• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 17/09/1998

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 1109/CP-VX NGÀY 15 THÁNG 9 NĂM 1998
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 5

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA VIII)

VỀ ''XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM

TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC''

 

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã đề ra nhiệm vụ ''Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc'' trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước động viên toàn Đảng, toàn dân dấy lên cao trào thi đua yêu nước, phát huy các tiềm năng văn hóa, phát triển sâu rộng cuộc vận động văn hóa ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'', góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã xây dựng chương trình hành động dựa trên những nguyên tắc sau:

- Bám sát phương hướng chung, 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, 10 nhiệm vụ cụ thể, 4 nhóm giải pháp lớn của công tác văn hóa đã được trình bày trong Nghị quyết.

- Quán triệt các yêu cầu cơ bản và lâu dài, nhưng trước mắt tập trung cho những nhiệm vụ cấp bách từ nay đến năm 2000 và một số năm tiếp theo.

- Chỉ đưa vào chương trình những nhiệm vụ có tính bao quát, liên ngành, có tính khả thi cao và xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và thời hạn thực hiện; những nhiệm vụ cụ thể trong phạm vi trách nhiệm của Bộ, ngành thì từng Bộ, ngành tự xác định riêng.

Yêu cầu chung của chương trình hành động là:

- Thông qua việc xác lập nhiệm vụ cụ thể để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trong các cơ quan nhà nước đến ngoài xã hội, trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, tạo nên mối quan tâm thường xuyên của xã hội đối với công tác văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của cuộc sống, bồi dưỡng những con người có trình độ văn hóa cao, làm nguồn lực cơ bản cho sự phát triển bền vững của đất nước. Coi trọng việc phát huy vai trò gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa của cán bộ đảng viên, viên chức Nhà nước.

- Trên cơ sở xác lập các nhiệm vụ cụ thể từ nay đến năm 2000, nhìn rõ những việc cấp bách phải làm trong sự tương quan và thống nhất với những vấn đề thực hiện lâu dài, cần soạn thảo các đề án và quyết sách cụ thể thúc đẩy các ngành, các cấp, trước hết là ngành Văn hóa Thông tin thực sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý Nhà nước về văn hóa, triển khai cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'' gắn với phong trào thi đua ''Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh''.

- Xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết giữa các ban, ngành Trung ương, giữa trung ương với địa phương, có phương thức lồng ghép thích hợp các nhiệm vụ ở cơ sở, làm cho hoạt động văn hóa được quản lý chặt chẽ, thống nhất đồng thời không ngừng nâng cao tính xã hội hóa, khả năng đóng góp ngày càng rộng rãi của xã hội.

Về nội dung:

Chương trình hành động tập trung vào 3 nội dung chính sau đây:

. Tổ chức tuyên truyền quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 và triển khai phong trào ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa''.

. Xây dựng các đề án phát triển sự nghiệp văn hóa - văn học - nghệ thuật - thông tin.

. Xây dựng luật pháp và các cơ chế chính sách.

Sau đây là những nội dung cụ thể.

 

A- NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

 

I. TỔ CHỨC TUYÊN TRUYỀN QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 5 VÀ TRIỂN KHAI PHONG TRÀO ''TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA''.

 

1. Tổ chức tuyên truyền quán triệt Nghị quyết Trung ương 5.

- Việc học tập quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 sẽ do các cơ quan Đảng chỉ đạo.

- Các cơ quan Nhà nước các cấp tạo điều kiện để mọi cán bộ, công nhân viên đều được nghiên cứu Nghị quyết. Các cơ quan thông tin cần làm tốt việc giới thiệu tinh thần cơ bản của Nghị quyết với các tầng lớp nhân dân. Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước làm tốt việc kiểm điểm trách nhiệm chăm lo công tác văn hóa và nội dung rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống trong ngành, cơ quan, đơn vị; xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.

- Bộ Văn hóa - Thông tin phải làm tốt việc triển khai Nghị quyết trong ngành, đồng thời cung cấp kịp thời các tài liệu nghiên cứu về Nghị quyết, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết trong cán bộ và nhân dân.

