HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA SINGAPO VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ
BẢO HỘ ĐẦU TƯ NGÀY 29 THÁNG 10 NĂM 1992
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Singapo (mỗi Chính phủ sau đây được gọi là "Bên ký kết");
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt cho những đầu tư của các công dân và công ty của nước này trên lãnh thổ của nước kia trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi;
Nhận thấy rằng, việc khuyến khích và bảo hộ những đầu tư đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc khuyến khích sáng kiến kinh doanh và làm tăng sự thịnh vượng ở cả hai quốc gia;
Đã thoả thuận như sau:
Điều 1
Định nghĩa
Với mục đích của Hiệp định này:
1. Thuật ngữ "Đầu tư" nghĩa là mọi loại tài sản được mỗi Bên ký kết thừa nhận phù hợp với luật pháp và những quy định của Bên ký kết đó, bao gồm chủ yếu:
a. Động sản, bất động sản và các quyền sở hữu khác như cầm cố, thế chấp hoặc thế nợ;
b. Cổ phiếu, chứng khoán, phiếu ghi nợ vá các quyền lợi tương tự trong các công ty;
c. Chứng quyền về tiền hoặc về các hợp đồng có giá trị kinh tế;
d. Quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, (bằng sáng chế, nhãn hiệu thương mại, kiểu dáng công nghiệp), bí quyết, phương pháp kỹ thuật, tên thương mại và đặc quyền kế nghiệp;
e. Tô nhượng thương mại theo luật định hoặc theo hợp đồng về thăm dò, nuôi trồng, chiết suất hoặc khai thác các tài nguyên thiên nhiên.
2. Thuật ngữ "Thu nhập" nghĩa là những khoản thu nhập từ đầu tư bao gồm lợi nhuận, lãi, các khoản tăng vốn, lãi cổ phần, tiền bản quyền hoặc phí.
3. Thuật ngữ "Công dân" nghĩa là:
a. Về phía Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thể nhân là công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.
b. Về phía Cộng hòa Singapo, bất kỳ công dân nào của Cộng hòa Singapo theo Hiến pháp của Cộng hòa Singapo.
4. Thuật ngữ "Công ty" nghĩa là:
a. Về phía Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một công ty hoặc một pháp nhân được hợp nhất hay thành lập trên lãnh thổ của Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.
b. Về phía Cộng hòa Singapo, bất kỳ công ty, hãng, hiệp hội hoặc tổ chức có hay không có tư cách pháp nhân được hợp nhất, thành lập hoặc đăng ký theo pháp luật hiện hành của Cộng hòa Singapo.
Điều 2
áp dụng Hiệp định
1. Hiệp định sẽ chỉ áp dụng:
a. Về đầu tư trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những đầu tư do công dân và công ty của Cộng hòa Singapo thực hiện, đã được cơ quan có thẩm quyền do Chính phủ Việt Nam chỉ định chuẩn y rõ ràng bằng văn bản và theo những điều kiện mà những đầu tư đó phải đáp ứng, nếu có.
b. Về đầu tư trên lãnh thổ Singapo, những đầu tư do công dân và công ty của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện, đã được cơ quan có thầm quyền do Cộng hòa Singapo chỉ định chuẩn y rõ ràng bằng văn bản và theo những điều kiện mà những đầu tư đó phải đáp ứng, nếu có.
2. Các quy định nói trên sẽ áp dụng đối với những đầu tư do công dân và công ty của một Bên ký kết thực hiện trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, không phân biệt đã thực hiện trước hay sau khi Hiệp định này có hiệu lực
Điều 3
Khuyến khích và bảo hộ đầu tư
1. Mỗi Bên ký kết khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân và công ty của Bên ký kết kia thực hiện trên lãnh thổ của mình những đầu tư phù hợp với chính sách kinh tế chung của mình.
