NGHỊ QUYẾT
SỐ 82-CP NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 1980 VỀ ĐIỀU ĐỘNG VÀ TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG VÀO LÀM VIỆC TẠI NÔNG TRƯỜNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH Ở CÁC VÙNG KINH TẾ MỚI
Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu khai hoang mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, xây dựng các vùng kinh tế mới, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 31 tháng 1 năm 1980 quyết định một số chế độ và biện pháp để điều động và tuyển dụng lao động vào làm việc ở các nông trường, lâm trường quốc doanh ở các vùng kinh tế mới như sau.
I. ĐIỀU ĐỘNG CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC ĐI XÂY DỰNG
CÁC VÙNG KINH TẾ MỚI
1. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Lao động phải cùng các ngành và các địa phương tính toán kết hợp nhiệm vụ trước mắt với yêu cầu xây dựng, sản xuất lâu dài để có kế hoạch điều động một phần lực lượng lao động trong khu vực Nhà nước quản lý đi sản xuất, xây dựng các nông, lâm trường, mà vẫn bảo đảm được lực lượng lao động kĩ thuật cần thiết cho yêu cầu trước mắt và kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương trong những năm tới.
Trong khi tính toán sử dụng lao động, phải phân biệt người có nghề với người chưa có nghề, sử dụng hợp lí và có hiệu quả số công nhân và nhân viên kĩ thuật, đưa số người mới đào tạo ra trường vào những công việc thích hợp với ngành nghề của họ; nếu điều động đi xa, trong những điều kiện cho phép cần có kế hoạch sử dụng lâu dài và điều động hẳn.
Các ngành và địa phương có lao động......... Phải tổ chức lực lượng đi nhận thầu công việc khai hoang, trồng mới hoặc xây dựng ở các nông trường, lâm trường.
Các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp phải chuẩn bị cụ thể địa bàn, khối lượng xây dựng và sản xuất, thời gian khởi công và hoàn thành, chuẩn bị các điều kiện sản xuất và đời sống khi đưa thêm lao động đến; ký kết hợp đồng cụ thể với các đơn vị nhận thầu; kế hoạch điều động lao động phải ăn khớp với tiến độ thi công hoặc thời vụ sản xuất; nghiêm cấm việc điều động lao động ào ạt, lãng phí.
Khối lượng công việc giao nhận thầu và số lượng lao động điều động phải được ghi thành chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao cho các ngành và các địa phương.
Trong việc sử dụng lao động phải quản lý chặt chẽ theo chế độ của Nhà nước, theo định mức lao động hiện hành. Nếu công việc mới chưa có định mức thì ngành chủ quản tạm thời ấn định định mức để giao việc; đối với những việc mà người lao động mới tới làm chưa quen thì được phép hạ thấp từ 10 đến 20% định mức trong 3 tháng đầu.
2. Thủ trưởng các cơ quan quản lí ngành ở trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải nắm lại lực lượng lao động do Nhà nước quản lý trong ngành và địa phương, tính rõ số lao động dôi thừa ngoài số lao động được điều đi các nông trường, lâm trường; phải giao nhiệm vụ cho các đơn vị cơ sở có lao động dôi thừa tổ chức các trại sản xuất trực thuộc đơn vị để sản xuất lương thực và thực phẩm. Giám đốc các đơn vị cơ sở có những trại sản xuất này được vay vốn tín dụng, cấp phát giống, vật tư cần thiết tối thiểu, được quyền giao chỉ tiêu sản xuất cụ thể cho các trại và quản lý các trại theo hạch toán riêng.
