NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 36-CP NGÀY 3 THÁNG 2 NĂM 1975
VỀ TỔ CHỨC BẢO VỆ Ở CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP NHÀ NƯỚC

 

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

 

Để tăng cường công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự an ninh trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước (gồm nhà máy, công trường, nông trường, kho tàng, cửa hàng, viện nghiên cứu, bệnh viện, trường học...);

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Công an;

Căn cứ theo quyết nghị của Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ họp ngày 13 tháng 12 năm 1974.

NGHỊ ĐỊNH

 

I- VỀ TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP
CỦA NHÀ NƯỚC

 

Điều 1.- Bảo vệ bí mật của Nhà nước, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự an ninh trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng của tập thể cán bộ, công nhân, viên chức, thực hiện dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp với sự hướng dẫn và kiểm tra về nghiệp vụ của cơ quan Công an cấp tương đương.

 

Điều 2.- Mỗi cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước có nghĩa vụ triệt để tuân theo kỷ luật bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự an ninh nội bộ trong phạm vi mình phụ trách và tham gia công tác bảo vệ chung theo kế hoạch của cơ quan, xí nghiệp.

 

Điều 3.- Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp Nhà nước là người chịu trách nhiệm chính trước Nhà nước và cơ quan quản lý cấp trên về mọi mặt công tác bảo vệ cơ quan, xí nghiệp do mình phụ trách; phải chăm lo giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức tổ chức, kỷ luật, ý thức bảo vệ của công cho cán bộ, công nhân, viên chức thuộc quyền mình; tổ chức đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ, thể lệ của Nhà nước về bảo mật, phòng gian, về quản lý và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, về giữ gìn trật tự an ninh trong cơ quan, xín nghiệp; phải nghiên cứu xây dựng các nội quy bảo vệ, tổ chức và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện những nội quy đó và chủ động đề ra các kế hoạch, biện pháp cần thiết để tăng cường mọi mặt công tác bảo vệ; kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những hành động làm lộ bí mật Nhà nước, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, và những hành động có nguy hại đến trật tự an ninh của cơ quan, xí nghiệp.

Để thực hiện tố nhiệm vụ bảo vệ của mình, Thủ trưởng các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước phải ra sức phát huy vai trò làm chủ tập thể của quần chúng công nhân, viên chức; đề cao trách nhiệm của cán bộ phụ trách các đơn vị chuyên môn; phối hợp công tác với các tổ chức Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ ở cơ sở, ra sức xây dựng và sử dụng hợp lý các lực lượng bảo vệ của quần chúng) và lực lượng bảo vệ được thành lập theo nghị định này.

 

Điều 4.- Các cơ quan Công an có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và công tác bảo vệ; huấn luyện, bồi dưỡng về nghiệp vụ, trang bị phương tiện nghiệp vụ cần thiết và thống nhất chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng bảo vệ của các cơ quan, xí nghiệp.

Lực lượng cảnh sát bảo vệ của Nhà nước trực tiếp tham gia bảo vệ cơ quan, xí nghiệp đặc biệt quan trọng theo những thể thức quy định trong nghị định này.

 

II- NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC, CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC VÀ CHẾ ĐỘ
ĐÃI NGỘ CỦA CÁC LỰC LƯỢNG BẢO VỆ CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP

 

Điều 5.- Lực lượng bảo vệ của cơ quan, xí nghiệp là một lực lượng được tổ chức chính thức và hoạt động công khai để giúp Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp nghiên cứu và tổ chức thực hiện trong cơ quan, xí nghiệp các chế độ, thể lệ, nội quy và biện pháp bảo vệ nhằm bảo vệ chặt chẽ bí mật Nhà nước, tài sản xã hội chủ nghĩa và trật tư an ninh của cơ quan, xí nghiệp.

Lực lượng bảo vệ của cơ quan, xí nghiệp có những nhiệm vụ cụ thể sau đây :

1. Nghiên cứu các kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện tốt các chế độ, thể lệ của Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và trật tự an ninh trong đơn vị mình. Nghiên cứu các nội quy bảo vệ riêng (nội quy ra vào, đi lại, làm việc, ăn ở, phòng cháy, phòng nổ, phòng độc,v.v...) Của cơ quan, xí nghiệp trình Thủ trưởng phê chuẩn và ban hành.

2. Tổ chức việc phổ biến các chế độ, thể lệ, nội quy bảo vệ. Phối hợp với các đoàn thể quần chúng ở cơ sở, giáo dục ý thức làm chủ tập thể và tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, công nhân, viên chức, tổ chức phong trào thi đua bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ quan, xí nghiệp an toàn.

3. Kiểm tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ, nội quy bảo vệ của các đơn vị chuyên môn trong cơ quan, xí nghiệp và trực tiếp kiểm soát việc ra, vào, đi lại trong cơ quan, xí nghiệp; thi hành các luật lệ về quản lý hành chính khác trong cơ quan, xí nghiệp.

4. Tổ chức huấn luyện và chỉ huy lực lượng bảo vệ quần chúng và lực lượng phòng cháy chữa cháy có tính chất nghĩa vụ trong cơ quan, xí nghiệp.