2. Những đầu tư đã được chuẩn y theo Điều 2 được hưởng sự dối xử công bằng, thoả đáng vả sự bảo hộ phù hợp với Hiệp định này.
Điều 4
Quy định về chế độ tối huệ quốc
Không Bên ký kết nào đối xử với những đầu tư trên lãnh thổ của mình đã được chấp nhận phù hợp với các quy định của Điều 2 hoặc với những thu nhập của công dân và công ty của Bên ký kết kia những điều kém thuận lợi hơn so với những điều mà Bên ký kết đó giành cho công dân và công ty của bất kỳ nước thứ ba nào.
Điều 5
Trường hợp ngoại lệ
1. Các quy định của Hiệp định này liên quan đến việc đối xử không kém thuận lợi hơn so với những điều giành cho công dân và công ty của bất kỳ nước thứ ba nào, không bắt buộc một Bên ký kết phải dành cho công dân và công ty Bên ký kết kia những ưu đãi hoặc đặc quyền ghi trong:
a. Bất kỳ sự thoả thuận nào về hải quan, tiền tệ, về các vấn đề thuế hoặc thương mại (kể cả khu vực mậu dịch tự do) hoặc bất kỳ Hiệp định nào trong tương lai về một thoả thuận như vậy; hoặc
b. Bất kỳ sự thoả thuận nào với một nước thứ ba hoặc với các nước cùng khu vực địa lý nhằm xúc tiến sự hợp tác khu vực trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, lao động, công nghiệp hoặc tiền tệ trong khuôn khổ các dự án cụ thể.
2. Các quy định của Hiệp định này sẽ không áp dụng đối với các vấn đề thuế trên lãnh thổ của các Bên ký kết. Các vấn đề thuế sẽ được điều chỉnh theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai Bên ký kết và luật quốc gia của mỗi Bên ký kết.
Điều 6
Tước đoạt quyền sở hữu
1. Không Bên ký kết nào được thực hiện bất kỳ biện pháp nào về tước đoạt quyền sở hữu, quốc hữu hoá hoặc các biện pháp khác có hậu quả tương tự đối với những đầu tư của công dân và công ty của Bên ký kết, trên cơ sở không phân biệt đối xử, phù hợp với pháp luật của mình và phải được bồi thường, việc bồi thường sẽ được thực hiện một cách có hiệu quả và không chậm trễ nếu không có lý do chính đáng. Sự bồi thường tuân theo pháp luật của mỗi Bên ký kết và trị giá vào thời điểm ngay trước khi quyền sở hữu bị tước đoạt, quốc hữu hoá hoặc các biện pháp có hậu quả tương tự. Khoản bồi thường sẽ được tự do chuyển đổi và chuyển về nước.
2. Khi một Bên ký kết tước đoạt quyền sở hữu, quốc hữu hoá hoặc thực hiện các biện pháp có hậu quả tương tự đối với những tài sản của một công ty được sáp nhập hay thành lập theo luật hiện hành ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ nước mình và trong đó các công dân hoặc công ty của Bên ký kết kia có cổ phần, bên đó sẽ đảm bảo rằng, những quy định của khoản 1 Điều này được áp dụng trong trường hợp cần thiết để đảm bảo sự bồi thường đối với những công dân hoặc công ty của Bên ký kết mà họ là chủ sở hữu của cổ phần đó.
Điều 7
Bồi thường do bị thiệt hại
Công dân hoặc công ty của Bên ký kết là những người có đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia bị thiệt hại do chiến tranh hoặc do các xung đột vũ trang, tình trạng khẩn cấp quốc gia, khởi nghĩa, bạo loạn sẽ được Bên ký kết kia đối xử bằng việc bồi thường, hoàn trả, hoặc các giải pháp khác nếu có không kém thuận lợi hơn so với sự đối xử giành cho công dân hoặc công ty của bất kỳ nước thứ ba nào.