3. Ban tổ chức của Chính phủ làm việc cụ thể với các ngành và địa phương để sắp xếp, điều chỉnh số cán bộ, nhân viên các cơ quan, hành chính, sự nghiệp dôi ra đưa về các huyện và cơ sở sản xuất nông nghiệp. Chú ý rút kinh nghiệm việc điều động trước đây để có kế hoạch sắp xếp thích hợp, phát huy tác dụng thực sự của cán bộ, nhân viên được điều đến. Các ngành và địa phương phải làm tốt công tác tư tưởng và huấn luyện chu đáo trước khi điều động cán bộ xuống huyện và cơ sở.
4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố được huy động cán bộ, nhân viên, học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp kể cả các trường của trung ương đóng tại địa phương đi giúp các hợp tác xã, nông trường trong những lúc thời vụ khẩn trương hoặc có nhu cầu cấp bách phải đối phó với thiên tai, nhưng phải tính toán hiệu quả, hết sức tránh điều động ồ ạt, ảnh hưởng đến sản xuất, gây thiệt hại không cần thiết cho công tác và học tập. Trước hết là điều động những người tạm thời dôi ra chưa có việc làm, cán bộ, nhân viên các cơ quan hành chính sự nghiệp, các bộ phận gián tiếp có thể điều động được trong khu vực sản xuất. Những nơi cần sử dụng số lao động huy động này phải tính toán kỹ yêu cầu sử dụng và ký hợp đồng cụ thể với các cơ quan, xí nghiệp, trường học; việc trả thù lao, trả công thế nào do các bên thoả thuận dưới sự hướng dẫn của chính quyền tỉnh, thành phố.
II. CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Công nhân, viên chức được điều động hẳn hoặc điều động tạm thời trên một năm đi xây dựng sản xuất ở các nông trường, lâm trường, được hưởng các chế độ đãi ngộ sau đây:
A. Được hưởng nguyên mức lương chính, nếu đến nơi công tác mới được giao nhiệm vụ, chức vụ cao hơn thì được xếp lương cao hơn cho đến khi trở về công việc cũ. Được hưởng các phụ cấp lương theo công việc mới và theo khu vực mới (nếu có);
B. Được trợ cấp ban đầu 150 đồng (nếu điều động tới miền núi, biên giới, hải đảo), 100 đồng (nếu tới trung du, đồng bằng) để mua sắm những đồ dùng cần thiết. Được đơn vị sử dụng trang cấp bằng hiện vật lúc lên đường: 1 màn, 1 chiếu, 1 chăn, 1 áo ấm (đi miền núi phía Bắc được cấp áo bông, chăn bông, đi các vùng khác được cấp áo vệ sinh, chăn chiên), lao động ở vùng nước mặn mỗi năm được cấp thêm một bộ quần áo lót, trừ vào tiền trợ cấp ban đầu theo giá cung cấp và không phải nộp phiếu vải;
Ngoài ra, được đơn vị sử dụng trang cấp trước 1 bộ quần áo (cấp thêm ngoài chế độ đã có), 1 đôi giầy hoặc dép, 1,50 mét vải đi mưa, 1 mũ hoặc nón để lao động.
C. Khi đến nơi công tác mới, hàng tháng được hưởng thêm khoản phụ cấp khuyến khích, theo các tỉ lệ sau đây tính theo mức lương chính:
- 20% (nếu đến vùng rẻo cao, biên giới, hải đảo xa có mức phụ cấp khu vực từ 40% trở lên),
- 10% ( nếu đến miền núi có mức phụ cấp khu vực dưới 40%),
- 6% (nếu đến các vùng khác).