+ Thời gian tiến hành: từ tháng 8 năm 1998

+ Thời hạn kết thúc: Quý IV năm 1998

2. Phát động phong trào ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa''.

- Cần xây dựng đề án cụ thể bao gồm: Mục đích, yêu cầu, nội dung, tiêu chí, biện pháp tổ chức thực hiện, các kiến nghị, đề xuất.

- Tổ chức học tập và triển khai phong trào rộng khắp tới mọi tầng lớp xã hội, kiên quyết khắc phục những vấn đề nhức nhối về tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng môi trường văn hóa, văn minh, lành mạnh trong từng gia đình, từng làng, xã, khu phố, cơ quan, xí nhiệp, trường học, các đơn vị trong lực lượng vũ trang...

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - Thông tin

+ Cơ quan phối hợp: Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

+ Đoàn thể phối hợp: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

+ Thời hạn hoàn thành đề án: Quý III năm 1998.

3. Xây dựng Đề án tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.

- Xây dựng nội dung thi đua, tiêu chí khen thưởng.

- Biểu dương các nhân tố mới, con người mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Biểu dương cá nhân, tập thể điển hình trong phong trào ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa''.

+ Cơ quan chủ trì: Viện Thi đua khen thưởng Nhà nước.

+ Cơ quan phối hợp: Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Ban Khoa giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

+ Thời hạn hoàn thành: Quý IV năm 1998

 

II. XÂY DỰNG CÁC ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÔNG TIN.

 

1. Đề án bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

- Xây dựng phương án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bao gồm các di sản văn hóa dân gian truyền thồng, chú trọng các di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, di sản cách mạng tiêu biểu và di sản cảnh quan thiên nhiên môi trường.

- Tiến hành tổng điều tra di sản văn hóa, từng bước quy hoạch có phương thức bảo tồn và biện pháp quản lý.

- Có chương trình phiên dịch, giới thiệu kịp thời kho tàng văn hóa Hán - Nôm.

- Tiếp tục triển khai chương trình về văn hóa với 4 mục tiêu: chống xuống cấp và tôn tạo các di tích lịch sử; phát triển điện ảnh Việt Nam; phát triển văn hóa, thông tin cơ sở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; điều tra, sưu tầm, nghiên cứu và phát huy vốn văn hóa dân tộc (văn hóa phi vật thể).

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - Thông tin.

+ Cơ quan phối hợp: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Tổng cục Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

+ Đoàn thể phối hợp: Các Hội văn học nghệ thuật.

+ Thời hạn hoàn thành: Quý I năm 1999

2. Đề án xây dựng làng, xã, khu phố văn hóa.

Phát huy năng lực tự tổ chức đời sống văn hóa ở làng, xã, khu phố. Tổng kết phong trào xây dựng làng, bản, ấp, khu phố văn hóa ở nông thôn và thành thị, rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm xây dựng các mô hình câu lạc bộ gia đình văn hóa, tụ điểm sinh hoạt văn hóa, các mô hình cưới, tang, giỗ, mừng thọ, lễ hội thực hiện theo nếp sống văn minh; hiệu quả phát triển kinh tế, lập lại trật tự kỷ cương, khôi phục văn hóa truyền thống ở các làng, xã, khu phố văn hóa. Xây dựng gia đình văn hóa.

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - Thông tin

+ Cơ quan phối hợp: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ủy ban Dân tộc và Miền núi.

+ Đoàn thể phối hợp: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

+ Thời hạn hoàn thành: Quý IV năm 1998

3. Đề án phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

Thực hiện có hiệu quả một số chương trình tài trợ văn hóa cho miền núi và các dân tộc thiểu số. Giúp đỡ đồng bào giữ gìn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết dân tộc. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác văn hóa, nâng cao chất lượng và tăng thêm số lượng chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc, lồng tiếng dân tộc trong phim, băng hình. Đưa sách báo và các ấn phẩm văn hóa phù hợp tơí bản, làng, vùng sâu, vùng xa, hải đảo (khu vực III). Tăng cường đào tạo cán bộ là người dân tộc, có chính sách khuyến khích cán bộ dân tộc về công tác ở địa phương, giúp đỡ văn nghệ sĩ dân tộc sáng tác, phổ biến tác phẩm. Có chính sách ưu đãi cán bộ văn hóa công tác ở miền núi...

