ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

CỦA BỘ NGOẠI GIAO SỐ 34/LPQT NGÀY 03 THÁNG 9 NĂM 2003

 

Thoả thuận bổ sung giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ ôxtrâylia Dự án “Tăng cường năng lực theo dõi và đánh giá Dự án Việt Nam - ôxtrâylia” - Giai đoạn II có hiệu lực từ ngày 29 tháng 7 năm 2003.

 

THOẢ THUẬN BỔ SUNG GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ ÔXTRÂYLIA DỰ ÁN
“TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN

VIỆT NAM - ÔXTRÂYLIA” - GIAI ĐOẠN II

 

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

 

1. Bản thoả thuận này thể hiện sự hiểu biết và ý định của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (GOSRV) và Chính phủ ôxtrâylia (GOA) về trách nhiệm và những đóng góp của hai Chính phủ đối với Giai đoạn II của Dự án: “Tăng cường năng lực theo dõi và đánh giá dự án Việt Nam - ôxtrâylia” (Dự án VAMESP - Giai đoạn II).

2. Dự án VAMESP - Giai đoạn II nhằm hỗ trợ GOSRV xây dựng một Hệ thống theo dõi và đánh giá về Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) có thể nhân rộng ở tầm quốc gia và thể hiện được những lợi ích của ODA đối với các cơ quan, các Bộ ngành và các Sở của GOSRV được lựa chọn tham gia Dự án. Dự án VAMES - Giai đoạn II cũng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chung về xoá đói giảm nghèo thông qua việc nâng cao hiệu suất và hiệu quả của các đầu tư bằng nguồn vốn ODA và cuối cùng là toàn bộ các dự án đầu tư của GOSRV.

3. Phù hợp với những mục tiêu ưu tiên của GOSRV và chương trình viện trợ của ôxtrâylia, mục tiêu chung của dự án VAMESP - Giai đoạn II là phát huy tối đa lợi ích của ODA ở Việt Nam.

4. Nội dung của Dự án VAMSEP - Giai đoạn II sẽ được trình bày chi tiết trong Tài liệu Thiết kế Dự án kèm theo Bản Thoả thuận này (Phụ lục 1).

5. Bản Thỏa thuận này được ký kết trên cơ sở và là đối tượng điều chỉnh của những điều khoản trong Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Phát triển ký ngày 27 tháng 5 năm 1993 tại Canberra giữa GOA và GOSRV.

 

CÁC CƠ QUAN THỰC HIỆN

 

6. Các cơ quan thực hiện Dự án VAMESP - Giai đoạn II bao gồm:

* Về phía Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (GOSRV):

• Cơ quan Quản lý: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI).

• Cơ quan Thực hiện: Vụ Kinh tế Đối ngoại (FERD) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và các cơ quan khác của Việt Nam được lựa chọn tham gia Dự án.

* Về phía Chính phủ ôxtrâylia (GOA):

• Cơ quan Quản lý: Cơ quan Phát triển Quốc tế của ôxtrâylia (AusAID) thuộc Bộ Ngoại giao và Thương Mại.

• Cơ quan Thực hiện: Một nhà thầu quản lý của ôxtrâylia (AMC) sẽ do AusAID tuyển chọn trên cơ sở tham vấn MPI.

 

KHÁI NIỆM

 

7. Những khái niệm dùng trong Thoả thuận này được hiểu như sau:

(a) “Nhân viên dự án của ôxtrâylia” là những công dân mang quốc tịch ôxtrâylia hoặc cư trú tại ôxtrâylia; hoặc những người khác không phải là công dân Việt Nam hoặc người thường trú tại Việt Nam, họ đang làm việc tại Việt Nam cho hoạt động trong khuôn khổ của Bản Thoả thuận này, lương và các chi phí khác của họ được thanh toán từ phần đóng góp của GOA cho hoạt động này;

(b) “Những cung cấp của ôxtrâylia cho Dự án” bao gồm các thiết bị, tài liệu, các hàng hoá và dịch vụ khác được cung cấp để thực hiện Dự án VAMESP - Giai đoạn II. Chi phí cho các cung cấp này được thanh toán từ phần đóng góp của Chính phủ ôxtrâylia cho Dự án VAMESP - Giai đoạn II.

(c) “Sở hữu trí tuệ” bao gồm các nội dung được quy định tại Điều 2 của Công ước Thành lập Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới ký ngày 14 tháng 7 năm 1967 tại Stockholm và được sửa đổi bổ sung ngày 28 tháng 9 năm 1979.

 

CÁC ĐÓNG GÓP

 

8. Nghĩa vụ đóng góp cho dự án của GOSRV và GOA được quy định chi tiết tại Phụ lục 2 và Phụ lục 3 của Bản Thoả thuận này.

