• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 23/07/2002

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 125/TB-VPCP
NGÀY 23 THÁNG 7 N
ĂM 2002 VỀ KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN CÔNG TẠN TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT CHƯƠNG TRÌNH 135 VÀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO VÀ VIỆC LÀM NĂM 2001, TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2002-2005

 

Trong hai ngày 01 và 02 tháng 7 năm 2002, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã chủ trì Hội nghị sơ kết Chương trình 135 và Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm năm 2001, triển khai kế hoạch năm 2002 - 2005.

Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi Hoàng Đức Nghi thay mặt Ban chỉ đạo Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135) và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng thay mặt Ban Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm, trình bày Báo cáo sơ kết thực hiện chương trình năm 2001 và triển khai kế hoạch năm 2002, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã có ý kiến kết luận như sau:

 

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NĂM 2001

 

1. Về kết quả thực hiện Chương trình 135

- Năm 2001 đã hợp nhất một sổ Chương trình, dự án có cùng mục tiêu, đối tượng, địa bàn như: Chương trình trung tâm cụm xã, định canh định cư, hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn vào Chương trình 135. Nhìn chung, Chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước để có thêm nguồn lực đầu tư cho Chương trình: ngoài số vốn Ngân sách Nhà nước trực tiếp đầu tư cho các dự án thuộc Chương trình 135 là 1.425 tỷ đồng, các Bộ ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố có điều kiện, các Tổng công ty 91, Quỹ vì người nghèo... Đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ, kết hợp với việc lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn và huy động nguồn lực tại chỗ đã đưa mức đầu tư bình quân cho 1 xã năm qua lên 800 triệu đồng. Một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Cà Mau đã đầu tư từ ngân sách địa phương với mức cao hơn để đưa chương trình đạt mục tiêu sớm hơn quy định.

- Đa số các tỉnh đã đầu tư tập trung cho những xã khó khăn hơn, chuyển đổi cơ cấu đầu tư theo hướng phát triển sản xuất, gắn Chương trình 135 với đầu tư chung trên địa bàn; tiến độ, chất lượng công trình đạt khá hơn những năm trước.

- Công tác quản lý chỉ đạo Chương trình đã đi vào nền nếp: những nguyên tắc quản lý chủ yếu: dân chủ công khai, xã có công trình, dân có việc làm và tăng thêm thu nhập tiếp tục được thực hiện với hiệu quả cao hơn. Một số địa phương đã chọn một số xã thí điểm giao cho xã làm chủ đầu tư. Qua thực tiễn cho thấy ở địa phương nào chỉ đạo thực hiện đầy đủ những nguyên tắc quản lý trên đây thì ở đó Chương trình đạt hiệu quả cao, hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ và tích cực tham gia, dân được thụ hưởng nhiều hơn.

Các cấp các ngành tập trung chỉ đạo Chương trình sâu sát hơn, cơ quan thường trực Chương trình đã có nhiều cố gắng nắm sát tình hình, đề xuất với Ban Chỉ đạo Chính phủ kịp thời bổ sung chính sách tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, các Bộ, ngành đã phối hợp kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc cơ sở nhiều hơn trước, cấp tỉnh, huyện chỉ đạo cụ thể hơn, sát sao hơn đã góp phần tích cực vào kết quả thực hiện chương trình.

- Kết quả cụ thể: về xây dựng cơ sở hạ tầng, năm 2001 đã xây dựng 601 công trình chuyển tiếp, làm mới 3.300 công trình, đưa tổng số công trình xây dựng trong ba năm qua (1999 - 2001) lên 8.823 công trình; xây dựng 474 trung tâm cụm xã, trong đó đã cơ bản hoàn thành 68 trung tâm; quy hoạch và bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết khoảng 50.000 hộ dân; việc phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thực hiện chủ yếu bằng lồng ghép các chương trình dự án khác, ngân sách Trung ương đã giành 50 tỷ đồng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn các xã thuộc chương trình; đã đào tạo cho khoảng trên 300.000 lượt học viên là cán bộ xã, bản, làng, phum, sóc, nội dung đào tạo được cải tiến phù hợp với trình độ và đặc điểm của từng dân tộc.

