QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ
ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Căn cứ vào Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Đại biểu Quốc hội; tổ chức, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG.
Điều 1
Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.
Nhiệm kỳ của đại biểu mỗi khoá Quốc hội bắt đầu từ kỳ họp thứ nhất của khoá Quốc hội đó đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.
Điều 2.
Đại biểu Quốc hội tham gia quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội: lập hiến, lập pháp, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân; giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Điều 3
Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri, đồng thời chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình, gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh đúng ý kiến của cử tri với Quốc hội và cơ quan Nhà nước hữu quan; định kỳ báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật, động viên nhân dân chấp hành pháp luật và tham gia quản lý Nhà nước.
Điều 4
Các đại biểu Quốc hội được bầu trong một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương hợp thành Đoàn đại biểu Quốc hội.
Đoàn đại biếu Quốc hội có Trưởng đoàn, có thể có Phó trưởng đoàn do đoàn bầu ra để tổ chức hoạt động của Đoàn, giữ mối liên hệ với Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, tổ chức khác ở địa phương về các vấn đề liên quan đến hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội.
Điều 5
Đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của mình.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quy định, các cơ quan, tổ chức và đơn vị nói ở điều này có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội
CHƯƠNG II
NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Điều 6
Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia các kỳ họp Quốc hội, chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy kỳ họp Quốc hội, góp phần tích cực làm cho kỳ họp Quốc hội đạt hiệu quả cao.
Nếu vì lý do đặc biệt không thể đến dự kỳ họp được, thì đại biểu Quốc hội báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, nếu Trưởng đoàn thấy hợp lý thì báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Điều 7
Khi nhận được thông báo về thời gian họp, dự kiến chương trình kỳ họp và các tài liệu của kỳ họp Quốc hội do Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi đến, đại biểu Quốc hội phải nghiên cứu tài liệu, tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội.
Điều 8
Tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia các phiên họp toàn thể, các buổi thảo luận ở Đoàn, ở Tổ đại biểu Quốc hội, các cuộc họp của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội mà đại biểu là thành viên; trong trường hợp đặc biệt không thể tham gia được, thì đại biểu Quốc hội phải được sự đồng ý của chủ toạ.
Điều 9
Tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thảo luận, biểu quyết chương trình làm việc và các vấn đề thuộc nội dung của kỳ họp Quốc hội; kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội những vấn đề cần thảo luận trước khi biểu quyết.
Trước khi thảo luận và biểu quyết các vấn đề trong chương trình kỳ họp tại phiên họp toàn thể, đại biểu Quốc hội có thể thảo luận những vấn đề đó ở Đoàn hoặc ở Tổ đại biểu Quốc hội theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội.
Điều 10
Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về Luật, Pháp lệnh; trình dự án Luật, Pháp lệnh.
Việc trình kiến nghị về Luật, Pháp lệnh; trình dự án Luật, Pháp lệnh của đại biểu Quốc hội tiến hành theo trình tự:
- Đại biểu Quốc hội gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội bản đề nghị nêu rõ mục đích, yêu cầu nội dung kiến nghị về Luật, Pháp lệnh; dự án Luật, Pháp lệnh;
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét việc đưa kiến nghị về Luật, Pháp lệnh; dự án Luật, Pháp lệnh của đại biểu Quốc hội và dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh và trình Quốc hội;
- Quốc hội xem xét và quyết định.
Trong trường hợp kiến nghị về Luật, Pháp lệnh của đại biểu Quốc hội được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, thì việc phân công soạn thảo và trình dự án này do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Trong trường hợp dự án luật, dự án Pháp lệnh của đại biểu Quốc hội, được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, thì đại biểu Quốc hội trực tiếp trình dự án theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội tạo điều kiện cần thiết để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trình dự án Luật, Pháp lệnh của mình.
Điều 11
Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn.
Chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội theo thể thức quy định tại Điều 25 của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội gửi chất vấn đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuyển chất vấn của đại biểu Quốc hội đến người bị chất vấn. Người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội bằng văn bản trong thời hạn do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định; đồng thời gửi văn bản trả lời tới Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Trong trường hợp chưa thoả mãn với nội dung trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội có thể đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc trả lời chất vấn trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội.
Người chất vấn và người bị chất vấn được mời dự phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc này.
Khi cần thiết, Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn.