9. Tất cả các khoản tiền trong Bản Thoả thuận này được tính bằng Đô la ôxtrâylia (A$) trừ khi được quy định khác. Phần đóng góp dự kiến của GOA không vượt quá A$ 5,4 triệu trong thời hạn 3 năm. Ngân sách cuối cùng của Dự án sẽ được quyết định khi quá trình chọn thầu kết thúc thành công. Đóng góp của GOA sẽ bao gồm ngân sách do AMC quản lý, và một Quỹ uỷ thác với trị giá khoản A$ 1,2 triệu do FERD/MPI và AMC phối hợp quản lý để chi cho việc tổ chức các hội thảo, huấn luyện và các chi phí khác của dự án theo quy định tại Phụ lục 2 của Thoả thuận này. Quỹ uỷ thác sẽ được cam kết trên cơ sở Báo cáo khởi động, kế hoạch hàng năm và những ước tính theo định kỳ 6 tháng đã được phê duyệt. Hoạt động của Quỹ uỷ thác sẽ tuân thủ theo Quy chế sử dụng Quỹ uỷ thác. Việc kiểm toán Quỹ uỷ thác sẽ được tiến hành mỗi năm một lần và Ban Điều phối dự án sẽ rà soát hoạt động của Quỹ uỷ thác theo định kỳ.

10. Đóng góp bằng hiện vật của GOSRV không vượt quá A$ 1,54 triệu trong thời hạn 3 năm và được quy định chi tiết tại Phụ lục 3 của Bản Thoả thuận này.

11. Việc giải ngân các khoản đóng góp vốn của phía ôxtrâylia được thực hiện trên cơ sở sự phê duyệt chi tiêu công quỹ thường kỳ hàng năm của Quốc hội ôxtrâylia.

 

XEM XÉT LẠI CÁC ĐÓNG GÓP

 

12. Các chi phí đóng góp thực tế của Chính phủ hai nước cho Dự án VAMESP -Giai đoạn II có thể được sửa đổi bổ sung trong quá trình thực hiện Dự án theo đề nghị của các cơ quan thực hiện phía ôxtrâylia và Việt Nam với sự phê duyệt của AusAID và MPI.

 

THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ VÀ XÁC ĐỊNH HIỆU QUẢ

 

13. Các chuyến công tác của Nhóm Cố vấn Kỹ thuật, việc kiểm toán đối với Quỹ uỷ thác và Văn phòng Dự án của AMC, và một đánh giá giữa kỳ về tiến độ thực hiện Dự án VAMESP - Giai đoạn II có thể được tiến hành vào những thời điểm thích hợp theo sự thoả thuận của AusAID, MPI và các cơ quan thụ hưởng Dự án của phía Việt Nam.

 

CUNG CẤP

 

14. Ngoài Điều 13 của Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Phát triển giữa GOSRV và GOA, những điều khoản sau đây sẽ được áp dụng đối với những cung cấp của ôxtrâylia cho Dự án:

(a) Theo các văn bản pháp quy về Thuế giá trị gia tăng do GOSRV ban hành áp dụng cho các dự án ODA, Dự án VAMESP - Giai đoạn II sẽ được miễn Thuế giá trị gia tăng khi mua các cung cấp cho Dự án.

(b) Theo Điều 15 của Thoả thuận này, toàn bộ những cung cấp của ôxtrâylia cho Dự án sẽ trở thành tài sản của GOSRV khi cung cấp này không còn được sử dụng cho Dự án VAMESP - Giai đoạn II nữa.

 

BẢO HÀNH

 

15. Liên quan đến bất kỳ một thiết bị nào được cung cấp theo Bản Thoả thuận này, GOSRV phải chịu toàn bộ rủi ro trong quá trính lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị theo các bảo hành rõ ràng giữa GOA đối với nhà cung ứng thiết bị đó. Ngược lại, GOA sẽ thay mặt GOSRV thực hiện các quyền hạn có thể của mình đối với nhà cung ứng thiết bị nếu phát hiện ra bất cứ khiếm khuyết gì.

 

SỞ HỮU TRÍ TUỆ

 

16. Trong khuôn khổ của Bản Thoả thuận này:

(a) Tuy đã nêu tại Điều 14, GOA sẽ nắm giữ toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ đối với những Cung cấp của ôxtrâylia cho Dự án.

(b) Tuy đã nêu tại Điều 14, GOA sẽ trao cho GOSRV một giấy phép sử dụng miễn phí đối với mọi quyền sở hữu trí tuệ của mọi Cung cấp của ôxtrâylia cho Dự án do GOA sở hữu. Giấy phép này sẽ duy trì hiệu lực cho tới khi các bên có thoả thuận khác và sẽ bao gồm quyền giải quyết các vấn đề về sở hữu trí tuệ để phục vụ các mục tiêu của Dự án VAMESP - Giai đoạn II được quy định tại Phụ lục 1 khi GOSRV thấy thích hợp.

 

KHIẾU NẠI

 

17. GOSRV sẽ bồi thường cho Chính phủ ôxtrâylia khi có khiếu nại của nhà thầu ôxtrâylia đối với GOA về những thiệt hại phát sinh do việc GOSRV không thực hiện cam kết của mình trong Bản Thoả thuận này.

 

SỬA ĐỔI

 

18. Bản Thoả thuận này có thể được sửa đổi bất cứ thời điểm nào theo phương thức trao đổi bằng thư giữa hai Chính phủ.

 

KẾT THÚC

 

19. Bản thỏa thuận này có thể được kết thúc bởi một trong hai Chính phủ bằng việc thông báo trước 6 tháng bằng văn bản cho bên kia về dự định chấm dứt Thoả thuận.

 

THỜI HẠN

 

20. Bản Thoả thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký và Dự án VAMESP - Giai đoạn II cũng coi như bắt đầu từ ngày đó. Phần góp vốn của Chính phủ ôxtrâylia cho Dự án VAMESP - Giai đoạn II và toàn bộ cam kết nêu trong Bản Thoả thuận này sẽ chấm dứt sau 42 tháng kể từ ngày ký kết Bản Thoả thuận này hoặc là vào một thời điểm khác do Chính phủ hai nước thoả thuận.

