• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày ban hành: 04/01/1986
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/1986

THÔNG TƯ

CỦA BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 1-TBXH NGÀY 4-1-1986

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP KHÓ KHĂN

ĐỐI VỚI NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

 

Ngày 8-10-1985 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 331-CT về chế độ trợ cấp thường xuyên cho những công nhân, viên chức và những người hưởng lương trong các lực lượng vũ trang (kể cả những người về hưu và nghỉ do mất sức lao động) có đông người ăn theo mà đời sống thực sự gặp khó khăn.

Căn cứ vào điểm 5 của chỉ thị, Bộ Thương binh và xã hội sau khi đã thoả thuận với Bộ Tài chính và Bộ Lao động, hướng dẫn thực hiện đối với các đối tượng do ngành Thương binh và xã hội quản lý như sau:

 

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC XÉT TRỢ CẤP

 

Những người sau đây có đông người phải nuôi dưỡng mà đời sống thật sự khó khăn thì được xét trợ cấp thường xuyên.

Người về hưu (kể cả người hưởng hưu trí theo thông tư số 11-NV ngày 20-9-1966, và cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945 thuộc diện thi hành Quyết định số 128-HĐBT ngày 8-10-1984 của Hội đồng Bộ trưởng, mà lâu nay công tác ở xã, phường), thương binh và người hưởng chính sách như thương binh (gọi chung là thương binh) bao gồm thương binh hạng 1, 2 (kể cả loại A và B), bệnh binh hạng 1, 2 và những người về nghỉ việc vì mất sức lao động do ốm đau, già yếu, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

 

II. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC XÉT TRỢ CẤP KHÓ KHĂN THƯỜNG XUYÊN

 

1. Những người mà các đối tượng nói ở mục I, phải nuôi dưỡng bao gồm:

A) Bố mẹ (kể cả bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng, bố mẹ nuôi, bố dượng, mẹ kế) và vợ hoặc chồng, đã hết tuổi lao động (nam từ 60 tuổi, nữ từ 55 tuổi trở lên), hoặc bị tàn tật mất sức lao động, anh chị em ruột bị tàn tật mất sức lao động và không nơi nương tựa mà không được hưởng khoản trợ cấp nào của Nhà nước.

B) Con (kể cả con đẻ, con nuôi, con ngoài giá thú) chưa đến tuổi lao động hoặc đang đi học phổ thông, đang học đại học, trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề v.v.... Không có học bổng, hoặc đã đến tuổi lao động nhưng bị tàn tật mất sức lao động.

2. Gia đình sống chủ yếu bằng lương hưu hoặc trợ cấp của Nhà nước, không có nguồn thu nhập nào khác hoặc có thu nhập nhưng không đáng kể, đời sống hàng ngày (ăn mặc, học hành, chữa bệnh, v.v...) Thực sự gặp nhiều khó khăn thì được xét trợ cấp thường xuyên.

 

III. MỨC TRỢ CẤP KHÓ KHĂN THƯỜNG XUYÊN

 

A) Thương binh hạng 1 (kể cả loại A và loại B), bệnh binh hạng 1, có người phải nuôi dưỡng thì được cấp từ người thứ nhất trở đi.

B) Cả vợ và chồng đều là thương binh hạng 2 (kể cả loại A và B), bệnh binh hạng 2; hoặc trong cặp vợ chồng thì:

- Một là thương binh hạng 2, một là bệnh binh hạng 2;

- Một là thương binh hạng 2, một là mất sức lao động từ 61% trở lên.

Người mất sức lao động từ 81% trở lên (kể cả mất sức lao động vì tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp), có người phải nuôi dưỡng thì được cấp từ người thứ hai trở đi.

Nếu là thương binh hạng 2, bệnh binh hạng 2, người về hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức và trong diện không hồi phục sức lao động, hay diện hưởng dài hạn mà goá vợ, goá chồng, hoặc cá biệt nếu cả hai vợ chồng đều là người về hưu mà còn có người phải nuôi dưỡng, thì cũng được cấp từ người thứ hai trở đi.

C) Các trường hợp khác nếu có người phải nuôi dưỡng thì được cấp từ người thứ ba trở đi.

Số suất trợ cấp tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình để quyết định.

Mức trợ cấp cho một suất được ấn định theo từng vùng thống nhất theo quy định tại Thông tư liên Bộ Lao động - Tài chính - Tổng công đoàn số 21-TT/LĐ ngày 16-11-1985, cụ thể là:

- Mức 25 đồng cho các tỉnh Minh Hải, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cửu Long, Bến Tre, Long An.

- Mức 30 đồng cho các tỉnh Đồng Nai, Sông Bé, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, Thuận Hải, Phú Khánh, Nghĩa Bình, Quảng Nam - Đà Nẵng.

- Mức 35 đồng cho các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai - Kon Tum, Thái Bình, Hải Hưng, Hà Nam Ninh.

- Mức 40 đồng cho các thành phố và tỉnh còn lại.

IV. TRỢ CẤP KHÓ KHĂN ĐỘT XUẤT

 

Những người ở mục I và thương binh hạng 3, hạng 4 (kể cả loại A và B), bệnh binh hạng 3, khi gặp khó khăn đột xuất như thiên tai, địch hoạ, ốm đau lâu ngày (ba tháng trở lên), bị chết, bị tai nạn rủi ro, cần có sự giúp đỡ của Nhà nước thì được xét trợ cấp khó khăn đột xuất.

