CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 27/2000/CT-TTG
NGÀY 25 THÁNG 12 NĂM 2000 VỀ TỔ CHỨC ĐÓN TẾT TÂN TỴ NĂM 2001
Tết Tân Tỵ năm 2001 đến với nhân dân ta trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2000, giữ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; đang tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2001 theo Nghị quyết của Quốc hội, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Bước vào năm mới, chúng ta phải tạo được chuyển biến mới, động lực mới, tận dụng thời cơ, khắc phục yếu kém, tồn tại để đưa đất nước vững vàng tiến vào thế kỷ 21. Trong không khí đón Tết Tân Tỵ, bước vào năm mới với những nhiệm vụ hết sức nặng nề, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành và địa phương cần làm tốt các việc sau đây:
1. Các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành và địa phương tổ chức các hoạt động đón Tết vui tươi lành mạnh, an toàn, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí xa hoa, chấp hành nghiêm kỷ luật lao động. Chi tiêu cho việc tổ chức vui chơi giải trí cho nhân dân phải hợp lý. Nghiêm cấm việc dùng tiền công quỹ nhà nước để biếu xén, quà cáp trong dịp Tết, lợi dụng lễ hội, mừng công, tổng kết công tác để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí. Lãnh đạo các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp với các tổ chức đoàn thể quán triệt tinh thần này đến công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, coi việc dùng công quỹ để biếu xén, quà cáp và sử dụng lãng phí tiền của Nhà nước là một tệ nạn xã hội, sa sút đạo đức, tư cách của cán bộ, gây ảnh hưởng xấu trong toàn xã hội, phải kiên quyết chống tệ nạn này. Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải kiểm tra và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để ngành, địa phương mình xảy ra những vi phạm đó.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ủy ban nhân dân các cấp kiểm soát chặt chẽ việc thưởng cuối năm của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng chế độ tài chính hiện hành.
2. Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm theo dõi sát diễn biến cung, cầu hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trong dịp Tết; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trực thuộc giữ vững nhịp độ sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết với giá cả ổn định; đặc biệt quan tâm đến đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; không để xẩy ra tình trạng thiếu hàng, đột biến giá.
Đối với vùng vừa bị thiên tai lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, cuộc sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, Bộ Thương mại phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh kiểm tra về nguồn hàng, tình hình lưu thông hàng hóa ở từng huyện, từng xã để lập kế hoạch chuẩn bị đủ hàng hóa, trước tiên đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân về lương thực, thực phẩm, xăng dầu, muối, chăn màn, quần áo, đồ dùng học tập; mở rộng mạng lưới bán lẻ, tăng cường các điểm bán hàng lưu động, giúp nhân dân mua bán hàng hóa thuận lợi.
Bộ Thương mại chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các lực lượng khác tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, gây bệnh, ngộ độc, nguy hiểm đến sức khoẻ của nhân dân, nhất là đối với hàng lương thực, thực phẩm.
Các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến giao thông tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế vận chuyển hàng hoá phục vụ nhân dân các địa phương, thành phố trong dịp Tết được thuận lợi. Nghiêm trị những cá nhân, đơn vị vô cớ bắt dừng phương tiện kiểm tra nhằm "vòi vĩnh" gây phiền hà cho chủ hàng.
Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra các đơn vị kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế nhằm ổn định giá và phí các dịch vụ như cước phí vận chuyển hành khách nội thành, vé tham quan du lịch, vé vui chơi giải trí, ăn uống công cộng và các dịch vụ khác; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng những ngày tết để nâng giá, phí dịch vụ.
3. Các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các đoàn thể nhân dân tiến hành tu sửa, chỉnh trang nghĩa trang liệt sỹ; thăm hỏi và tặng quà thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ và chiến sĩ các lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; vận động các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái giúp đỡ các gia đình nghèo, người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ để mọi người, mọi gia đình cùng đón Tết vui vẻ, đầm ấm.
Đối với nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và miền Tây Bắc Tổ quốc vừa trải qua lũ lụt, thiệt hại nặng nề, mặc dù đồng bào cả nước và bạn bè thế giới đã hết sức quan tâm, chia xẻ, nhưng đời sống sinh hoạt của đồng bào còn nhiều khó khăn. Các cấp chính quyền sở tại cần nắm chắc những gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, vận động bà con trong thôn xã giúp đỡ để những gia đình này cùng đón Tết, mừng xuân vui vẻ.