D. Được nghỉ việc có lương một số ngày (ngoài nghỉ phép năm) để thu xếp gia đình: 5 ngày đối với người không đem theo gia đình, 10 ngày đối với người có gia đình đi theo. Được hưởng phụ cấp di chuyển bao gồm tiền tàu xe, cước phí hành lý theo chế độ hiện hành;
D. Được giải quyết nhà ở, giường nằm, nhà ăn tập thể, nước sinh hoạt, vui chơi giải trí, học tập, chữa bệnh, v.v... Theo chế độ hiện hành;
E. Được hưởng tiêu chuẩn lương thực và thực phẩm theo chế độ chung;
G. Nghỉ phép năm được thanh toán tiền tàu xe, tiền đi đường theo chế độ chung. Nữ công nhân, viên chức được nghỉ đẻ 2 tháng rưỡi (nếu ở đồng bằng, trung du), 3 tháng (nếu ở miền núi có mức phụ cấp khu vực 25% trở lên);
H. Được đem theo gia đình và nếu có gia đình đem theo hoặc lập gia đình ở nơi mới sẽ được cấp đất thổ cư và đất làm kinh tế gia đình từ 300 đến 1000 m2 tuỳ theo số lao động phụ trong gia đình nhiều hay ít, tuỳ theo khả năng đất đai từng vùng. Người trong gia đình, nếu đủ tiêu chuẩn thì được ưu tiên xét tuyển dụng vào nông trường, lâm trường, những người khác sẽ được sắp xếp làm hợp đồng thời vụ, khoán việc hoặc làm kinh tế gia đình ;
I. Tập thể đơn vị nông trường, lâm trường được Nhà nước cho vay bình quân 50 đồng/người để làm vốn sản xuất rau màu, cây ăn quả ngắn ngày, chăn nuôi cải thiện sinh hoạt chung cả đơn vị. Đơn vị được bố trí khoảng 5% số ngày công lao động để làm sản xuất tự túc;
K. Công nhân, viên chức được điều động tạm thời từ một năm trở xuống được hưởng các chế độ nói trên, trừ các điểm b, c, h.
2. Đối với học sinh tốt nghiệp các trường đào tạo của Nhà nước được điều động hẳn tới công tác ở các vùng kinh tế mới.
Được hưởng 100% lương khởi điểm và được giảm một phần ba (1/3) thời gian tập sự. Trong thời gian tập sự được hưởng các chế độ trợ cấp ban đầu, phụ cấp khuyến khích; trang cấp bằng hiện vật, cấp vốn sản xuất, bảo đảm sinh hoạt vật chất và tinh thần, trang cấp quần áo lao động nghỉ phép năm, nghỉ đẻ, đem theo gia đình như công nhân, viên chức được điều động lâu dài.
3. Đối với lao động ngoài khu vực Nhà nước được tuyển mới đi làm lâu dài.
- Được trợ cấp ban đầu 100 đồng (nếu đi ngoài tỉnh hoặc từ đồng bằng lên miền núi trong tỉnh), 50 đồng (nếu đi tới vùng đồng bằng, trung du trong tỉnh) để mua sắm những đồ dùng cần thiết.
Người đi ngoài tỉnh hoặc từ đồng bằng lên miền núi trong tỉnh được đơn vị sử dụng trang cấp bằng hiện vật trừ vào tiền trợ cấp ban đầu, không phải nộp phiếu vải như công nhân, viên chức được điều động lâu dài (kể cả cấp trước đồ dùng bảo hộ lao động).
Người đi trong tỉnh (đi đồng bằng, trung du) được trang cấp 1 màn, 1 chiếu theo giá cung cấp trừ vào tiền trợ cấp ban đầu, không phải nộp phiếu vải.
- Được hưởng các chế độ phụ cấp khuyến khích, cấp vốn tăng gia sản xuất, bảo đảm sinh hoạt vật chất và tinh thần, trang cấp quần áo bảo hộ lao động, nghỉ phép năm, nghỉ đẻ, đem theo gia đình, v.v... Như công nhân, viên chức được điều động lâu dài.
