QUY ĐỊNH
TẠM THỜI CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG SỐ 686-BXD-TCLĐ
NGÀY 31 THÁNG 10 NĂM 1990 VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ,
QUYỀN HẠN VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA KIẾN TRÚC SƯ TRƯỞNG
Ở THÀNH PHỐ HÀ NỘI VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thi hành Quyết định số 316/CT, ngày 4-11-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc thực hiện chế độ kiến trúc sư trưởng ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nay Bộ Xây dựng quy định tạm thời chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Kiến trúc sư trưởng như sau:
I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
CỦA KIẾN TRÚC SƯ TRƯỞNG
Điều 1. Kiến trúc sư trưởng thành phố là người giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố quản lý xây dựng theo quy hoạch thành phố đã được duyệt về địa điểm xây dựng, mỹ quan kiến trúc, cảnh quan và vệ sinh môi trường đô thị.
Kiến trúc sư trưởng chịu sự lãnh đạo toàn diện của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố và sự chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Điều 2. Kiến trúc sư trưởng có những nhiệm vụ chính như sau:
1. Căn cứ quy hoạch đã được duyệt, kế hoạch dài hạn và hàng năm về xây dựng mới, và cải tạo các loại công trình của địa phương, của Trung ương, thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố, đề xuất với Uỷ ban nhân dân thành phố những biện pháp quản lý xây dựng theo đúng quy hoạch và kế hoạch đã được duyệt.
Phát hiện và kiến nghị với Uỷ ban nhân dân thành phố có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các công trình xây dựng mới và cải tạo không theo đúng quy hoạch đã được duyệt về vị trí địa điểm, phạm vi đất đai, vệ sinh môi trường... Nhằm đảm bảo sự thống nhất hoàn chỉnh về quy hoạch trong quá trình cải tạo, xây dựng phát triển thành phố.
2. Chịu trách nhiệm quản lý cảnh quan kiến trúc của đường phố, quảng trường, trung tâm thành phố... Và mỹ quan kiến trúc các công trình xây dựng.
3. Tham gia vào việc xét duyệt thiết kế và nghiệm thu đưa vào sử dụng các công trình kiến trúc, công trình kỹ thuật đô thị... Trên các tuyến phố chính, các khu trung tâm và các công trình quan trọng xây dựng trong thành phố.
4. Chịu trách nhiệm lập danh mục các công trình xây dựng đã được nghiệm thu và quản lý hồ sơ hoàn công những công trình quan trọng.
5. Tổ chức các cuộc thi tuyển thiết kế quy hoạch xây dựng và cải tạo các đường phố chính, khu ở, khu trung tâm của thành phố... Công trình kiến trúc quan trọng, mẫu nhà... Xây dựng trong phạm vi thành phố.
6. Chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ, chính sách, quy chế quản lý đô thị của Nhà nước, của Bộ Xây dựng, quy định của Uỷ ban nhân dân thành phố.
Điều 3. Quyền hạn của kiến trúc sư trưởng thành phố.
1. Hồ sơ thủ tục cấp đất xây dựng trước khi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố hoặc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhất thiết phải có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của kiến trúc sư trưởng. Nếu trái với quy hoạch đã duyệt thì kiến trúc sư trưởng có quyền bác bỏ. Trường hợp cần thiết đưa ra Hội đồng quy hoạch kiến trúc thành phố xem xét và kiến nghị cấp có thẩm quyền duyệt quy hoạch xét quyết định.
2. Được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố uỷ quyền cấp phép xây dựng và cải tạo các loại công trình xây dựng trong thành phố theo quy mô và tính chất công trình.
3. Được quyền đến kiểm tra tất cả các công trình, công trường của Trung ương, địa phương thuộc các thành phần kinh tế xây dựng trên địa bàn thành phố trong việc thực hiện các quy định trong giấy cấp đất và giấy phép xây dựng.
4. Thông báo cho các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước cơ quan xử lý các vi phạm xây dựng đô thị biết khi có sự vi phạm quy tắc xây dựng đô thị. Trường hợp cần thiết được quyền thu hồi giấy phép xây dựng và quyền tạm thời đình chỉ những công trình xây dựng không đúng giấy phép, xây dựng trái phép hoặc vi phạm quy tắc xây dựng đô thị, đồng thời báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố, Sở Xây dựng và thông báo các cơ quan có liên quan biết để xử lý kịp thời.
II. BỘ MÁY LÀM VIỆC CỦA KIẾN TRÚC SƯ TRƯỞNG
THÀNH PHỐ
Điều 4. Kiến trúc sư trưởng thành phố nằm trong Sở Xây dựng nhưng độc lập trong xử lý công việc, đồng thời có sự trao đổi với giám đốc Sở Xây dựng những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Sở.
Kiến trúc sư trưởng được sử dụng bộ máy có liên quan của Sở để giúp việc và các phương tiện làm việc, đi lại của Sở để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 5. Kiến trúc sư trưởng thành phố được sử dụng con dấu riêng để giao dịch và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Mẫu con dấu được quy định như sau: con dấu có đường kính f 32mm. Vành ngoài Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội (hoặc thành phố HCM). Ở giữa: Kiến trúc sư trưởng thành phố.
III. VỀ TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG TƯ VẤN QUY HOẠCH - KIẾN TRÚC CỦA THÀNH PHỐ
Điều 6. Hội đồng quy hoạch - kiến trúc thành phố là cơ quan tư vấn của Uỷ ban nhân dân thành phố có nhiệm vụ xem xét, đánh giá tham gia ý kiến về phương hướng, kế hoạch quy hoạch, xây dựng phát triển, cải tạo thành phố, các đồ án thiết kế quy hoạch kiến trúc, quy hoạch mạng lưới công trình kỹ thuật và đồ án thiết kế và các công trình quan trọng có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao của thành phố.
Thành viên của Hội đồng gồm: Đại diện của các Sở và Hội chuyên ngành xây dựng, kiến trúc... Và một số chuyên gia có kinh nghiệm các lĩnh vực: quy hoạch, kiến trúc, khoa học kỹ thuật, điêu khắc, nghệ thuật tạo hình, kinh tế, xã hội... Do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định theo đề nghị của kiến trúc sư trưởng. Chủ tịch Hội đồng do kiến trúc sư trưởng kiêm nhiệm.
IV. VIỆC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM KIẾN TRÚC SƯ TRƯỞNG THÀNH PHỐ
Điều 7. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Kiến trúc sư trưởng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định sau khi đã thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Bản quy định tạm thời này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Quá trình thực hịên, nếu có vướng mắc đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố có báo cáo để Bộ xem xét, sau một năm thực hiện sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và sửa đổi bổ sung.