QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
SỐ 463/1998-QĐ-TCCP-BCTL NGÀY 4 THÁNG 9 NĂM 1998 VỀ VIỆC
BAN HÀNH QUY ĐỊNH THI NÂNG NGẠCH NHÂN VIÊN LÊN CÁN SỰ,
TỪ NGẠCH NHÂN VIÊN, CÁN SỰ LÊN NGẠCH CHUYÊN VIÊN
BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30/9/1992;
Căn cứ Điều 14 Nghị định 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định việc nâng ngạcg công chức;
Căn cứ Nghị định 181/CP ngày 9/11/1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về việc thi nâng ngạch nhân viên lên cán sự , từ ngạch nhân viên, cán sự lên ngạch chuyên viên.
Điều 2. Bản quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này.
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC THI NÂNG NGẠCH NHÂN VIÊN LÊN NGẠCH CÁN SỰ
VÀ TỪ NGẠCH NHÂN VIÊN, CÁN SỰ LÊN NGẠCH CHUYÊN VIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 463/1998/QĐ-TCCP-BCTL
ngày 4 tháng 9 năm 1998 của Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ)
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Việc thi nâng ngạch công chức thực hiện theo nguyên tắc:
1. Nâng ngạch phải căn cứ vào nhu cầu vị trí làm việc.
2. Người dự thi nâng ngạch phải có phẩm chất đạo đức tốt, phải có đủ các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của ngạch mới.
3. Việc tổ chức thi nâng ngạch công chức phải đảm bảo công khai, công bằng dân chủ chất lượng.
Điều 2.
Đối tượng thi nâng ngạch trong ngành hành chính tại quy định này gồm:
A. Từ ngạch nhân viên lên ngạch cán sự.
B. Từ ngạch nhân viên, cán sự lên ngạch chuyên viên.
Điều 3.
Việc tổ chức thi nâng ngạch cho đối tượng quy định tại Điều 2 của quy định này do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) thực hiện.
Điều 4.
Hình thức thi nâng ngạch gồm hai phần bắt buộc:
1. Thi viết.
2. Thi vấn đáp.
Điều 5.
Người dự thi là công chức Nhà nước hoặc đang hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế do cơ quan có thẩm quyền giao và được Hội đồng sơ tuyển của đơn vị cơ sở xét cử đi dự thi.
CHƯƠNG II
ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ DỰ THI VÀ TỔ CHỨC SƠ TUYỂN
Điều 6.
Cơ quan và người cử đi dự thi nâng ngạch phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Cơ quan phải có nhu cầu công việc và vị trí làm việc của ngạch.
2. Người cử đi dự thi phải đảm bảo có đủ các văn bằng, chứng chỉ của ngạch thi theo Quyết định 414/TCCP-VC ngày 29/5/1993 của Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ. Cụ thể:
A. Ngạch cán sự
- Tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp đúng chuyên ngành.
- Được đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước theo nội dung, chương trình của Học viện hành chính quốc gia.
B. Ngạch chuyên viên:
- Tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành.
- Được đào tạo, bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước ngạch chuyên viên theo nội dung, chương trình của Học viện hành chính quốc gia.
- Chứng chỉ ngoại ngữ ở trình độ A.
Điều 7.
1. Các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có đủ tư cách pháp nhân sẽ thành lập Hội đồng sơ tuyển do người đứng đầu cơ quan ra quyết định; lãnh đạo Bộ, ngành quyết định thành lập Hội đồng sơ tuyển để xem xét đối tượng thuộc Văn phòng bộ.
2. Các Sở, Ban, ngành của tỉnh, Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) thành lập Hội đồng sơ tuyển do người đứng đầu Sở, Ban, ngành và huyện quyết định.
3. Thành phần Hội đồng sơ tuyển có 5 người.
A. Ở các cơ quan Trung ương:
- Chủ tịch Hội đồng sơ tuyển là lãnh đạo các đơn vị có tư cách pháp nhân hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Hội đồng sơ tuyển của cơ quan Văn phòng bộ).
- Phó Chủ tịch Hội đồng sơ tuyển là Trưởng phòng tổ chức cán bộ của đơn vị, ở Văn phòng bộ là Phó Văn phòng Bộ.
- Các uỷ viên: do yêu cầu cụ thể của các cơ quan đơn vị cử người có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có uy tín trong cơ quan đơn vị tham gia.
