THÔNG TƯ
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 07/2000/TT- BLĐTBXH NGÀY 29 THÁNG 3 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU
VỀ LAO ĐỘNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 103/1999/NĐ-CP
NGÀY 10/09/1999 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ GIAO, BÁN, KHOÁN
KINH DOANH, CHO THUÊ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Thi hành Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/09/1999 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước, sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số Điều về chính sách đối với lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê như sau:
I- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
Người lao động làm việc trong doanh nghiệp tại thời điểm giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước bao gồm:
A) Lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
B) Lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn;
C) Lao động làm việc theo mùa vụ, theo một công việc nhất định mà thời hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm ;
D) Công nhân viên chức chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động;
Kể cả lao động (thuộc các điểm a, b, c nói trên) đang tạm hoãn thực hiện HĐLĐ đang nghỉ chờ việc theo quyết định của giám đốc doanh nghiệp.
II- THỜI GIAN LÀM VIỆC ĐỂ TRẢ TRỢ CẤP THÔI VIỆC,
MẤT VIỆC VÀ HƯỞNG ƯU ĐÃI ĐƯỢC TÍNH NHƯ SAU:
1. Thời gian làm việc theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 10 Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.
2. Số năm làm việc cho Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 103/1999/NĐ-CP của Chính phủ là thời gian người lao động đã làm việc cho các doanh nghiệp Nhà nước, các cơ quan đơn vị thuộc khu vực Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang trừ thời gian người lao động đã nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, đã hưởng chế độ xuất ngũ hoặc phục viên.
Cách tính thời gian làm việc theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.
3. Thời gian người lao động được tính để chia số dư quỹ khen thưởng và phúc lợi quy định tại khoản 3 Điều 19, điểm e khoản 1 Điều 49, khoản 1 Điều 53, Nghị định 103/1999/NĐ-CP của Chính phủ là thời gian người lao động làm việc tại doanh nghiệp đó đến thời điểm có quyết định giao, bán, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước. Cách tính thời gian làm việc theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 10 Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.
III- PHÂN LOẠI LAO ĐỘNG VÀ PHƯƠNG ÁN
SỬ DỤNG LAO ĐỘNG:
1. Phân loại lao động và phương án sử dụng lao động tại thời điểm giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 12; khoản 5 Điều 18; khoản 4 Điều 38; khoản 1 Điều 40 Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 của Chính phủ, như sau:
A) Số lao động trong doanh nghiệp tại thời điểm giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp được phân loại và ghi vào biểu tổng hợp theo mẫu kèm theo Thông tư này.
B) Mỗi loại lao động theo điểm a nói trên được lập thành danh sách chi tiết để giải quyết chế độ .
2. Phương án sử dụng lao động quy định tại điểm b khoản 5 và điểm a khoản 7 Điều 16; khoản 1 Điều 21; điểm c khoản 5, điểm a khoản 7 và điểm a khoản 8 Điều 36; khoản 1 Điều 12; điểm đ Điều 42 của Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 của Chính phủ do người được giao, người mua, người nhận khoán, người thuê lập dựa trên hướng phát triển của doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên (người sử dụng lao động và người lao động) theo pháp luật lao động quy định.
IV- CÁC CHẾ ĐỘ ĐƯỢC HƯỞNG:
1. Trường hợp doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh, thay đổi công nghệ dẫn đến người lao động mất việc làm theo quy định tại Khoản 5 Điều 14 Nghị định 103/1999/NĐ-CP của Chính phủ thì doanh nghiệp trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo khoản 1 Điều 17 của Bộ luật Lao động. Riêng những người lao động có thời gian làm việc trước khi giao doanh nghiệp thì thời gian đó được hưởng trợ cấp thôi việc theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; nguồn chi trả, thủ tục chi trả theo quy định tại Quyết định số 177/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Chế độ đối với người lao động theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều 21; khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 40 của Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 của Chính phủ, được giải quyết như sau:
A) Đối với người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo chế độ hưu trí thì giám đốc doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là cơ quan bảo hiểm xã hội) làm đầy đủ thủ tục và giải quyết chế độ theo quy định hiện hành.
B) Đối với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động (kể cả người lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động) thì chính sách đối với người lao động được giải quyết như sau:
- Giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đối với thời gian người lao động đã làm việc tại doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động, Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ .
- Đối với thời gian trước đó người lao động đã làm việc cho khu vực nhà nước mà chưa được nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc thì được tính để được nhận trợ cấp thôi việc. Nguồn chi trả và thủ tục chi trả theo quy định tại Quyết định số 177/1999/QĐ-TTg ngày 30/08/1999 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Giám đốc doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan liên quan có trách nhiệm làm đầy đủ các thủ tục cấp sổ bảo hiểm xã hội, trả trợ cấp bảo hiểm xã hội, sổ lao động và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định hiện hành.
C) Đối với người lao động chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp mới, giám đốc doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan làm đầy đủ thủ tục và bàn giao cho doanh nghiệp mới.
V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Giám đốc doanh nghiệp, ban đổi mới tại doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách đối với người lao động theo quy định tại Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 của Chính phủ và Thông tư này; báo cáo kết quả thực hiện với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng công ty 91.
2. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng công ty 91 có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện những quy định của pháp luật đối với người lao động và tổng hợp tình hình báo cáo về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết.
Tên doanh nghiệp:
MẪU PHÂN LOẠI LAO ĐỘNG TẠI THỜI ĐIỂM CÓ QUYẾT ĐỊNH CỦA CẤP CÓ THẨM QUYỀN THỰC HIỆN VIỆC GIAO, BÁN, KHOÁN KINH DOANH, CHO THUÊ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THEO THÔNG TƯ SỐ ........./LĐTBXH
STT
|
Nội dung
|
Đơn vị tính
|
Tổng số người
|
Ghi chú
|
I
II
III
IV
V
VI
VII
VIII
|
Số LĐ đủ điều kiện nghỉ hưu theo chế độ hưu trí:
Chia ra:
- Nghỉ theo Nghị định 12/CP
- Nghỉ theo Nghị định 93/CP
Số lao động đang nghỉ theo 3 chế độ BHXH
Chia ra:
- ốm đau;
- Thai sản;
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Số lao động chấm dứt HĐLĐ:
Chia ra:
- Hết hạn HĐLĐ;
- Tự nguyện chấm dứt HĐLĐ;
- Lý do khác theo pháp luật
Số lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ:
Chia ra:
- Nghĩa vụ quân sự;
- Nghĩa vụ công dân khác;
- Bị tạm giữ; tạm giam;
- Do hai bên thoả thuận
Lao động đang nghỉ chờ việc theo QĐ của Giám đốc
Số còn lại nghỉ việc đã lâu. Nhưng chưa được giải quyết chế độ
Số đi học, đào tạo vẫn hưởng lương và BHXH
Số lao động còn hạn HĐLĐ không kể các mục I; III; VI
|
Người
Người
Người
Người
Người
Người
Người
Người
Người
Người
Người
Người
Người
Người
Người
Người
|
|
|
|
Cộng:
|
Người
|
|
|
|
|
|
|
|
....., Ngày ... Tháng ... Năm...
Người lập biểu Giám đốc doanh nghiệp
(Ký tên) (Ký tên)