CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 84/TTG-3X
NGÀY 9 THÁNG 9 NĂM 1964 VỀ VIỆC TỔNG HỢP TÌNH HÌNH
THAM Ô, LÃNG PHÍ, QUAN LIÊU
Để chấp hành tốt nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu";
Để từng bước nắm chắc tình hình, tiến tới tổng kết toàn bộ tình hình tham ô, lãng phí, quan liêu và có biện pháp tích cực, nhằm giáo dục tư tưởng, tăng cường tổ chức và cải tiến quản lý nhằm ngăn ngừa những tệ nạn ấy, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị.
1. Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có kế hoạch tổng hợp, phân tích tình hình tham ô, lãng phí, quan liêu, và tình hình đấu tranh để ngăn chặn những tệ nạn ấy từ năm 1961 đến nay trong mỗi ngành, mỗi địa phương. Khi tổng hợp, phân tích tình hình tham ô, lãng phí, quan liêu, phải bảo đảm nội dung và yêu cầu sau đây:
- Phải có thống kê số liệu chính xác. Phải đánh giá đúng đắn mức độ, tính chất, tác hại; nêu lên những khâu sơ hở trong các mặt quản lý kinh tế tài chính của ngành, của địa phương, những chính sách, chế độ lớn đã bị vi phạm; phải nêu rõ những thủ đoạn, hình thức tham ô, lãng phí. Phải phân loại các cán bộ, đảng viên, công nhân, nhân viên mắc tham ô, lãng phí ở từng mức độ, theo từng ngành.
- Phải tìm ra được nguyên nhân khách quan và chủ quan, nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa, chú trọng phân tích về mặt nhận thức, tư tưởng, quan điểm, lập trường của cán bộ, công nhân, nhân viên, nhất là của cán bộ lãnh đạo và về mặt tổ chức, quản lý.
- Phải đề ra được phương hướng, yêu cầu giáo dục, biện pháp tăng cường và cải tiến quản lý, phương hướng đấu tranh chống tệ tham ô, lãng phí, quan liêu.
Việc tổng hợp, phân tích phải làm tốt từ dưới lên trên, và sẽ tiến hành bước đầu vào cuối năm 1964, đến khi kết thúc cuộc vận động, sẽ tổng kết toàn bộ.
2. Đối với các đơn vị cơ sở, khi tiến hành cuộc vận động, phải có tổ chức, phân công theo dõi, tổng hợp, phân tích tình hình tham ô, lãng phí, khi kết thúc cuộc vận động thì ngoài báo cáo chung, các đơn vị phải làm một báo cáo riêng tổng hợp tình hình tham ô, lãng phí, quan liêu theo nội dung, yêu cầu đã nói ở trên. Các đơn vị đã làm xong đợt vận động tập trung cũng phải làm báo cáo này.
3. Trước mắt, các ngành và các địa phương cần sơ bộ kiểm điểm sự chỉ đạo đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu rút kinh nghiệm ở những nơi đã và đang làm cuộc vận động "ba xây ba chống" để bồi bổ cho phong trào.
4. Uỷ ban thanh tra của Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đông đốc việc thực hiện những yêu cầu nói trên, hướng dẫn về nội dung, phương pháp và tổng hợp, phân tích toàn bộ tình hình tham ô, lãng phí, quan liêu và tình hình đấu tranh chống những tệ nạn ấy để báo cáo lên Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ. Các Ban Thanh tra của các ngành, các địa phương phải cùng Ban chỉ đạo cuộc vận động "ba xây ba chống" đồng cấp theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan cho cơ sở làm tốt những công tác nói trên và dựa vào đó giúp cho cơ quan lãnh đạo của mình tổng hợp, phân tích tình hình.
Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải hoàn thành việc tổng hợp, phân tích bước đầu tình hình tham ô, lãng phí, quan liêu vào cuối tháng 11-1964 và gửi báo cáo cho ban chỉ đạo cuộc vận động "ba xây ba chống" của Trung ương và Uỷ ban thanh tra của Chính phủ.
Những đơn vị thí điểm, trọng điểm của Trung ương, ngoài việc gửi báo cáo tổng hợp này cho cấp lãnh đạo trực tiếp, cần gửi cả báo cáo cho Ban chỉ đạo cuộc vận động "ba xây ba chống" Trung ương. Những đơn vị thí điểm, trọng điểm của Trung ương đã làm xong đợt vận động tập trung cũng làm báo cáo này, hạn đến 15-10-1964 phải xong và gửi về Ban chỉ đạo cuộc vận động "ba xây ba chống" Trung ương.