B. Ở các tỉnh:
- Chủ tịch Hội đồng sơ tuyển là lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện.
- Phó Chủ tịch Hội đồng sơ tuyển là: Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở, Ban, ngành, huyện.
- Các uỷ viên do yêu cầu cụ thể của Sở, Ban, ngành, huyện cử các Trưởng, Phó phòng nghiệp vụ hoặc công chức có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có uy tín trong cơ quan, đơn vị tham gia.
4. Nhiệm vụ của Hội đồng sơ tuyển:
- Hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ của người đăng ký dự thi theo đúng yêu cầu tại Khoản 1 Điều 8 của bản quy định này.
- Tổ chức thẩm định, xét duyệt hồ sơ đúng người theo nguyên tắc quy định ở Khoản 2 Điều 8 của bản quy định này.
Điều 8.
Hồ sơ đăng ký dự thi và quy trình tổ chức việc sơ tuyển của người dự thi:
1. Hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch (hồ sơ cá nhân) gồm:
A. Đơn xin dự thi nâng ngạch nhân viên lên cán sự; nhân viên, cán sự lên chuyên viên.
B. Bản đánh giá, nhận xét của đơn vị trực tiếp sử dụng, quản lý công chức về:
- Phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
- ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ luật lao động.
- Trình độ, năng lực, và hiệu quả trong công tác.
- Quan hệ với đồng nghiệp.
C. Bản khai lý lịch khoa học (theo mẫu đính kèm).
D. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu tại điểm 2 Điều 5 (có xác nhận của cơ quan sử dụng, quản lý công chức).
Đ. 2 ảnh cỡ 4x6 và 2 phong bì dán tem, ghi địa chỉ liên lạc. Hồ sơ của người dự thi được đựng trong túi hồ sơ cỡ 21cm x 32cm và gửi về Hội đồng sơ tuyển quy định ở Điều 6.
2. Hội đồng sơ tuyển xét duyệt cử người đi dự thi theo nguyên tắc:
A. Hội đồng sơ tuyển xem xét đơn vị cử người đi dự thi thực tế có nhu cầu, vị trí làm việc của ngạch không?
B. Hội đồng xét duyệt hồ sơ của từng người theo các điều kiện đã nêu ở Khoản 1 điều này; sau đó bỏ phiếu kín. Người được cử đi dự thi phải đạt được từ 2/3 số phiếu trở lên so với tổng số thành viên Hội đồng sơ tuyển.
C. Hội đồng sơ tuyển lập danh sách người dự thi (theo mẫu số 2) và báo cáo lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng sơ tuyển ký văn bản cử người đi dự thi nâng ngạch về Bộ, ngành, tỉnh để tổ chức kỳ thi. Văn bản gửi về Bộ, ngành, tỉnh gồm:
- Công văn gửi Bộ, ngành, tỉnh cử người tham gia dự thi nâng ngạch.
- Danh sách thí sinh (theo mẫu).
- Hồ sơ cá nhân người dự thi (theo danh sách).
CHƯƠNG III
NỘI DUNG THI VÀ TỔ CHỨC THI
Điều 9.
Nội dung thi căn cứ vào tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch cán sự, chuyên viên ban hành kèm theo Quyết định số 414/TCCP-BCTL ngày 20/5/1993 của Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ.
1. Nội dung thi của ngạch cán sự:
A. Phần thi viết:
- Pháp lệnh cán bộ, công chức và những văn bản của Nhà nước hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh.
- Hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước của Bộ, ngành, cấp tỉnh, huyện; hệ thống tổ chức theo chuyên ngành của địa phương.
- Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của tỉnh, huyện, xã theo luật về Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân hoặc theo phân cấp quản lý của Bộ, ngành.
- Cách thể hiện một văn bản (công văn); yêu cầu người dự thi viết dự thảo một văn bản để xem xét khả năng viết, thủ tục văn bản, thẩm quyền ký, ...
B. Phần thi vấn đáp:
Mục đích hỏi thi vấn đáp để xác định khả năng đánh giá, phân tích và cách ứng xử , tri thức xã hội của người dự thi. Do đó, trong thi vấn đáp sẽ tập trung vào một số vấn đề chủ yếu:
- Đưa ra các tình huống xử lý để yêu cầu người dự thi trả lời cách giải quyết.
- Đưa ra những văn bản của các cơ quan để người dự thi nhận xét đúng, sai theo quy định ban hành văn bản của Nhà nước.