2. Về Chương trình Mục tiêu quốc gia XĐGN và việc làm

- Về chỉ đạo điều hành: sự chỉ đạo đã cụ thể, sâu sát từ Trung ương đến địa phương; cơ chế, chính sách được bổ sung: hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đất và tư liệu sản xuất; trích ngân sách địa phương bổ sung quỹ hỗ trợ việc làm; tích cực tăng cường cán bộ tỉnh, huyện và 500 trí thức trẻ về các xã nghèo; tăng 1.776 cán bộ làm xoá đói giảm nghèo ở xã, phường, 1.278 cán bộ khuyến nông - lâm - ngư ở thôn bản, phum, sóc; tập trung nguồn vốn cho XĐGN đạt trên 9 nghìn tỷ đồng; các địa phương đã huy động được hàng chục triệu ngày công; quốc tế hỗ trợ khoảng trên 300 triệu USD để thực hiện các dự án theo nội dung xóa đói giảm nghèo; nguồn vốn tạo việc làm đạt trên 2 nghìn tỷ đồng. Đã tạo được phong trào, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng tham gia XĐGN.

- Trong năm 2001, cả nước đã có 297.000 hộ thoát nghèo, cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (300.000 hộ). Song, do thiên tai nặng trên diện rộng, nên 97.000 hộ tái nghèo, số hộ nghèo thực giảm là 200.000 hộ (1,2%). Tới cuối năm, tỷ lệ đói nghèo cả nước còn khoảng 16%. Đã tạo việc làm mới và việc làm thêm cho 1,4 triệu người (tăng 100.000 người so với năm 2000), đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn trên 6%, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn lên gần 75%. Qua đây đã xuất hiện nhiều điển hình, nhiều mô hình tốt cần rút kinh nghiệm và nhân ra cho cả nước.

3. Về những vấn đề tồn tại, yếu kém, khó khăn

A. Tồn tại trong việc thực hiện Chương trình 135 năm 2001:

- Một số tỉnh còn ỷ lại, trông chờ vào vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương: trong số 11 tỉnh được Chính phủ phân công đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn bằng ngân sách địa phương, có 5 tỉnh đầu tư với mức cao, có khả năng đến năm 2003 đạt được mục tiêu Chương trình, nhưng còn 6 tỉnh lại đầu tư rất thấp, cá biệt có tỉnh không bố trí đầu tư cho chương trình.

- Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc nguyên tắc: dân chủ công khai, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, xã có công trình, dân có việc làm tăng thêm thu nhập; chưa phân cấp mạnh cho cơ sở quản lý chỉ đạo chương trình, dẫn đến tiêu cực, thất thoát, nhưng không nhiều.

- Tiến độ thi công vẫn còn rất chậm, một số công trình chất lượng kém, việc quản lý khai thác sử dụng một số công trình còn kém hiệu quả.

- Một số địa phương chưa thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ của chương trình, chỉ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa đầu tư nhiều cho phát triển sản xuất và như vậy, khi kết thúc chương trình, có thể có những xã đầy đủ cơ sở hạ tầng nhưng dân vẫn đói nghèo, kinh tế - xã hội chưa phát triển, mục tiêu Chương trình sẽ khó đạt được.

- Việc đào tạo cán bộ mới chỉ dừng ở tập huấn, hướng dẫn về cơ chế quản lý Chương trình 135, chưa chú trọng đào tạo toàn diện về quản lý hành chính, kinh tế, kỹ thuật nhất là cán bộ về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

B. Tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện Chương trình MTQG xoá đói giảm nghèo và việc làm năm 2001:

- Tình hình đói nghèo tại một số vùng vẫn còn diễn ra gãy gắt, tỷ lệ hộ đói nghèo cao như vùng Tây nguyên, Khu 4 cũ, vùng miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc XĐGN tại những vùng này chưa vững chắc, nhất là khi thiên tai xảy ra.

- Thất nghiệp và thiếu việc làm còn nhiều, nhất là ở độ tuổi thanh niên ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu lao động dịch chuyển chậm, chất lượng lao động thấp.

- Một số địa phương chưa tập trung cao trong việc chỉ đạo xoá đói giảm nghèo, lúng túng trong việc triển khai các dự án về việc làm; có nơi thiếu xây dựng nội dung cụ thể về XĐGN, nắm không chắc số hộ nghèo.

- Hệ thống thông tin theo dõi, đánh giá xoá đói giảm nghèo, thị trường lao động thiếu và yếu kém.

Từ những tồn tại, yếu kém của hai chương trình, các Bộ, ngành Trung ương cần phải kiểm điểm rút kinh nghiệm về những tồn tại trong việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý chương trình cho phù hợp yêu cầu thực tiễn, việc giúp đỡ các tỉnh thuộc phạm vi Chương trình 135 theo phân công của Chính phủ, việc huy động nguồn lực cho chương trình chưa nhiều, nhất là từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chưa tập trung đầu tư cao cho những huyện, xã có nhiều khó khăn hơn.

