• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 25/04/1960

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN SỐ 292/TT/VT/2
NGÀY 25 THÁNG 4 NĂM 1960 GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN

CHI TIẾT VỀ VIỆC KHEN THƯỞNG TỔNG KẾT CHO BỐN

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CỦA NGÀNH CÔNG AN

 

Sau khi Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 054/SL ngày 2 -2-1958 đặt Huân chương "Quân giải phóng Việt Nam" Huy chương "Quân giải phóng Việt Nam", Huân chương "Chiến thắng" và Huy chương "Chiến thắng" để khen thưởng tổng kết Quân đội nhân dân Việt Nam . Xét về tính chất tổ chức, nhiệm vụ và thành tích chiến đấu của bốn lực lượng vũ trang của ngành công an, Bộ Công an cùng Bộ Quốc phòng thảo luận đã thống nhất về chủ trương và trình lên Thường vụ Hội đồng Chính phủ đề nghị cho bốn lực lượng vũ trang của ngành công an được khen thưởng tổng kết như quân đội, đã được Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ xét trong phiên họp ngày 9-12-1959 quyết nghị khen thưởng tổng kết cho bốn lực lượng vũ trang của ngành công an như khen thưởng tổng kết đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Để thi hành Quyết nghị của Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 9-12-1959 và Thông tư số 179/TT/LB ngày 16-3-1960 của Liên Bộ Công an và Quốc phòng, Bộ ra thông tư này để giải thích và hướng dẫn chi tiết việc áp dụng chính sách khen thưởng tổng kết đối với quân đội để tiếp tục khen thưởng tổng kết cho bốn lực lượng vũ trang của ngành công an như sau:

 

I. Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH VIỆC KHEN THƯỞNG

 

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Hồ Chủ tịch, được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã được xây dựng, chiến đấu và trong những điều kiện khó khăn gian khổ, quân đội ta đã nêu cao tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng, vượt mọi khó khăn, gian khổ, cùng nhân dân chiến đấu, đã đánh bại kẻ thù xâm lược, với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại, dập tắt ngọn lửa chiến tranh ở Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Đối với công lao thành tích đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ nhiều lần biểu dương khen thưởng cho nhiều đơnvị và cá nhân. Đó chỉ mới là khen thưởng những thành tích đột xuất. Nhưng cuộc khen thưởng tổng kết lần này của Đảng và Chính phủ có tính chất tổng kết thành tích một cách toàn bộ và toàn diện của quân đội, nhằm khen thưởng đông đảo cán bộ và chiến sĩ, để ghi lại lịch sử vể vang của quân đội từ khi thành lập cho đến khi kháng chiến thắng lợi, đồng thời biểu dương vinh dự chiến thắng và sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng vẻ vang của Nhà nước và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Cũng trong những điều kiện và hoàn cảnh đấu tranh cách mạng vô cùng khó khăn gian khổ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, những lực lượng vũ trang của ngành công an được Đảng và Chính phủ cho thành lập và xây dựng để đảm bảo những nhiệm vụ nặng nề "Bảo vệ hậu phương, cụ thể là bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ từ trung ương đến khu, liên khu và các tỉnh. Bắt dẫn giải và canh gác các trại giam giữ phạm nhân. Hoạt động vũ trang phân tán trong các vùng hậu địch, trừ giạn, diệt tề, tiêu hao địch, vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở. Tiễu phỉ trừ gian, giữ gìn trật tự trị an trong nhân dân . Phối hợp với bộ đội, dân quân du kích đánh địch và chống địch càn quét. Sản xuất vũ khí để trang bị cho các lực lượng vũ trang tiêu diệt địch".

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, được sự tận tình giúp đỡ của nhân dân và có sự giúp đỡ công tác chặt chẽ của Quân đội nhân dân, trong những điều kiện và hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ về mọi mặt, những lực lượng vũ trang của ngành công an đã vượt mọi khó khăn gian khổ, nêu cao tinh thần hy sinh anh dũng chiến đấu với địch trên khắp chiến trường toàn quốc, lăn lộn vào các vùng địch hậu để tiêu diệt địch, vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở, đã cùng với bộ đội chịu đựng mọi khó khăn gian khổ lăn lộn chiến đấu với địch ngoài tiền tuyến, đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ. Đã góp phần thành tích cùng với toàn quân và toàn dân đánh bại kẻ thù xâm lược, giành thắng lợi vĩ đại,lập lại hoà bình ở Đông Dương và giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Đối với những công lao thành tích đó, đã được Đảng và Chính phủ khen thưởng Huân chương và bằng khen cho nhiều cá nhân và đơn vị. Nhưng đó chỉ mới là khen thưởng những thành tích có tính chất đột xuất. Nay Đảng và Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 054/SL ngày 2-2-1958 để khen thưởng tổng kết cho quân đội, đồng thời Đảng và Chính phủ xét đến tính chất tổ chức và thành tích chiến đấu của các lực lượng vũ trang của ngành công an, đã quyết định khen thưởng tổng kết cho bốn lực lượng vũ trang của ngành công an như tổng kết đối vơí quân đội. Cuộc khen thưởng tổng kết lần này có tính chất tổng kết thành tích một cách toàn diện và toàn bộ đối với những lực lượng vũ trang của ngành công an, khen thưởng đông đảo cán bộ và chiến sĩ. Đó là ý nghĩa lịch sử lớn lao và vẻ vang đối với ngành công an, động viên chính trị to lớn của Đảng và Chính phủ, nhằm nhắc nhở toàn thể cán bộ và chiến sĩ trong ngành, phát huy truyền thống tốt đẹp của Công an nhân dân để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng và Chính phủ, bảo vệ mọi thành quả của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất Tổ quốc.

