• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 14/06/1962

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 69/CP, NGÀY 14 THÁNG 06 NĂM 1962
QUY ĐỊNH NHỮNG VẤN ĐỀ THUỘC PHẠM VI BÍ MẬT CỦA NHÀ NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC GIỮ GÌN BÍ MẬT CỦA NHÀ NƯỚC

 

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Sắc lệnh số 69-SL ngày 10-12-1951 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà về việc đặt chế độ giữ gìn bí mật Nhà nước.

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 18-5-1960.

NGHỊ ĐỊNH

 

CHƯƠNG I
NGUYÊN TẮC CHUNG

 

Điều 1: Việc giữ gìn bí mật của Nhà nước có quan hệ trực tiếp đến an ninh của Tổ quốc, đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Bí mật của Nhà nước phải được giữ gìn nghiêm ngặt, bất cứ trong trường hợp nào, trong hoàn cảnh nào.

 

Điều 2: Việc giữ gìn bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của mỗi công dân.

Trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, trong các đoàn thể nhân dân, trong các đơn vị quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang, việc giữ gìn bí mật của Nhà nước là một nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, chiến sĩ và trước hết là trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

 

CHƯƠNG II
NHỮNG VẤN ĐỀ THUỘC PHẠM VI BÍ MẬT CỦA NHÀ NƯỚC

 

Điều 3: Những vấn đề về quốc phòng thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước:

1- Các kế hoạch và tài liệu, về động viên lực lượng của các lực lượng vũ trang (toàn quân, các binh chủng, quân chủng, quân khu); các kế hoạch và tài liệu về động viên lực lượng của các lực lượng hậu bị của toàn quốc, của các quân khu, của các tỉnh.

2- Các kế hoạch và tài liệu về xây dựng các lực lượng vũ trang và củng cố quốc phòng; các kế hoạch phòng thủ đất nước và kế hoạch tác chiến của các lực lượng vũ trang.

3- Các kế hoạch và tài liệu về phòng không hậu phương nhằm bảo vệ các thành phố, các trung tâm chính trị, kinh tế, các công trình quốc phòng, các kho vũ khí quan trọng.

4- Các tài liệu tin tức về nơi đóng quân, số lượng binh lính, số lượng vũ khí, đạn dược, các binh khí kỹ thuật, tình hình cung cấp vật chất tài chính, tình hình luyện tập; trình độ chính trị, trình độ kỹ thuật, chiến thuật của các lực lượng vũ trang từ trung đoàn và đơn vị tương đương trở lên, của các lực lượng hậu bị của toàn quốc, của các quân khu, của các tỉnh.

5- Kế hoạch dự trữ và khối lượng dự trữ các loại binh khí kỹ thuật, quân nhu, lương thực và các vật dụng có ý nghĩa quan trọng về quân sự.

6- Các tài liệu: tin tức về các công trình quốc phòng, các đồn, các công sự phòng thủ biên giới, phòng thủ mặt biển, các căn cứ lục quân, hải quân, không quân, phòng không, vị trí bố cục, thiết bị, tác dụng, quy mô và mức độ vững chắc của các công trình này, tình hình các tổ chức, các thiết bị sử dụng cho quốc phòng trong các sân bay, hải cảng.

7- Các bản đồ, sơ đồ, yếu đồ, phim và ảnh chụp các khu vực quân sự và công trình quốc phòng, phim ảnh chụp các hoạt động không công bố của các lực lượng vũ trang, những bản đồ quân sự của cả nước, của các quân khu, cuả các tỉnh và của từng khu vực.

8- Tình hình các tổ chức bảo vệ biên giới, bờ biển, hải phận, không phận của Tổ quốc, kế hoạch công tác của các tổ chức ấy.

9- Các tài liệu về cơ cấu tổ chức, chức trách, biên chế, chế độ công tác và các tài liệu nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy quốc phòng.

10- Các tài liệu về dự toán, quyết toán, chỉ tiêu của ngân sách quốc phòng nói chung và chỉ tiêu của các quân khu binh chủng, quân chủng, sư đoàn và đơn vị khác đã quy định là không được công bố.

 

Điều 4: Những vấn đề về kinh tế thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước:

1- Địa điểm, số liệu về trữ lượng của các mỏ chưa khai thác; địa điểm, số liệu và trữ lượng của các mỏ kim loại quý, hiếm, có chất phóng xạ nguyên tử, và các mỏ kim loại quý, hiếm, đặc biệt về trữ lượng của các mỏ kim loại đen và mầu và các mỏ phi kim loại đang khai thác; chế độ bảo quản sự chuyên chở các kim loại và phi kim loại đó; những tài liệu điều tra cơ bản về địa chất, rừng núi, sông biển; những tài liệu không công bố về khí tượng, trắc hoạ địa lý.

2- Tình hình xây dựng và sản xuất của các xí nghiệp thuộc công nghiệp quốc phòng, kế hoạch và tình hình sản xuất theo yêu cầu quốc phòng của các xí nghiệp thuộc công nghiệp dân dụng. Số lượng, địa điểm dự trữ các vật tư sử dụng cho nhu cầu quốc phòng.

3- Số lượng và tổng công suất của các loại thiết bị; lý lịch, địa điểm, năng suất của các công trình đặc biệt đã xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng.

