QUI ĐỊNH TẠM THỜI
CỦA BỘ THƯƠNG NGHIỆP SỐ 4797-TN-XNK
NGÀY 31 THÁNG 7 NĂM 1991 VỀ KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC TẠM NHẬP TÁI XUẤT
Căn cứ tập quán thương mại quốc tế và các chính sách về quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại của Nhà nước, Bộ Thương nghiệp tạm thời quy định chế độ kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất như sau:
I. QUI ĐỊNH CHUNG:
1. Kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất là mua hàng của một nước (nước xuất khẩu) để bán cho một nước khác (nước nhập khẩu) nhằm mục đích kiếm lời, có làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam trong một thời gian nhất định rồi tái xuất mà không qua gia công chế biến.
2. Việc gia công cho nước ngoài (nhập nguyên vật liệu, giao thành phẩm) không được coi là kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất và không chịu sự điều chỉnh của bản qui định tạm thời này.
3. Mọi hình thức tạm nhập tái xuất và tạm xuất tái nhập nhằm mục đích dự hội chợ, triển lãm hoặc sửa chữa máy móc, phương tiện theo qui định của hợp đồng hợp tác đầu tư, liên doanh sản xuất v.v... không được coi là kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất và chịu sự điều chỉnh của các qui định về quản lý xuất nhập khẩu hiện hành.
Hàng hoá nhập khẩu nhằm mục đích sử dụng trong nước, nhưng sau một thời gian, vì lý do nào đó, không sử dụng trong nước nữa mà tái xuất khẩu ra nước ngoài cũng không được coi là hàng kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất và không chịu sự điều chỉnh của bản qui định này.
4. Cơ sở pháp lý của phương thức tạm nhập tái xuất là hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng mua hàng (do đơn vị Việt Nam ký với nước xuất khẩu) và hợp đồng bán háng (do đơn vị Việt Nam ký với nước nhập khẩu).
5. Các hình thức thanh toán:
5a. Khuyến khích thanh toán theo hình thức tín dụng giáp lưng (back to back) hay còn gọi là tín dụng đối khai (counter credit).
5b. Cho phép dùng tiền mặt để thanh toán hợp đồng bán hàng nhưng phải thực hiện đúng các qui định về quản lý ngoại tệ của Nhà nước.
5c. Trường hợp người nhập khẩu thanh toán bằng hàng cho đơn vị kinh tế Việt Nam thì số hàng này được nhập khẩu vào Việt Nam theo luật lệ hiện hành (có hợp đồng ghi rõ tên hàng, giá trị hàng, có kế hoạch nhập khẩu được duyệt...).
6. Đơn vị được kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất là đơn vị đã được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá (dưới đây gọi tắt là đơn vị xuất nhập khẩu).
7. Hàng hoá kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất phải phù hợp với ngành hàng qui định trong giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu, không thuộc danh mục hàng cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo luật pháp Việt Nam, luật quốc gia của các nước có liên quan cũng như luật quốc tế.
II. THỦ TỤC KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC
TẠM NHẬP TÁI XUẤT
1. Đơn vị xuất nhập khẩu kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất gửi hồ sơ về Phòng cấp giấy phép Bộ Thương nghiệp xin cấp giấy phép nhập khẩu - xuất khẩu lô hàng theo qui định hiện hành.
Giấy phép nhập khẩu - xuất khẩu nói tại điểm này sẽ được đóng dấu "tạm nhập - tái xuất".
2. Tất cả hàng nhập vào Việt Nam, theo phương thức tạm nhập tái xuất đều phải làm thủ tục hải quan và chịu sự kiểm tra, giám sát của Hải quan cho tới thời điểm hàng thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
III - ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
1. Mọi trường hợp vi phạm qui định tạm thời này đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
2. Bản qui định tạm thời này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Mọi qui định trước đây trái với bản qui định tạm thời này đều bãi bỏ.