NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
SỐ 132/CP NGÀY 29 THÁNG 9 NĂM 1961 QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ CÔNG AN

 

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14 tháng 7 năm 1960;

NGHỊ ĐỊNH

 

Điều 1: Bộ Công an là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác công an theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh tiêu diệt mọi âm mưu, hoạt động, tổ chức của bọn phản cách mạng, bọn tội phạm hình sự khác; giữ gìn trật tự an ninh; nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ quân đội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 

Điều 2: Bộ Công an có nhiệm vụ và quyền hạn:

1- Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ, thể lệ về công tác công an; tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ, thể lệ ấy.

2- Chỉ đạo công tác đấu tranh đề phòng, ngăn chặn, khám phá và trấn áp mọi âm mưu, hoạt động, tổ chức của bọn gián điệp, của các tổ chức và phần tử phản động hoạt động phá hoại ẩn nấp trong nhân dân và trong các cơ quan, các lực lượng vũ trang (quân đội thường trực và các tổ chức vũ trang, bán vũ trang địa phương) các cơ sở thuộc các ngành kinh tế, tài chính, văn hoá, khoa học, kỹ thuật.

3- Chỉ đạo công tác đấu tranh chống mọi bọn tội phạm hình sự khác; thi hành mọi biện pháp đề phòng, ngăn chặn các tai nạn về trị an, phối hợp với các cơ quan hữu quan để nghiên cứu và thi hành các biện pháp thích hợp bài trừ các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự trị an.

4- Chỉ đạo công tác bảo vệ an toàn cán bộ lãnh đạo của Đảng lao động Việt Nam và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, các khách nước ngoài đến thăm Việt Nam, các đoàn ngoại giao và chuyên gia công tác ở Việt Nam.

5- Chỉ đạo công tác bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não từ Trung ương đến địa phương và các cơ sở kinh tế, tài chính, văn hoá, khoa học, kỹ thuật; vũ trang bảo vệ các nơi quan trọng.

6- Chỉ đạo công tác vũ trang trấn áp bọn phản cách mạng trong nước và từ nước ngoài xâm nhập hoạt động phá hoại để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa.

 

7- Chỉ đạo công tác quản lý các trại giam (bao gồm các trại cải tạo và trại giam) tổ chức giam giữ, giáo dục các loại phạm nhân trở thành ngưòi lương thiện.

8- Chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý hành chính cần thiết nhằm bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự xã hội như quản lý vũ khí, quản lý vô tuyến điện, quản lý chất nổ, chất cháy, chất độc, quản lý ngoại kiều, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của người Việt Nam, quản lý hộ khẩu, quản lý các doanh nghiệp đặc biệt, quản lý giao thông v,v....

9- Chỉ đạo công tác bắt, giữ, xét hỏi,lập hồ sơ, đề nghị xử lý những người phạm pháp do công an thụ lý; khám người; nhà ở; đồ vật, thư tín của những ngưòi phạm pháp và những người có liên quan.

10- Chỉ đạo các cơ quan công an các cấp tiến hành mọi mặt công tác công an và chỉ đạo các ngành khác thực hiện công tác bảo vệ ở các cơ quan, các xí nghiệp, các đơn vị quân đội.

11- Xây dựng các lực lượng Công an nhân dân vững mạnh để đáp ứng nhu cầu công tác của từng giai đoạn cách mạng.

12- Quản lý tổ chức, cán bộ, biên chế, lao động, tiền lương, tài sản, tài vụ trong ngành theo chế độ chung của Nhà nước.

 

Điều 3: Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ và trước Quốc hội lãnh đạo toàn bộ công tác của Bộ như Điều 2 đã quy định; Các Thứ trưởng Bộ Công an giúp Bộ trưởng trong việc lãnh đạo chung và có thể được Bộ trưởng uỷ nhiệm chỉ đạo từng phần công tác của Bộ.

Trong phạm vi quyền hạn của mình, trên cơ sở và để thi hành pháp luật và các nghị định, nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an ra những thông tư, quyết định và kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thi hành những thông tư, quyết định ấy; sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của cơ quan công an cấp dưới; đề nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những thông tư, quyết định không thích đáng có liên quan đến công tác công an của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ hay Uỷ ban hành chính địa phương.

 

Điều 4: Tổ chức bộ máy của Bộ Công an gồm có:

- Một số Vụ, cục và Văn phòng.

Ở Bộ có Bộ Tư lệnh công an nhân dân vũ trang chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy toàn bộ công tác của lực lượng công an nhân dân vũ trang. Bộ Tư lệnh có văn phòng giúp việc.

Việc thành lập, sửa đổi hoặc bãi bỏ Văn phòng, các Vụ, Cục và các đơn vị tương đương do Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

Nhiệm vụ của Văn phòng, các Vụ, Cục và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ quản lý sẽ quy định trong điều lệ tổ chức của Bộ Công an do Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

 

Điều 5: Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm thi hành Nghị định này.