4- Kế hoạch và số liệu về dự trữ vật tư của Nhà nước; địa điểm và trữ lượng của các kho chứa những loại hàng đặc biệt.

5- Tình hình khả năng và tác dụng của các đường giao thông chiến lược, số liệu tổng hợp, tác dụng của các phương tiện cơ giới và thô sơ về thông tin liên lạc, những điều bí mật về giao thông và bưu điện.

 

6- Những con số tuyệt đối về chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước và những con số tuyệt đối về tình hình thực hiện các chỉ tiêu ấy mà không được phép công bố.

7- Kế hoạch tài chính của Nhà nước (khái quát, dự toán, quyết toán); số liệu tuyệt đối về chi thu tài chính không được phép công bố. Các bảng cân đối sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp, cân đối lao động, cân đối tín dụng, cân đối tài chính, cân đối về tiền mặt, những điều bí mật về tài chính.

8- Kế hoạch tiền tệ, kế hoạch mậu dịch, kế hoạch hải quan của Nhà nước. Số lượng tiền phát hành. Nơi bảo quản và số lượng vàng, bạc và các kim loại quý, hiếm; các điều bí mật về ngân hàng, mậu dịch hải quan.

9- Kế hoạch buôn bán, hợp tác kinh tế với nước ngoài, số liệu và tài liệu về hàng hoá xuất nhập khẩu không được phép công bố; tình hình vốn xuất nhập khẩu, tình hình quỹ ngoại tệ.

 

Điều 5: Những vấn đề khác thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước:

1- Tình hình tổ chức, biên chế, các kế hoạch, tài liệu nghiệp vụ và những điều bí mật của cơ quan Công an .

2- Những tài liệu có liên quan đến những cuộc đàm phán, những hiệp định ký kết giữa nước ta với các nước khác và tất cả những điều bí mật về ngoại giao, ngoại thương mà các cơ quan có thẩm quyền đã quyết định chưa công bố hoặc không công bố.

3- Những sáng chế, phát minh, những công thức cải tiến kỹ thuật, những công tác khảo cứu, thí nghiệm quan trọng trong mọi lĩnh vực quốc phòng, khoa học, kỹ thuật và kinh tế quốc dân mà chưa có quyết định công bố hoặc không được phép công bố.

4- Những điều bí mật về công tác lập pháp, tư pháp, kiểm sát và thanh tra.

5- Những điều bí mật về văn hoá, giáo dục, y tế và y dược.

6- Những điều bí mật về công tác dân tộc.

7- Biên chế, danh sách cán bộ của các cơ quan Nhà nước; cơ cấu tổ chức của những cơ quan mà không được phép công bố.

8- Những hành trình đi lại của các vị lãnh đạo Đảng và của Nhà nước mà chưa được phép công bố hoặc không được phép công bố.

9- Những tài liệu về mật mã, những bản quy định mật ngữ, mật danh, ám hiệu, những quy ước liên lạc bằng vô tuyến điện của các lực lượng vũ trang và của các cơ quan chính quyền và đoàn thể.

10- Những vấn đề khác mà Hội đồng Chính phủ sẽ quyết định là thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước.

 

CHƯƠNG III
KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT

 

Điều 6: Người nào có một trong những thành tích dưới đây sẽ được khen thưởng.

1- Anh dũng bất khuất trước kẻ địch, kiên quyết giữ gìn bí mật của Nhà nước.

2- Không sợ nguy hiểm đến tính mạng, giữ gìn được bí mật của Nhà nước .

3- Tố giác, khám phá kịp thời những việc lợi dụng, lấy cắp, buôn bán bí mật của Nhà nước.

4- Phát hiện kịp thời việc tiết lộ bí mật của Nhà nước, việc mất tài liệu bí mật; kịp thời ngăn chặn tác hại của những việc ấy hoặc tìm ra được những tài liệu đã mất.

5- Có thành tích rõ rệt trong việc tuân theo chế độ giữ gìn bí mật, đồng thời thúc đẩy người khác giữ gìn bí mật của Nhà nước.

 

Điều 7: Người nào phạm vào một trong những tội dưới đây sẽ bị truy tố trước pháp luật:

- Bán, cho, cố ý tiết lộ, bất cứ dưới hình thức nào và bán các tin tức, tài liệu bí mật của Nhà nước cho kẻ địch hoặc cho tay sai của địch.

- Dò xét, mua tin tức, tài liệu bí mật của Nhà nước, cướp, lấy cắp tài liệu bí mật của Nhà nước.

- Lợi dụng bí mật của Nhà nước để đầu cơ trục lợi.

 

Điều 8: Người nào vì sơ suất mà để lộ bí mật của Nhà nước hoặc để mất tài liệu bí mật sẽ tuỳ theo từng trường họp mà bị thi hành kỷ luật hành chính hoặc bị truy tố trước pháp luật.

 

CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 9: Những điều quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

 

Điều 10: Biện pháp cụ thể về việc thi hành Nghị định này sẽ có thông tư quy định riêng.

 

Điều 11: Các ông Bộ trưởng, các ông thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Uỷ ban hành chính các cấp có trách nhiệm thi hành Nghị định này.