 

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC KHEN THƯỞNG TỔNG KẾT

 

Tất cả cán bộ và chiến sĩ trong bốn lực lượng vũ trang của ngành công an kể dưới đây, tổ chức từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong thời kỳ kháng chiến đều được khen thưởng tổng kết như quân đội và công nhân quốc phòng.

1. Công an trật tự vũ trang, hay có nơi gọi là Cảnh vệ, công an vũ trang, hay là Cảnh sát vũ trang.

2. Bộ đội Cảnh vệ (Bắc và Trung Bộ), Quốc vệ đội hay Bảo vệ đội (Nam Bộ) kể cả Bảo vệ đội của huyện ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

3. Lực lượng Công an xung phong.

4. Công an xưởng (Nam Bộ).

Nói Công an trật tự vũ trang, hay Công an vũ trang, Cảnh vệ hay Cảnh sát vũ trang là nói lực lượng vũ trang có trước ngày thành lập bộ đội Cảnh vệ là tiền thân của bộ đội Cảnh vệ và thực chất làm nhiệm vụ của bộ đội Cảnh vệ. Còn ngoài ra các lực lượng khác như: Công an trật tự và Cảnh sát giao thông trật tự,v.v.... Thì nói chung đều không nằm trong đối tượng khen thưởng tổng kết này.

Ba lực lượng vũ trang (nói ở điểm 1, 2, 3) được khen thưởng tổng kết như quân đội. Riêng Công an xưởng Nam Bộ (nói ở điểm 4) thì được khen thưởng tổng kết như công nhân quốc phòng.

 

III.TIÊU CHUẨN ĐỂ XÉT KHEN THƯỞNG

 

A.TIÊU CHUẨN CHUNG:

 

Trước đây đã có khen thưởng, nhưng chỉ mới khen thưởng những thành tích đột xuất, nhằm đáp ứng yêu cầu động viện chiến đấu và công tác trước mắt, nên việc khen thưởng căn cứ vào thành tích cụ thể. Nhưng ý nghĩa khen thưởng tổng kết này có tính chất tổng kết thành tích một cách toàn bộ và toàn diện để khen thưởng một cách phổ biến, nên về tiêu chuẩn xét thưởng phải căn cứ vào ba tiêu chuẩn cơ bản của Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã quy định:

1. Chức vụ

2. Thời gian tham gia các lực lượng vũ trang của ngành công an.

3. Không phạm sai lầm nghiêm trọng.

 

B.TIÊU CHUẨN CỤT THỂ:

 

Tiêu chuẩn cụ thể để xét khen thưởng tổng kết cho bốn lực lượng vũ trang của ngành công an áp dụng như Điều 5, 6 và 7 trong Sắc lệnh số 054/SL ngày 2-2-1958 của Chính phủ và các điểm 2, 3, 4 phần III trong bản giải thích và hướng dẫn chi tiết thi hành Sắc lệnh số 054/SL của Bộ Quốc phòng. Thông tư này dựa vào những quy định trên giải thích và hướng dẫn một số điểm chi tiết như sau:

1. Những lực lượng vũ trang của ngành công an đều tổ chức và xây dựng từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong thời kỳ kháng chiến, cho nên chỉ được xét để khen thưởng Huân chương "Chiến thắng" và Huy chương "Chiến thắng".

2. Về tiêu chuẩn chức vụ

Ý nghĩa việc căn cứ vào chức vụ làm tiêu chuẩn xét thưởng như bản giải thích và hướng dẫn chi tiết của Bộ Quốc phòng đã nói rõ: công lao thành tích của mỗi người đều gắn liền với tập thể. Cán bộ và chiến sĩ, cấp trên và cấp dươí đều nhờ có sự liên quan mật thiết với nhau, mỗi người mới có thể phát huy được tinh thần, tài năng, mới lập được thành tích. Nhưng do cương vị phụ trách, vai trò tác dụng của mỗi cấp có khác nhau nên phần cống hiến của mỗi cấp cũng khác nhau. Cán bộ có trách nhiệm nặng nề và công tác khó khăn phức tạp hơn chiến sĩ, cấp trên có trách nhiệm nặng hơn cấp dưới, nên nói chung, cán bộ cống hiến nhiều hơn chiến sĩ, cấp trên cống hiến nhiều hơn cấp dưới. Do đó căn cứ vào chức vụ mà xét khen thưởng không phải là thiếu bình đẳng, chính trị, mà chính là căn cứ vào phần cống hiến khác nhau của mỗi cấp, như thế khen thưởng mơí thích đáng và tương đối công bằng. Nhưng cũng không thể tính toán chi ly, đòi hỏi tuyệt đối công bằng, ngược lại cũng không nên khen thưởng một cách bình quân.

Xuất phát từ ý nghĩa đó, về tiêu chuẩn chức vụ được quy định một số điểm chi tiết như sau:

- Trường hợp cán bộ đủ thời gian tham gia lực lượng vũ trang của công an hay quân đội, nhưng thiếu thời gian giữ chức vụ thì thường thấp hơn một hạng.