4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải huy động đủ phương tiện vận chuyển hành khách với chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết, không để xẩy ra tình trạng hành khách chờ đợi, ùn tắc tại các bến tầu, bến xe, nhà ga; tạo điều kiện cho nhân dân đi lại an toàn, thuận tiện với giá cước ổn định; phối hợp với Bộ Công an tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 33/1999/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm an toàn, trật tự giao thông. Kiên quyết không đưa các phương tiện không đủ tiêu chuẩn an toàn giao thông tham gia giao thông. Tăng cường công tác kiểm tra, khắc phục kịp thời các công trình giao thông (đường xá, cầu cống) bị hư hỏng do lũ lụt vừa gây ra. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, phải phối hợp với ủy ban nhân dân thành phố thiết lập hợp lý các bến bãi gửi xe; hướng dẫn và tạo điều kiện để nhân dân sử dụng phương tiện giao thông đi lại trong thành phố thuận tiện, hạn chế tối đa việc ùn tắc giao thông trên các đường phố.
5. Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp cụ thể đảm bảo trật tự, an toàn xã hội cho nhân dân vui Tết; tập trung truy quét, triệt phá các ổ nhóm buôn bán, trích hút ma tuý, cờ bạc, số đề, mê tín dị đoan; ngăn chặn các vụ trộm, cướp, lưu hành văn hóa đồi trụy, gây rối trật tự công cộng; có biện pháp phòng ngừa xuất hiện nạn đua xe máy; phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, phòng cháy, chữa cháy; nhắc nhở nhân dân tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 406/CT của Thủ tướng Chính phủ về cấm đốt pháo; chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ quản lý sắp xếp lịch trực ban, chủ động xử lý mọi diễn biến bất thường xảy ra trong dịp Tết và báo cáo kịp thời lên cấp trên và Thủ tướng Chính phủ.
6. Bộ Văn hóa - Thông tin, ủy ban Thể dục thể thao có kế hoạch hướng dẫn các địa phương tổ chức tốt các buổi sinh hoạt văn hóa, tổ chức các điểm biểu diễn văn nghệ mang bản sắc dân tộc, tổ chức các cuộc thi đấu thể dục, thể thao quần chúng nhằm thu hút thanh, thiếu niên vào sinh hoạt văn hóa lành mạnh; phối hợp với cơ quan phát thanh, truyền hình bố trí chương trình phong phú, hấp dẫn, phù hợp với tập quán dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho nhân dân và bạn bè quốc tế đang có mặt tại nước ta.
7. Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng theo chức năng của cơ quan mình tạo mọi điều kiện để Việt kiều ta ở nước ngoài về nước đón Tết, mừng xuân, đi lại thăm viếng thân nhân, vãn cảnh thuận lợi. Tổng cục Du lịch chỉ đạo các cơ sở tổ chức tốt việc giới thiệu, quảng bá các di tích lịch sử, sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc với người nước ngoài, các đoàn khách du lịch đang ở nước ta trong dịp Tết.
8. Ngành Y tế tổ chức tốt việc chăm lo phòng chống dịch bệnh và chữa trị cho bệnh nhân; kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm; các bệnh viện phải tổ chức trực ban liên tục, giải quyết kịp thời các ca cấp cứu trong dịp Tết vào mọi thời điểm. Ủy ban nhân dân các cấp huy động các tầng lớp nhân dân tổ chức tốt vệ sinh công cộng, làm sạch đường phố, làng, xã, trồng cây nhân dịp xuân mới, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp khắp mọi nơi.
Thủ trưởng các Bộ, ngành và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này trong ngành và địa phương theo chức năng và trách nhiệm của mình; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những diễn biến bất thường đáng chú ý trong dịp Tết.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội chỉ đạo tổ chức của mình phối hợp và giúp đỡ Chính quyền các cấp dưới hình thức cùng cộng tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị này, làm cho Tết Tân Tỵ đến với mọi nhà, đem lại niềm vui và nguồn hứng khởi cho mọi người bước vào thiên niên kỷ mới.