Mức trợ cấp tuỳ theo mức độ khó khăn đột xuất của từng trường hợp, ấn định 4 mức: 50 đồng, 100 đồng, 150 đồng, 200 đồng/lần cho mỗi trường hợp.

Mỗi gia đình được trợ cấp khó khăn đột xuất không quá 2 lần trong năm.

Kinh phí trợ cấp khó khăn đột xuất được dự trù bình quân 15 đồng/đối tượng cả năm.

Ngoài chế độ trợ cấp khó khăn thường xuyên và khó khăn đột xuất cho những người nói tại Thông tư này, đối với những đối tượng khác nếu đời sống có khó khăn thì áp dụng theo Thông tư số 48-TBXH ngày 30-9-1985 của Bộ Thương binh và xã hội và do ngân sách địa phương giải quyết.

 

V. PHƯƠNG THỨC XÉT DUYỆT VÀ CHI TRẢ

 

Ban Thương binh và xã hội xã, phường căn cứ quy định về đối tượng, điều kiện được hưởng để xét và lập danh sách vào đầu quý báo cáo Uỷ ban Nhân dân xã, phường duyệt để đề nghị Uỷ ban Nhân dân huyện ra quyết định.

Phòng Thương binh và xã hội, cấp huyện tổ chức thực hiện, kiểm tra cụ thể trình Uỷ ban Nhân dân huyện ký quyết định.

Giám đốc Sở Thương binh và xã hội phổ biến Thông tư này và tổ chức hướng dẫn thực hiện, đồng thời kiểm tra đôn đốc thực hiện kịp thời, chính xác. Căn cứ kinh phí được giao để phân bổ cho cấp huyện và quyết toán với Bộ.

Chú ý: Nếu những người thuộc diện nói ở điểm 1, mục I trong cặp vợ chồng có 1 người đang tại chức, tại ngũ thì do đơn vị, cơ quan, xí nghiệp có người tại chức, tại ngũ xét và trợ cấp.

 

VI. KINH PHÍ VÀ CÁCH CHI TRẢ TRỢ CẤP KHÓ KHĂN

 

Kinh phí chi cho chế độ trợ cấp khó khăn do quỹ trợ cấp xã hội Trung ương đài thọ.

Kinh phí trợ cấp khó khăn đột xuất do Sở dự toán, chi và quyết toán với Bộ vẫn thực hiện như trước đây. Khoản trợ cấp khó khăn thường xuyên hàng quý Bộ sẽ giao theo dự toán được duyệt cho từng Sở để thực hiện, và sẽ có công văn hướng dẫn lập dự toán chi và thanh quyết toán sau.

Trong phạm vi kinh phí được giao, Sở xem xét trợ cấp cho các đối tượng nhưng không vượt quá mức kinh phí được duyệt. Tuỳ tình hình cụ thể, Sở Thương binh và xã hội được phép điều chỉnh cho các đơn vị trong phạm vi kinh phí được duyệt. Hàng quý các Sở tổng hợp các báo cáo quyết toán của cấp huyện và báo cáo về Bộ.

 

VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 9 năm 1985. Riêng khoản trợ cấp khó khăn thường xuyên, nơi nào đã thực hiện bù giá cho người ăn theo từ tháng 9 năm 1985 thì xét trợ cấp từ tháng 10 năm 1985 trở đi, nhưng nếu địa phương nào đã thu hồi tiền bù giá đó thì cũng thực hiện trợ cấp khó khăn thường xuyên từ tháng 9 năm 1985.

Những quy định trước đây của Bộ Thương binh và xã hội trong Thông tư số 27-TBXH ngày 31-8-1981, công văn số 580-BHXH ngày 24-12-1982 và công văn số 367-TBXH ngày 18-11-1984 trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

2. Thông tư này được phổ biến đến tận các đối tượng để thấy rõ sự cố gắng của Đảng và Nhà nước quan tâm đến đời sống của những người hưởng lương hưu và trợ cấp của Nhà nước, đồng thời thấy rõ khả năng tài chính của đất nước còn nhiều khó khăn, mới chỉ có thể trợ cấp cho những người còn phải nuôi dưỡng người ăn theo mà hoàn cảnh thực sự có nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cần chú ý đến những người lâu nay được hưởng chế độ cung cấp tem phiếu cho người ăn theo, mà nay xoá bỏ chế độ tem phiếu, đời sống gia đình thực sự có nhiều khó khăn. Đối với những trường hợp trước đây chưa hưởng chế độ cung cấp tem phiếu cho người ăn theo mà nay thực sự có khó khăn thì thực hiện chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất. Tránh tình trạng tràn lan, trợ cấp không đúng đối tượng cần phải trợ cấp, ảnh hưởng đến chính sách và đoàn kết trong các đối tượng hưởng chính sách.

Đây là công việc mà Bộ và các Sở mới thực hiện lần đầu, chưa nắm chắc số lượng người ăn theo và các mặt khác có liên quan; vì vậy phải xem xét, cân nhắc từng trường hợp một cho chặt chẽ. Sau khi trợ cấp quý IV-1985, các Sở cần báo cáo kịp thời về Bộ để có căn cứ điều chỉnh và hướng dẫn thêm.