Điều 12.
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp dân, tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội theo quy dịnh tại các Điều 24, 25, 26 của quy chế này.
Trong trường hợp đặc biệt không thể tham gia việc tiếp dân, tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội được, thì đại biểu Quốc hội phải báo cáo với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.
Điều 13
Mỗi năm một lần, kết hợp với việc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp cuối năm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội báo cáo với cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Cử tri có thể trực tiếp hoặc thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc yêu cầu đại biểu báo cáo công tác và có thể nhận xét đối với việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.
Điều 14
Khi nhận được kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, chuyển đến các cơ quan hữu quan và đôn đốc, theo dõi việc giải quyết. Các cơ quan này có trách nhiệm xem xét, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong thời hạn theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả cho đại biểu Quốc hội và người khiếu nại, tố cáo biết.
Nếu việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đó không thoả đáng, thì đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan hữu quan hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan đó xem xét lại.
Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nói ở điều này không giải quyết, giải quyết không thoả đáng hoặc không bảo đảm thời hạn quy định thì đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét; kết quả việc xem xét của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được thông báo cho đại biểu Quốc hội biết.
Điều 15
Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang hoặc của công dân, đại biểu Quốc hội có quyền trực tiếp yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan và những người có trách nhiệm thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi trái pháp luật đó. Cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc người có trách nhiệm phải thông báo cho đại biểu Quốc hội biết kết quả giải quyết.
Điều 16
Khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu, đại biểu Quốc hội có quyền liên hệ với các cơ quan Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của mặt trận, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm đáp ứng những yêu cầu của đại biểu Quốc hội.
Điều 17
Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự kỳ họp hội đồng nhân dân các cấp nơi mình được bầu, có quyền phát biểu nhưng không biểu quyết, để:
1- Nắm tình hình và tìm hiểu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân;
2- Tham gia ý kiến vào các vấn đề quản lý Nhà nước và các những vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân địa phương, kiến nghị những biện pháp nhằm bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh pháp luật và quyết định của cơ quan Nhà nước cấp trên.
3- Giới thiệu, phổ biến pháp luật của Nhà nước và những nghị quyết của Quốc hội.
Thường trực Hội đồng nhân dân thông báo cho đại biểu Quốc hội biết ngày họp, nội dung chương trình kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp mình, mời đại biểu tới dự và cung cấp tài liệu cần thiết cho đại biểu. Trong trường hợp không tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân được, thì đại biểu Quốc hội báo cho Thường trực hội đồng nhân dân biết.
Đại biểu Quốc hội có thể tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân nơi cư trú vã công tác, khi Hội đồng nhân dân bàn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Điều 18
Đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc các Uỷ ban của Quốc hội có nhiệm vụ tham gia hoạt động theo Quy chế, chương trình công tác và sự phân công của Hội đồng dân tộc hoặc các Uỷ ban của Quốc hội.
Điều 19
Đại biểu Quốc hội giữ mối liên hệ với Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.
Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội có thể báo cáo tình hình và nêu các vấn mà đại biểu quan tâm với Chủ tịch Quốc hội, hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
CHƯƠNG III
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI.
Điều 20
Căn cứ vào chương trình hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tình hình thực tế của địa phương và ý kiến của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động sáu tháng hoặc cả năm của Đoàn.
Điều 21
Giữa hai kỳ họp Quốc hội, khi nhận được các dự án luật, các dự án và báo cáo do Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi lấy ý kiến, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức họp Đoàn để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu thảo luận. Tại các cuộc họp này, Đoàn đại biểu Quốc hội có thể mời chuyên gia về các lĩnh vực liên quan dự và tham gia ý kiến.
Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp và báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội trong thời hạn theo yêu cầu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Đối với dự án Luật, các dự án và báo cáo khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi đến để nghiên cứu, chuẩn bị cho việc thông qua tại kỳ họp Quốc hội, thì đại biểu Quốc hội có trách nhiệm chuẩn bị ý kiến phát biểu về các dự án và báo cáo đó.
Điều 22
Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức các hoạt động khảo sát, kiểm tra việc thi hành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh và Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội các quyết định, Chỉ thị của Chính phủ ở địa phương.