21. Dự án VAMESP - Giai đoạn II sẽ được thực hiện trong thời hạn đầu là 3 năm, và sẽ được xem xét lại vào năm cuối cùng của thời hạn này. Trong trường hợp Chính phủ hai nước đánh giá và nhất trí rằng cần tiếp tục Dự án thì Dự án VAMESP - Giai đoạn III có thể sẽ được xem xét.

22. Bản tiếng Anh và tiếng Việt của Bản Thoả thuận này có giá trị ngang nhau. Bản Tiếng Anh sẽ được dùng để giải quyết bất kỳ sự hiểu nhầm nào phát sinh trong quá trình thực hiện Bản Thoả thuận này. Các phụ lục kèm theo cũng là một bộ phận cấu thành của Bản Thoả thuận.

Bản Thoả thuận này được ký kết tại Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2003 thành 02 bản, mỗi bản gồm tiếng Việt và tiếng Anh, có giá trị ngang nhau.


PHỤ LỤC 1

DỰ ÁN: “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC THEO DÕI VÀ ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN VIỆT NAM - ÔXTRÂYLIA” (VAMESP) - GIAI ĐOẠN II

 

TÀI LIỆU THIẾT KẾ DỰ ÁN TÓM TẮT TỔNG QUAN

 

1. Xuất xứ Dự án và Lập thiết kế

Giai đoạn thí điểm của Dự án: “Tăng cường năng lực theo dõi và đánh giá dự án Việt Nam - ôxtrâylia” (VAMESP) thực hiện trong 30 tháng nhằm giới thiệu các khái niệm cơ bản về theo dõi và đánh giá (M&E) trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và một số ít các Bộ ngành và tỉnh đã kết thúc vào tháng 02 năm 2002. Giai đoạn Thí điểm được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu trước mắt của MPI trong việc xây dựng một hệ thống M&E tiêu chuẩn về cơ bản được tin học hoá.

Đoàn thẩm định cho Giai đoạn II đã khẳng định rằng có đầy đủ cơ sở vững chắc để AusAID hỗ trợ cho Giai đoạn II của Dự án VAMESP. Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ban hành ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm của MPI trong việc nâng cao các hệ thống M&E trên phạm vi toàn quốc và về việc thành lập các đơn vị M&E trong các cơ quan cấp Bộ và cấp Tỉnh. MPI yêu cầu AusAID, thông qua Giai đoạn II của Dự án VAMESP, đóng vai trò đi đầu trong việc hỗ trợ cho Vụ Kinh tế Đối ngoại (FERD) và các cơ quan khác tham gia Dự án thực hiện các hợp phần M&E trong Nghị định số 17/2001/NĐ-CP. Một báo cáo nghiên cứu gần đây về hài hoà tài trợ do Nhóm các nhà tài trợ đồng tư tưởng (LMDG) tiến hành đã khuyến nghị rằng nên sử dụng Dự án VAMESP làm cơ sở để hài hoà các hệ thống M&E giữa các nhà tài trợ và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (GOSRV).

2. Mô tả Dự án

Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (GOSRV) đã yêu cầu Chính phủ ôxtrâylia (GOA) hỗ trợ MPI phát triển một mô hình theo dõi và đánh giá tiến độ giải ngân và tình hình hoạt động của các chương trình, dự án ODA đối với Việt Nam. Mô hình này có thể được các nhà tài trợ khác nhân rộng và tiến tới được tất cả các cơ quan trong GOSRV áp dụng nhằm đáp ứng các yêu cầu trong Nghị định số 17/2001/NĐ-CP.

Mục tiêu của Dự án hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc của GOSRV là nguồn vốn ODA phải được sử dụng để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu ưu tiên trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích của nhân dân Việt Nam.

Giai đoạn II của Dự án sẽ được thực hiện tại FERD/MPI, 05 Bộ ngành (MOF, MOH, MOT, MARD, và MOET) và 07 tỉnh và thành phố (Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Cần Thơ). Tuy nhiên, Dự án đã được thiết kế để có thể nhân rộng toàn bộ.


BẢNG 1: MỤC TIÊU TỔNG QUÁT, MỤC ĐÍCH, CÁC MỤC TIÊU
VÀ SẢN PHẨM ĐẦU RA CỦA HỢP PHẦN

 

VAMESP GIAI ĐOẠN II

 

 

Mục tiêu tổng quát

Phát huy tối đa lợi ích của ODA ở Việt Nam

Mục đích

Hỗ trợ FERD/MPI thiết lập một hệ thống theo dõi và đánh giá ODA hữu hiệu ở tầm quốc gia để nhờ đó thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 17/2001/NĐ-CP

Hợp phần 1

Một mô hình M&E về ODA ở tầm quốc gia vận hành hoàn chỉnh

Mục tiêu cụ thể

Hỗ trợ FERD/MPI để xây dựng và áp dụng một mô hình M&E ODA có khả năng nhân rộng nhằm đáp ứng các nhu cầu cụ thể của một số cơ quan cấp Bộ ngành, cấp tỉnh và các PMU

Sản phẩm 1.1

 

 

Sản phẩm 1.2

Thống nhất giữa FERD/MPI, các Bộ ngành, các tỉnh và các nhà tài trợ về những nguyên tắc và những nhân tố cơ bản của một hệ thống M&E ODA được tiêu chuẩn hoá ở Việt Nam.

