• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 28/02/1986

THÔNG TƯ

CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 9-TT NGÀY 28-2-1986

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP

PHỔ THÔNG CƠ SỞ

 

Ngày 28 tháng 2 năm 1986, Bộ Giáo dục ban hành Quy chế thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở theo Quyết định số 219-QĐ. Căn cứ vào điều 37 của Quy chế, Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy chế thi và xét tốt nghiệp áp dụng đối với kỳ thi xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở như sau:

 

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

 

Trong các điều 1, 2, 3 của Quy chế nói về vị trí, tính chất, ý nghĩa, mục đích và những căn cứ để đánh giá kết quả tốt nghiệp của kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở, cần chú ý một số điểm sau:

1. Sau khi học hết bậc học phổ thông cơ sở, mỗi học sinh phải qua một kỳ thi và xét tốt nghiệp. Đó là hình thức tổng kiểm tra, đánh giá học sinh sau quá trình giáo dục (đào tạo) ở bậc học phổ thông cơ sở. Sự kiểm tra, đánh giá này không chỉ được thực hiện trong nội bộ nhà trường mà nó được thực hiện dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp quản lý giáo dục, dưới sự lãnh đạo, giám sát của các cấp bộ đảng và chính quyền, và sự tham gia của các lực lượng xã hội ngoài nhà trường; đồng thời tuân theo các thể lệ, tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục quy định tại Quy chế thi và xét tốt nghiệp. Vì vậy, kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở là sự đánh giá của Nhà nước một cách toàn diện, thống nhất, khách quan.

2. Thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở là sự tiếp tục và hoàn thiện việc đánh giá trình độ được giáo dục của học sinh trong cả quá trình bậc học phổ thông cơ sở theo mục tiêu đào tạo. Do đó, kết quả học tập và rèn luyện của học sinh cuối bậc học phổ thông cơ sở và kết quả các bài làm của học sinh trong kỳ thi đều là những căn cứ quan trọng để xét tốt nghiệp. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp cuối cấp II là căn cứ để:

- Xét điều kiện dự thi;

- Kết hợp với kết quả kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp bậc học phổ thông cơ sở.

3. Điều 4 của Quy chế khẳng định vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của tập thể sư phạm nhà trường trong việc đánh giá chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh, trong việc tổ chức coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp. Đồng thời điều này cũng khẳng định vai trò của các tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong việc phối hợp, góp phần cùng nhà trường, Hội đồng thi và xét tốt nghiệp thực hiện tốt Quy chế thi và xét tốt nghiệp của Bộ Giáo dục. Nhà trường, Hội đồng thi và xét tốt nghiệp phải có trách nhiệm kết hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nói trên giáo dục đoàn viên, đội viên, học sinh trong nhà trường về mục đích, động cơ, tinh thần học tập đúng đắn, ý thức, thái độ thi cử đúng đắn, nghiêm túc, v.v... Để kỳ thi và xét tốt nghiệp được tiến hành một cách có kết quả, an toàn và chu đáo.

 

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP

 

1. Ngoài 2 đối tượng nói ở điều 5, không phải xét trường hợp nào khác.

2. Những học sinh nói trong điểm 2 của điều 5 là những học sinh đã học hết lớp cuối cấp II của bậc học phổ thông cơ sở, đã dự thi nhưng không tốt nghiệp hoặc chưa dự thi vì thiếu điều kiện dự thi mà không tiếp tục học lại. Những học sinh này là đối tượng dự thi và xét tốt nghiệp.

3. Về điều kiện dự thi và xét tốt nghiệp nêu ở điều 6 và điều 7, cần chú ý mấy điểm sau:

A) Việc xác nhận học sinh đã học hết chương trình của tất cả các lớp ở cấp II phải được ghi đầy đủ trong học bạ và trước mắt chỉ cần xét các lớp cấp II. Học bạ phải ghi đầy đủ kết quả điểm số các môn học và kết quả loại các mặt giáo dục của từng năm học trong cấp học, cụ thể là lớp 6, 7, 8 , 9 đối với miền Bắc và lớp 6, 7, 8 đối với miền Nam. Những hiện tượng như tẩy, xoá, chữa học bạ, việc cho lên lớp không đúng Quy chế, chuyển trường và nhận vào học không đúng quy định v.v.. Đều coi là không đủ điều kiện dự thi và xét tốt nghiệp. Nếu Hội đồng thi và xét tốt nghiệp phát hiện những hiện tượng thiếu điều kiện dự thi và xét tốt nghiệp thì phải lập biên bản đình chỉ thi, hoặc đã thi xong thì phải lập biên bản đình chấm bài hoặc không xét công nhận tốt nghiệp.

B) Việc xét cả 4 điều kiện dự thi và xét tốt nghiệp nêu ở điều 6 được tiến hành đối với từng học sinh và phải cân nhắc kỹ, nhằm đánh giá chính xác, gây tác dụng giáo dục tốt. Chống các hiện tượng tiêu cực, đối phó.

Điểm 2 trong điều 6 quy định số ngày nghỉ học trong năm học lớp cuối cấp không quá 45 ngày có nghĩa là học sinh nghỉ quá số ngày này (dù nghỉ một lần hay nhiều lần cộng lại) đều không được dự thi và xét tốt nghiệp. Điều kiện này đòi hỏi học sinh phải cố gắng chuyên cần học tập.

Điểm 3 và điểm 4 trong điều 6 là những điểm quy định về điều kiện dự thi và xét tốt nghiệp, trong đó, tất cả các mặt giáo dục đều phải đạt kết quả như đã quy định. Điều này có tác dụng thúc đẩy nhà trường phải tích cực chăm lo, giáo dục, giảng dạy và học sinh phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi mặt theo mục tiêu đào tạo.

Về mặt xếp loại văn hoá, vẫn thực hiện theo Thông tư số 44-TT của Bộ, gồm 4 loại giỏi, khá, trung bình và còn yếu. Riêng loại "còn yếu" phải phân ra thành hai mức độ: yếu (nếu cố gắng vượt bậc thì có thể vươn lên trình độ trung bình được, cụ thể là những diện nêu trong điểm 4 của điều 6) và kém (những diện không đạt tiêu chuẩn như đã nêu trong điểm 4 của điều 6). Trong điều kiện dự thi (về mặt văn hoá) được quy định trong Quy chế chỉ chấp nhận diện yếu. Còn diện kém không được dự thi.

C) Việc xác nhận vào đơn xin dự thi và xét tốt nghiệp đối với những học sinh các năm học trước nói trong điểm 1, 2 của điều 7:

- Nếu học sinh ở nhà tự ôn tập và làm việc giúp gia đình, thì do Uỷ ban Nhân dân xã (phường, thị trấn) nơi học sinh cư trú xác nhận;

- Nếu học sinh đã được tuyển dụng làm việc tại một cơ quan hoặc đơn vị, cơ sở sản xuất, thì do thủ trưởng cơ quan hoặc đơn vị phụ trách xác nhận.