Theo chương trình hoạt động, Đoàn tổ chức việc khảo sát ở địa phương hoặc cơ sở để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu nắm tình hình, thu thập tài liệu giúp cho việc thảo luận và tham gia quyết định các vấn đề tại kỳ họp Quốc hội, hoặc tìm hiểu tình hình thi hành chính sách, pháp luật ở địa phương.
Điều 23
Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội yêu cầu các cơ quan Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang ở địa phương:
- Cung cấp tài liệu về những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm;
- Xem xét và giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc thi hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, hoặc những vấn đề khác liên quan đến đời sống, kinh tế - xã hội của nhân dân địa phương.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân có trách nhiệm, trong phạm vi chức năng của mình, giải quyết các yêu cầu của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội.
Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nói ở Điều này không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng yêu cầu của đại biểu và Đoàn đại biểu Quốc hội thì đại biểu Quốc hội hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét; kết quả việc xem xét của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được thông báo cho đại biểu Quốc hội biết.
Điều 24
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức việc tiếp dân và phân công các đại biểu Quốc hội trong Đoàn định kỳ tiếp dân để nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, nhận và chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân đến cơ quan và cá nhân có trách nhiệm; theo dõi, đôn đốc, yêu cầu các cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho Đoàn đại biểu Quốc hội và người khiếu nại, tố cáo biết. Khi cần thiết, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức kiểm tra, đôn đốc các cơ quan hữu quan giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Điều 25
Chậm nhất là hai mươi ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức cho đại biểu trong Đoàn tiếp xúc cử tri để thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.
Kết quả tiếp xúc cử tri phải được Đoàn đại biểu Quốc hôi làm báo cáo và gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong thời hạn chậm nhất là năm ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Điều 26
Trong thời gian một tháng, sau ngày bế mạc kỳ họp Quốc hội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức cho đại biểu trong Đoàn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội với cử tri, phổ biến các Nghị quyết, Luật và những quyết định khác mà Quốc hội đã thông qua; đồng thời động viên nhân dân thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, chính sách và pháp luật của nhà nước.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thay mặt Đoàn hoặc có thể uỷ nhiệm đại biểu Quốc hội trong Đoàn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện nơi bầu ra đại biểu.
Điều 27
Việc tổ chức các đợt tiếp xúc cử tri, các đợt khảo sát nắm tình hình ở địa phương hoặc cơ sở; kế hoạch, thời gian và địa điểm của các cuộc tiếp xúc hoặc khảo sát do Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, hoặc thành phố trực thuộc trung ương chuẩn bị.
Điều 28
Đoàn đại biểu Quốc hội giữ mối quan hệ với Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Mỗi năm hai lần, vào giữa năm và cuối năm, Đoàn đại biểu Quốc hội gửi báo cáo về tình hình hoạt động của Đoàn tới Uỷ ban thường vu Quốc hội.
Điều 29
Đoàn đại biểu Quốc hội cử đại biểu trong Đoàn tham gia các Đoàn công tác của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội khi Đoàn công tác về địa phương khảo sát, tìm hiểu tình hình thực tế hoặc làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Điều 30
Đoàn đại biểu Quốc hội quan hệ chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, Thường trực hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ở địa phương; dự kỳ họp Hội đồng nhân dân; khi cần thiết trao đổi góp ý về việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân ở địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoặc đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có liên quan nghiên cứu, xem xét và có biện pháp giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của Hội đồng nhân dân liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc các vấn đề thuộc địa phương.
Điều 31
Trong hoạt động của mình, Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Mỗi năm hai lần, vào giữa năm và cuối năm, Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo tình hình hoạt động của Đoàn với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 32
Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức họp Đoàn để:
- Trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu và của Đoàn trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; bàn chương trình hoạt động của Đoàn cho thời gian tiếp theo.
- Nghe đại diện Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương sáu tháng hoặc cả năm.
Nghiên cứu trao đổi, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản sẽ được xem xét tại kỳ họp Quốc hội, bàn những công việc liên quan đến chương trình, nội dung kỳ họp Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội có thể họp bất thường khi có công việc cần thiết.
Các cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội do Trưởng đoàn triệu tập và chủ trì.
CHƯƠNG IV
VIỆC BÃI NHIỆM, MẤT QUYỀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI,
VIỆC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI XIN THÔI
LÀM NHIỆM VỤ ĐẠI BIỂU.