Xây dựng, thử nghiệm và sử dụng rộng rãi Sổ tay M&E một cách thích hợp và hiệu quả trên phạm vi cả nước

Sản phẩm 1.3

Nâng cao năng lực IT của FERD/MPI và các Bộ ngành, tỉnh tham gia Dự án để các dữ liệu về giải ngân, tình hình thực hiện và các bài học có thể được tổng hợp, sử dụng và chia sẻ một cách có hiệu quả.

Sản phẩm 1.4

FERD/MPI và các Bộ ngành, tỉnh tham gia dự án có thể đáp ứng các yêu cầu về M&E đã được thống nhất.

Sản phẩm 1.5

Một kế hoạch chiến lược rõ ràng và toàn diện của GOV nhằm thiết lập một hệ thống M&E ODA tầm quốc gia dựa trên mô hình đã xây dựng.

Hợp phần 2

Quản lý và điều phối Dự án

Mục tiêu cụ thể

Phối hợp cùng FERD/MPI và cơ quan tha gia quản lý và điều phối Dự án một cách hợp lý và hiệu quả

Sản phẩm 2.1

Nhà thầu quản lý ôxtrâylia (AMC) và FERD/MPI phối hợp quản lý Dự án một cách hợp lý và hiệu quả

Sản phẩm 2.2

Báo cáo ban đầu và các kế hoạch hàng năm được xây dựng, trình GOA và GOV phê duyệt và được thực thi một cách có hiệu quả

Sản phẩm 2.3

Hoạt động của Dự án và việc áp dụng các chuẩn mực và thực tiễm M&E được theo dõi, đánh giá và báo cáo một cách hợp lý và hiệu quả

Sản phẩm 2.4

Hoạt động điều phối và sự tham gia của các Bộ ngành, các tỉnh và các nhà tài trợ vào Dự án được thực hiện một cách hiệu quả và hợp lý

 

Các hoạt động mang tính định hướng nhằm đạt được các sản phẩm đầu ra mô tả trong Phần 3 của Tài liệu này và các chỉ số kết quả hoạt động, luận chứng và giả định được thể hiện trong ma trận khung lô-gic của Dự án (Phụ lục B).

Hy vọng rằng khi Giai đoạn II được hoàn thành, các lợi ích của một hệ thống M&E về ODA sẽ được phát huy tại FERD/MPI và các cơ quan cấp Bộ ngành, cấp tỉnh và các PMU được lựa chọn. Cũng hy vọng rằng vào thời điểm đó một số nhà tài trợ khác ở Việt Nam sẽ đồng ý hợp tác với FERD/MPI trong việc hài hoà các hoạt động M&E chủ yếu của mình với hệ thống M&E ở tầm quốc gia dự kiến xây dựng. Vào cuối Dự án tình hình dự kiến như sau:

* FERD/MPI và các cơ quan cấp Bộ và cấp tỉnh và các PMU được lựa chọn sẽ có được các cơ sở dữ liệu ODA chính xác và dễ tiếp cận;

* Các cơ quan cấp Bộ, cấp tỉnh và các PMU sẽ nộp báo cáo kịp thời và chính xác theo quy định tại Nghị định số 17/2001/NĐ-CP;

* FERD/MPI và các cơ quan cấp Bộ và tỉnh và các PMU được lựa chọn sẽ thường xuyên theo dõi và đánh giá các hoạt động về ODA;

* GMED/FERD sẽ có thể đáp ứng các nhu cầu thông tin về M&E của FERD/MPI và các cơ quan cấp Bộ, cấp tỉnh và các PMU;

* Sẽ đi đến thoả thuận về cách thức tối đa hoá hài hoà thủ tục với các nhà tài trợ về M&E;

* Một mô hình hệ thống M&E sẽ được thể nghiệm và được FERD/MPI, các cơ quan khác của GOV và một số nhà tài trợ khác chấp nhận;

* FERD/MPI sẽ cam kết bổ sung cán bộ và các nguồn lực cần thiết khác để duy trì GMED/FERD và hệ thống M&E đã được xây dựng trong khung khổ Dự VAMESP.

Giai đoạn II dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa năm 2003 và sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm. Trong giai đoạn này, Dự án sẽ thông qua FERD/MPI và Đại sứ quán ôxtrâylia tại Hà Nội, liên lạc với các nhà tài trợ khác nhằm thúc đẩy việc hài hoà giữa các hệ thống M&E.

GOA sẽ đóng góp ước tính khoảng A$ 5,4 triệu. GOSRV sẽ đóng góp ước tính khoản A$ 1,54 triệu bằng hiện vật.

3. Quản lý và Điều phối

AusAID sẽ giao cho một Nhà thầu Quản lý ôxtrâylia (AMC) quản lý các đầu vào từ phía ôxtrâylia của Dự án. AMC sẽ cử một Giám đốc Dự án ôxtrâylia (APD) (làm việc tại ôxtrâylia) và một Cố vấn trưởng Dự án ôxtrâylia (ATL) (làm việc tại Hà Nội) trong thời gian thực hiện Dự án. AMC cũng sẽ cung cấp các chuyên gia kỹ thuật ngắn hạn cho Dự án.