- Những yêu cầu hiểu biết theo quy định của tiêu chuẩn nghiệp vụ.
- Những vấn đề về kinh tế - xã hội, công tác quản lý của đơn vị, địa phương.
2. Nội dung thi của ngạch chuyên viên:
A. Phần thi viết:
- Pháp lệnh cán bộ, công chức và những văn bản của Nhà nước hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh.
- Hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam
, hệ thống tổ chức theo chuyên ngành.
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, của Bộ, ngành, của Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã.
- Những vấn đề cơ bản của cải cách hành chính Nhà nước. Mục tiêu và đối tượng của quản lý hành chính Nhà nước.
- Dự thảo một văn bản (công văn, quyết định, chỉ thị, ...) Để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, đời sống của địa phương.
B. Phần thi vấn đáp:
Nội dung hỏi thi vấn đáp là để xác định khả năng nắm bắt vấn đề quản lý, phát hiện năng khiếu, tri thức xã hội của người dự thi, cách xử lý tình huống khi tiếp xúc với đối tượng quản lý. Vì vậy, khi vấn đáp sẽ tập trung vào một số vấn đề chủ yếu:
- Những vấn đề về tình hình phát triển kinh tế, xã hội, đời sống và phát triển của ngành.
- Đưa ra những văn bản của các cơ quan để người dự thi nhận xét nội dung, hình thức và tính pháp lý của văn bản.
- Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành, địa phương đang được thực hiện ở ngành, địa phương.
- Chức năng, nhiệm vụ và vị trí của ngạch chuyên viên.
CHƯƠNG IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.
Hàng năm, các Bộ, ngành, tỉnh phải xây dựng kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch cho các ngạch tại quy định này (về số lượng, thời gian, địa điểm thi,...) Và báo cáo về Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ.
Điều 11.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thi nâng ngạch của Bộ, ngành. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thi nâng ngạch của tỉnh (sau đây gọi là Hội đồng thi).
Hội đồng thi có 5 thành viên, gồm:
A. Ở Trung ương:
- Chủ tịch Hội đồng thi là lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
- Phó Chủ tịch Hội đồng thi là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
- Các thành viên khác là lãnh đạo các Vụ chuyên môn nghiệp vụ.
B. Ở tỉnh:
- Chủ tịch Hội đồng thi là lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh.
- Phó Chủ tịch Hội đồng thi là Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
- Các thành viên khác là lãnh đạo Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh.
Điều 12.
Hội đồng chi có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Hướng dẫn thể lệ, quy chế thi, hồ sơ của người dự thi, nội dung thi, các tài liệu tham khảo, nghiên cứu trước khi thi cho người tham dự kỳ thi (sau đây gọi là thí sinh).
2. Tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách thí sinh thi nâng ngạch.
3. Tổ chức việc ra đề thi, chọn đề thi đảm bảo bí mật, đúng nội dung hướng dẫn thi nâng ngạch và yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức dự thi.
4. Thành lập Ban coi thi, Ban chấm thi và tổ chức chỉ đạo hoạt động của Ban coi thi, Ban chấm thi đảm bảo nghiêm túc, đúng quy chế, khách quan, công khai, công bằng, dân chủ và chất lượng.
5. Quy định đáp án và thang điểm chấm thi.
6. Lập danh sách kết quả thi, công bố kết quả và thông báo điểm cho từng thí sinh dự thi.
7. Tổ chức phúc tra kết quả thi nếu thí sinh có yêu cầu xin phúc tra.
8. Báo cáo kết quả thi nâng ngạch đến Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét gửi văn bản về Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ để thống nhất và ra quyết định công nhận kỳ thi nâng ngạch.
Điều 13.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức thi nâng ngạch theo quy định này phải thực hiện đúng quy trình, nội dung thi nâng ngạch; nếu Bộ, ngành, tỉnh nào không đảm bảo nguyên tắc chung sẽ bị huỷ bỏ quyết định thi nâng ngạch. Đơn vị, cá nhân vi phạm quy chế thi nâng ngạch hoặc có những hành động tiêu cực trong quá trình tổ chức thi nâng ngạch thì tuỳ theo lỗi nhẹ, nặng mà bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14.
Bản quy định này có 5 chương, 13 điều được áp dụng thi nâng ngạch từ nhân viên lên cán sự, từ ngạch nhân viên, cán sự lên ngạch chuyên viên và có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.