Đối với những học sinh các năm học trước chưa dự thi vì thiếu điều kiện về mặt văn hoá (hoặc bảo vệ và rèn luyện thân thể) hoặc đã dự thi nhưng chưa tốt nghiệp thì chỉ cần có ý kiến xác nhận về tư cách đạo đức trong thời gian không tiếp tục học ở trường và đề nghị cho dự thi và xét tốt nghiệp của cấp chính quyền, hoặc của thủ trưởng đơn vị đã nêu trên xác nhận và đóng dấu vào đơn xin dự thi và xét tốt nghiệp.

Đối với những học sinh các năm học trước chưa dự thi vì không đủ điều kiện về mặt đạo đức hoặc lao động, ngoài việc có ý kiến đề nghị như đã nêu trên, còn phải được chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) hoặc cơ quan đơn vị đang quản lý xác nhận vào đơn về ý thức và thái độ trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, về tinh thần, ý thức lao động hoặc công tác xã hội.

D) Để tạo điều kiện thuận tiện cho những học sinh các năm học trước (không đủ điều kiện dự thi về mặt văn hoá) mà không tiếp tục học lại, thì những học sinh này chỉ cần được nhà trường đã tiếp nhận đơn xin dự thi và xét tốt nghiệp tiến hành kiểm tra lại văn hoá. Nhà trường này sẽ quy định và thông báo cho từng học sinh biết về những môn học phải kiểm tra lại và ngày, giờ đến trường dự kiểm tra cùng với học sinh đang học trong đợt kiểm tra cuối học kỳ II theo các quy định của quy chế hiện hành. Việc thông báo này chậm nhất là 15 ngày trước khi tiến hành kiểm tra học kỳ II của trường. Kết quả điểm của các môn được kiểm tra lại sẽ thay thế cho điểm trung bình cả năm của môn học đó ở năm học trước (đã ghi trong học bạ) để xét điều kiện dự thi về mặt văn hoá. Hiệu trưởng phải ký xác nhận việc bổ sung điểm thi lại này vào học bạ và xác nhận đủ điều kiện dự thi về văn hoá, đồng thời để làm căn cứ cho việc xin dự thi lại các năm sau (nếu học sinh còn phải thi lại).

E) Nói chung, hiện nay, Quy chế không quy định về độ tuổi dự thi đối với học sinh đang học, vì những trường hợp học sinh thiếu (hoặc thừa) tuổi dự thi không chỉ do học sinh và gia đình học sinh gây nên, mà còn do sai sót của nhà trường trong việc nhận học sinh vào học, nhất là ở lớp đầu bậc học phổ thông cơ sở... Do vậy đối với những trường hợp này, nếu không phải là sai sót do học sinh và gia đình học sinh gây ra, thì vẫn cho dự thi, đồng thời nhà trường phải tiến hành kiểm điểm, quy trách nhiệm cụ thể và có biện pháp ngăn chặn, chấm dứt hiện tượng này kể từ lần nhận học sinh vào học ngay ở năm học tiếp sau đó.

Mục a, điểm 1 của điều 7 quy định về độ tuổi dự thi và xét tốt nghiệp của những học sinh cũ là không quá 20 tuổi. Đây là độ tuổi tối đa của một học sinh được phép theo học trong bậc học phổ thông cơ sở, kể cả một năm được học lại theo Quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và ba năm đi nghĩa vụ quân sự.

G) Đối với những trường hợp học sinh không đủ điều kiện dự thi mà chưa kết luận được là do bản thân các em gây nên như giấy tờ, thủ tục... Không đầy đủ và nhà trường không quyết định được thì phải báo cáo với Phòng giáo dục xét quyết định. Nếu Phòng giáo dục không quyết định được thì phải báo cáo Sở Giáo dục. Trong khi chờ đợi cấp trên trả lời mà đã đến ngày thi, thì vẫn cho thi để tránh thiệt thòi cho học sinh. Nhưng cuối cùng cấp trên xét thấy không đủ điều kiện dự thi, thì đình không chấm bài hoặc đình việc xét tốt nghiệp.

H) Đối với những học sinh không đủ điều kiện dự thi và xét tốt nghiệp, nhà trường phải gửi công văn báo cho gia đình học sinh biết trước ngày thi là 10 ngày (theo thời gian quy định) để gia đình học sinh hiểu rõ lý do và đồng tình với nhà trường cùng phối hợp giáo dục tiếp.

Thời hạn và các thủ tục đăng ký dự thi và xét tốt nghiệp đối với diện học sinh cũ, nhà trường phải công bố sớm để học sinh và gia đình học sinh biết và có đủ thời gian chuẩn bị, nộp đơn theo đúng hạn định (đã quy định tại điều 7).

 

III. HỒ SƠ THÍ SINH DỰ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP

 

1. Điều 8 quy định về hồ sơ thi và xét tốt nghiệp của học sinh. Các hồ sơ này phải được nhà trường hoàn thành đầy đủ chậm nhất trước ngày thi 5 ngày, bao gồm các giấy tờ sau đây:

A) Bảng ghi tên, ghi điểm theo đúng mẫu quy định trong tài liệu nghiệp vụ thi, lập thành ba bản.

B) Học bạ chính (không phải là bản sao).

C) Bản sao giấy khai sinh.

D) Giấy chứng nhận thuộc diện chính sách và diện chiếu cố nếu có.

E) Thẻ học sinh do nhà trường có học sinh học cấp.

Riêng hồ sơ của học sinh cũ (diện nêu ở điểm 2 của điều 5) gồm các giấy tờ sau:

A) Đơn xin dự thi và xét tốt nghiệp do học sinh tự viết, kèm theo xác nhận và đề nghị của chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) hoặc cơ quan, đơn vị quản lý.

B) Học bạ chính

C) Bản sao giấy khai sinh

D) Giấy chứng nhận đã kiểm tra lại và xác nhận đủ điều kiện dự thi về mặt văn hoá do nhà trường (nơi học sinh đăng ký dự thi) cấp. Chỉ những học sinh các năm học trước không đủ điều kiện dự thi về mặt văn hoá mới cần có giấy chứng nhận này. Giấy chứng nhận này có giá trị sử dụng cho kỳ thi và xét tốt nghiệp ở các năm học sau (nếu học sinh còn phải thi lại).

E) Thẻ học sinh do nhà trường nơi học sinh đăng ký dự thi cấp. Nếu học sinh đã có thẻ do trường cũ cấp, thì phải có thêm xác nhận của trường nơi học sinh đăng ký dự thi vào thẻ đó.