- Cán bộ đại đội (kể cả trưởng và phó, đã có quyết định chính thức, hoặc cơ quan lãnh đạo của công an từ cấp tỉnh trở lên giao trách nhiệm phụ trách đại đội, nay được xác định chức vụ tương đương cán bộ đại đội trưởng hay phó), giữ chức vụ lâu năm (5 năm trở lên), liên tục và tích cực công tác thì được nâng mức khen thưởng cao lên một hạng. Đó là xét phần cống hiến của số cán bộ đã giữ tròn một chức vụ liền 5 năm, luôn luôn tích cực và bền bỉ, dẻo dai trong công tác và chiến đấu, nhưng vì công tác phải chuyên nghiệp lâu hoặc ở lâu trong vùng địch hậu. Trường hợp này không đặt ra đối vơí cán bộ trung đội vì cán bộ trung đội đã được thưởng ngang vơí cán bộ đại đội rồi.

- Trong thời kỳ kháng chiến, vì chiến trường bị chia cắt , tính chất hoạt động độc lập phân tán, nên lực lượng vũ trang của ngành công an cũng tuỳ theo tình hình và yêu cầu cụ thể của từng địa bàn mà phát triển, cho nên về tổ chức biên chế và tên gọi mỗi nơi một khác, mỗi thời kỳ lại có sự thay đổi. Việc bố trí cán bộ ở một số lực lượng vũ trang và ở một số nơi chưa được quy định rõ ràng, nhiều cán bộ có chức vụ mà không có cấp bậc. Để giải quyết tình trạng này làm cho việc được hợp lý, trong khi xét khen thưởng cho số cán bộ chưa được quy định rõ ràng về cấp bậc, chức vụ thì phải căn cứ vào những điểm dưới đây để xác nhận giải quyết từng trường hợp cụ thể mà khen thưởng cho thoả đáng:

A- Xét quá trình công tác trước và trong thời gian đảm nhiệm trách nhiệm của từng người.

B- Thực chất trách nhiệm, năng lực và tác dụng của mỗi người trong quá trình giữ trách nhiệm đó.

C- Tình hình và nhu cầu bố trí cán bộ của từng thời kỳ và từng nơi.

Dựa vào ba điều này xét cụ thể của từng người và phải so sánh với tương quan trình độ cán bộ nói chung, cán bộ của quân đội, cán bộ của các lực lượng vũ trang và cán bộ nhân viên của ngành để xác định chức vụ tương đương của từng người cho đúng.

Riêng đối với cán bộ và công nhân Công an xưởng Nam Bộ thì được khen thưởng tổng kết như công nhân quốc phòng, nghĩa là cũng căn cứ vào ba tiêu chuẩn cơ bản để xét thưởng, và về cụ thể thi hành theo tinh thần Thông tri số 1/TT/H ngày 6-4-1959 của Tổng cục Chính trị đã quy định để khen thưởng tổng kết cho công nhân và nhân viên quốc phòng trong thời kỳ kháng chiến như sau:

A- Chỉ xét khen thưởng cho những cán bộ và công nhân thoát ly gia đình ở trong biên chế chính thức, làm công tác chính trị, công tác chuyên môn kỹ thuật và trực tiếp sản xuất, sửa chữa vũ khí, cơ khí để phục vụ cho các lực lượng vũ trang của ngành công an chiến đấu với địch, kể cả anh chị em y tá, hộ lý và cấp dưỡng phục vụ cho những công an xưởng.

B- Về tiêu chuẩn, lấy chức vụ, thời gian phục vụ trong các công an xưởng và không phạm sai lầm nghiêm trọng để làm căn cứ xét thưởng, về cụ thể được xét như sau:

1. Những cán bộ, công nhân có tòng ngũ các lực lượng vũ trang công an hay quân đội trong thời kỳ kháng chiến, hoặc hưởng chế độ cung cấp trước khi có Sắc lệnh số 77/SL, ngày 22-5-1950, nếu thời gian tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội cộng với thời gian hưởng chế độ cung cấp ở công an xưởng chưa đủ 3 năm hoặc 5 năm, còn thiếu từ 1 năm trở xuống, nhưng có thêm thời gian hưởng chế độ theo Sắc lệnh số 77/SL, thì được tính thêm thời gian để xét thưởng như quy định chung.

2. Những cán bộ, công nhân trong thời kỳ kháng chiến hoàn toàn hưởng chế độ công nhân viên (kể cả Sắc lệnh số 77/SL) thì tính thời gian như sau để xét thưởng:

A- Cán bộ tương đương trung đội và đại đội trở lên:

- Có 4 năm phục vụ và giữ chức vụ được 1 năm trở lên được xét thưởng Huân chương "Chiến thắng" (căn cứ vào chức vụ tương đương mà định hạng Huân chương).

- Có 4 năm phục vụ, nhưng giữ chức vụ chưa được 1 năm, hoặc giữ chức vụ được 2 năm trở lên nhưng thời gian phục vụ chưa đủ 4 năm thì xét thưởng thấp hơn một hạng so với người có 4 năm phục vụ và giữ chức vụ được 1 năm trở lên.

- Có 2 năm phục vụ trở lên, hoặc chưa đủ 2 năm, nhưng đã phục vụ trước ngày 20-7-1954 được 1 năm trở lên và vẫn tiếp tục công tác trong các lực lượng vũ trang của ngành công an hay các ngành của quân đội được 3 năm kể từ sau ngày hoà bình lập lại (20-7-1954), luôn luôn tích cực công tác, được xét thưởng Huy chương "Chiến thắng" hạng nhất.

