CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
PHÁP LỆNH
QUY ĐỊNH DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC
“BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG”
Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ngày 29 tháng 8 năm 1994 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 1994, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Để ghi nhớ công lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc;
Để phát huy và giáo dục truyền thống Cách mạng, tinh thần yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta;
Căn cứ vào các điều 67, 84, 91 và 103 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá IX tại kỳ họp thứ 5 về chương trình xây dựng pháp luật 6 tháng cuối năm 1994;
Pháp lệnh này quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”[1].
Điều 1.
Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” để
tặng hoặc truy tặng những bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Điều 2.[2]
Những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”:
1. Có 2 con trở lên là liệt sĩ;
2. Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
3. Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ;
4. Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ;
5. Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Điều 3.
Những bà mẹ đã được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này thì vẫn được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Điều 4.[3]
Người được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tặng Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và được hưởng các chế độ ưu đãi sau đây:
1. Được tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng;
2. Được hưởng khoản tiền một lần và được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
3. Khi từ trần được tổ chức lễ tang trang trọng;
4. Kinh phí tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng, tổ chức lễ tang do Nhà nước bảo đảm.
Điều 5.
Việc tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” do Chủ tịch nước quyết định theo đề nghị của Chính phủ.
Điều 6.
Những người đã được tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” nếu tỏ ra không còn xứng đáng với danh hiệu ấy nữa, thì Chính phủ xem xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định xoá bỏ danh hiệu đã được tặng, thu hồi Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”[4].
Điều 7.[5]
Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 12 năm 1994.
Điều 8.
Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.
VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
Số: 06/VBHN-VPQH
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2012
CHỦ NHIỆM
(đã ký)
Nguyễn Hạnh Phúc
|
[1] Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII;
Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng””.
[2] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
[3] Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
[4] Cụm từ “Bằng và Huy chương” được thay bởi cụm từ “Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”” theo quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
[5] Điều 3 của Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 quy định như sau:
“Điều 3.
1. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
2. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này”.