Điều 33
Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, theo đề nghị của Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, thì việc bãi nhiệm tiến hành theo trình tự sau đây:
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội;
- Quốc hội thảo luận. Trước khi Quốc hội thảo luận, Đại biểu Quốc hội bị đề nghị bãi nhiệm có thể phát biểu ý kiến;
- Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm. Việc bãi nhiệm đại bểu Quốc hội phải được 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tán thành;
- Quốc hội thông qua Nghị quyết bãi nhiệm.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông báo Nghị quyết về việc bãi nhiệm đạị biểu Quốc hội. Nghị quyết phải được gửi đến Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố nơi bầu ra đại biểu. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố phối hợp với Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thông báo cho cử tri ở đơn vị bầu cử được biết; đồng thời thông báo đến người bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.
Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Uỷ ban thương vụ Quốc hội quy định.
Điều 34
1- Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền phải báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội trước khi ra quyết định khởi tố đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội bị khởi tố thì bị Uỷ ban thường vụ Quốc hội tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu. Đai biểu Quốc hội được trở lại làm nhiệm vụ đại biểu khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ việc khởi tố đối với đại biểu đó, hoặc sau khi xét xử mà không bị Toà án phạt tù.
2 - Đại biểu Quốc hội phạm tội bị Toà án phạt tù, thì mất quền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Toà án đã xét xử việc phạm tội của đại biểu Quốc hội có trách nhiệm gửi bản sao bản án, hoặc trích lục bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án mình, báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội và thông báo đến Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội nơi bầu ra đại biểu.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất việc đại biểu Quốc hội đó bị mất quyền đại biểu Quốc hội. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo để cử tri ở đơn vị bầu cử ra đại biểu biết.
Điều 35
Đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc lý do khác mà không thể đảm đương được nhiệm vụ đại biểu.
Việc xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu của đại biểu Quốc hội tiến hành theo trình tự:
- Đại biểu Quốc hội gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đơn xin thôi làm nhiệm vu đại biểu Quốc hội;
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội việc đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu;
- Quốc hội thảo luận. Trước khi Quốc hội thảo luận, đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ có thể phát biểu ý kiến;
- Quốc hội biểu quyết. Việc chấp nhận xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu của đại biểu Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội tán thành;
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu của đại biểu Quốc hội.
Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, việc xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu của đại biểu Quốc hội do Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thông báo Nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu của đại biểu Quốc hội, gửi đến Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố của địa phương mình và báo cáo với cử tri ở đơn vị bầu ra đại biểu biết; đồng thời gửi Nghị quyết đó đến đại biểu Quốc hội được thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
Đại biểu Quốc hội thôi làm nhiệm vụ đại biểu kể từ ngày Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
CHƯƠNG V
CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG
CỦA CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Điều 36
Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông báo về thời gian Quốc hội họp và gửi dự kiến chương trình kỳ họp, những báo cáo, tài liệu có liên quan đến kỳ họp cho đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 3 của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Điều 37
Đại biểu Quốc hội được Uỷ ban thường vụ Quốc hội cung cấp những tài liệu sau đây:
1- Các văn kiện chính thức của kỳ họp Quốc hội;
2- Công báo của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam;
3- Tạp chí Người đại biểu nhân dân, các tài liệu khác mà Chủ tịch Quốc hội xét thấy cần thiết.
Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội được Văn phòng Quốc hội cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản liên quan đến hoạt động của Quốc hội.
Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đại biểu Quốc hội được bầu, cung cấp các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân và các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương cho đại biểu Quốc hội.
Điều 38
Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin về hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật báo chí.
Điều 39
Trong mỗi khoá Quốc hội, đại biểu Quốc hội được Uỷ ban thường vụ Quốc hội cấp huy hiệu và giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội.
Khi làm nhiệm vụ đại biểu, đại biểu Quốc hội đeo huy hiệu và xuất trình giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội.
Điều 40
Đại biểu Quốc hội được cấp một khoản hoạt động phí hàng tháng.
Khi tham gia kỳ họp Quốc hội, hoặc giữa hai kỳ họp Quốc hội tham gia làm nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội, nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội được bảo đảm các điều kiện ăn ở và đi lại theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Điều 41
Đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Đoàn đại biểu Quốc hội, được Đoàn đại biểu Quốc hội thanh toán tiền công tác phí; tham gia hoạt động của Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội, được hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban của Quốc hội thanh toán tiền công tác phí theo quy định hiện hành.