2. Khi thực hiện điều 8 quy định về hồ sơ thi và xét tốt nghiệp của học sinh, cần chú ý một số điểm dưới đây:

A) Bản sao giấy khai sinh phải do Uỷ ban Nhân dân từ cấp xã, phường hoặc thị trấn trở lên cấp. Những chữ số ngày, tháng, năm sinh, họ, tên, tên đệm. V.v...Ghi trong giấy khai sinh phải bảo đảm chính xác, thống nhất. Trường hợp thất lạc, hoặc là nội dung ghi không thống nhất, cần được kịp thời thiết lập hoặc điều chỉnh lại. Những nội dung thiết lập hoặc điều chỉnh lại phải do Uỷ ban Nhân dân xã, phường hoặc thị trấn xác nhận. Nhà trường căn cứ vào kết quả xác nhận lại ở giấy khai sinh của học sinh để làm lại các giấy tờ và hồ sơ khác trong kỳ thi và xét tốt nghiệp.

B) Giấy chứng nhận thuộc diện chính sách và diện chiếu cố để xét lấy tốt nghiệp thêm, hoặc để xét đặc cách tốt nghiệp phải bảo đảm các thủ tục sau:

- Giấy chứng nhận là con liệt sĩ (bố hoặc mẹ là liệt sĩ) do Phòng thương binh xã hội cấp huyện (quận, thị) trở lên cấp;

- Giấy chứng nhận đã đi nghĩa vụ quân sự do Huyện đội (hoặc cấp tương đương) cấp;

- Giấy chứng nhận đã đi thanh niên xung phong, phục vụ quốc phòng do các cấp từ Huyện đoàn (hoặc cấp tương đương) trở lên cấp;

- Giấy chứng nhận đã đi vùng kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước do Uỷ ban Nhân dân từ cấp huyện (hoặc cấp tương đương) trở lên cấp;

- Giấy chứng nhận đã đi dự các cuộc thi quốc tế (ngoại ngữ, điền kinh...) Do Bộ Giáo dục hoặc cơ quan Nhà nước trung ương đã tuyển chọn cấp;

- Học sinh ốm trước khi thi, không tham dự được kỳ thi và xét tốt nghiệp phải có hồ sơ, bệnh án, giấy chứng nhận của cơ quan y tế hoặc của bệnh viện từ cấp huyện (hoặc tương đương) trở lên;

- Đối với diện học sinh bị ốm hoặc có sự cố đột xuất xảy ra trong lúc đang thi, không thể tiếp tục thi như nếu bị ốm trong lúc đang làm bài thi, thì cán bộ y tế phục vụ kỳ thi và Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp xác nhận; nếu bị ốm lúc ở nhà, phải đi bệnh viện điều trị, thì bệnh viện đó cấp giấy xác nhận; Nếu có sự cố đột xuất xảy ra trong lúc đang thi như bị tai nạn hoặc có người thân trong gia đình như bố, mẹ đẻ, anh, chị em ruột chết, phải có biên bản của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, đồng thời phải có xác nhận của Uỷ ban Nhân dân xã (hoặc cấp tương đương) nơi học sinh cư trú hoặc của cơ quan y tế (hoặc bệnh xá, bệnh viện) nơi học sinh đã điều trị.

C) Sau khi chấp thuận cho những học sinh cũ được dự thi và xét tốt nghiệp, nhà trường nơi tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách những học sinh này. Danh sách những học sinh này phải được ghi vào bảng ghi tên, ghi điểm của phòng thi cuối cùng của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, hoặc thành lập bảng ghi tên, ghi điểm riêng cho những thí sinh này, nếu danh sách học sinh đang học ở phòng thi cuối cùng của bảng ghi tên, ghi điểm đã đủ số lượng quy định.

D) Danh sách của tất cả các học sinh dự xét đặc cách tốt nghiệp phải lập thành bảng ghi tên, ghi điểm riêng (gồm 3 bản), kèm theo giấy tờ chứng nhận đã quy định ở trên.

IV. MÔN THI, NGÀY THI, CHƯƠNG TRÌNH THI VÀ ĐỀ THI

 

1. Về môn thi, ngày thi hàng năm, Bộ sẽ thông báo bằng công văn tới Sở Giáo dục, đồng thời cũng được công bố qua đài phát thanh, truyền hình và báo chí trước ngày thi 45 ngày.

2. Nội dung, chương trình thi là chương trình toàn cấp học, song chủ yếu là chương trình lớp cuối cấp II. Trong đó, Bộ Giáo dục có hướng dẫn những trọng tâm. Các Sở cần có biện pháp tổ chức, chỉ đạo các trường tiến hành ôn tập tốt cho học sinh theo hướng dẫn đó đối với tất cả các môn học. Tránh tình trạng học lệch, chỉ dồn vào những môn thi.

3. Bộ Giáo dục có hướng dẫn riêng cho các Sở việc ra đề thi và cách chấm để các Sở căn cứ vào đó tổ chức ra đề thi, hướng dẫn chấm và biểu cho điểm. Cần thực hiện hướng dẫn đó một cách đúng đắn, nghiêm túc. Nếu trong tình hình địa phương có vấn đề phải làm khác với điều Bộ đã hướng dẫn, thì Sở cần thỉnh thị và chỉ khi Bộ đã chấp thuận chính thức bằng văn bản mới được thực hiện.

4. Điều 11 của Quy chế quy định Giám đốc Sở Giáo dục chịu trách nhiệm toàn bộ về việc tổ chức ra đề thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Sở Giáo dục trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở, gồm các thành phần sau:

- Chủ tịch Hội đồng: Giám đốc Sở Giáo dục;

- Phó chủ tịch Hội đồng: Phó giám đốc Sở hoặc Trưởng phòng phổ thông của Sở;

- Thư ký Hội đồng: Phó phòng hoặc 1 cán bộ chuyên môn Phòng phổ thông của Sở;

- Các uỷ viên của Hội đồng: Các cán bộ chuyên môn của Sở có năng lực, am hiểu tình hình dạy và học ở trường phổ thông cơ sở, có phẩm chất đạo đức tốt và có tình thần trách nhiệm cao. Dự thảo đề thi mỗi môn sẽ do một tổ gồm từ 2 đến 3 uỷ viên phụ trách.

Nhiệm vụ, nguyên tắc và lề lối làm việc của Hội đồng ra đề thi thực hiện như đã nêu tại Chỉ thị số 14-CT ngày 21-4-1981 của Bộ Giáo dục về công tác làm đề thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở.

 

V. ĐIỀU KIỆN TỐT NGHIỆP VÀ TIÊU CHUẨN XẾP LOẠI TỐT NGHIỆP

 

Quy chế quy định điều kiện tốt nghiệp và tiêu chuẩn xếp loại tốt nghiệp, cơ bản dựa trên nguyên tắc kết hợp việc đánh giá xếp loại cả năm học về tất cả các mặt giáo dục ở năm học về tất cả các mặt giáo dục ở năm học lớp cuối cấp với điểm của các bài thi. Khi vận dụng các điều kiện và tiêu chuẩn tốt nghiệp cần chú ý một số vấn đề sau đây:

1. Điều kiện tốt nghiệp nào cũng xét tới hai yêu cầu:

A) Kết quả xếp loại các mặt giáo dục;

B) Điểm các bài thi.