Dự án sẽ được FERD/MPI quản lý tại Hà Nội. FERD/MPI sẽ cử một Giám đốc Dự án Quốc gia (NPD) và một Phó giám đốc Dự án Quốc gia (DNPD). DNPD là một cán bộ trong biên chế của MPI, cùng với ATL quản lý các công việc hàng ngày của Dự án. Để tạo thuận lợi cho việc hợp tác và tham khảo ý kiến trong quản lý dự án, phòng làm việc của ATL và DNPD cần bố trí gần nhau trong FERD/MPI cùng với đội ngũ cán bộ tha gia do GOA và GOSRV tài trợ.

Giai đoạn II sẽ bao gồm thời kỳ khởi động để đánh giá những kết quả đạt được trong Giai đoạn thí điểm, những ý tưởng mới về M&E của GOSRV và các nhà tài trợ (kể từ khi kết thúc Giai đoạn thí điểm), và sẽ hiệu chỉnh việc lập kế hoạch cho các hoạt động trong Giai đoạn II. Trong thời kỳ khởi động DNPD và ATL sẽ thực hiện việc đánh giá nhu cầu các yếu tố đầu vào và mua sắm của Dự án đề kiến nghị lên Ban Điều phối Dự án, FERD/MPI và AusAID về những thay đổi về thiết kế, ngân sách, kế hoạch thực hiện và bố trí các nguồn lực sao cho phù hợp. FERD/MPI và AusAID với tư cách là những đại diện chính thức của GOV và GOA sẽ đưa ra những quyết định cuối cùng về mọi thay đổi đối với thiết kế, ngân sách và các kế hoạch thực hiện.

Thời kỳ khởi động nhằm đảm bảo rằng các hoạt động của Giai đoạn II được thực hiện với sự hỗ trợ đầy đủ của lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và của các nhà tài trợ.

Việc thực hiện các hoạt động của Dự án sẽ theo Báo cáo khởi động và các kế hoạch hàng năm kế tiếp do ATL dự thảo, sau đó phát triển trên cơ sở hợp tác với DNPD dưới sự giám sát của NPD và APD, được PCC thông qua và được FERD/MPI và AusAID phê duyệt.

Phần đóng góp của ôxtrâylia sẽ bao gồm (i) các quỹ do AMC quản lý, và (ii) các quỹ phân bổ cho Quỹ uỷ thác do FERD/MPI quản lý. Chi tiêu của Quỹ uỷ thác sẽ dựa vào chương trình làm việc do ATL và DNPD soạn thảo, trình AusAID, FERD/MPI và PCC phê duyệt. Ước tính khoản 1,2 triệu Đôla ôxtrâylia sẽ được chi tiêu thông qua Quỹ uỷ thác trong thời gian thực hiện Dự án.

4. Đánh giá rủi ro

Về bản chất những dự án chú trọng vào những thay đổi mang tính thể chế và tăng cường năng lực thường có rủi ro. Các dự án tăng cường năng lực thể chế thường gặp khó khăn trong việc lập chương trình do mức độ chấp nhận của các cơ quan tham gia dự án hiếm khi đồng nhất. Vì thế cần phải đánh giá lại rủi ro trong quá trình thực hiện và tiếp tục phát triển các chiến lược để loại trừ hoặc giảm thiểu những rủi ro này.

Mặc dù việc cam kết các cấp lãnh đạo cao nhất của Chính phủ có thể đã trao quyền tự chủ mạnh mẽ của Dự án này và vai trò chủ trì thực hiện Nghị định số 17/2001/NĐ-CP cho MPI. Nghị định này yêu cầu các Bộ ngành và các tỉnh theo và đánh giá các dự án, chương trình ODA thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Điều này đã tạo nền tảng vững chắc cho Giai đoạn II của Dự án VAMESP. Tuy vậy, vẫn còn rủi ro là các Bộ ngành, tỉnh vì quá chú trọng đến việc đáp ứng các yêu cầu của Nghị định số 17/2001/NĐ-CP mà không nỗ lực duy trì những gì mà các nhà tài trợ coi là thông lệ quốc tế tốt nhất.

Nhiều nhà tài trợ đã bày tỏ cam kết trong việc hài hoà hoá, nhưng mức độ hài hoà hoá trong thực tế đối với các yêu cầu theo dõi và báo cáo vẫn còn chưa rõ. Có rủi ro là các nhà tài trợ sẽ nhất trí về những điểm chung nhưng không đồng ý với các chỉ số thực hiện, các biểu mẫu báo cáo chuẩn...

Ngoài ra còn một số rủi ro ở các sản phẩm đầu ra cũng được xác định, bao gồm:

* Không thành công trong việc đạt được sự thống nhất giữa FERD/MPI, các Bộ ngành, tỉnh tham gia dự án và các nhà tài trợ về những nguyên tắc và những nhân tố cơ bản của một hệ thống chuẩn về theo dõi và đánh giá ODA;

* Đạt được sự thống nhất (ít nhất là của đa số những cơ quan tham gia Dự án) song ở mức quá chung chung để có thể trở lên hữu ích.