Chú ý: cán bộ tương đương cấp trung đoàn và cấp đại đội giữ chức vụ được 6 năm trở lên thì xét thưởng nâng lên một hạng so với cán bộ cấp đó có 4 năm phục vụ và giữ chức vụ được 1 năm trở lên.

B- Đối với công nhân ngang với tiểu đội và chiến sĩ:

- Có 6 năm trở lên được xét thưởng Huân chương "Chiến thắng" hạng ba.

- Có 4 năm trở lên được xét thưởng Huân chương "Chiến thắng" hạng nhất.

- Có 2 năm trở lên, hoặc chưa đủ 2 năm nhưng đã phục vụ trước ngày 20-7-1954 được 1 năm trở lên và tiếp tục công tác trong các lực lượng vũ trang công an hay quân đội được 3 năm kể từ ngày hoà bình lập lại (20-7-1954), luôn luôn tích cực công tác thì được xét thưởng Huy chương "Chiến thắng" hạng nhì.

3. Thời gian tham gia các lực lượng vũ trang của ngành công an.

Ý nghĩa việc căn cứ vào thời gian tham gia các lực lượng vũ trang của ngành công an làm tiêu chuẩn khen thưởng cũng như ý nghĩa việc căn cứ vào thời gian tham gia quân đội làm tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương, Huy chương "Chiến thắng". Vì thời gian tham gia quân đội hay thời gian tham gia các lực lượng vũ trang của ngành công an đều là biểu hiện của sự cống hiến trong một thời gian nhất định, nó đánh giá sự rèn luyện thử thách và tinh thần phục vụ cách mạng của mỗi người. Thời gian quy định không dài quá, vì dài quá sẽ có một phần lớn lực lượng không được khen thưởng, sẽ không động viên được đông đảo cán bộ và chiến sĩ, cũng không nên quy định thời gian ngắn quá, không tiêu biểu được phần cống hiến nhất định trong một thời kỳ. Vì vậy, tiêu chuẩn xét để khen thưởng Huân chương, Huy chương "Chiến thắng" nói ở điểm 1,2,3,4 thuộc điều 5 trong Sắc lệnh số 054/SL quy định chung là phải có ít nhất 3 năm tuổi quân, tức là khoảng 1/3 thời gian trong kháng chiến, là cơ sở tối thiểu để xét lịch trình chiến đấu và công tác của mỗi cán bộ và chiến sĩ.

Nói thời gian tham gia các lực lượng vũ trang, công an làm tiêu chuẩn xét thưởng là nói thời gian tham gia các lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến (từ 20-7-1954 trở về trước).

Đối với cán bộ từ trung đội trở lên mà thời gian tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội dưới mức tối thiểu (nghĩa là dưới 3 năm) thì thi hành theo Thông tri số 188/HIA ngày 17-7-1958 của Tổng cục Chính trị, cụ thể là:

- Những cán bộ từ trung đội trở lên đã giữ chức vụ từ 1 năm trở lên, nhưng thời gian tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội chưa đủ 3 năm thì được xét khen thưởng Huân chương hoặc Huy chương thấp hơn một hạng so với cán bộ đã giữ chức vụ được 1 năm và có 3 năm tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội.

- Những cán bộ từ trung đội trở lên, giữ chức vụ chưa được 1 năm, nhưng có 1 năm tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội trở lên, hoặc thời gian tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội chưa đủ 1 năm trong kháng chiến, đã thực tế công tác và chiến đấu trong các lực lượng vũ trang công an hay quân đội từ trước ngày 20-7-1954 và tiếp tục ở trong các lực lượng vũ trang công an hay quân đội được 3 năm kể từ sau ngày hoà bình lập lại (20-7-1954), luôn luôn tích cực công tác thì được xét khen thưởng Huy chương "Chiến thắng" hạng nhất.

Cán bộ tiểu đội và chiến sĩ có từ 3 năm tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội trở lên, luôn luôn tích cực công tác thì được xét khen thưởng Huân chương "Chiến thắng" hạng ba.

Đối với cán bộ tiểu đội và chiến sĩ chưa đủ một năm tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội (điểm 5 thuộc điều 5 trong Sắc lệnh số 054/SL) đã quy định rõ phải có thêm hai điều kiện:

- Có tham gia chiến đấu hoặc thực tế công tác từ trước ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ (7-5-1954) .Những người mới tham gia lực lượng vũ trang công an mà đi an dưỡng, đi bệnh viện, những người đi luyện tập, hoặc được cử đi học ngay, sau ngày 7-5-1954 mới thực tế công tác, những người nhập ngũ sau ngày 7-5-1954 thì không đủ tiêu chuẩn khen thưởng, vì công lao và sự rèn luyện thử thách còn quá ít.

- Tiếp tục ở trong các lực lượng vũ trang của ngành công an hoặc ở trong quân đội được 3 năm sau hoà bình .

Đối với những cán bộ và chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang của ngành công an ở trong những trường hợp dưới đây thì xét khen thưởng như sau:

- Đối với cán bộ và chiến sĩ là thương binh tàn phế hoặc thương tật vì chiến đấu nói ở điều 6 trong sắc lệnh, ai đủ tiêu chuẩn thì căn cứ vào quy định chung mà xét khen thưởng. Nếu ai bị thương mà không thể tiếp tục ở lại lực lượng vũ trang hay quân đội đủ thời gian quy định mới đặt vấn đề miễn điều kiện thời gian tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội và thời gian giữ chức vụ trong việc xét khen thưởng.

