ hai để thay cho chiếc xe đầu.
12. Có quyền xuất khẩu các đồ vật nói trong khoản 11 của phần này khi hoàn thành công việc của họ tại Việt Nam.
13. Nhận các chứng chỉ làm việc do Việt Nam cấp khi hoàn thành công việc của họ.
PHỤ LỤC IV
CÁC NGHĨA VỤ KHÁC CỦA VIỆT NAM LIÊN QUAN ĐẾN CÁC
DỊCH VỤ TƯ VẤN VÀ CUNG ỨNG DO SIDA KÝ HỢP ĐỒNG
1. Các hãng tư vấn và nhà tư vấn không đăng ký ở Việt Nam sẽ được miễn thuế thu nhập và các loại phí liên quan đối với tiền thù lao mà SIDA trả cho họ để thực hiện các dịch vụ tại Việt Nam.
2. Các hãng tư vấn và nhà tư vấn ở ngoài Việt Nam được miễn các loại thuế hải quan và các khoản phí liên quan đối với các thiết bị được mang vào Việt Nam cho mục đích của các dịch vụ được thực hiện, với điều kiện các thiết bị đó được xuất khẩu khi hoàn tất các dịch vụ; hoặc phải nộp thuế hải quan nếu thiết bị được đem bán tại Việt Nam.
3. Việt Nam sẽ bảo đảm rằng các cơ quan hữu quan của Việt Nam sẽ trao cho các hãng tư vấn và nhà tư vấn tất cả các thông tin liên quan và dành cho họ sự hỗ trợ hợp lý để thực hiện các dịch vụ của họ.