 

II. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
HAI CH
ƯƠNG TRÌNH NĂM NAY VÀ NHỮNG NĂM TỚI

 

Từ thực tiễn ở nước ta và kinh nghiệm của quốc tế, muốn xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững phải tập trung giải quyết đồng bộ ba vấn đề chủ yếu là: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; giải quyết lương thực thực phẩm cho dân, phát triển sản xuất hàng hoá với cơ cấu phù hợp nhu cầu thị trường; nâng cao dân trí. Những nhiệm vụ của các chương trình nhằm giải quyết những vấn đề đó trên địa bàn của các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

1. Đối với Chương trình 135

Phát huy những kết quả đã đạt được ba năm qua, bám sát nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình thực hiện những giải pháp, chính sách phù hợp để Chương trình 135 đạt được hiệu quả thiết thực.

- Năm 2001, đã đầu tư hết số xã thuộc đối tượng của chương trình, từ năm 2002 chỉ bổ sung những xã được tách và thành lập xã mới từ xã thuộc Chương trình 135 hoặc được công nhận là xã ATK. Năm 2003 Uỷ ban Dân tộc và Miền núi chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương rà soát lại các xã, đối với những xã đã đạt được mục tiêu thì đưa ra khỏi diện đầu tư của chương trình.

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phải gắn liền với quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2002 - 2005 chuyển mạnh cơ cấu đầu tư theo hướng ưu tiên đầu tư phục vụ sản xuất như: thuỷ lợi, khai hoang để có đất, có nước cho dân sản xuất, giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ và từng bước phát triển sản xuất hàng hoá để sớm đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo; kiên cố hoá công trình trường học, bệnh xá (bao gồm cả nhà công vụ cho giáo viên, cán bộ y tế và ký túc xá cho học sinh); không đầu tư bình quân dàn trải, tập trung đầu tư cho những xã có khó khăn hơn.

- Từ năm 2002, chỉ đầu tư xây dựng các trung tâm cụm xã trên địa bàn Chương trình 135, ưu tiên đầu tư cho trung tâm cụm xã ở các xã biên giới, vùng cao, các địa phương phải lồng ghép các chương trình, dự án khác, huy động thêm nguồn lực để đầu tư cho trung tâm cụm xã với quy mô, kỹ thuật phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực.

- Quy hoạch, bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết phải gắn liền với quy hoạch đất đai, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên, tập quán, khai thác lợi thế của từng địa phương. Việc sắp xếp lại dân cư phải được tiến hành bằng nhiều biện pháp như đã làm ở các địa phương ba năm qua, phải chỉ đạo quyết liệt hơn: các dự án định canh định cư, kinh tế kết hợp với quốc phòng, quy hoạch bố trí dân cư ở nơi cần thiết, đặc biệt là dự án di dân và ổn định dân cư tại các xã biên giới Việt Trung.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có hệ thống giải pháp, chính sách mang tính đặc thù để phát triển nông lâm nghiệp gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm cho những xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Trước hết, hỗ trợ đồng bào về giống cây trồng, vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa... Cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán ở từng địa phương, bảo đảm cho đồng bào trên địa bàn này sớm hết đói, thoát nghèo nhằm đạt được mục tiêu chương trình.

- Về đào tạo cán bộ cơ sở: phải tổng kết công tác đào tạo cán bộ cơ sở, rút kinh nghiệm về nội dung, đối tượng, hình thức đào tạo sao cho phù hợp, có hiệu quả thiết thực. Thời kỳ 2002-2005 phải tập trung hỗ trợ cho nhiệm vụ đào tạo cán bộ cơ sở và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn chương trình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Có như vậy khi kết thúc chương trình, đồng bào các dân tộc ở vùng này mới có điều kiện hoà nhập vào quá trình phát triển chung của đất nước.

Giao Uỷ ban Dân tộc và Miền núi chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh lập dự án về đào tạo bồi dưỡng cán bộ ở các xã thuộc Chương trình 135, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định vào quý IV năm 2002 để triển khai dự án từ kế hoạch năm 2003.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải đặc biệt quan tâm chỉ đạo, kịp thời khắc phục tình trạng chậm trễ trong chuẩn bị đầu tư, thi công các công trình phải đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Ở ĐÂU XẢY RA TIÊU CỰC, THAM Ô, LÀM THẤT THOÁT VỐN CỦA CHƯƠNG TRÌNH, CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH KÉM, TRƯỚC TIÊN CHỦ TỊCH CÁC ĐỊA PHƯƠNG PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM.