5. Trực tiếp hoặc phối hợp với lực lượng tự vệ, thanh niên cờ đỏ của cơ quan, xí nghiệp để tuần tra, canh gác, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp.

6. Theo dõi, nắm tình hình chung về bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và trật tự an ninh trong cơ quan, xí nghiệp; định kỳ báo cáo, đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết với Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp và cơ quan Công an địa phương trực tiếp chỉ đạo.

 

Điều 6.- Trong khi làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, lực lượng bảo vệ có quyền hạn :

1. Kiểm soát giấy tờ chứng nhận quyền ra vào, đi lại, ăn , ở hoặc mang giữ những đồ vật, hồ sơ, tài liệu của những người được ra vào, đi lại, ăn, ở trong cơ quan, xí nghiệp.

2. Mở và kiểm soát những gói, hộp, túi, cặp... Mang vào hoặc mang ra khỏi cơ quan, xí nghiệp.

3. Không cho những người không có giấy tờ hợp lệ được vào cơ quan, xí nghiệp, nếu kiểm tra thấy những người không có giấy tờ hoặc giấy tờ không hợp lệ thì phải giữ lại (kể cả những đồ vật mang giữ trái phép), kịp thời áo cáo với Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp và báo cáo với cơ quan Công an để xử lý.

4. Bắt giữ và lập biên bản những người có hành động phạm pháp quả tang xâm phạm an toàn bí mật và tài sản của cơ quan, xí nghiệp, dẫn giải đến cơ quan Công an để xử lý.

5. Trong trường hợp cấp bách, được ra lệnh cho các đơn vị chuyên môn phải thi hành những biện pháp cần thiết hoặc ngừng ngay những hoạt động tương tự đe doạ nghiêm trọng an toàn bí mật và tài sản của cơ quan, xí nghiệp, nhưng sau đó phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp hoặc Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của đơn vị chuyên môn hữu quan để giải quyết.

6. Khi xảy ra những vụ phạm pháp hoặc tai nạn trong cơ quan, xí nghiệp thì phải tức khắc tổ chức bảo vệ hiện trường, lập biên bản sơ bộ, đồng thời báo cáo ngay cho công an đến khám nghiệm hiện trường thu lượng dấu vết, tang chứng, vật chứng, nhân chứng và tiến hành công tác điều tra, truy xét.

 

Điều 7.- Tuỳ theo tính chất, tầm quan trọng, quy mô của cơ quan, xí nghiệp và số lượng cán bộ, công nhân, viên chức ở từng nơi, lực lượng bảo vệ ở các cơ quan, xí nghiệp được tổ chức thành phòng bảo vệ, đội bảo vệ, tổ bảo vệ hoặc chỉ có một cán bộ chuyên môn làm công tác bảo vệ, hay kiêm nhiệm công tác bảo vệ.

 

Điều 8.- Tổ chức và biên chế của các phòng, ban và đội, tổ bảo vệ ở các cơ quan, xí nghiệp trực thuộc Trung ương do thủ trưởng ngành sở quan quyết định, sau khi thoả thuận với Bộ trưởng Bộ Công an.

Tổ chức và biên chế của các phòng, ban và đội, tổ bảo vệ ở các cơ quan, xí nghiệp địa phương, do Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo đề nghị thống nhất của Thủ trưởng ngành Công an địa phương.

Biên chế cán bộ bảo vệ (không kể biên chế của đội bảo vệ ở những nơi thật cần thiết) ở mỗi cơ quan, xí nghiệp được xác định căn cứ vào tính chất, tầm quan trọng và quy mô của đơn vị, số lượng cán bộ, công nhân, viên chức và khối lượng tài sản cần được bảo vệ và được tính theo tỷ lệ từ hai đến năm phần nghìn (20/00 đến 50/00) số biên chế chung của cơ quan, xí nghiệp; đó là mức nói chung, là mức tối đa, phải xuất phát từ tình hình và yêu cầu thực tế của từng cơ quan, xí nghiệp mà số người cho sát.

Điều 9.- Cán bộ bảo vệ nằm trong tổ chức và biên chế của cơ quan xí nghiệp, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp và do cơ quan, xí nghiệp đài thọ về mọi mặt kinh phí: tiền lương, phụ cấp, chi phí huấn luyện, trang bị và phương tiện hoạt động.

Tổ chức bảo vệ là lực lượng nghiệp vụ chuyên trách, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ngành Công an về mặt nghiệp vụ và được cơ quan Công an huân luyện, bồi dưỡng về nghiệp vụ bảo vệ theo chế độ do Bộ Công an quy định.

Việc tuyển dụng, bố trí công tác, điều động, khen thưởng, đề bạt và thi hành kỷ luật cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đều phải có sự thoả thuận giữa Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp với Thủ trưởng cơ quan Công an cấp tương đương và phải được thực hiện theo đúng nguyên tắc phân cấp quản lý cán bộ của Nhà nước.