Điều 8
Chuyển vốn về nước
Mỗi Bên ký kết sẽ bảo đảm cho các công dân hoặc công ty của Bên ký kết kia việc tự do chuyển các khoản vốn, thu nhập từ bất kỳ đầu tư nào trên cơ sở không phân biệt đối xử, bao gồm:
a. Lợi nhuận, lãi về vốn, lãi cổ phần, tiền bản quyền, lãi và các thu nhập khác phát sinh từ bất kỳ đầu tư nào;
b. Các khoản thu từ thanh lý toàn bộ hoặc từng phần của bất kỳ đầu tư nào;
c. Các khoản thanh toán theo các Hiệp định vay liên quan đến các đầu tư;
d. Lệ phí giấy phép liên quan các vấn đề nêu ở Điều 1 khoản 1 mục d;
e. Các khoản thanh toán liên quan đến sự trợ giúp kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật và lệ phí quản lý;
f. Các khoản thanh toán liên quan đến các dự án ký hợp đồng;
g. Các khoản thu nhập của công dân của Bên ký kết kia làm việc cho dự án đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết này.
Điều 9
Tỷ giá hối đoái
Sự chuyển tiền nêu ở Điều 6 đến Điều 8 của Hiệp định này sẽ được thực hiện theo tỷ giá thị trường vào ngày chuyển bằng đồng tiền chuyển đổi. Trong trường hợp không có tỷ giá thị trường sẽ áp dụng tỷ giá hối đoái chính thức.
Điều 10
Luật áp dụng
Để tránh nghi ngờ, cần khẳng định tất cả đầu tư theo Hiệp định này phải tuân theo pháp luật hiện hành trên lãnh thổ của Bên ký kết mà những đầu tư đó được thực hiện.
Điều 11
Điều cấm và hạn chế
Các quy định của Hiệp định này không hạn chế quyền của mỗi Bên ký kết áp dụng những điều cấm hoặc hạn chế nào hay tiến hành bất cứ hoạt động nào, khi những điều cấm hoặc hạn chế đó liên quan đến:
Sẽ bảo hộ quyền lợi cơ bản về an ninh;
Việc bảo vệ sức khoẻ của nhân dân; hoặc
Phòng chống dịch bệnh và côn trùng cho động vật và cây cối.
Điều 12
Sự thế quyền
1. Trong trường hợp một trong hai Bên ký kết (hoặc hãng, tổ chức, cơ quan do luật pháp quy định hay công ty được uỷ quyền) đã thanh toán cho công dân và công ty của mình theo khiếu nại của họ trong khuôn khổ Hiệp định này, để thực hiện việc đền bù một khoản đầu tư hoặc một phần của khoản đầu tư đó, thì Bên ký kết kia công nhận rằng, Bên ký kết (hoặc hãng, tổ chức, cơ quan do luật pháp quy định hay công ty được uỷ quyền) được hưởng sự thế quyền để thực hiện các quyền và quyền khiếu nại của công dân và công ty của mình. Quyền và quyền khiếu nại được thế quyền này sẽ không lớn hơn quyền và quyền khiếu nại ban đầu của nhà đầu tư.
2. Bất kỳ thanh toán nào do một Bên ký kết (hoặc hãng, tổ chức, cơ quan do pháp luật quy định hoặc công ty được uỷ quyền) thực hiện cho công dân và công ty của mình sẽ không ảnh hưởng đến quyền của công dân và công ty đó được khiếu nại Bên ký kết kia theo Điều 13.
Điều 13
Tranh chấp về đầu tư
1. Bất kỳ tranh chấp nào giữa công dân hoặc công ty của một Bên ký kết với Bên ký kết kia về đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, sẽ cố gắng hòa giải bằng thương lượng giữa các Bên tranh chấp. Bên có ý định giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng sẽ gửi thông báo đến Bên kia về ý định của mình.