- Các quyết định của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các vùng Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc chủ yếu thuộc địa bàn các xã thuộc Chương trình 135, giao các Bộ, ngành ở Trung ương có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc nhằm đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội tổng hợp, sớm đưa vùng này thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

- Tăng cường năng lực hoạt động của bộ phận chuyên trách giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình cấp Trung ương, cấp tỉnh, Ban quản lý dự án cấp huyện, cấp xã, đủ sức điều hành Chương trình và thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nhằm tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, đảm bảo tiến độ chương trình theo kế hoạch.

- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các dự án do các nhà tài trợ của các tổ chức quốc tế đầu tư, đang thực hiện trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 từ kế hoạch năm 2002, nếu các hạng mục đầu tư của các dự án này trùng với hạng mục đầu tư của Chương trình 135 thì từ kế hoạch năm 2003 cân đối, bố trí phần vốn trong nước phù hợp, phần vốn trong nước còn lại của Chương trình 135 được sử dụng bố trí thêm cho các xã thuộc Chương trình nhưng còn nhiều khó khăn, xã được thành lập mới từ xã thuộc Chương trình 135 để đến hết năm 2005 các xã đều đạt được mục tiêu Chương trình đề ra.

- Tăng cường huy động nguồn lực cho Chương trình bằng sự tự nguyện giúp đỡ của nhân dân cả nước, của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân, các tổ chức trong nước và quốc tế.

2. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN và việc làm

Ngoài những giải pháp được phối hợp trên đây, cần chú trọng một số vấn đề về tổ chức thực hiện:

Ở TRUNG ƯƠNG:

- Các Bộ, ngành theo chức năng và nhiệm vụ được giao cần hoàn thiện cơ chế lồng ghép có hiệu quả nguồn lực của các chương trình, dự án cho xoá đói giảm nghèo; thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện theo lĩnh vực được phân công, nắm bắt những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình tại địa phương, đề xuất những biện pháp đề khắc phục kịp thời.

- Khẩn trương hướng dẫn thực hiện quyết định của Chính phủ về khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá (bao gồm nông sản, lâm sản, thuỷ sản) và muối với người sản xuất (hộ nông dân, đại diện hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã) nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá để phát triển sản xuất ổn định và bền vững, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân.

- Các đoàn thể nhân dân cần tăng cường chỉ đạo cấp hội cơ sở xây dựng nội dung hoạt động cụ thể, thiết thực để tham gia xoá đói giảm nghèo, như: hướng dẫn người nghèo cách làm ăn; hỗ trợ hộ nghèo, cho hộ nghèo vay vốn nhưng phải hướng dẫn cách sử dụng vốn sao cho có hiệu quả để hạn chế sự rủi ro về vốn vay, đồng thời giúp cho họ từng bước nắm được các kỹ năng về tổ chức và quản lý sản xuất, đó chính là điều kiện cần thiết để hộ nghèo vươn lên vượt qua đói nghèo và đoàn thể nhân dân tích cực tham gia giám sát thực hiện chương trình ở các cấp.

Ở ĐỊA PHƯƠNG:

- Từng cấp, từng ngành, phải căn cứ vào mục tiêu, nội dung của chương trình xoá đói giảm nghèo để xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm cho phù hợp và có biện pháp cụ thể triển khai thực hiện; đồng thời phải giao trách nhiệm cho mỗi cấp, mỗi ngành và đoàn thể phụ trách, theo dõi từng địa bàn, từng lĩnh vực của Chương trình. Lãnh đạo địa phương phải nắm chắc đối tượng hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp từng đối tượng.

- Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trung thực hiện chính sách, giải pháp về xoá đói giảm nghèo và việc làm.

- Phát triển mở mang ngành nghề, phát triển doanh nghiệp tư nhân để thu hút lao động, giải quyết việc làm, ưu tiên cho vay vốn tạo việc làm, khuyến khích sử dụng đất hoang hoá, đất trống, đồi núi trọc để phát triển sản xuất: mở rộng dạy nghề đại trà và dạy nghề nâng cao, cần ưu tiên con em thuộc diện chính sách, con em đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học nghề; đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào chương trình xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là Ngày vì người nghèo và ủng hộ Quỹ vì người nghèo.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.