- Đối với cán bộ chiến sĩ là liệt sĩ, đều được căn cứ vào cấp bậc chức vụ lúc hy sinh mà xét truy tặng Huân chương, Huy chương. Nếu thời gian tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội không đủ theo quy định chung thì cũng được miễn điều kiện thời gian tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội như đối với thương binh.

- Đối với cán bộ chiến sĩ đã phục viên chuyển ngành và những cán bộ chiến sĩ vì lý do chính đáng đã được phép giải ngũ, có đủ các tiêu chuẩn như đã quy định ở điều 5 trong Sắc lệnh số 054/SL, đều được xét khen thưởng.

- Những cán bộ và chiến sĩ đã từ trần đều được căn cứ vào những tiêu chuẩn đã quy định trong sắc lệnh mà xét truy tặng, không được miễn điều kiện thời gian tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội, vì không phải là trường hợp hy sinh trong chiến đấu hay công tác.

-Những cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân chuyển sang các lực lượng vũ trang của ngành công an, hoặc những cán bộ chiến sĩ ở các lực lượng vũ trang của ngành công an chuyển sang Quân đội nhân dân, thì thời gian ở trong các lực lượng vũ trang của ngành công an được cộng vào thời gian tham gia quân đội để xét khen thưởng. Những anh em này nếu trong khi xét khen tổng kết cho quân đội đã được tính cả hai thời gian (thời gian ở quân đội, và thời gian ở các lực lượng vũ trang của công an) thì nay thôi không phải xét để khen thưởng lại nưã. Nhưng nếu trước đây chỉ mới tính thời gian tham gia quân đội để xét khen thưởng, thì nay đều được cộng thời gian tham gia các lực lượng vũ trang công an vào thời gian tham gia quân đội, tính lại thời gian rồi căn cứ vào quy định chung để xét lại khen thưởng; trường hợp tính lại rồi so đối với tiêu chuẩn mà mức Huân chương, Huy chương tăng lên thì tặng thưởng lại đúng với hạng của nó (được thay đổi lại bằng và Huân chương, Huy chương) .Nếu sau khi xét lại mà mức hạng Huân chương, Huy chương vẫn như cũ thì thôi.

4- Cách xét chức vụ và tính thời gian.

A- Về chức vụ:

Đối với cán bộ của các lực lượng vũ trang của ngành công an thì căn cứ vào chức vụ cao nhất và thời gian tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội của từng người trước ngày 20-7-1954 để xét thưởng Huân chương, Huy chương "Chiến thắng".

Trường hợp bị kỷ luật giáng chức, giáng cấp, xét không phải là phạm sai lầm nghiêm trọng và quá trình có thành tích thì có thể được xét khen thưởng, nhưng phải căn cứ vào chức vụ đã giáng xuống để xét khen thưởng.

Nhưng trường hợp chức vụ không rõ ràng, thì cần thẩm tra cẩn thận và dựa vào các điểm a, b, c nói ở điểm 2 phần B mục III để xác nhận cấp bậc, chức vụ tương đương mà xét khen thưởng cho thoả đáng.

B- Về thời gian:

Căn cứ vào ngày tháng, năm thành lập các lực lượng vũ trang công an, đồng thời căn cứ vào ngày, tháng năm nhập ngũ xuất ngũ của từng người mà xét thời gian tham gia các lực lượng vũ trang cho từng cán bộ, chiến sĩ để tính thời gian tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội và xét khen thưởng.

- Năm 1945 thành lập các lực lượng vũ trang:

Công an trật tự vũ trang hay còn gọi là Cảnh vệ, Công an vũ trang hay Cảnh sát vũ trang,

Quốc vệ đội hay Bảo vệ đội Nam Bộ.

Công an xung phong.

- Năm 1946 thành lập: Công an xưởng Nam Bộ.

- Năm 1953 thành lập: Bộ đội Cảnh vệ (Bắc và Trung Bộ).

Nói chung thì như vậy, nhưng do đặc điểm trong hoàn cảnh kháng chiến, nên không phải thống nhất tỉnh nào cũng tổ chức vào những năm ấy, có nơi tổ chức sớm, có nơi tổ chức sau. Vì vậy phải căn cứ vào ngày, tháng, năm thành lập của từng tỉnh để làm mốc mà tính thời gian.

Có một vấn đề khác với quân đội là bốn lực lượng vũ trang của ngành công an, có lực lượng thành lập ra và tiếp tục tồn tại cho đến mãi sau hoà bình lập lại. Có lực lượng thành lập ra đến một thời gian nào đó xét không còn phù hợp nữa thì giải thể đi. Có lực lượng thì giải thể hẳn nhưng cũng có lực lượng không phải là giải thể mà chỉ là thay đổi về tổ chức, nhiệm vụ, tên gọi và chuyển biến thành một lực lượng mới. Vì vậy khi xét thời gian tham gia các lực lượng vũ trang của từng người phải chú ý đến vấn đề này để xác nhận cho đúng.

Ngày chấm dứt thời kỳ kháng chiến là ngày 20-7-1954.

Cách tính: Vì đa số anh em không nhớ ngày, nên tính tháng cũng được, từ tháng trước đến tháng sau mới coi là một tháng, từ tháng 7-1951 đến tháng 7-1954 mới là đủ 3 năm. Nhất thiết không linh động châm chước.