Nếu điều kiện nào không nêu yêu cầu về kết quả xếp loại 1 hay 2 mặt giáo dục nào đó, có nghĩa là kết quả xếp loại mặt giáo dục đó phải đạt yêu cầu tối thiểu như đã nêu ở điều kiện dự thi và xét tốt nghiệp.

Ví dụ 1: Điểm 1, điều 13 quy định: "Những học sinh được xếp loại cả năm về mặt đạo đức, lao động, bảo vệ và rèn luyện thân thể ở lớp cuối cấp II từ trung bình trở lên và có điểm trung bình cộng các môn thi từ 5 điểm trở lên, trong đó không có bài thi nào bị điểm 0, sẽ được công nhận tốt nghiệp thêm", có nghĩa là kết quả xếp loại về mặt văn hoá phải thuộc một trong các diện đã nêu trong điểm 4 của điều 6.

Ví dụ 2: Điểm 2, điều 13 quy định: "Những học sinh được xếp loại cả năm ở lớp cuối cấp II về các mặt đạo đức, văn hoá, lao động từ khá trở lên và có điểm trung bình cộng các môn thi từ 4,5 trở lên, trong đó không có bài thi nào bị điểm 0, sẽ được công nhận tốt nghiệp thêm", có nghĩa là kết quả xếp loại về mặt bảo vệ và rèn luyện thân thể phải đạt từ trung bình trở lên.

2. Trong bất cứ trường hợp nào, học sinh có một bài thi bị điểm 0, đều không được xét tốt nghiệp (thẳng hoặc thêm). Trong bất kỳ trường hợp nào, học sinh có một bài thi bị điểm 1 hoặc 2, mặc dù điểm trung bình cộng các môn thi đạt từ 5 điểm trở lên đều không được xét tốt nghiệp thẳng, mà chỉ được xét tốt nghiệp thêm. Điều này có tác dụng thúc đẩy học sinh học tập đồng đều hơn về các môn học, không học lệch về một môn nào.

3. Những học sinh đạt kết quả tốt nghiệp được xếp thành 4 loại giỏi, khá, trung bình và thường theo các tiêu chuẩn đã nêu trong điều 15. Kết quả xếp loại tốt nghiệp cần được ghi đầy đủ và rõ ràng vào một cột riêng trong bảng ghi tên, ghi điểm, trong học bạ và trong bằng tốt nghiệp của từng học sinh.

Khi vận dụng các tiêu chuẩn nói trong điều 15 cần chú ý một số điểm sau:

- Trong tiêu chuẩn xếp loại giỏi, quy định chỉ có một bài thi đạt từ 6 điểm trở lên, có nghĩa là mỗi bài thi còn lại đều phải đạt từ 7 điểm trở lên.

- Trong tiêu chuẩn xếp loại khá, Quy định tại mục a chỉ có một bài thi đạt từ 5 điểm trở lên, có nghĩa là mỗi bài thi còn lại đều phải đạt từ 6 điểm trở lên; Quy định tại mục b chỉ có 2 bài thi đạt từ 5 điểm trở lên, trong đó chỉ có một bài là văn hoặc toán, có nghĩa là mỗi bài thi còn lại đều phải đạt từ 6 điểm trở lên.

4. Đối với những học sinh được công nhận tốt nghiệp vào loại giỏi, Hội đồng thi và xét tốt nghiệp phải lập danh sách để Sở Giáo dục cấp giấy khen.

5. Những học sinh đã dự kỳ thi và xét tốt nghiệp các năm học trước, nhưng không tốt nghiệp và những học sinh năm học trước không được phép dự thi và xét tốt nghiệp, mà không có điều kiện học lại, nay được phép dự thi sẽ được công nhận tốt nghiệp và xếp loại tốt nghiệp theo quy định sau:

A) Chỉ được xếp thành hai loại tốt nghiệp thẳng (loại trung bình) và tốt nghiệp thêm (loại thường).

B) Nếu đạt tiêu chuẩn 1 của điều 12 trở lên (được xếp loại cả năm ở lớp cuối cấp II về tất cả các mặt giáo dục từ trung bình trở lên và có điểm trung bình cộng các môn thi từ 5,0 trở lên, trong đó không có bài thi nào bị điểm dưới 3), thì được công nhận là tốt nghiệp thẳng và xếp loại trung bình.

C) Nếu đạt điểm trung bình cộng các môn thi từ 5,0 trở lên, không có bài thi nào bị điểm 0, thì được công nhận tốt nghiệp thêm và xếp loại thường.

6. Những học sinh được đặc cách tốt nghiệp đều không xếp loại tốt nghiệp và trong bằng tốt nghiệp cần ghi rõ "được đặc cách tốt nghiệp, không xếp loại".

7. Việc xét tốt nghiệp thêm ngoài Quy chế nói trong điều 14 : chỉ khi tỷ lệ tốt nghiệp của toàn tỉnh quá thấp, bất bình thường, thì mới đặt vấn đề xét đặc cách tốt nghiệp thêm ngoài Quy chế. Khi đó, Sở Giáo dục phải đề xuất phương án (hạ điểm trung bình cộng các môn thi, mở rộng điều kiện xét tốt nghiệp thêm) báo cáo, thỉnh thị Bộ bằng văn bản và chỉ sau khi Bộ có văn bản chấp thuận mới được tiến hành xét đặc cách tốt nghiệp thêm. Việc mở rộng điều kiện xét tốt nghiệp thêm ngoài quy chế, có thể đề xuất vấn đề chung cho toàn tỉnh, hoặc chỉ áp dụng riêng cho một khu vực đặc biệt. Thời hạn báo cáo xin lấy tốt nghiệp thêm ngoài Quy chế chậm nhất là 30 ngày sau ngày thi cuối cùng.

8. Việc giải quyết đơn khiếu nại về bài thi của học sinh.

Việc coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở được thực hiện tại trường học dưới sự chỉ đạo, thanh tra, giám sát của cấp trên. Tập thể sư phạm, đứng đầu là Hiệu trưởng ở mỗi trường học được trao đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn trong việc đánh giá chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh và tổ chức việc thi và xét tốt nghiệp trong trường mình theo Quy chế hướng dẫn của Bộ Giáo dục. Vì vậy các công việc của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, về căn bản bảo đảm sự chính xác, khách quan, công bằng trong việc đánh giá chất lượng được giáo dục của học sinh trong quá trình học lớp cuối cấp và qua kỳ thi và xét tốt nghiệp cuối bậc học phổ thông cơ sở. Vì thế, Quy chế thi của Bộ chỉ đặt vấn đề giải quyết đơn khiếu nại về bài thi của những học sinh không tốt nghiệp do có sự bất bình thường trong khi làm bài thi mà thôi. Cụ thể là:

- Những đơn khiếu nại được Hội đồng chấm lại thu nhận và đưa ra xét là có người đứng tên, có địa chỉ đúng và rõ ràng, có nội dung cụ thể và dẫn chứng xác đáng. Chỉ nhận và xét đơn khiếu nại xin chấm lại bài thi của những học sinh có đủ tất cả các điều kiện dưới đây:

Điểm bài thi khiếu nại thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp cuối cấp II từ 3 điểm trở lên;

Điểm trung bình cộng các bài thi phải đạt từ 4 điểm trở lên;

Mỗi học sinh khiếu nại chỉ được khiếu nại nhiều nhất về điểm bài thi của hai môn trong tổng số môn thi.