Điều 42
Đại biểu Quốc hội làm việc theo chế độ chuyên trách được bố trí nơi làm việc và các điều kiện cần thiết khác, được hưởng lương và các khoản phụ cấp theo quy định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Thời gian đại biểu Quốc hội làm việc chuyên trách được tính vào thời gian công tác liên tục.
Cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nơi đại biểu làm việc trước khi hoạt động chuyên trách, có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí việc làm thích hợp và bảo đảm các chế độ cho đại biểu Quốc hội sau khi hết nhiệm kỳ.
Điều 43
Đại biểu Quốc hội hoạt đồng không chuyên trách được dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để làm nhiệm vụ đại biểu. Trong thời gian này, đại biểu được bảo đảm lương và phụ cấp do cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu làm việc và đài thọ.
Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu làm việc không có khả năng đài thọ hoặc không có chế độ lương và phụ cấp, thì các khoản chi phí nói trên được lấy từ nguồn kinh phí của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Người lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác có trách nhiệm sắp xếp công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ.
Điều 44
Đại biểu Quốc hội được quyền ưu tiên trong việc mua vé tàu hoả, ô tô, tàu thuỷ, máy bay; khi đi làm nhệm vụ đại biểu được ưu tiên qua cầu, phà.
Điều 45
Trong trường hợp ốm đau, Đại biểu Quốc hội không thuộc diện cán bộ trung, cao cấp, được khám và điều trị theo tiêu chuẩn quy định đối với cán bộ trung cấp.
Đại biểu Quốc hội qua đời, được mai táng như cán bộ, viên chức nhà nước.
Tiền mai táng quy định tại Điều này, tiền bảo hiểm y tế cho đại biểu Quốc hội được lấy từ kinh phí của Đoàn đại biểu Quốc hội, nếu nơi đại biểu làm việc không có khả năng cấp.
Điều 46
Không có sự đồng ý của Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố, không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao.
Nếu vi phạm pháp quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét và quyết định.
Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng ý.
Những người cản trở đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Điều 47
Đoàn đại biểu Quốc hội có nơi làm việc, có bộ phận giúp việc nằm trong Văn phòng Uỷ ban nhân dân hoặc Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
ở những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội phục vụ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Đoàn đại biểu Quốc hội.
Điều 48
Đoàn đại biểu Quốc hội có Thư ký chuyên trách giúp việc.
Thư ký đoàn đại biểu Quốc hội là cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt do Đoàn đại biểu Quốc hội lựa chọn và quyết định.
Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Giúp Trưởng đoàn sắp xếp công việc, lập chương trình hoạt động của Đoàn;
2- Giúp Trưởng đoàn theo dõi, tổng hợp tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; được thư ký chuyển các đơn thư khiếu nại,tố cáo của nhân dân đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan yêu cầu xem xét, giải quyết, hoặc những văn bản, giấy tờ khác do Trưởng đoàn uỷ quyền;
3- Ghi biên bản các cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội;
4- Giúp Trưởng đoàn và các đại biểu trong Đoàn thực hiện chương trình làm việc và những quy định về kỳ họp Quốc hội theo nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 18 của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
5- Tổng hợp tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, giúp Trưởng đoàn làm báo cáo và thông báo về tình hình hoạt động sáu tháng hoặc cả năm của Đoàn gửi đến các cơ quan quy định tại Điều 28, Điều 31 của Quy chế này.
6- Giúp các đại biểu Quốc hội chuyên trách trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định lương, chế độ và các vấn đề khác liên quan đến việc quản lý, đào tạo Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội.
Điều 49.
Đoàn đại biểu Quốc hội có con dấu riêng.
Điều 50
Đoàn đại biểu Quốc hội có kinh phí hoạt động riêng.
Kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương thuộc ngân sách của Quốc hội. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội quản lý kinh phí hoạt động của Đoàn.
CHƯƠNG VI
HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 51
Quy chế này thay thế Quy chế về đại biểu Quốc hội được Quốc hội khoá VII, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1981, và Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ tám sửa đổi, bổ sung ngày 21 tháng 12 năm 1990.
Điều 52
Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hướng dẫn và bảo đảm thực hiện Quy chế này.
Quy chế này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam khoá IX, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 07 thang 7 năm 1993.