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - Thông tin

+ Cơ quan phối hợp: ủy ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.

+ Đoàn thể phối hợp: Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số.

+ Thời hạn hoàn thành: Quý II năm 1999

4. Đề án xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại các công trình tín ngưỡng - tôn giáo.

Nhiều công trình tín ngưỡng - tôn giáo ngoài ý nghĩa sinh hoạt tâm linh, còn là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, thu hút đông người tham gia. Đó cũng là môi trường thường nảy sinh các tệ nạn xã hội và hủ tục nên phải có sự quy hoạch sắp xếp, hướng dẫn và quản lý của các cấp chính quyền để tạo ra môi trường văn hóa văn minh, sạch, đẹp, an toàn.

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - thông tin.

+ Cơ quan phối hợp: Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, ủy ban Dân tộc và Miền núi, Tổng cục Du lịch, Bộ Tư pháp.

+ Đoàn thể phối hợp: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

+ Thời hạn hoàn thành: Quý I năm 1999.

5. Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ văn hóa quốc gia.

- Huy động các nguồn vốn trong nước, ngoài nước. Có chính sách động viên một phần lãi từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực sản xuất có lợi nhuận cao đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ văn hóa.

- Có cơ chế quản lý và thu hút nguồn vốn phát triển quỹ.

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính.

+ Cơ quan phối hợp: Bộ Văn hóa - Thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

+ Thời hạn hoàn thành: Quý I năm 1999.

6. Đề án về các chính sách phát triển văn học nghệ thuật.

Chú trọng đầu tư cho sáng tác, phổ biến tác phẩm, bảo hộ quyền tác giả. Có chính sách ưu đãi đối với những tài năng đặc biệt về văn học nghệ thuật. Tài trợ những sáng tác văn học - nghệ thuật về đề tài lịch sử dân tộc, cách mạng và thiếu nhi. Xây dựng hệ số lương thích ứng đối với một số lĩnh vực văn học nghệ thuật. Xây dựng Bảo tàng chuyên ngành văn học nghệ thuật, trước mắt là Bảo tàng Văn học Việt Nam. Bổ sung chế độ phụ cấp đặc thù, phương án độ tuổi nghỉ hưu ...

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - Thông tin.

+ Cơ quan phối hợp: Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.

+ Đoàn thể phối hợp: Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật và các Hội chuyên ngành Trung ương.

+ Thời hạn hoàn thành: Quý I năm 1999.

7. Đề án phát triển văn hóa thông tin đối ngoại.

Đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ (nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân) nhằm mở rộng giao lưu, giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực.

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - Thông tin.

+ Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Bộ Công an, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

+ Đoàn thể phối hợp: Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật và các Hội chuyên ngành Trung ương.

+ Thời hạn hoàn thành: Quý IV năm 1998.

8. Các đề án về Chiến lược phát triển văn hóa và Chiến lược phát triển thông tin từ 2001 đến 2010.

Phối hợp với Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và đáp ứng yêu cầu chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 9, cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa và chiến lược phát triển thông tin trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Các đề án phải cụ thể hóa một bước những tư tưởng cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết Đại hội Đảng VIII, làm rõ các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp và bước đi của hoạt động văn hóa và thông tin trong bối cảnh mới của đất nước và thế giới.

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - Thông tin.

+ Cơ quan phối hợp: Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ủy ban Thể dục Thể thao, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Phân viện báo chí tuyên truyền Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

+ Đoàn thể phối hợp: Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.

 

III. XÂY DỰNG LUẬT PHÁP VÀ CÁC CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

 

1. Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa dân tộc, Luật Quảng cao, Luật Điện ảnh, Luật Xuất bản (sửa đổi).

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - Thông tin.

+ Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

+ Thời hạn hoàn thành Luật Báo chí (sửa đổi): Quý IV năm 1998.

+ Thời hạn hoàn thành Luật Di sản văn hóa dân tộc: Quý II năm 1999.

+ Thời hạn hoàn thành Luật Quảng cáo, Luật điện ảnh, Luật Xuất bản (sửa đổi): Quý III năm 1999.