2. Nếu việc tranh chấp không giải quyết được như dã nêu trong khoản 1 của Điều này trong vòng 6 tháng kể từ ngày có thông báo như nêu dưới đây, Bên ký kết và nhà đầu tư có liên quan sẽ đưa vụ tranh chấp ra hòa giải theo các Nguyên tắc về hòa giải năm 1980 của Uỷ ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế hoặc đưa ra trọng tài theo các Nguyên tắc về Trọng tài năm 1976 của Uỷ ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế theo những điều khoản dưới đây:
a. Về các thủ tục hòa giải, sẽ có 2 thành viên hòa giải do mỗi Bên chỉ định một người;
b. Về các thủ tục trọng tài, sẽ áp dụng theo các điều khoản sau:
i) Toà án trọng tài gồm 3 trọng tài viên. Mỗi Bên sẽ chọn một trọng tài viên, hai trọng tài viên này trên cơ sở cùng thoả thuận sẽ chỉ định một người là công dân của một nước thứ ba có quan hệ ngoại giao với Chính phủ của các Bên tranh chấp làm Chủ tịch. Các trọng tài viên này được chỉ định trong vòng hai tháng kể từ ngày một trong các Bên tranh chấp thông báo cho Bên kia về ý định đưa vụ tranh chấp ra Toà án Trọng tài trong khoảng thời gian 6 tháng như đã quy định tại khoản 2 của Điều này.
ii) Phán quyết của Toà án Trọng tài sẽ được thực hiện theo các điều khoản của Hiệp định này phù hợp với luật quốc gia có liên quan, kể cả các nguyên tắc về luật xung đột trên lãnh thổ của Bên ký kết xảy ra tranh chấp đầu tư, cũng như những nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật quốc tế.
iii) Nếu các sự chỉ định cần thiết không được thực hiện trong khoảng thời gian nêu ở khoản 2 (b) (i) và không có sự thoả thuận nào khác, thì một trong các Bên yêu cầu Tổng thư ký của Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư thực hiện sự chỉ định cần thiết.
iv) Toà án Trọng tài sẽ quyết định bằng cách bỏ phiếu theo đa số.
v) Quyết định của Toà án Trọng tài sẽ là cuối cùng và bắt buộc các bên phải tuân theo các quy định của phán quyết đó.
vi) Toà án Trọng tài sẽ tuyên bố những cơ sở của quyết định của mình và tuyên bố những lý do theo yêu cầu của một trong các Bên.
vii) Mỗi Bên liên quan sẽ chịu chi phí cho trọng tài của mình và các đại diện của mình trong quá trình tố tụng. Chi phí cho Chủ tịch trong việc thực hiện chức năng trọng tài của mình và các chi phí còn lại của Toà án Trọng tài sẽ do các Bên cùng chịu bằng nhau. Tuy nhiên, Toà án Trọng tài có thể quyết định một trong hai Bên chịu chi phí cao hơn, và quyết định này sẽ là bắt buộc đối với hai Bên.
3. Những quy định của Điều này sẽ không ảnh hưởng bất lợi đến các Bên ký kết trong việc áp dụng những thủ tục được quy định ở Điều 14 khi việc tranh chấp liên quan đến việc hiểu hoặc áp dụng Hiệp định này.
Điều 14
Tranh chấp giữa các Bên ký kết
1. Bất kỳ tranh chấp nào giữa các Bên ký kết liên quan đến việc hiểu và áp dụng Hiệp định này, trong chừng mực có thể, sẽ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
2. Nếu vụ tranh chấp đó không được giải quyết thì theo yêu cầu của một trong các Bên ký kết, vụ tranh chấp sẽ được đưa ra Toà án Trọng tài. Toà án Trọng tài (sau đây được gọi là "Toà án") gồm có 3 trọng tài viên, mỗi Bên ký kết chỉ định một người và người thứ ba sẽ do hai Bên ký kết thoả thuận chỉ định làm Chủ tịch Toà án.