- Thu nhận và đưa ra xét những đơn khiếu nại có dẫn chứng xác đáng về cộng nhầm điểm thi và chấm thiếu tờ giấy thi đã nộp;

- Các đơn khiếu nại về các vấn đề khác thì do Phòng giáo dục hoặc Ban Thanh tra Sở Giáo dục xem xét và giải quyết;

- Trường phổ thông cơ sở chịu trách nhiệm thu nhận đơn khiếu nại của học sinh dự kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở rồi nộp ngay về Phòng giáo dục ngay sau khi hết thời hạn nhận đơn. Thời hạn và nơi nhận đơn phải được thông báo cho học sinh và cha mẹ học sinh biết ngay khi phổ biến Quy chế thi và xét tốt nghiệp;

- Việc chấm lại bài thi của học sinh khiếu nại sẽ do Hội đồng chấm lại đảm nhiệm. Khi chấm lại, cần chú ý mấy điểm sau:

Bảo vệ bí mật phách bài thi chấm lại;

Chỉ điều chỉnh lên hoặc xuống những bài thi do giáo viên chấm chênh lệch từ 2 điểm cao hơn hoặc thấp hơn so với biểu điểm đối với môn văn, và 1 điểm đối với các môn thi khác.

Trường hợp giáo viên chấm thi cộng sai hoặc sót, ghi chép điểm sai thì phải chữa lại cho chính xác.

 

VI. TỔ CHỨC, CHỈ ĐẠO KỲ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG CƠ SỞ

 

1. Điều 19 quy định mỗi trường phổ thông cơ sở thành lập một Hội đồng thi và xét tốt nghiệp gồm các thành phần như đã quy định. Nếu thiếu giáo viên coi thi, thì cử thêm giáo viên dạy cấp I của trường tham gia Hội đồng và chỉ làm nhiệm vụ coi thi hành lang. Hội đồng nay do Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã ra quyết định thành lập. Điều 20 quy định trong trường hợp khó khăn đặc biệt có thể thành lập Hội đồng thi và xét tốt nghiệp theo cụm trường hoặc cử thêm cán bộ có năng lực ở nơi khác đến giúp nhà trường thực hiện việc thi và xét tốt nghiệp và việc tổ chức Hội đồng thi và xét tốt nghiệp theo kiểu này chỉ được áp dụng sau khi đã được Sở Giáo dục chấp thuận. Như vậy, để thực hiện nghiêm túc các quy định nêu ở điều 19 và điều 20, Sở Giáo dục cần cân nhắc kỹ từng trường hợp do Phòng Giáo dục đề nghị mà quyết định.

2. Điều 21 quy định nhiệm vụ của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp. Các thành viên của Hội đồng trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, phải tuyệt đối phục tùng sự phân công của chủ tịch Hội đồng. Việc phân công các thành viên của Hội đồng làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp phải theo nguyên tắc sau đây:

A) Giáo viên coi thi là giáo viên đang dạy các lớp cấp II của trường và mỗi phòng thi phải có hai giáo viên coi thi bên trong phòng thi và 1 giáo viên làm nhiệm vụ coi hành lang. Trong trường hợp thiếu người coi thi,

Thì cử thêm giáo viên dạy cấp I làm nhiệm vụ coi thi hành lang (như đã nêu trên).

B) Mỗi tổ chấm thi về một môn ít nhất phải có hai giáo viên, trong đó nhất thiết phải có một giáo viên đang dạy môn học đó ở lớp cuối cấp II, các thành viên khác của tổ chấm là giáo viên đang dạy các lớp ở cấp II, đồng thời phải bảo đảm mỗi bài thi có ít nhất hai giáo viên chấm.

C) Tổ trưởng chấm thi từng môn phải là người đã hoặc đang làm tổ trưởng, tổ phó hoặc nhóm trưởng nhóm chuyên môn ở cấp II của trường.

3. Trong trường hợp cần thiết, nhà trường (nơi đặt địa điểm thi và xét tốt nghiệp) đề nghị Uỷ ban Nhân dân xã (hoặc cấp tương đương) nơi trường đóng tiến hành tổ chức Ban bảo vệ và phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp gồm các thành phần Phó chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp làm Trưởng ban, đại diện công an, y tế của xã, đại diện Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí minh của trường và đại diện một số ngành có liên quan làm uỷ viên.

Ban bảo vệ và phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp chịu trách nhiệm bảo vệ trật tự vòng ngoài của địa điểm thi (ngoài phạm vi trách nhiệm của giáo viên coi thi, chấm thi), săn sóc sức khoẻ của học sinh và giáo viên trong quá trình tiến hành kỳ thi và xét tốt nghiệp, và phục tùng sự điều hành chung của Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp. Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để Ban bảo vệ và phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp thực hiện được nhiệm vụ của mình.

4. Toàn bộ các bước và quy trình từ khâu chuẩn bị đến việc coi thi, chấm thi, về cơ bản vẫn thực hiện như đã hướng dẫn ở tài liệu nghiệp vụ làm công tác thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở số 461-PT1-2 ngày 9-3-1983 của Bộ.

5. Điều 25 quy định việc thành lập Ban chỉ đạo và kiểm tra kỳ thi và xét tốt nghiệp, Hội đồng chấm lại bài thi, Tổ kiểm tra và giám sát Hội đồng thi và xét tốt nghiệp của huyện, quận, thị xã. Điều 23 quy định việc thành lập Ban chỉ đạo và kiểm tra kỳ thi và xét tốt nghiệp của tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương. Khi thực hiện các điều này, cần chú ý một số vấn đề như sau:

A) Ban chỉ đạo và kiểm tra kỳ thi và xét tốt nghiệp của tỉnh (thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương) gồm các thành phần sau:

- Trưởng ban: Giám đốc Sở Giáo dục;

- Phó ban: 1 phó giám đốc Sở phụ trách phổ thông cơ sở.

Về quyền hạn:

- Yêu cầu Ban lãnh đạo Hội đồng thi và xét tốt nghiệp báo cáo tình hình công việc đã làm và đang làm; xem xét toàn bộ hồ sơ, sổ sách của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, xem các bài thi của Hội đồng đã chấm,...; Khi cần thiết có thể vào kiểm tra các phòng thi hoặc yêu cầu Hội đồng chấm lại các bài thi mà Ban chỉ đạo và kiểm tra nhận thấy chấm không đúng với hướng dẫn chấm và biểu cho điểm của Sở Giáo dục (sau khi đã thông báo cho Ban lãnh đạo Hội đồng thi và xét tốt nghiệp biết).

