• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 27/08/1997

HIỆP ĐỊNH

THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ THỔ NHĨ KỲ

Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ (sau đây gọi là các Bên ký kết); với lòng mong muốn mở rộng và phát triển hợp tác thương mại, kinh tế và kỹ thuật giữa 2 nước trên cơ sở 2 bên cùng có lợi, đã thoả thuận:

 

Điều 1

Các Bên ký kết sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ pháp luật và những quy định của mỗi nước để xúc tiến và tạo thuận lợi cho các quan hệ thương mại, kinh tế và kỹ thuật giữa hai nước.

 

Điều 2

1. Các Bên ký kết sẽ giành cho nhau chế độ đãi ngộ tối huệ quốc trong lĩnh vực thuế quan cũng như các thủ tục hải quan liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai nước.

2. Mỗi Bên ký kết sẽ không phân biệt đối xử đối với hàng nhập khẩu xuất xứ từ lãnh thổ của nước ký kết kia về phương diện hạn chế số lượng, cấp giấy phép và cấp tiền tệ cần thiết để thanh toán các hàng nhập khẩu đó.

3. Những quy định ở điểm 1 và 2 của điều khoản này sẽ không áp dụng cho:

A. Những ưu đãi mà các Bên ký kết đã dành hoặc sẽ giành cho các nước láng giềng của mình để tạo dễ dàng cho việc buôn bán biên giới.

B. Những ưu đãi được hưởng do một liên minh quan thuế hoặc một khu mậu dịch tự do mà một Bên ký kết là hoặc sẽ là một bên tham gia.

C. Những ưu đãi mà các Bên ký kết đã dành hoặc sẽ dành cho bất cứ một nước đang phát triển nào theo Hiệp định khu vực hoặc nhiều bên.

 

Điều 3

Mọi việc thanh toán hàng hoá và dịch vụ giữa hai nước sẽ được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, phù hợp với luật pháp và những quy định quản lý ngoại hối ở mỗi nước.

 

Điều 4

Nhằm phát triển hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước, các Bên ký kết sẽ tạo thuận lợi tới mức có thể việc trao đổi thông tin và các đoàn thương mại và kinh doanh tham gia hội chợ ở mỗi nước và tổ chức các cuộc triển lãm thương mại của nước này ở lãnh thổ nước bên kia theo những điều kiện thoả thuận giữa các nhà chức trách có thẩm quyền của hai nước.

Điều 5

Hai Bên ký kết sẽ miễn thuế quan cho những hàng hoá xuất nhập khẩu dưới đây phù hợp với luật pháp và những quy định hiện hành ở mỗi nước:

A. Mẫu hàng và vật liệu quảng cáo không có giá trị thương mại.

B. Dụng cụ và những hàng hoá nhập khẩu cho mục đích lắp ráp hoặc sửa chữa với điều kiện là những dụng cụ và hàng hoá đó sẽ được tái xuất.

C. Những hàng hoá trưng bầy tại hội chợ thường xuyên hoặc ngắn hạn với điều kiện là hàng hoá đó sẽ được tái xuất.

D. Những công cụ và thiết bị chuyên dùng không có sẵn ở địa phương, dùng trong việc xây dựng các nhà máy và các công trình xây dựng công nghiệp khác do người xây dựng những công trình đó nhập khẩu, với điều kiện là những công cụ và thiết bị như vậy sẽ được tái xuất.

 

Điều 6

Phù hợp với luật pháp và những quy định hiện hành ở mỗi nước, các Bên ký kết sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho việc đi qua và quá cảnh của những hàng hoá mà:

A. Xuất xứ từ lãnh thổ nước bên kia chuyển đến một nước thứ ba.

B. Xuất xứ từ một nước thứ ba chuyển đến lãnh thổ nước bên kia.

 

Điều 7

Phù hợp với luật pháp và những quy định hiện hành ở mỗi nước, mỗi Bên ký kết sẽ cho phép thành lập những văn phòng thương mại của các pháp nhân của nước bên kia trên lãnh thổ của nước mình và dành cho các văn phòng thương mại đó sự đối xử ưu đãi ít nhất là bằng sự đối xử ưu đãi ít nhất là bằng sự đối xử ưu đãi dành cho các văn phòng đại diện của các pháp nhân của những nước thứ ba.

 

Điều 8

Việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng và công việc kinh doanh thương mại được ký kết giữa các pháp nhân và tự nhiên của hai nước sẽ được giải quyết theo những điều khoản về trọng tài được quy định trong từng hợp đồng cụ thể.

 

Điều 9

Trong các lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật, các Bên ký kết nhận thấy có thể hợp tác trong các lĩnh vực sau đây:

A. Tài nguyên nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi.

B. Công nghiệp chế biến nông sản.

C. Công nghiệp chế tạo.

D. Luyện kim

E. Công nghiệp quy mô vừa và nhỏ.

F. Thăm dò và khai thác khoáng sản.

G. Cơ khí và xây dựng.

H. Các dịch vụ về tài chính, công ăn việc làm, công nghiệp và ngân hàng.

I. Giao thông vận tải và truyền thông.

J. Du lịch

K. Những khu chế xuất

 

Điều 10

Các Bên ký kết thoả thuận thành lập Uỷ ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại gồm đại diện của hai Bên ký kết sẽ họp luân phiên ở Ankara và Hà Nội vào thời gian hai bên thoả thuận để giám sát và tạo điều kiện dễ dàng cho việc thực hiện hiệp định này, và xem xét giải quyết những vấn đề liên quan tới sự áp dụng nó, cũng như khuyến cáo những biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước.

 

Điều 11

Mọi tranh chấp giữa các Bên ký kết liên quan tới việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết bằng thương lượng và trao đổi một cách thân thiện, không để chậm trễ bất hợp lý.

 

Điều 12.

1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực khi các Bên ký kết thông báo cho nhau biết các yêu cầu về pháp lý để có hiệu lực đã được hoàn tất đầy đủ.

2. Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn 5 năm và sau đó sẽ mặc nhiên được gia hạn với thời gian tiếp theo từng năm một, trừ khi một Bên ký kết thông báo cho bên kia bằng văn bản, sáu tháng trước khi hết hạn Hiệp định, ý định của mình muốn chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này.

 

Điều 13

Những quy định của Hiệp định này sẽ được áp dụng đối với các hợp đồng ký kết trong thời hạn hiệu lực của Hiệp định mà chưa thực hiện xong vào ngày hết hạn Hiệp định cho đến khi các hợp đồng đó được hoàn thành. Để làm bằng chứng cho việc thoả thuận, những người ký tên dưới đây được sự uỷ quyền của Chính phủ nước mình đã ký vào Hiệp định này. 

Hiệp định này được làm thành 2 bản chính bằng tiếng Việt, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Anh. Các văn bản đều có giá trị như nhau. Trường hợp có bất đồng, bản tiếng Anh sẽ là bản quyết định.