3. Trong thời hạn hai tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu về trọng tài, mỗi Bên ký kết sẽ chỉ định một trọng tài viên và trong vòng hai tháng kể từ khi chỉ định các trọng tài viên đó, các Bên ký kết sẽ thoả thuận chỉ định trọng tài thứ ba.
4. Nếu Toà án không được thiết lập trong thời hạn 4 tháng kể từ khi nhận được yêu cầu về trọng tài, thì một trong các Bên ký kết sẽ mời Chủ tịch của Toà án Trọng tài quốc tế chỉ định một trọng tài viên hoặc các trọng tài viên còn thiếu nếu không có bất kỳ thoả thuận nào khác. Nếu Chủ tịch là công dân của một trong các Bên ký kết hoặc không thể thực hiện dược việc đó thì sẽ mời Phó Chủ tịch. Nếu Phó Chủ tịch là công dân của một trong các Bên ký kết hoặc cũng không thể thực hiện được việc đó thì thành viên cao cấp tiếp theo của Toà án quốc tế không phải là công dân của một trong các Bên ký kết được mời để thực hiện sự chỉ định cần thiết.
5. Toà án sẽ quyết định bằng cách bỏ phiếu theo đa số.
6. Quyết định của Toà án là cuối cùng và các Bên ký kết phải tuân theo các quy định của phán quyết đó.
7. Mỗi Bên ký kết sẽ chịu chi phí cho trọng tài viên của mình và các đại diện của mình trong quá trình tố tụng. Chi phí cho Chủ tịch Toà án và các chi phí còn lại sẽ do hai Bên cùng chịu bằng nhau. Tuy nhiên, Toà án có thể quyết định một trong hai Bên chịu chi phí cao hơn và quyết định này là bắt buộc đối với cả hai Bên.
8. Ngoài những điều nêu trên, Toà án sẽ quy định những thủ tục riêng.
Điều 15
Các nghĩa vụ khác
Nếu pháp luật của một trong các Bên ký kết hoặc các nghĩa vụ quốc tế hiện có hoặc được xây dựng sau này giữa các Bên ký kết để bổ sung cho Hiệp định này, cho phép những đầu tư của các công dân Bên ký kết kia được hưởng sự đối xử thuận lợi hơn so với những đối xử nêu trong Hiệp định này, những quy định như vậy sẽ không bị Hiệp định này chi phối. Ngoài những cam kết nêu ở Hiệp định này, các công dân hoặc công ty của mỗi Bên ký kết sẽ tôn trọng bất cứ cam kết nào liên quan tới những đầu tư của họ phù hợp với luật pháp của mình.
Điều 16
Hiệu lực, thời hạn và kết thúc
1. Mỗi Bên ký kết sẽ thông báo cho Bên ký kết kia về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ cần thiết để Hiệp định này có hiệu lực. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 kể từ ngày có thông báo của Bên ký kết kia.
2. Hiệp định này có hiệu lực trong thời gian 10 năm và tiếp tục có hiệu lực sau đó, trừ khi trước thời hạn kết thúc 10 năm đầu, một trong hai Bên ký kết thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết kia về ý định kết thúc Hiệp định này. Thông báo về kết thúc sẽ có hiệu lực 1 năm sau khi Bên kia nhận được thông báo đó.
3. Liên quan tới những đầu tư được thực hiện trước ngày thông báo kết thúc Hiệp định này thì các điều khoản từ Điều 1 đến Điều 15 sẽ tiếp tục có hiệu lực thêm 10 năm nữa kể từ ngày Hiệp định này hết hiệu lực.
Những người có tên dưới đây được Chính phủ các Bên uỷ quyền ký Hiệp định này.
Hiệp định này được làm thành hai bản tại Singapo ngày 29 tháng 10 năm 1992 bằng tiếng Anh và tiếng Việt, cả hai bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự hiểu khác nhau giữa hai bản, thì sẽ căn cứ vào bản tiếng Anh.