- Trong trường hợp phát hiện những sai phạm nghiêm trọng về Quy chế thi và xét tốt nghiệp (như để lộ đề thi và hướng dẫn chấm trước khi thi, thực hiện không đúng các thủ tục và lịch thi các môn, gian lận, quay cóp trắng trợn và phổ biến, chấm sai với hướng dẫn chấm và biểu điểm hàng loạt bài...) Thì Ban chỉ đạo và kiểm tra có quyền:

Yêu cầu Hội đồng thi huỷ bỏ bài thi làm theo đề chính thức, tổ chức thi lại theo đề dự bị đúng với lịch thi;

Yêu cầu Hội đồng thi hoãn việc chấm bài thi để nghiên cứu lại hướng dẫn chấm và biểu điểm hoặc báo cáo và đề nghị với lãnh đạo Phòng và Sở không công nhận một phần hoặc toàn bộ kết quả kỳ thi và xét tốt nghiệp của Hội đồng.

- Đề nghị mức độ khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi và xét tốt nghiệp, học sinh dự thi với các cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc thi hành kỷ luật như quy định trong Quy chế của Bộ Giáo dục.

- Các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, Hội đồng chấm lại bài thi phải thực hiện nghiêm túc ý kiến của Ban chỉ đạo và kiểm tra thi và xét tốt nghiệp các cấp. Nếu có sự chưa nhất trí giữa Hội đồng với Ban chỉ đạo và kiểm tra, thì hai bên phải lập biên bản và báo cáo về Phòng, Sở Giáo dục xét giải quyết; nếu cần có thể báo cáo về Bộ Giáo dục xét và giải quyết. Trong khi chờ đợi ý kiến của Phòng, Sở hoặc các Bộ, các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp phải thực hiện nghiêm túc ý kiến của Ban chỉ đạo và kiểm tra thi và xét tốt nghiệp.

B) Trong khi trình Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo và kiểm tra kỳ thi và xét tốt nghiệp của địa phương mình, Phòng Giáo dục cần lựa chọn thêm một số cán bộ, giáo viên giúp việc để Ban chỉ đạo và kiểm tra thi và xét tốt nghiệp cử về các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp làm công tác kiểm tra và giám sát trong suốt quá trình coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp nhằm giúp các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp thực hiện đúng Quy chế.

Tuỳ theo quy mô lớn hay nhỏ, mỗi Hội đồng thi và xét tốt nghiệp sẽ được Ban chỉ đạo và kiểm tra thi và xét tốt nghiệp cử đến 1 tổ kiểm tra và giám sát gồm từ 2 đến 3 người.

Số cán bộ, giáo viên chọn lựa thêm này do các trường phổ thông cơ sở cử lên gồm 1 Phó hiệu trưởng và từ 1 đến 2 người khác là tổ trưởng chuyên môn hoặc giáo viên có kinh nghiệm và do Phòng Giáo dục quy định cho từng trường.

Tổ kiểm tra và giám sát này có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Giám sát việc thực hiện Quy chế thi và xét tốt nghiệp.

- Uỷ viên thường trực: Trưởng (hoặc Phó) phòng phổ thông của Sở.

- Một số uỷ viên do một số cán bộ chuyên môn của Sở, một số trưởng, phó phòng giáo dục của huyện (quận, thị xã) và một số hiệu trưởng trường phổ thông cơ sở của tỉnh (thành, đặc khu) do Sở trưng tập.

Ban chỉ đạo và kiểm tra kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở của huyện (quận, thị xã) gồm các thành phần sau:

- Trưởng ban: Trưởng Phòng giáo dục;

- Phó ban: 1 Phó phòng giáo dục phụ trách phổ thông cơ sở;

- Uỷ viên thường trực; Tổ trưởng chuyên môn phụ trách phổ thông cơ sở của Phòng Giáo dục;

- Một số uỷ viên; cán bộ chuyên môn của Phòng Giáo dục và một số Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Tổ trưởng chuyên môn cấp II ở một số trường do Phòng trưng tập.

C) Ban chỉ đạo và kiểm tra thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở của tỉnh (thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương) và của huyện (quận, thị xã) có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

Về nhiệm vụ:

- Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra toàn bộ công việc của kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở của địa phương mình (từ khâu chuẩn bị đến khâu coi thi, chấm thi...) Theo đúng những điều đã quy định trong Quy chế thi và xét tốt nghiệp của Bộ;

- Kiểm tra, xem xét việc thực hiện Quy chế thi và xét tốt nghiệp của các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp trong địa phương và công việc chỉ đạo thi và xét tốt nghiệp của cấp dưới;

- Phát hiện những hiện tượng làm sai hoặc vi phạm Quy chế và kiến nghị cách giải quyết;

- Thu thập ý kiến của học sinh dự thi, các cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp, cơ quan, đoàn thể địa phương, nhân dân và cha mẹ học sinh đối với kỳ thi và xét tốt nghiệp.

Báo cáo với Uỷ ban Nhân dân và cơ quan quản lý giáo dục cấp trên về công tác tiến hành của Ban và tình hình chấp hành Quy chế thi và xét tốt nghiệp của các đơn vị được kiểm tra;

- Kiểm tra và soát xét lại toàn bộ kết quả thi và xét tốt nghiệp của các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp (nếu là Ban chỉ đạo và kiểm tra thi và xét tốt nghiệp của huyện, quận, thị xã) và kết quả thi và xét tốt nghiệp của các huyện, quận, thị xã (nếu là Ban chỉ đạo và kiểm tra của tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương). Việc kiểm tra và xét duyệt kết quả thi và xét tốt nghiệp phải được tiến hành dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Trưởng ban và phải bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể, chính xác, nhanh gọn theo đúng Quy chế của Bộ Giáo dục, của các Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, phát hiện những hiện tượng làm sai hoặc vi phạm Quy chế của cán bộ, giáo viên và học sinh trong việc thi và xét tốt nghiệp, đồng thời kiến nghị với Hội đồng về cách giải quyết để bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi và xét tốt nghiệp và báo cáo kịp thời với cấp trên. Do đó, các cán bộ này được quyền tham gia toàn bộ các hoạt động về việc coi thi, chấm thi và xét tốt nghiệp và phải chịu trách nhiệm bảo đảm bí mật về các công việc của hội đồng như một thành viên của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp.

Trong trường hợp hai bên có sự không nhất trí thì một mặt mọi hoạt động của kỳ thi và xét tốt nghiệp vẫn cứ cho tiến hành theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng, mặt khác phải báo cáo ngay toàn bộ tình hình về Phòng Giáo dục và Ban chỉ đạo và kiểm tra của huyện (quận, thị xã) để xin ý kiến giải quyết.

- Thu thập ý kiến, dư luận của học sinh, cán bộ, giáo viên, cơ quan, đoàn thể địa phương, nhân dân và cha mẹ học sinh đối với kỳ thi và xét tốt nghiệp.

