• Hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Ngày ban hành: 10/10/1950

SẮC LỆNH

CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

SỐ 147-SL NGÀY 10 THÁNG 10 NĂM 1950

 

CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

 

Chiểu sắc lệnh số 63 ngày 22 tháng 11 năm 1945 tổ chức chính quyền nhân dân địa phương;

Chiểu sắc lệnh số 254-SL ngày 19 tháng 11 năm 1948 tổ chức chính quyền nhân dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến;

Chiểu sắc lệnh số 150-SL ngày 31 tháng 12 năm 1949 định nhiệm vụ và quyền hạn Bộ Nội vụ trong việc quản trị các uỷ ban;

Chiểu đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ, sau khi Ban Thường trực Quốc hội thoả thuận;

RA SẮC LỆNH:

 

Điều 1: Các Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp xã, tỉnh từ nay trở đi lại bầu theo thể lệ cũ như đã định trong sắc lệnh số 63 ngày 22 tháng 11 năm 1945 đối với Uỷ ban hành chính tỉnh, xã.

Uỷ ban kháng chiến hành chính xã do quyết định của Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh và Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh do nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ công nhận.

Riêng Uỷ viên quân sự vẫn chỉ định theo thể lệ ấn định trong sắc lệnh số 254-SL ngày 19 tháng 11 năm 1948.

 

Điều 2: Tạm thời, trong những trường hợp đặc biệt chưa tổ chức được bầu cử, hoặc khi một Uỷ ban kháng chiến hành chính xã, hoặc tỉnh khuyết Uỷ viên mà Hội đồng nhân dân cấp tương đương không chọn được người có chân trong Hội đồng để thay thế thì:

1) Đối với Uỷ ban kháng chiến hành chính xã, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu, theo đề nghị của Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, sẽ chỉ định những Uỷ viên để thay thế, hoặc cho phép Hội đồng nhân dân xã chọn vào Uỷ ban những người ngoài Hội đồng;

2) Đối với Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, theo đề nghị của Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu, sẽ chỉ định những Uỷ viên để thay thế hoặc cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh chọn vào Uỷ ban những người ngoài Hội đồng.

 

Điều 3: Số Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu nay định là 7 hay 9 người, kể cả Uỷ viên quân sự.

 

Điều 4: Trong trường hợp đặc biệt, số Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh có thể tăng lên đến 9, kể cả Uỷ viên quân sự. Trường hợp đặc biệt này sẽ do nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ ấn định, theo đề nghị của Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu.

 

Điều 5: Một thông tư Bộ Nội vụ sẽ ấn định những chi tiết thi hành sắc lệnh này.

 

Điều 6: Bộ trưởng Bộ Nội vụ chiểu theo sắc lệnh thi hành.