 

Điều 10.- Cán bộ, chiến sĩ bảo vệ phải là người đảm bảo tin cậy, có lý lịch rõ ràng không có vấn đề chính trị, hình sự, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, dũng cảm, trẻ, khoẻ mạnh, không có dị hình dị dạng; có trình độ văn hoá tương đương lớp 7 phổ thông trở lên, có trình độ chính trị, nghiệp vụ, quân sự cần thiết, có kiến thức về ngành chuyên môn chủ yếu của cơ quan, xí nghiệp mình bảo vệ.

 

Điều 11.- Cán bộ, chiến sĩ bảo vệ được xếp lượng và hưởng các chế độ đại ngộ như cán bộ, nhân viên làm công tác tổ chức ở cơ quan, xí nghiệp. Nếu từ công nhân sản xuất hoặc cán bộ, nhân viên ngành khác chuyển sang thì xếp ngay vào bậc lương tương đương của cán bộ tổ chức hoặc vẫn được giữ mức lượng cũ nếu lương cũ cao hơn mức lương cấp bậc mới.

Ngoài những chế độ tiêu chuẩn chung, cán bộ, chiến sĩ bảo vệ thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác còn được hưởng các chế độ cung cấp về gạo, đường, quần áo, giầy, mũ và trang bị như cán bộ và chiến sĩ cảnh sát nhân dân. Quy cách quần áo, giầy, mũ do Bộ Công an quy định.

Nếu làm việc thường xuyên ở nơi tiếp xúc với chất độc, chất phóng xạ, nếu hoạt động ban đêm hoặc làm thêm giờ thì cũng được hưởng các chế độ bồi dưỡng tương ứng như cán bộ, công nhân, viên chức khác.

 

Điều 12.- Ngoài những hình thức khen thưởng chung, cán bộ, chiến sĩ bảo vệ có thành tích xuất xắc còn có thể được khen thưởng theo các hình thức quy định đối với cán bộ, chiến sĩ công an. Việc khen thưởng do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định theo đề nghị thống nhất của Thủ trưởng cơ quan công an địa phương và Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp có cán bộ, chiến sĩ được đề nghị khen thưởng.

 

III- VỀ LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BẢO VỆ CỦA NHÀ NƯỚC
TRỰC TIẾP ĐẢM NHIỆM BẢO VỆ CÁC CƠ QUAN, XÍ NGHIỆP

 

Điều 13.- Đối với một số cơ quan, xí nghiệp đặc biệt quan trọng (như tập trung nhiều bí mật, nhiều tài sản có giá trị lớn, hoặc có nhiều chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ nguy hiểm...) Thì do yêu cầu của ngành sở quan, hoặc do đề xuất của ngành Công an, giữa Thủ trưởng ngành sở quan ở Trung ương và Bộ trưởng Bộ Công an sẽ có sự thoả thuận và ngành Công an sẽ biệt phái lực lượng cảnh sát bảo vệ đến trực tiếp bảo vệ những cơ quan, xí nghiệp đó.

Bộ trưởng Bộ Công an có thể biệt phái cán bộ công an sang làm Trưởng phòng bảo vệ của cơ quan, xí nghiệp, biệt phái lực lượng cảnh sát bảo vệ sang để phối hợp với lực lượng bảo vệ của cơ quan, xí nghiệp và trực tiếp đảm nhiệm một phần công tác bảo vệ, hoặc để thay thế hẳn cho lực lượng tuần tra của cơ quan, xí nghiệp đó.

 

Điều 14.- Trong khi làm nhiệm vụ biệt phái các cán bộ, chiến sĩ công an, cảnh sát sẽ có tất cả những trách nhiệm và quyền hạn quy định cho lực lượng bảo vệ chuyên trách của cơ quan, xí nghiệp đồng thời còn có những trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

 

Điều 15.- Cán bộ, chiến sĩ công an, cảnh sát bảo vệ biệt phái thì do ngành Công an đài thọ hoàn toàn về lương, phụ cấp, trang bị và phương tiện công tác.

Ngành sở quan bố trí sắp xếp phòng làm việc nơi sinh hoạt và chỗ ăn ở cho số cán bộ, chiến sĩ cảnh sát bảo vệ biệt phái.

Chế độ công tác và quan hệ làm việc của cán bộ, chiến sĩ công an, cảnh sát bảo vệ biệt phái do Bộ trưởng Bộ Công an và Thủ trưởng ngành sở quan quy định trên nguyên tắc tôn trọng quyền lãnh đạo và trách nhiệm toàn diện của Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp trong việc quản lý và bảo vệ cơ quan. Xí nghiệp của mình.

 

IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 16.- Nghị định này được áp dụng đối với tất cả các cơ quan, xí nghiệp (nhà máy, công trường, nông trường, kho tàng, cửa hàng, bệnh viện, trường học...) Của Nhà nước; với các cơ quan của Đảng lao động Việt Nam và của các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Điều 17.- Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Ban Tổ chức của Chính phủ tiến hành việc hướng dẫn thực hiện, đôn đốc kiểm tra các ngành, các cấp thi hành Nghị định này.

 

Điều 18.- Thông tư số 63-TTg ngày 28-2-1957 về việc thành lập các tổ chức bảo vệ ở các xí nghiệp, công trường, nông trường, kho tàng từ nay sẽ hết hiệu lực thi hành.

Nghị đinh này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.