2. Chính phủ trình ủy ban Thường vụ Quốc hội các Pháp lệnh: Pháp lệnh Thư viện, Pháp lệnh Internet, Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước (sửa đổi), Pháp lệnh Giải thưởng Hồ Chí Minh (sửa đổi), Quy chế giải thưởng đối với văn học nghệ thuật và báo chí, xuất bản.

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - Thông tin.

+ Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổng cục Bưu điện.

+ Đoàn thể phối hợp: Các Hội văn học nghệ thuật liên quan.

+ Thời hạn hoàn thành: Quý II năm 1999 (riêng Pháp lệnh Thư viện hoàn thành trong quý IV năm 1998).

3. Chính phủ ban hành chính sách về tổ chức và hoạt động văn hóa thông tin cơ sở.

Tăng cường cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở như trạm văn hóa thông tin xã, phường, cụm thông tin ở vùng cao. Cán bộ hoạt động văn hóa - thông tin cấp xã, phường được đào tạo. Có chính sách khuyến khích các đội thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động hoạt động ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - Thông tin.

+ Cơ quan phối hợp: Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, ủy ban Thể dục Thể thao, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng cục Bưu điện.

+ Thời hạn hoàn thành: Quý IV năm 1998.

4. Ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa.

Tạo điều kiện để nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, đồng thời huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo và phát triển hoạt động văn hóa trên các lĩnh vực, đảm bảo văn hóa phát triển đa dạng, phong phú dưới sự quản lý của Nhà nước và định hướng của Đảng.

Thực hiện quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, cần sớm xử lý một số vấn đề sau:

- Miễn giảm một số thuế chưa hợp lý đối với một số hoạt động văn hóa.

- Quy định cụ thể cho phép các doanh nghiệp đặc thù của ngành văn hóa thông tin (Hãng phim, Nhà xuất bản, Trung tâm triển lãm, cửa hàng sách, tu bổ di tích, Công ty Phát hành phim và chiếu bóng ...) Được hưởng mức thuế ưu đãi trong hoạt động kinh doanh (thuế đất, thuế vốn khấu hao cơ bản ...).

- Có chính sách cho phép các đơn vị văn hóa nghệ thuật được hoạt động kinh doanh dịch vụ để thêm nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động sự nghiệp và tăng cường cơ sở vật chất hoạt động văn hóa thông tin ở cơ sở.

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - Thông tin.

+ Cơ quan phối hợp: Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

+ Thời hạn hoàn thành: Quý IV năm 1998.

+ Cơ quan phối hợp: Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Xây dựng chính sách ưu đãi về hưởng thụ văn hóa đối với một số đối tượng xã hội.

Có chính sách quan tâm cụ thể với một số đối tượng như gia đình có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, quân nhân ... Nhân dân vùng căn cứ cách mạng, kháng chiến, chiến khu, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, miền núi đặc biệt là 1.700 xã nghèo và một số đối tượng xã hội bị thiệt thòi khác được ưu đãi hưởng thụ văn hóa.

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa - thông tin.

+ Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ủy ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Quốc phòng.

+ Thời hạn hoàn thành: Quý I năm 1999.

 

B- TỔ CHỨC VÀ THỰC HIỆN

 

I. CƠ QUAN CHỦ TRÌ.

 

- Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và lập biểu lịch thời gian cụ thể, thực hiện soạn thảo văn bản Luật, dưới Luật và các đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ. Yêu cầu đề án phải cụ thể, có tính khả thi, phân công trách nhiệm rõ ràng.

- Xây dựng dự toán kinh phí tổ chức các đầu việc.

- Là đầu mối liên kết các cơ quan, đoàn thể phối hợp.

- Thực hiện kiểm tra, đôn đốc và báo cáo kết quả công việc với Chính phủ.

 

II- CƠ QUAN, ĐOÀN THỂ PHỐI HỢP.

 

- Phối hợp cùng cơ quan chủ trì khảo sát thực tiễn, đóng góp ý kiến xây dựng văn bản Luật, dưới Luật và các đề án cụ thể.

- Tuỳ tính chất của từng công việc Chính phủ yêu cầu cơ quan, đoàn thể phối hợp triển khai công việc cụ thể trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 của Chính phủ.