• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 05/03/1962

CÔNG VĂN

CỦA BAN CẢI TẠO CÔNG THƯƠNG NGHIỆP TƯ DOANH TRUNG ƯƠNG SỐ 19/CT NGÀY 5 THÁNG 3 NĂM 1962 VỀ CHÍNH SÁCH CỤ THỂ
ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT CỦA THIÊN CHÚA GIÁO

 

Kính gửi: Các Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh các khu, tỉnh, thành phố

 

Ngày 5 tháng 7 năm 1961 Thường vụ Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh TW có Thông tư số 142/ BCT hướng dẫn một số vấn đề về chính sách cụ thể đối với nhà, đất của Thiên chúa giáo hiện nay ở các thành phố, thị xã. Đến nay qua quá trình thực hiên, chúng tôi thấy còn có một số vấn đề cụ thể chưa được giải thích rõ, nay xin nói rõ thêm để các địa phương dễ dàng hơn trong việc thực hiện:

 

1. Đối với những nhà cửa của Hội truyền giáo người Việt Nam, xây dựng trước đây với mục đích để cho thuê bóc lột theo lối kinh doanh tư bản chủ nghĩa, thì nay đều tiến hành cải tạo và quản lý thống nhất vào Nhà nước, không có gì khác với mục đích yêu cầu cải tạo nói chung. Nếu những nhà cửa đó là nhà tranh, nhà lá sơ sài, thì Nhà nước vẫn quản lý và giao cho người hiện đang thuê tiếp tục sử dụng theo như chính sách chung đối với nhà tranh, nhà lá.

2. Đối với nhà cửa của Hội truyền giáo người ngoại quốc, Hội bất động sản, hoặc các tổ chức biến tướng của những người giáo sĩ ngoại quốc, mà nay các tổ chức này không hoạt động nữa và họ cũng không có mặt tại đây, thì dù có người quản lý để sử dụng hoặc cho thuê cũng đều phải giao lại cho Nhà nước trực tiếp quản lý và phân phối sử dụng. Riêng đối với nhà cửa của cá nhân giáo sĩ là người ngoại quốc thì áp dụng chính sách quản lý như đối với tài sản ngoại kiều, nhưng cần xét kỹ về thực quyền sở hữu.

3. Đối với nhà cửa xây dựng trước đây nhằm để phục vụ cho các hoạt động của tôn giáo như: trường học, nhà in, nhà mồ côi, nhà tu kín, viện tu nữ v.v... Nhưng từ ngày hoà bình lập lại đến nay họ không dùng đến, có nơi đến nay vẫn còn bỏ trống, có nơi cơ quan vận động để sử dụng vào các công việc chung, có nơi họ cho quần chúng giáo dân đến ở nhờ hoặc thuê.

Đối với loại nhà cửa này, nếu là của Hội truyền giáo ngoại quốc thì giải quyết như điểm 2 nói trên; nếu là của Hội truyền giáo người Việt Nam thì cần giải quyết như sau:

+ Nhà nào đến nay vẫn còn bỏ trống chưa sử dụng đến, thì chính quyền địa phương, nếu xét thấy cần thiết, vận động họ để sử dụng.

+ Nhà nào lâu nay cơ quan đã vận động họ để sử dụng không phải trả tiền thuê, thì nay vẫn tiếp tục sử dụng như trước, nhưng cơ quan đó phải có trách nhiệm tu sửa khi nhà bị hư hỏng, chi phí về tu sửa tốn hết bao nhiêu phải báo cáo cho chủ nhà biết và có chứng từ hoá đơn để lưu chiểu. Nhà nào cơ quan sử dụng có trả tiền thuê, thì nay cơ quan vẫn tiếp tục sử dụng, tiền thuê nhà sau khi đã trừ tiền thuế thổ trạch và các chi phí quản lý khác, cơ quan sẽ trích trả cho chủ 25%; số còn lại sẽ gửi vào Ngân hàng để dùng vào việc tu sửa nhà.

+ Nhà lâu nay biến thành nhà cho thuê và hiện quần chúng đang thuê ở, hoặc ở nhờ, thì coi như nhà cho thuê, Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý và phân phối sử dụng. Riêng đối với người ở nhờ thì cần thi hành đúng chính sách như Điều 3 của Thông tư số 120/BCT ngày 9 tháng 6 năm 1961 của Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung ương.

4. Đối với những nhà cửa cho thuê trong nội tự (khu vực thuần tuý nhà thờ) thì dù diện tích cho thuê nhiều hay ít, Nhà nước cũng không thống nhất quản lý như những nhà cửa cho thuê khác; và Nhà nước cũng không buộc họ phải thi hành một điều khoản nào trong điều lệ tạm thời về thuê mượn nhà cửa.

Song để bảo đảm quyền lợi cư trú của những người hiện đang ở thuê trong những nhà cửa đó, Nhà nước chỉ yêu cầu họ không được bắt chẹt người thuê lấy giá quá cao; và mỗi khi nhà hư hỏng họ phải có trách nhiệm tu sửa nhà cửa lại cho tốt để đảm bảo đời sống cư trú cho người ở thuê. Đồng thời đối với người ở thuê cần phải giáo dục để họ thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ nhà cửa mình đang thuê ở cho tốt.

Trên đây là một số vấn đề cụ thể cần nói rõ thêm về chính sách đối với nhà cửa cho thuê của Thiên chúa giáo. Trong khi thực hiện nếu có vấn đề gì khó khăn trở ngại, các địa phương báo cáo kịp thời về Trung ương, để chúng tôi nghiên cứu và góp ý giải quyết .