Trường hợp tham gia lực lượng vũ trang công an có gián đoạn hay giữ chức vụ có gián đoạn, nhưng vì lý do chính đáng, vì điều kiện công tác, v.v... Thì được cộng lại để tính thời gian mà xét khen thưởng theo quy định chung.

Riêng trường hợp 5 năm liền giữ chức vụ thì phải liên tục và luôn luôn tích cực công tác, tức lầ không có thời gian nằm ỳ, bỏ công tác, v.v.. Đối với cán bộ tiểu đội và chiến sĩ vì nhu cầu gây cơ sở ở vùng địch hậu, hoặc được điều động công tác, hoặc vì ốm được phép nghỉ dài hạn, rồi lại trở lại lực lượng vũ trang công an hay quân đội mà có đủ 5 năm tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội thì cũng được chiếu cố để xét khen thưởng theo quy định.

C- Cách xét cho thương binh:

Điều 6 trong sắc lệnh đã quy định: Ai vì bị thương mà thiếu thời gian tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội thì căn cứ vào sổ thương binh và căn cứ trên điều kiện thực tế của thời gian mà được xét miễn như sau:

-Những anh em nhập ngũ trước hoà bình từ 3 năm trở lên nghĩa là từ tháng 7-1951 trở về trước vì bị thương mà không thể tiếp tục ở lực lượng vũ trang công an hay quân đội được thì được miễn điều kiện phải có 3 năm tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội và 1 năm giữ chức vụ, mà căn cứ vào chức vụ lúc được phép giải ngũ để xét khen thưởng Huân chương, Huy chương "Chiến thắng".

- Những anh em nhập ngũ từ tháng 8 -1951 trở về sau, vì bị thương mà không thể tiếp tục ở trong các lực lượng vũ trang công an hay quân đội được 1 năm và không thể tiếp tục công tác trong các lực lượng vũ trang công an hay quân đội được 3 năm sau hoà bình lập lại thì xét khen thưởng Huy chương "Chiến thắng" hạng hai.

Chỉ miễn cho:

-Thương binh có thương tật vĩnh viễn.

- Thương binh có thương tật tạm thời còn điều trị đến ngày đình chiến.

- Thương binh trong kháng chiến khi về xã còn mang thương tật.

- Cán bộ và chiến sĩ mới nhập ngũ trước ngày đình chiến, chưa đủ 1 năm tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội sau hoà bình chưa được 3 năm mà bị thương cũng được miễn 3 năm sau hoà bình.

Các thương binh hết hạn thương tật rồi mới ra ngoài các lực lượng vũ trang thì không được xét miễn, vì không phải lý do thương tật mà không đủ thời gian tham gia lực lượng vũ trang công an hay quân đội như đã quy định.

Cách xét miễn điều kiện thời gian tham gia các lực lượng vũ trang công an hay quân đội và thời gian giữ chức vụ cho liệt sĩ cũng áp dụng như cách xét miễn đối với thương binh.

5. Không phạm sai lầm nghiêm trọng

Đánh giá phần cống hiến của mỗi người phải căn cứ vào thành tích ưu điểm, đồng thời cũng phải xét đến sai lầm và khuyết điểm lúc ở trong các lực lượng vũ trang công an hay quân đội, cũng như khi đã ra ngoài các lực lượng vũ trang công an hay quân đội, phải là người luôn luôn trung thành với cách mạng, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, lúc nào cũng coi trọng lợi ích của cách mạng thì mới xứng đáng được vinh dự này.
-Những người đã mất phẩm chất chính trị, mất bản chất người cán bộ và chiến sĩ của các lực lượng vũ trang công an hay quân đội, tự xoá bỏ lịch sử đấu tranh thì không xứng đáng được vinh dự.

- Những người bị kỷ luật giáng cấp, giáng chức trong những trường hợp phạm sai lầm không nghiêm trọng, xét có thành tích thì có thể được xét thưởng, nhưng phải căn cứ vào chức vụ giáng xuống để khen thưởng.

- Những người có nhiều tư tưởng và hành động xấu đã giáo dục nhiều lần mà chưa tiến bộ thì chưa xét khen thưởng.

Những điểm quy định chi tiết dưới đây giải thích những nguyên tắc nói trên để áp dụng trong việc xét khen thưởng cho đúng:

A- Những trường hợp không được xét thưởng:

-Có hành động phản bội, đầu hàng và làm tay sai cho địch đã được kết luận, xoá bỏ lịch sử chiến đấu trước đây . Tự ý tham gia nguỵ quân, nguỵ quyền làm việc cho địch hoặc bị địch mua chuộc làm tay sai cho chúng.

- Đào ngũ về nhà luôn, hay nghỉ phép quá hạn không trở lại đơn vị, hoặc sau đình chiến mới trở lại.

- Tự ý gây thương tích để trốn tránh nhiệm vụ, sau không trở lại lập công chuộc tội, hoặc vì vết thương đó mà rời khỏi lực lượng vũ trang công an hay quân đội.

- Vì phạm tội mà đã bị tước quân tịch, bị tước quyền công dân, bị tước danh nghĩa thương binh.

- Vi phạm pháp luật nhà nước, hoặc bị kỷ luật của các lực lượng vũ trang mà đã bị khai trừ, sa thải hay bị đuổi ra khỏi lực lượng vũ trang công an hay quân đội.