* Không đạt được nhất trí giữa FERD/MPI, các Bộ ngành/tỉnh tham gia Dự án và các nhà tài trợ về hình thức và nội dung của Sổ tay Theo dõi và Đánh giá;

* Các Bộ ngành, tỉnh tham gia Dự án không cung cấp đầy đủ các nguồn lực cần thiết cho hoạt động hiệu quả của các đơn vị theo dõi và đánh giá;

* Các Bộ ngành, tỉnh và/hoặc các nhà tài trợ không thực hiện được việc chia sẻ thông tin trong hệ thống dữ liệu của họ;

* Đội ngũ tư vấn trong nước thiếu năng lực và không có nguyện vọng tham gia hướng dẫn các khoá đào tào và tổ chức hội thảo và/hoặc tham gia thử nghiệm các hoạt động thẩm định, rà soát và đánh giá;

* Thiếu sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và các Bộ ngành, tỉnh trong quá trình thực hiện thí điểm các hoạt động thẩm định, rà soát và đánh giá hỗn hợp;

* GOV và các nhà tài trợ không sẵn sàng cam kết cung cấp các nguồn lực để hỗ trợ kế hoạch chiến lược dài hạn;

* Cách thức tổ chức quản lý tài chính, bao gồm cả Quỹ uỷ thác, gây trở ngại hoặc trì hoãn quá trình thực hiện; và

* Năng lực của GMED/FERD trong việc duy trì hệ thống theo dõi và đánh giá ODA không bền vững sau khi Giai đoạn II kết thúc trong điều kiện AusAID vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ trừ một trong những vị trí cán bộ dự án.

Những rủi ro này đều có kiểm soát được nếu vấn đề nguồn lực (liên quan đến GMED/FERD và các đơn vị M&E của các Bộ ngành, tỉnh tham gia Dự án) được giải quyết. Nếu vấn đề trên không được giải quyết thì Dự án sẽ không bền vững, và mục tiêu dài hạn (chẳng hạn mục tiêu tổng quát của Dự án) sẽ không đạt được nếu nhà tài trợ không tiếp tục hỗ trợ.

5. Tính khả thi và Bền vững

Dựa trên kinh nghiệm của Giai đoạn Thí điểm, các hoạt động được đề xuất cho Giai đoạn II là khả thi về kỹ thuật và nhận được sự quan tâm của các cơ quan tham gia Dự án. Giai đoạn II cần chú trọng tới việc cung cấp cho các cơ quan tham gia Dự án những công cụ và phương pháp M&E thiết thực nhằm đảm bảo thể chế hoá khung khổ chung và phương pháp tiếp cận mang tính lồng ghép. Giai đoạn Thí điểm đã góp phần xây dựng tinh thần làm chủ về M&E ở FERD/MPI và giữa các cơ quan tham gia Dự án. Do vậy, rất có khả năng là FERD/MPI và các cơ quan tham gia vào Giai đoạn II sẽ tiếp tục thể hiện mức độ cam kết cao đối với việc phát triển hơn nữa M&E.

Nghị định số 17/2001/NĐ-CP của GOSRV chỉ ra rằng MPI phải thiết lập một hệ thống M&E đối với tất cả các dự án ODA, rằng tất cả các Bộ và tỉnh phải tham gia, và rằng việc theo dõi và báo cáo cần được thực hiện thường xuyên. Nghị định có quy định về các nguồn lực bổ sung để duy trì việc thực hiện các yêu cầu trên. Tuy nhiên, Dự án này đang trong quá trình xác định phạm vi và nội dung của các nguồn lực cần thiết để xây dựng một hệ thống M&E quốc gia được tin học hoá. Mặc dù hệ thống này là khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng nó sẽ đòi hỏi có sự hỗ trợ đáng kể của các hệ thống công nghệ thông tin. Dự kiến các nhà tài trợ khác cũng hỗ trợ việc xây dựng hệ thống M&E quốc gia. Tất cả các cơ quan của GOSRV đang rất khó khăn về ngân sách, nhưng tác động trực tiếp về mặt tài chính của việc xây dựng năng lực M&E không phải là cao và phần lớn các cơ quan có thể gánh chịu được các chi phí liên quan bằng nguồn ngân sách hiện có của mình.

Điều quan trọng là phải nhận thức được rằng việc tạo ra sự ủng hộ trên toàn quốc đối với M&E là một quá trình đòi hỏi phải có thời gian và không thể nào có ngay được một sự ủng hộ của tất cả mọi người. Một nhiệm vụ chủ đạo của Ban quản lý dự án và Nhóm công tác kỹ thuật (TWG) sẽ là việc xây dựng tinh thần làm chủ của các cơ quan cấp Bộ, cấp tỉnh và các PMU.

 


PHỤ LỤC 2

ĐÓNG GÓP CỦA CHÍNH PHỦ ÔXTRÂYLIA

 

Tổng giá trị đóng góp của GOA không vượt quá A$ 5,4 triệu. Ngân sách cuối cùng của Dự án sẽ được quyết định khi quá trình chọn thầu kết thúc thành công. Đóng góp của GOA sẽ bao gồm ngân sách do AMC quản lý, và một Quỹ uỷ thác với trị giá khoảng A$ 1,2 triệu do FERD/MPI và AMC phối hợp quản lý.