4. Đối với thanh niên xung phong
Đối với thanh niên đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự không đủ điều kiện đi bộ đội thì động viên vào các đội thanh niên xung phong đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Về tổ chức huy động, sử dụng và chế độ đãi ngộ áp dụng theo chỉ thị số 460-TTg ngày 23 tháng 9 năm 1978 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng tiền trợ cấp ban đầu để mua sắm trang phục được nâng lên 100 đồng/người.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để bảo đảm thực hiện chế độ quản lý lao động tiền lương, bảo đảm hiệu quả kinh tế và các chính sách, chế độ nói trên, trong việc tổ chức thực hiện phải hết sức coi trọng:
1. Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp khi đề ra yêu cầu bổ sung lao động phải tính toán chặt chẽ, bảo đảm cân đối với các mặt vật tư, tiền vốn, lương thực, để không vượt chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước về tổng mức lao động và tiền lương. Trong khi sử dụng lao động phải kiên quyết thực hiện chế độ làm khoán, có định mức và nghiệm thiêu kết quả sản xuất. Đơn vị sử dụng lao động phải giúp điều kiện cho người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao, kiên quyết không để xẩy ra tình trạng kết quả sản xuất không tương ứng với quỹ tiền lương, lương thực, v.v... Mà Nhà nước phải chi ra.
2. Các ngành, các cấp, các đoàn thể cần giáo dục nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa đối với người lao động, làm cho mọi người thấy rõ việc đi xây dựng các vùng kinh tế mới là nghĩa vụ vẻ vang của người lao động; thấy rõ việc ban hành chính sách, chế độ như trên trong tình hình đất nước còn có nhiều khó khăn là sự cố gắng của Nhà nước; trên cơ sở đó động viên mọi người hăng hái tự nguyện đi phục vụ.
3. Các Bộ Nội thương, Lương thực và thực phẩm, Tài chính, Y tế, Giáo dục, Giao thông vận tải, v.v... Có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thuỷ lợi ... Trong việc bảo đảm thực hiện tốt các chế độ đối với người lao động, nhất là những người làm việc nặng nhọc, độc hại và những người làm việc ở các vùng kinh tế mới.
Bộ Nội thương và Bộ Lương thực và thực phẩm phải có kế hoạch phân phối hàng hoá, lương thực đủ và kịp theo chế độ này cho người lao động lúc tập trung lên đường và khi đến địa điểm làm việc để họ sớm ổn định đời sống, bắt tay ngay vào sản xuất và xây dựng.
Uỷ ban nhân dân và cơ quan thương nghiệp các địa phương phải bảo đảm cung cấp đúng chế độ, đến tay người lao động những hàng hoá mà Bộ Nội thương, Bộ Lương thực và thực phẩm đã phân phối về địa phương, không được tuỳ tiện phạm đến quyền lợi của người lao động.
4. Các nông trường, lâm trường, công trường, chỉ được tiếp nhận lao động khi đã chuẩn bị đủ cán bộ quản lý, trang cấp hiện vật, nhà ở, nước sinh hoạt, nơi chữa bệnh, công cụ lao động, có hợp đồng về cung cấp lương thực và thực phẩm v.v...
Uỷ ban nhân dân địa phương chỉ thông báo tập trung lao động lên đường khi các Sở, Ty lao động nơi cung cấp người và nơi nhận người phối hợp kiểm tra xác nhận đơn vị sử dụng đã chuẩn bị các điều kiện sản xuất và đời sống như trên của người lao động
5. Các Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp cần hướng dẫn chế độ cam kết của người lao động đối với đơn vị sử dụng, nếu người lao động bỏ nhiệm vụ trở về địa phương thì phải bồi hoàn tiền trợ cấp và trang cấp hiện vật ban đầu cho Nhà nước. Giá cả những thứ trang cấp bằng hiện vật phải bồi hoàn do Bộ Nội thương định (không phải giá cung cấp).
Các chính sách, chế độ đãi ngộ trên được thi hành từ ngày ký ban hành và được áp dụng thống nhất cho cả những người hiện đang làm việc ở các nông trường, lâm trường quốc doanh của các vùng kinh tế mới, trừ khoản trợ cấp bằng tiền và trang cấp hiện vật ban đầu.