B- Đối với những người bị kỷ luật giáng cấp, giáng chức trong thời kỳ nào thì căn cứ vào cấp bậc, chức vụ cuối thời kỳ đó mà xét.

Đối với người bị kỷ luật giáng cấp, giáng chức sau khi hoà bình lập lại, thì căn cứ vào tính chất sai lầm và thái độ của người phạm tội mà xét khen thưởng, có thể xét khen thưởng như quy định chung, hoặc thưởng thấp theo chức vụ mới.

Nói chung khi xét khen thưởng trường hợp này phải cân nhắc hết sức thận trọng có quần chúng bình nghị và phải lấy ý kiến của cán bộ phụ trách, hoặc anh em cùng đơn vị cũ, cấp được uỷ quyền xét và quyết định.

C- Đối vơí những người vì lạc hậu mà có nhiều tư tưởng và hành động xấu như: bất mãn, nằm ỳ, không chịu công tác, không tuân theo kỷ luật, làm mất trật tự, mất đoàn kết, tham ô, hủ hoá, v.v..Hoặc chống đối chính quyền địa phương làm mất trật tự trị an, hoặc vì tự tư tự lợi mà phạm chính sách( buôn lâụ, thuế khoá, cờ bạc,v.v.).

- Nếu là khuyết điểm cũ, đã được giáo dục, đã có biểu hiện sửa chữa và tiến bộ thì tiếp tục giáo dục thêm và xét khen thưởng.

- Nếu là khuyết điểm hiện nay, nhẹ và có tính chất nhất thời thì tranh thủ giáo dục cho tiến bộ, có biểu hiện tốt trên hành động, chuẩn bị tư tưởng cho quần chúng, rồi xét khen thưởng như đã quy định để khuyến khích nâng đỡ.

- Nếu là khuyết điểm nặng, kéo dài, đã giáo dục nhiều lần mà chưa tiến bộ, chưa sửa chữa thì tiếp tục giáo dục cho đến khi thực sự tiến bộ rồi mới xét khen thưởng.

Đối với những cán bộ chiến sĩ đã phục viên, chuyển ngành, giải ngũ, khi xét khen thưởng cũng dựa vào những điểm trên để xét và giải quyết cho thận trọng.

D- Đối với các trường hợp sai lầm chưa kết luận hoặc những sai lầm khác:

- Những sai lầm do kiểm thảo chỉnh huấn, chỉnh đảng sau đó không bị xử lý thì không đưa vào đó mà xét khen thưởng. Nếu có xử lý thì căn cứ vào trường hợp xử lý và điều kiện khác mà xét.

- Những trường hợp sai lầm chưa kết luận được thì tiến hành thẩm tra kết luận rồi mới xét khen thưởng, nếu chưa có căn cứ thẩm tra, phải đợi lâu thì cứ xét khen thưởng, sau khi thẩm tra xong tuỳ theo tình hình mà xét lại trường hợp khen thưởng. Trường hợp nào thấy khen thưởng không có lợi, thì xin chỉ thị cấp trên.

Ngoài ra cần chú ý thêm mấy điểm:

- Những người bị kỷ luật trong thời gian trước mà sang thời gian sau mới có quyết định, hoặc mới xử lý thì căn cứ vào thời gian phạm sai lầm mà xét.

- Những trường hợp thưởng mức thấp nhất thì không thi hành giáng thưởng, mà đợi giáo dục tiến bộ rồi mới xét khen thưởng sau.

 

IV- THỦ TỤC VÀ QUYỀN HẠN XÉT DUYỆT KHEN THƯỞNG

 

Việc tiến hành khen thưởng tổng kết cho bốn lực lượng vũ trang của ngành công an là tiếp tục thi hành chính sách khen thưởng đối với quân đội mà đã được Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã quy định. Nên về quyền hạn xét và quyết định khen thưởng thi hành như điều 8 trong Sắc lệnh số 054/SL ngày 2-2-1958:

- Huân chương "Chiến thắng" hạng nhất do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tặng thưởng.

- Huân chương "Chiến thắng" hạng nhì, hạng ba và Huy chương "Chiến thắng" hạng nhất, hạng nhì do Chủ nhiệm các Tổng cục, Bộ tư lệnh các quân khu, các đại đoàn đề nghị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng thưởng.

Để thi hành điều 8 trong Sắc lệnh số 054/SL nói trên trong việc khen thưởng tổng kết cho bốn lực lượng vũ trang của ngành công an, Thông tư số 179/TT/LB ngày 16-3-1960 đã quy định:

- Việc chỉ đạo hướng dẫn thi hành và xét duyệt khen thưởng tổng kết cho bốn lực lượng vũ trang của ngành công an là trách nhiệm chung của Liên Bộ Công an và Quốc phòng. Ở các cấp khu, tỉnh, thành phố và huyện, xã thì cơ quan công an và cơ quan quân sự ở các cấp đó có nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ để thi hành, cơ quan công an chịu trách nhiệm chủ trì. Việc chỉ đạo tiến hành và xét duyệt khen thưởng cần phải tranh thủ ý kiến của Uỷ ban hành chính các cấp.

- Những cán bộ và chiến sĩ ở các lực lượng vũ trang của ngành công an chuyển sang các đơn vị quân đội, hiện còn tại ngũ trong các đơn vị quân đội thì do các tổng cục, các quân khu, các quân đoàn, các lữ đoàn và các đơn vị trực thuộc chỉ đạo hướng dẫn tiến hành và xét duyệt rồi báo cáo lên Tổng cục Chính trị xét để đề nghị khen thưởng.