Các quỹ do AMC quản lý sẽ được sử dụng để thanh toán cho các khoản sau:

1. Chi phí cho toàn bộ nhân viên dự án ôxtrâylia, các cán bộ dự án Việt Nam (không kể các cán bộ do MPI đóng góp) và các chuyên gia tư vấn trong nước chưa chỉ định;

2. Các mua sắm bao gồm:

* Một ô tô bốn chỗ ngồi cho Dự án

* Phần cứng và phần mềm công nghệ thông tin (IT) cho các Bộ ngành, các tỉnh và các PMU tham gia Dự án VAMESP - Giai đoạn II

* Cung cấp trang thiết bị và vật dụng cho Văn phòng Dự án và Trung tâm Nguồn về Theo dõi và Đánh giá (M&E)

3. Các chi phí khác của Dự án bao gồm:

* Các chuyến nghiên cứu khảo sát,

* Chi phí hoạt động thường xuyên của Văn phòng,

* Phát hành các sổ tay, kế hoạch và các báo cáo của Dự án,

* Chi phí điều tra số liệu cơ bản ban đầu,

* Chi phí tổ chức 04 cuộc họp của Nhóm công tác kỹ thuật (TWG) trong năm đầu tiên,

* Chi phí cho các cuộc họp của Nhóm hài hoà thủ tục giữa các nhà tài trợ về những vấn đề kỹ thuật khi cần thiết.

Quỹ uỷ thác sẽ được sử dụng để thanh toán cho các khoản sau:

* Toàn bộ chi phí tổ chức các khoá đào tạo (không bao gồm nhân viên dự án ôxtrâylia)

* Toàn bộ chi phí tổ chức các hội thảo (không bao gồm nhân viên dự án ôxtrâylia)

* Chi phí đi lại trong nước, ăn ở và sinh hoạt phí cho các cán bộ công chức của Chính phủ,

* Chi phí cho các chuyên gia tư vấn trong nước (cho các khoá đào tạo và hội thảo),

* Quảng cáo để tìm những người có kinh nghiệm M&E và IT ở Việt Nam,

* Chi phí hỗ trợ IT thường xuyên cho các Bộ ngành, các tỉnh tham gia Dự án,

* Chi phí các chuyến đi thực tế để theo dõi thí điểm,

* Chi phí các chuyến đi thực tế để đánh giá thí điểm các dự án ODA,

* Mua sách và các tài liệu tham khảo khác cho Thư viện,

* Chi phí biên tập và phát hành bản tin hàng tháng,

* Các khảo sát định kỳ hàng quý để kiểm tra việc áp dụng những tiêu chuẩn vế M&E,

* Chi phí cho khoảng 12 cuộc họp của Ban Quản lý Dự án,

* Chi phí cho khoảng 31 cuộc họp của TWG,

* Chi phí cho các cuộc họp về hài hoà thủ tục M&E giữa các tài trợ liên quan đến những vấn đề chính sách khi cần thiết.

GOA thông qua AusAID, có trách nhiệm:

1. Phối hợp với GOSRV quản lý toàn bộ Dự án VAMESP - Giai đoạn II;

2. Ký hợp đồng với một AMC phù hợp cho Dự án VAMESP - Giai đoạn II với sự tham gia ý kiến của FERD/MPI;

3. Phối hợp với FERD/MPI phê duyệt việc phân bổ nguồn lực ôxtrâylia đóng góp cho Dự án VAMESP - Giai đoạn II;

4. Phối hợp với FERD/MPI phê duyệt những thay đổi phù hợp với các cách thức quản lý cơ bản của Dự án VAMESP - Giai đoạn II;

5. Phối hợp với FERD/MPI xem xét và giải quyết những vấn đề về nguồn lực hoặc hành chính ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động dự kiến của Dự án;

6. Phối hợp với FERD/MPI phê duyệt Báo cáo khởi động và các kế hoạch hàng năm;

7. Phối hợp với FERD/MPI phê duyệt việc bố trí sử dụng ngân sách hàng năm;

8. Phối hợp với FERD/MPI phê duyệt về nhân viên dự án ôxtrâylia và cán bộ dự án Việt Nam do ôxtrâylia trả lương;

9. Phối hợp với FERD/MPI tham gia các cuộc họp của Ban Điều phối Dự án (vai trò và trách nhiệm của Ban Điều phối Dự án được quy trong khoản 1 Điều 8 của bản ghi nhớ về Hợp tác Phát triển giữa Chính phủ ôxtrâylia và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam);

10. Phân bổ ngân sách cho AMC và Quỹ uỷ thác trên cơ sở Báo cáo khởi động, các kế hoạch hàng năm và các ước tính chi phí 6 tháng đã được phê duyệt;

11. Rà soát, phê duyệt và chi trả các giấy đề nghị thanh toán AMC cho các báo cáo công tác;

12. Rà soát việc quản lý và kiểm toán của AMC;

13. Phối hợp với FERD/MPI rà soát và kiểm toán định kỳ Quỹ uỷ thác;

14. Phối hợp với FERD/MPI thu xếp các chuyến công tác cho Nhóm Cố vấn Kỹ thuật (TAG) và tiến hành đánh giá giữa kỳ;

15. Thúc đẩy hài hoà về M&E giữa các nhà tài trợ thông qua các diễn đàn Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) và các diễn đàn tài trợ khác.