- Viết báo cáo về Phòng Giáo dục và Ban chỉ đạo và kiểm tra của huyện, quận, thị xã về công tác tiến hành kiểm tra, giám sát của tổ và tình hình thực hiện Quy chế của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp trong toàn bộ quá trình coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp.

D) Hội đồng chấm lại bài thi nói trong điều 26 do Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã ra quyết định thành lập, gồm:

- Chủ tịch Hội đồng: Trưởng (hoặc Phó) Phòng Giáo dục;

- Phó chủ tịch Hội đồng: Phó phòng Giáo dục hay tổ trưởng tổ chuyên môn theo dõi phổ thông cơ sở của phòng;

- Thư ký Hội đồng: 1 cán bộ theo dõi chuyên môn phổ thông cơ sở của phòng;

- Giáo viên chấm thi bộ môn của Hội đồng chấm lại phải là những giáo viên giỏi, có trình độ cao về chuyên môn, có kinh nghiệm giảng dạy và làm công tác chấm thi, có tinh thần trách nhiệm và có phẩm chất đạo đức tốt của trường phổ thông cơ sở. Tuỳ theo số lượng đơn khiếu nại về bài thi của học sinh nhiều hay ít mà bố trí số cặp chấm cần thiết cho từng môn để có thể hoàn thành nhanh gọn việc chấm bài lại trong 1 tuần lễ sau khi có quyết định thành lập Hội đồng.

 

VII. VIỆC DUYỆT KẾT QUẢ TỐT NGHIỆP, CẤP BẰNG TỐT NGHIỆP,

BẢO QUẢN VÀ LƯU TRỮ HỒ SƠ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG CƠ SỞ

 

Điều 27, 28, 29 quy định về việc duyệt kết quả tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp, bảo quản và lưu trữ hồ sơ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Khi thực hiện các điều này cần chú ý một số vấn đề sau:

1. Bảng ghi tên ghi điểm từng phòng thi được lập thành 3 bản sau khi đã được kiểm tra xem xét kỹ lưỡng và có chữ ký của Giám đốc (hoặc Phó giám đốc) và dấu xác nhận của Sở Giáo dục phải được coi là tài liệu gốc của kỳ thi và xét tốt nghiệp. Sau khi đã đối chiếu khớp nhau giữa 3 bản và ghi số cấp bằng, bảng ghi tên ghi điểm được lưu trữ không thời hạn tại Sở, Phòng Giáo dục và từng trường.

- Mỗi trường dùng bảng ghi tên ghi điểm niêm yết công bố kết quả tốt nghiệp chính thức và để học sinh ký nhận bằng tốt nghiệp, không phải lập sổ cấp phát bằng riêng;

- Phòng Giáo dục dựa vào bảng ghi tên ghi điểm để soát, xét việc viết bằng tốt nghiệp;

- Sở Giáo dục dựa vào bảng ghi tên ghi điểm để soát, xét bằng tốt nghiệp lần cuối cùng cho từng quận, huyện trước khi ký và đóng dấu.

2. Bằng tốt nghiệp của học sinh phải do Giám đốc Sở Giáo dục ký tên và đóng dấu. Việc ký này có thể ký bằng tay, nếu số lượng học sinh ít; cũng có thể ký bằng cách đóng dấu chữ ký của Giám đốc Sở Giáo dục theo Quyết định số 728-QĐ ngày 27-6-1981 của Bộ Giáo dục, nếu số lượng học sinh quá đông. Trong trường hợp ký bằng cách đóng dấu chữ ký. Giám đốc Sở Giáo dục phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc tổ chức quản lý con dấu đó, không để xảy ra những sai sót đáng tiếc va không được sử dụng con dấu này vào các việc khác.

3. Sau khi ký và đóng dấu vào bằng tốt nghiệp được chuyển về từng trường để cấp phát cho học sinh. Khi nhận bằng, học sinh phải ký nhận và ghi rõ ngày, tháng lĩnh bằng vào cột ghi chú của bảng ghi tên ghi điểm để lưu tại trường. Bằng tốt nghiệp chỉ cần cấp 1 lần, nếu mất bằng mà có đủ lý do chính đáng như bị thiên tại, hoả hoạn... Thì chỉ được cấp lại lần thứ 2. Khi cấp lại bằng, Sở cần ghi rõ bằng cấp lại lần thứ hai và ngày, tháng, năm cấp lại. Đối với những trường hợp khác bị mất bằng, sẽ không cấp lại, Sở chỉ xác nhận đã tốt nghiệp vào trong đơn khai mất bằng của học sinh (sau khi đã thẩm tra qua bảng ghi tên ghi điểm lưu trữ tại Sở).

 

VIII. KHEN THƯỞNG VÀ THI HÀNH KỶ LUẬT

TRONG KỲ THI VÀ XÉT TỐT NGHIỆP

 

Để thực hiện việc khen thưởng và kỷ luật trong kỳ thi và xét tốt nghiệp như đã quy định trong chương VII của Quy chế, cần chú ý mấy vấn đề sau:

1. Về khen thưởng, đối với cán bộ, giáo viên, và những người làm công tác phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp:

A) Các cán bộ, giáo viên và những người làm công tác phục vụ việc coi thi, xét tốt nghiệp có tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì được Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp, Hiệu trưởng hoặc Trưởng phòng giáo dục biểu dương.

B) Các cán bộ, giáo viên và những người làm công tác phục vụ việc coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình thì được Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp đề nghị Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã hoặc Sở Giáo dục cấp giấy khen.

2. Những cán bộ, giáo viên, nhân viên được giao nhiệm vụ trực tiếp làm công tác thi và xét tốt nghiệp hoặc phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp đều phải được phổ biến rõ ràng yêu cầu và cách tiến hành nhiệm vụ của mình.

Nếu vi phạm 1 trong các điều dưới đây sẽ bị lập biên bản tại chỗ, đình chỉ ngay công việc đang làm và tuỳ theo mức độ vi phạm mà đề nghị lên cấp trên thi hành kỷ luật theo các hình thức:

A) Bị khiển trách: Do thiếu tinh thần trách nhiệm nên đã vi phạm quy chế thi và xét tốt nghiệp, song tác hại không lớn như:

- Vắng mặt ở Hội đồng thi và xét tốt nghiệp không có lý do chính đáng;

- Chép sai, sót đề thi đã được Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp phát hiện và đã sửa lại, tuy có gây tác hại nhưng không ảnh hưởng lớn đến việc làm bài của học sinh;

B) Bị cảnh cáo: Vi phạm quy chế thi và xét tốt nghiệp khá nghiêm trọng như:

- Dung túng cho học sinh chép bài hoặc nhìn bài của nhau trong khi thi;

- Chữa giấy khai sinh, học bạ, sổ điểm, bảng ghi tên ghi điểm của học sinh dự thi và xét tốt nghiệp;

- Đánh mất hoặc để thất lạc hồ sơ thi làm cho học sinh không được dự thi;

- Đánh mất bài thi lúc coi thi hoặc lúc chấm thi cản trở việc xét tốt nghiệp cho học sinh;

- Chép sai sót đề thi nhưng không được phát hiện kịp thời làm cho cả phòng thi phải thi lại theo đề thi dự bị;

- Cộng sai, sót điểm thi làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến kết quả thi và xét tốt nghiệp của học sinh.