- Những cán bộ, chiến sĩ là thương bệnh binh ở các lực lượng vũ trang của ngành công an hiện còn đang công tác trong ngành công an hay đã chuyển ngành sang công tác ở các cơ quan, các ngành, các đoàn thể, các nhà máy, hầm mỏ, công trường, nông trường và các tập đoàn sản xuất, v.v.hoặc đã phục viên giải ngũ về địa phương, kể cả số cán bộ và chiến sĩ chuyển sang quân đội rồi mới phục viên chuyển ngành hay giải ngũ, và tất cả cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, từ trần thì cơ quan công an và cơ quan quân sự ở các cấp khu, tỉnh, thành phố và huyện, châu chịu trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn tiến hành và xét duyệt, rồi tập trung báo cáo lên Bộ Công an, Bộ Công an cùng Bộ Quốc phòng xét duyệt. Sau khi xét duyệt xong Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định tặng thưởng.

Dựa vào những điểm nói trên, thông tư này quy định một số vấn đề cụ thể như sau :

1. Ở các khu và thành phố thì Khu, Sở Công an cùng với quân khu và thành đội chỉ đạo hướng dẫn tiến hành và xét duyệt để đề nghị khen thưởng cho những cán bộ, chiến sĩ và thương bệnh binh đã chuyển ngành hiện đang công tác ở các cơ quan, các ngành, các đoàn thể, các xí nghiệp, hầm mỏ, công trường, nông trường và các tập đoàn sản xuất,v.v. Và tất cả những cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh đã phục viên giải ngũ về xã, về thành phố, và xét truy tặng cho các liệt sĩ, các anh em từ trần thuộc phạm vi khu hay thành phố của mình. Ở Hà Nội thì Sở Công an và thành đội còn phải chịu trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn thi hành và xét duyệt khen thưởng cho cả cán bộ, chiến sĩ thương binh chuyển ngành hiện đang công tác ở cơ quan, các ngành, các đoàn thể trung ương, kể cả các xí nghiệp thuộc trung ương quản lý nhưng đóng ở phạm vi thành phố Hà Nội.

2. Ở các tỉnh thì Ty Công an cùng với tỉnh đội chịu trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn thi hành và xét duyệt để đề nghị khen thưởng cho những cán bộ, chiến sĩ và thương bệnh binh đã chuyển ngành hiện đang công tác ở các cơ quan, các ngành, các đoàn thể của huyện, tỉnh, kể cả các nhà máy, hầm mỏ, công trường, nông trường, và các tập đoàn sản xuấtv.v.thuộc trung ương quản lý nhưng đóng ở phạm vi của tỉnh. Và tất cả cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh đã phục viên giải ngũ về xã, thị xã và xét truy tặng cho các liệt sĩ, các anh em đã từ trần thuộc phạm vi tỉnh của mình.

3. Ở các huyện, châu thì công an huyện cùng với huyện đội, châu đội chịu trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn thi hành và sơ bộ xét duyệt cho những cán bộ, chiến sĩ, thương bệnh binh đã chuyển ngành hiện đang công tác ở các cơ quan, các ngành, các đoàn thể của huyện, châu. Hoặc đã phục viên giải ngũ về xã và các liệt sĩ, các anh em từ trần thuộc phạm vi huyện, châu của mình. Làm xong báo cáo lên tỉnh để đề nghị xét duyệt.

4. Nói chung ở tất cả các cấp khu, tỉnh, thành phố và huyện, châu trong khi thi hành và xét duyệt khen thưởng đều phải tranh thủ ý kiến của Uỷ ban hành chính của các cấp đó.

Sau khi xét duyệt xong lập thống kê danh sách (theo mẫu của Bộ) và kèm theo cả hồ sơ mang trực tiếp lên Bộ Công an báo cáo. Bộ Công an cùng với Bộ Quốc phòng xét duyệt. Khi xét duyệt xong Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định tặng thưởng.

5. Tất cả những cán bộ và chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang của ngành công an muốn được khen thưởng phải làm một bản tự báo( theo mẫu của Bộ Công an quy định) và phải được cán bộ có thẩm quyền như: Các cán bộ chỉ huy đơn vị từ cấp đại đội trở lên, hoặc các trưởng, phó ty, trưởng phó phòng hay chánh, phó giám đốc các Khu, Sở, Ty Công an của địa phương ấy xét và xác định về chức vụ, về thời gian tham gia các lực lượng vũ trang của công an và xét xem có phạm sai lầm nghiêm trọng gì không cả trong và sau khi rời khỏi các lực lượng vũ trang hay quân đội.

Nếu có cả thời gian tham gia quân đội, mà trong bản tự báo chưa được rõ ràng thì cũng phải có chứng thực của cán bộ đơn vị cũ.

Những điểm giải thích và hướng dẫn chi tiết trên đây là những điểm chung, là những trường hợp chung đã nắm được để thi hành. Còn các trường hợp chưa nói trong thông tư này, hoặc là hướng dẫn chưa rõ thì do quần chúng bình nghị, được cấp uỷ quyền xét quyết định. Trường hợp có nhiều khó khăn mắc mứu chưa giải quyết được thì báo cáo lên Bộ để xét và giải quyết.