 


PHỤ LỤC 3

ĐÓNG GÓP CỦA CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Đóng góp của GOSRV cho Dự án VAMESP - Giai đoạn II sẽ được thực hiện dưới hình thức hiện vật. Tổng trị giá đóng góp bằng hiện vật của GOSRV ước tính không vượt quá A$ 1,54 triệu bao gồm:

* Cung cấp địa điểm cho Văn phòng Dự án (chỗ làm việc, điện và nước);

* Cung cấp địa điểm cho Trung tâm Nguồn về M&E (chỗ làm việc, điện và nước);

* Địa điểm tổ chức đào tạo/các cuộc họp cùng các trang thiết bị (nếu điều kiện cho phép);

* Thời gian làm việc của Giám đốc Dự án Quốc gia, Phó Giám đốc Dự án quốc gia;

* Một cán bộ trợ lý hành chính làm việc toàn bộ thời gian cho Dự án;

* Thời gian làm việc của các cán bộ trong biên chế của Nhóm Tổng hợp

Theo dõi và Đánh giá Dự án thuộc FERD/MPI tham gia vào các hoạt động của Dự án VAMESP - Giai đoạn II;

* Thời gian làm việc của các cán bộ khối đối tác thuộc FERD/MPI và các Vụ chuyên ngành khác thuộc MPI;

* Thời gian làm việc của các đơn vị tham gia Dự án (các Bộ, ngành, tỉnh và các PMU được nêu rõ trong Tài liệu Thiết kế Dự án);

* Thông tin liên lạc và những chi phí tiêu hao nếu điều kiện cho phép.

GOSRV thông qua FERD/MPI chịu trách nhiệm:

1. Phối hợp với AusAID quản lý toàn bộ Dự án VAMESP - Giai đoạn II;

2. Tham gia cùng AusAID trong việc lựa chọn một Nhà thầu Quản lý Ôxtrâylia (AMC) thích hợp cho Dự án VAMESP - Giai đoạn II;

3. Phối hợp với AusAID phê duyệt việc phân bổ các nguồn lực do Việt Nam đóng góp cho Dự án VAMESP - Giai đoạn II;

4. Phối hợp với AusAID để phê duyệt những thay đổi phù hợp với các cách thức quản lý cơ bản của Dự án VAMESP - Giai đoạn II;

5. Phối hợp với AusAID xem xét và giải quyết những vẫn đề về nguồn lực hoặc hành chính ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động dự kiến của Dự án;

6. Phối hợp với AusAID phê duyệt Báo cáo khởi động và các kế hoạch hàng năm;

7. Phối hợp với AusAID phê duyệt việc bố trí sử dụng ngân sách hàng năm;

8. Phối hợp với AusAID phê duyệt về nhân sự và các cán bộ dự án Việt Nam do Việt Nam trả lương;

9. Cử một cán bộ cao cấp vào ví trí Giám đốc Dự án Quốc gia và các cán bộ đối tác khác tham gia Ban Điều phối Dự án (PCC), Nhóm nòng cốt quản lý Dự án, Nhóm Công tác kỹ thuật (TWG) và Văn phòng Dự án;

10. Cung cấp địa điểm đầy đủ cho Văn phòng Dự án và Trung tâm Nguồn về M&E;

11. Cung cấp địa điểm tổ chức đào tạo và các cuộc họp cùng các trang thiết bị (nếu điều kiện cho phép);

12. Phối hợp với AusAID tham gia các cuộc họp của Ban Điều phối Dự án (vai trò và trách nhiệm của ban Điều phối Dự án được quy trong khoản 1 Điều 8 của bản ghi nhớ về Hợp tác Phát triển giữa Chính phủ Ôxtrâylia và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam);

13. Điều phối sự tham gia của GOSRV vào Dự án VAMESP - Giai đoạn II như quy định tại Tài liệu Thiết kế Dự án cho từng sản phẩm đầu ra và phù hợp với Báo cáo khởi động và các kế hoạch hàng năm đã đượcphê duyệt;

14. Phối hợp với AusAID ra soát và kiểm toán định kỳ Quỹ ủy thác;

15. Phối hợp với AusAID thu xếp các chuyến công tác cho Nhóm Cố vấn Kỹ thuật (TAG) và tiến hành đánh giá giữa kỳ;

16. Thúc đẩy hài hòa về M&E trong các cơ quan GOSRV thông qua các diễn đàn Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) và các diễn đàn tài trợ khác.

Ngoài ra, GOSRV thông qua các cơ quan cấp Bộ, cấp tỉnh và các PMU được lựa chọn tham gia Dự án sẽ chịu trách nhiệm:

1. Cử các cán bộ phù hợp tham gia Ban quản lý dự án (PMC) và các Nhóm Công tác Kỹ thuật (TWG) để xây dựng, đóng góp ý kiến và phổ biến chính sách và các quy trình thủ tục;

2. Thành lập các đơn vị M&E ngay trong các cơ quan của mình;

3. Trả lương và hỗ trợ chi phí cho các cán bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các đơn vị M&E nói trên.

4. Cử các bộ có năng lực tham gia các khóa đào tạo về M&E, các hội thảo, các chuyên nghiên cứu khảo sát và các cuộc khảo sát theo quý do Dự án tổ chức;

5. Tham gia vào các hoạt động của Dự án dưới sự điều phối của MPI;

6. Nỗ lực tiến tới đạt được mục tiêu hài hòa về M&E của GOSRV;

7. Thúc đẩy hài hòa về M&E với các nhà tài trợ thông qua các diễn đàn Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) và các diễn đàn tài trợ khác, và ở cấp độ dự án.