C) Bị hạ tầng công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật và hạ lương, chuyển đi làm việc khác, nếu vi phạm nghiêm trọng Quy chế thi và xét tốt nghiệp, gây tác hại lớn đến việc tổ chức kỳ thi như:

- Ra đề thi sai kiến thức hoặc ngoài chương trình thi, làm ảnh hưởng đến kết quả thi và xét tốt nghiệp;

- Do thiếu tinh thần trách nhiệm mà để lộ đề thi, gây tác hại nghiêm trọng cho việc tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp;

- Do thiếu tinh thần trách nhiệm mà để mất nhiều bài thi của học sinh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp.

D) Buộc thôi việc hoặc có thể bị truy tố trước pháp luật, nếu vi phạm rất nghiêm trọng Quy chế thi và xét tốt nghiệp, gây tác hại lớn đến việc tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp như:

- Giải bài cho học sinh hoặc chuyển bài cho học sinh (trong lúc đang thi).

- Chữa điểm bài thi để cho học sinh được tốt nghiệp;

- ăn hối lộ để học sinh được tốt nghiệp;

- Cố tình làm lộ hoặc bán đề thi, hướng dẫn chấm, gây tác hại rất nghiêm trọng đến việc tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp ở một địa phương;

-Có hành động chống phá kỳ thi và xét tốt nghiệp hoặc hành hung những người làm công tác thi và xét tốt nghiệp, làm mất trật tự, an ninh ở khu vực thi, làm cho kỳ thi và xét tốt nghiệp phải đình hoãn lại, không thể tiến hành được ở địa phương.

Các hình thức kỷ luật nói trong điều 33 là căn cứ vào ý thức của người phạm lỗi; tính chất, mức độ, tác hại của hành động phạm lỗi mà xử lý.

Vì vậy, khi xét kỷ luật một trường hợp nào đó, cấp quản lý sẽ căn cứ, đối chiếu với các hành động sai phạm và mức độ tác hại đã ghi trong điều này để xử lý cho thoả đáng.

Đối với trường hợp vi phạm khác thì tuỳ theo ý thức của người phạm lỗi, tính chất và tác hại của hành động phạm lỗi mà xử lý theo các hình thức ghi trong điều 33.

Đối với những thành viên người ngoài ngành được cử đến làm nhiệm vụ phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp, nếu có hành động vi phạm Quy chế, gây tác hại đến việc tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp thì Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp cũng vận dụng theo các mức độ sai phạm nói trong điều này để đề nghị với cấp chính quyền hoặc cơ quan trực tiếp quản lý họ xét kỷ luật.

3. Điều 35 quy định các hình thức kỷ luật đối với học sinh dự thi và xét tốt nghiệp. Cụ thể là những học sinh dự thi và xét tốt nghiệp vi phạm một trong các điều dưới đây sẽ bị lập biên bản tại chỗ và xử lý kỷ luật theo các hình thức nói ở điều 35:

A) Bị cảnh cáo, nếu phạm 1 trong các khuyết điểm tương đối nghiêm trọng như:

- Đưa bài cho bạn chép hoặc gà bài cho bạn đã được nhắc đến lần thứ hai mà vẫn tiếp tục vi phạm;

- Chép bài của ban, đã được nhắc nhở đến lần thứ hai mà vẫn tiếp tục vi phạm.

B) Bị huỷ kết quả thi và xét tốt nghiệp, nếu phạm 1 trong các khuyết diểm nghiêm trọng như:

- Mang tài liệu ngoài quy định vào phòng thi (kể từ lúc đọc đè thi trong phòng thi), dù chưa sử dụng hay đã sử dụng;

- Có bài làm giống nhau chứng tỏ đã chép bài của nhau trong khi thi, bị giáo viên chấm thi phát hiện và tổ chấm thi của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp xác nhận (Hội đồng thi và xét tốt nghiệp xem xét kỹ từng trường hợp mà quyết định xử lý);

- Dùng bài làm hoặc giấy nháp của người khác để nộp bài thi của mình, bị giáo viên chấm thi phát hiện và tổ chấm của Hội đồng thi và xét tốt nghiệp xác nhận;

C) Cấm dự thi và xét tốt nghiệp từ 1 đến 2 năm, nếu phạm 1 trong các khuyết điểm như:

- Hành hung cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi, những người phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp, hoặc học sinh dự thi và xét tốt nghiệp, đặc biệt là những kẻ cầm đầu;

- Làm mất trật tự, an ninh khu vực thi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thi và xét tốt nghiệp, đặc biệt là những kẻ cầm đầu.

4. Những thí sinh vi phạm các quy định khác ngoài những điểm đã ghi trong điều 35, như tự sửa chữa trái phép, làm giả học bạ và các hồ sơ khác, đe doạ cán bộ, giáo viên, nhân viên, những người phục vụ kỳ thi và xét tốt nghiệp hoặc học sinh dự thi,... Thì tuỳ tính chất, mức độ nặng nhẹ, tác hại nghiêm trọng của hành động phạm lỗi, Chủ tịch Hội đồng thi và xét tốt nghiệp sẽ xử lý từ hình thức cảnh cáo đến hình thức huỷ bỏ kết quả thi và xét tốt nghiệp, thậm chí có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy tố trước pháp luật.

5. Những trường hợp vi phạm khác của học sinh dự thi, cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi và xét tốt nghiệp ngoài những điều nêu trong Quy chế, nếu tương đương với trường hợp vi phạm nào thì xử lý theo mức độ đó. Trường hợp tái phạm thì phải xử lý kỷ luật ở mức cao hơn 1 mức.

6. Quy chế thi đã quy định từng mức độ phải xử lý kỷ luật nhằm bảo đảm cho kỳ thi và xét tốt nghiệp được nghiêm túc. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chất dân chủ, trước khi quyết định kỷ luật đương sự có quyền khiếu nại với cơ quan quyết định kỷ luật và cơ quan quản lý cấp trên, nhưng trong khi chờ đợi giải quyết, người đó vẫn phải thi hành hình thức kỷ luật đã ghi trong quyết định. Việc thi hành kỷ luật phải căn cứ vào biên bản, việc định hình thức kỷ luật phải có văn bản quyết định, tất cả đều lưu hồ sơ kỷ luật, không được tiến hành tuỳ tiện.

Trên đây là những quy định hướng dẫn thi hành Quy chế thi và xét tốt nghiệp đối với kỳ thi và xét tốt nghiệp phổ thông cơ sở căn cứ theo điều 37 Quy chế thi và xét tốt nghiệp của Bộ.